“LẼ NÀO LẠI ĂN THUA ĐỦ VỚI DÂN!”

29/06/2013 – 05:26

Tòa tuyên hủy quyết định của ủy ban, sau đó không lâu, ủy ban lại ban hành quyết định mới có nội dung y chang quyết định cũ. Trên số hôm qua (ngày 28-6) có bài “Cố tình “kháng lệnh” án tòa” phản ánh trường hợp cơ quan bị kiện dùng chiêu đối phó với án tòa và hành doanh nghiệp đi kiện kéo dài. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt. Tình trạng người bị kiện sau khi bị tòa tuyên hủy quyết định sai rồi về ra quyết định mới dạng “bình mới rượu cũ” để “đối phó với án tòa” không phải là hiếm. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.


Trong quá trình đi kiện, bà Lê Thị Bảy luôn trang bị thêm kiến thức pháp luật từ báo chí. Ảnh: HY

Bó tay vì quận không thi hành án

Bà Lê Thị Bảy (ngụ phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM) là người thắng kiện trong vụ yêu cầu tòa hủy quyết định bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của UBND quận 2. Khu đất nhà bà Bảy bị thu hồi để phục vụ cho quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Năm 2009, UBND quận 2 ra quyết định bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho bà tổng cộng hơn 300 triệu đồng. Theo quận, đất của bà là đất vườn nên quận chỉ bồi thường 200.000 đồng/m2theo giá đất nông nghiệp.

Cho rằng lẽ ra quận phải bồi thường theo giá đất ở, bà Bảy khởi kiện ra TAND quận 2 yêu cầu hủy quyết định của UBND quận nhưng bị bác. Bà kháng cáo và được TAND TP.HCM chấp nhận, xử hủy quyết định của quận 2. Tòa cho rằng trong phần đất bị thu hồi của bà Bảy có một phần diện tích hơn 108 m2đất thuộc thửa đất với “mục đích để ở”.

Bản án phúc thẩm đã tuyên từ tháng 9-2012 nhưng đến nay đã hơn nửa năm mà UBND quận 2 vẫn chưa chấp hành án. Quyết định cũ của ủy ban vẫn còn sờ sờ ra đó, quyền lợi của bà vẫn chưa được xem xét. Tuy nhiên, điều bà lo lắng nhất là sợ ủy ban quận lại vận dụng chiêu đối phó như trường hợp của ông Lê Văn Danh, anh trai bà.

Thắng kiện cũng như không

Trường hợp anh trai của bà Bảy cũng chỉ được UBND quận bồi thường tổng cộng hơn 255 triệu đồng với giá đất vườn thay vì đất ở. Năm 2011, ông Danh cũng đi kiện, TAND quận 2 xử sơ thẩm bác yêu cầu của ông. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM tuyên hủy quyết định của UBND quận 2 để quận kiểm tra, xác minh lại phần đất ông Danh bị thu hồi có thuộc đối tượng được hỗ trợ thêm, từ đó giải quyết lại việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho phù hợp.

Tháng 3-2012, UBND quận 2 thu hồi và hủy bỏ quyết định cũ theo yêu cầu của tòa án. Ông Danh mừng rỡ vì công sức theo kiện bấy lâu của mình giờ đã có kết quả.

Nhưng rồi sau đó không lâu ông Danh lại méo mặt khi nhận được quyết định mới, cũng của UBND quận 2, về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với ông. Quyết định mới này có đính kèm theo bảng chiết tính, nội dung không sai một dấu phẩy so với bảng chiết tính cũ, kể cả… số hiệu văn bản. “Toàn bộ nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho tôi y chang như nội dung có trong quyết định cũ đã bị hủy. Vậy là gần hai năm trời đi kiện, cuối cùng kết quả cũng như không” – ông Danh kêu trời.

“Thế ông có khởi kiện quyết định mới nữa không?” – chúng tôi hỏi. Chần chừ hồi lâu, ông Danh trả lời ông cũng chưa biết nữa. “Tôi quá mệt mỏi rồi. Bỏ thời gian hầu kiện, những mong khi thắng kiện trắng đen mọi thứ rõ ràng. Không ngờ người ta lại hành xử kiểu này, chẳng khác nào ăn thua đủ với dân. Nếu kiện lần nữa, biết đâu khi thua kiện, ông ủy ban lại “bổn cũ soạn lại” thì sao? Chẳng lẽ pháp luật lại bó tay?” – ông Danh nói.

Phải có cơ chế thực hiện

“Chẳng lẽ pháp luật lại bó tay?”. Một kiểm sát viên VKS TP.HCM cho biết về nguyên tắc, nếu cơ quan, cá nhân phải thi hành án (THA) mà cố tình không chấp hành án hoặc ra quyết định mới trái ngược hoặc vô hiệu hóa án tòa thì việc xử lý hành chính họ sẽ do cấp trên trực tiếp thực hiện. Và ở mức độ nghiêm trọng hơn, nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ do cơ quan điều tra vào cuộc để xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vị kiểm sát viên này cho biết trong Luật Tố tụng Hành chính có Điều 247 quy định về việc xử lý vi phạm trong THA hành chính. “Đây là một quy định mang tính răn đe vì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự cơ quan, tổ chức, cá nhân phải THA mà cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa. Nhưng trên thực tế, chúng ta chưa có cơ chế để làm, ai là người xử lý và đã có ai… dám làm đâu! Chính vì vậy mà việc THA hành chính hiện nay chưa hiệu quả” – vị này nói.

Đồng tình, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm, Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III (VKSND Tối cao), nói cần sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hóa điều luật này như việc xử lý thế nào, thẩm quyền xử phạt sao…, có như thế điều luật mới phát huy tính hiệu quả trong thực tế. skhông phải là hiếm. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.

Cần có luật về THA hành chính

Luật Tố tụng Hành chính quy định tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp của các loại quyết định, hành vi hành chính, từ đó sẽ quyết định bác hay chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện. Điều 241 của luật này quy định rõ các trường hợp bản án, quyết định của tòa có hiệu lực buộc các bên trong vụ kiện phải THA. Nhưng khác với án hình sự hay dân sự (tuyên rõ buộc bên nào phải thi hành thế nào), trong án hành chính tòa chỉ nhận định quyết định hay hành vi của bên bị kiện có hợp pháp hay không, nếu không thì tòa chỉ tuyên hủy và lập luận vì sao không hợp pháp.

Nếu không nghiên cứu kỹ luật này sẽ thấy việc THA còn mơ hồ. Nhưng đối chiếu Điều 243 về việc thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của tòa theo quy định tại Điều 241 là rất cụ thể. Ví dụ: Trường hợp bản án, quyết định của tòa đã tuyên bố hành vi hành chính là trái pháp luật thì người phải THA phải đình chỉ thực hiện hành vi hành chính đó kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của tòa án. Hay trường hợp bản án, quyết định của tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của tòa để thi hành…

Nói rõ ra để thấy khi tòa tuyên án chỉ là hủy hay xác định hành vi hành chính đó sai thì kèm theo đó luật đã định rõ các bên trong vụ kiện có trách nhiệm THA thế nào. Quay trở lại các trường hợp báo đã đề cập thì khi tòa đã tuyên hủy quyết định hành chính của bên bị kiện thì bên bị kiện không thể ra quyết định có nội dung y như cũ được. Bởi như thế là trái luật, trái với quyết định của tòa. Khi vi phạm, họ có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, tôi mong cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về THA hành chính (theo điểm a khoản 2 Điều 246 Luật Tố tụng Hành chính) nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước trong việc THA hành chính để không còn tồn tại các vướng mắc như thực tế trên.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, chuyên gia án hành chính,
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Hoàng Yến

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH CÓ HIỆU LỰC TỪ 1-7

2/07/2013 – 07:30

Tạm áp dụng mức phạt cũ Theo kế hoạch thì Chính phủ phải ban hành hơn 50 nghị định quy định chi tiết nhưng thời gian ngắn quá nên không làm kịp.

Từ 1-7, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) bắt đầu có hiệu lực thi hành với những quy định mới có nhiều thay đổi so với Pháp lệnh XLVPHC trước đây. Tuy nhiên, hiện Chính phủ vẫn chưa ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật này, gây lo ngại việc XLVPHC sẽ bị “vô hiệu hóa” trong khoảng thời gian chờ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật mới. Các địa phương cũng đang lúng túng chưa rõ giai đoạn giao thời này sẽ tạm áp dụng quy định mới hay cũ. Pháp Luật TP.HCM trao đổi với bàNguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp, xung quanh vấn đề này.

Có khoảng trống pháp lý

. Phóng viên:Từ 1-7, việc XLVPHC sẽ thực hiện ra sao trong khi chưa có văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của luật này?

+ Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Trước hết, phải khẳng định kể từ 1-7, Luật XLVPHC đã có hiệu lực thi hành thì việc XLVPHC phải thực hiện theo luật này. Luật có tới 142 điều với rất nhiều nội dung, trong đó Quốc hội chỉ ủy quyền Chính phủ quy định cụ thể một số nội dung về: Hành vi vi phạm và mức phạt tương ứng; chế độ áp dụng các biện pháp XLVPHC, chứng từ thu tiền phạt; thi hành quyết định hành chính đối với người bị xử phạt chết, mất tích…

Hiện có khoảng trống pháp lý do chưa ban hành các quy định mới nên Bộ Tư pháp đã có đề xuất tạm áp dụng các quy định hiện hành mà không trái với Luật XLVPHC trong giai đoạn chuyển tiếp. Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản cụ thể về việc thi hành luật này, trong đó sẽ có giải pháp cụ thể giải quyết những vướng mắc đặt ra. Còn về các vấn đề cơ bản của luật như thẩm quyền phạt, các hình thức xử phạt, các hình thức khắc phục hậu quả, trình tự thủ tục xử phạt, thẩm quyền tạm giữ người; thẩm quyền khám nơi cất giấu phương tiện vi phạm; các điều kiện miễn, hoãn nộp tiền phạt… đều áp dụng trực tiếp các quy định trong luật nên không có vướng mắc phải chờ đợi thêm văn bản hướng dẫn nào cả.

Lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về trật tự lòng lề đường. Ảnh: HTD

Thậm chí một số quy định có lợi cho người vi phạm đã sớm được áp dụng trước, ngay từ khi luật được thông qua (không cần chờ đến 1-7 luật có hiệu lực) như: không áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh; không áp dụng biện pháp đưa đi trường giáo dưỡng với trẻ 12-14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do vô ý; không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với trẻ 12-14 tuổi nhiều lần trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng.

. Có tiền lệ nào về cách giải quyết khoảng trống pháp lý trong giai đoạn chuyển tiếp không, thưa bà?

+ Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta phải giải quyết vấn đề này mà thực tế, cách làm này đã được áp dụng trong quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh XLVPHC năm 2002. Cụ thể, tại thời điểm pháp lệnh có hiệu lực vào 1-10-2002 chưa có nghị định mới nào được ban hành theo tinh thần Pháp lệnh 2002. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Chỉ thị số 20/2002/CT-TTg về việc tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh XLVPHC năm 2002. Theo đó, “các quy định pháp luật về XLVPHC được ban hành trước khi Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 có hiệu lực mà không trái với quy định của pháp lệnh này thì vẫn tiếp tục được thi hành cho đến khi có văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế”.

Thời gian quá ngắn nên chậm trễ

. Vì sao tiến độ các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC lại chậm trễ gây ra khoảng trống pháp lý?

+ Luật XLVPHC có nội dung phức tạp, nhiều điểm mới so với Pháp lệnh XLVPHC, các hành vi vi phạm đa dạng, phức tạp, liên quan đến tất cả lĩnh vực của đời sống. Trước đây, để có thời gian xây dựng các nghị định, Chính phủ từng đề nghị Quốc hội về thời điểm có hiệu lực là sau 18 tháng công bố luật. Tuy nhiên, sau cùng thời điểm luật có hiệu lực được chốt như hiện nay nên thời gian soạn thảo các nghị định lại quá ngắn (chỉ trong khoảng 10 tháng), rồi còn phải tổ chức lấy ý kiến đối tượng bị tác động, thẩm định nên tiến độ ban hành có chậm trễ.

Một nguyên nhân quan trọng khác là qua thẩm định thì một số dự thảo phải chỉnh lý vì còn nhiều hạn chế, bất cập về các nội dung như mô tả hành vi VPHC; một số hành vi bị xử phạt không hợp lý; quy định mức phạt tiền cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, thu nhập của người dân; nhiều quy định thiếu tính khả thi… Nhất là hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm được quy định khá phổ biến mà không căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm đã làm ảnh hưởng tính hợp lý, khả thi của nghị định, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh tiến độ thì việc bảo đảm chất lượng vô cùng quan trọng.

. Xin cảm ơn bà.

Người vi phạm có lợi hơn

Dự kiến đến tháng 9-2013, hơn 50 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC mới được ban hành và có hiệu lực. Về cơ bản, kể từ 1-7 các quy định của Luật XLVPHC đã có hiệu lực thi hành. Chỉ riêng quy định cụ thể về các hành vi vi phạm và mức phạt tương ứng, Bộ Tư pháp đã đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng quy định hiện hành mà không trái với tinh thần của Luật XLVPHC trong khoảng thời gian chờ các nghị định mới. Nhìn chung, mức phạt quy định hiện hành thấp hơn so với trong dự thảo các nghị định sẽ ban hành sắp tới nên áp dụng giải pháp này đối với người vi phạm cũng sẽ có lợi cho họ hơn.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp HOÀNG THẾ LIÊN

BÌNH MINH

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

TÒA THỤ LÝ NHẦM?

02/07/2013 – 06:20

Việc một tòa án thụ lý yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thành vụ án dân sự với đầy đủ hai bên nguyên, bị đơn đã phát sinh nhiều tranh cãi. Hậu quả pháp lý giữa việc tòa nhầm việc dân sự với vụ án dân sự khác nhau ra sao?

Ngày 21-12-2012, TAND TP Nha Trang đã thông báo thụ lý vụ tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu giữa ông H. (nguyên đơn) và ông N. (bị đơn).

Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Theo hồ sơ khởi kiện của ông H., trước đây ông N. có vay tiền của ông nhưng không trả. Đầu năm 2009, ông H. từng khởi kiện ông N. tại TAND TP Nha Trang. Trong quá trình tòa giải quyết, ông và ông N. thỏa thuận được với nhau nên tháng 1-2009, tòa đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự, nội dung là ông N. đồng ý trả nợ cho ông H. 454 triệu đồng.

Sau khi quyết định trên có hiệu lực pháp luật, ông H. yêu cầu thi hành án nhưng ông N. không chịu trả nợ. Cơ quan thi hành án dân sự xác minh thì được biết vào tháng 12-2008 (một tháng trước khi tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự), ông N. đã lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế của cha để lại. Văn bản này được công chứng tại Phòng Công chứng số 1 của tỉnh Khánh Hòa.

Cho rằng văn bản phân chia tài sản thừa kế có công chứng mà ông N. lập ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, ông H. đã khởi kiện yêu cầu TAND TP Nha Trang tuyên bố văn bản này vô hiệu.

Là việc dân sự

Cho đến nay vụ kiện này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do các bên đương sự không hợp tác, mặt khác cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc tòa có nhầm lẫn hay không khi thụ lý thành vụ án dân sự.

Ở vụ việc nói trên, quan hệ tranh chấp về hợp đồng vay tiền giữa ông H. và ông N. đã được giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực từ tháng 1-2009 của tòa án. Vì vậy, quyền lợi của ông H. được giải quyết theo thủ tục thi hành án. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng ông N. có giao dịch dân sự và công chứng trái pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của mình thì ông H. có quyền yêu cầu tòa tuyên bố văn bản công chứng đó vô hiệu.

Theo khoản 6 Điều 26 BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là việc dân sự (không có tranh chấp, không có bị đơn). Do đó, TAND TP Nha Trang đã làm nhiều người ngạc nhiên khi thụ lý thành vụ án dân sự (có tranh chấp với đầy đủ hai bên nguyên, bị).

Hậu quả pháp lý ra sao?

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), hậu quả pháp lý giữa việc tòa thụ lý, giải quyết việc dân sự và thụ lý, giải quyết vụ án dân sự là hoàn toàn khác nhau. Sự khác nhau đó biểu hiện ở các điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, nếu là việc dân sự thì thời gian giải quyết của tòa sẽ nhanh hơn rất nhiều so với vụ án dân sự. Thứ hai, nếu là việc dân sự thì thủ tục sẽ đơn giản, gọn nhẹ hơn rất nhiều so với vụ án dân sự (không phải qua khâu hòa giải, không phải mở phiên tòa…). Thứ ba, việc tòa thụ lý nhầm làm biến đổi bản chất vụ việc, biến chuyện đơn giản thành phức tạp, biến cái không tranh chấp thành cái có tranh chấp, tạo ra xung đột trong xã hội. Chưa kể, nếu là việc dân sự thì đương sự chỉ phải đóng lệ phí cố định 200.000 đồng, còn là vụ án thì phải đóng án phí theo % giá trị tranh chấp.

Nói chung, theo TS Tiến, nếu tòa thụ lý nhầm việc dân sự thành vụ án dân sự thì các đương sự sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại cả về thời gian, công sức lẫn tiền bạc.

Phân biệt ra sao?

Dấu hiệu pháp lý cơ bản nhất để phân biệt việc dân sự với vụ án dân sự là yếu tố có tranh chấp hay không.

Cụ thể, việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan tổ chức không có tranh chấp nhưng có yêu cầu tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó (cơ sở pháp lý là các điều 26, 28, 30, 32 và 311 BLTTDS). Ví dụ như yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, yêu cầu tuyên bố một người mất tích…

Còn vụ án dân sự là các tranh chấp xảy ra giữa các đương sự mà theo quy định của BLTTDS thì cá nhân, cơ quan, tổ chức tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (cơ sở pháp lý là các điều 25, 27, 29 và 31 BLTTDS). Ví dụ các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về hợp đồng dân sự…

H.HÀ – T.TÙNG

(Nguồn: Báo pháp luật Tp.HCM)

CON NUÔI THỰC TẾ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ ĐẾN 2015

02/07/2013 – 04:05

SỞ TƯ PHÁP TP.HCM GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

Con nuôi thực tế được đăng ký đến 2015 Nhiều bạn đọc quan tâm, đặt câu hỏi về việc nhận con nuôi, ghi chú sổ đăng ký khai sinh, làm phiếu lý lịch tư pháp…

Ngày 1-7, tại báo Pháp Luật TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM đã giao lưu trực tuyến với người dân về các thủ tục hành chính hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp.

Bà Ung Thị Xuân Hương (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết buổi giao lưu nhằm thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân hiểu rõ hơn các thủ tục hành chính, các văn bản pháp luật, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

Bạn đọc có thể xem chi tiết nội dung giao lưu tại địa chỉ www.phapluattp.vn.

Không muốn ghi chú “Trẻ bị bỏ rơi”

Thực tế tồn tại tâm lý không muốn người con nuôi là con rơi tủi thân về nguồn gốc của mình, nhiều cha mẹ xóa dấu tích về quan hệ nuôi giữa cha mẹ-con. Bạn đọc T. (Bình Chánh, TP.HCM) lo lắng: “Vợ chồng tôi mới nhận một trẻ bỏ rơi làm con nuôi. Khi đi khai sinh cho cháu, tôi thấy trong sổ đăng ký khai sinh của cán bộ hộ tịch có ghi chú là “Trẻ bị bỏ rơi”. Phần ghi về cha mẹ được ghi chú là “Cha, mẹ nuôi”. Vợ chồng tôi rất thương cháu bé, xem cháu bé như con mình đẻ ra, không muốn sau này lớn lên cháu tìm hiểu và biết mình bị bỏ rơi. Chúng tôi nói với cán bộ hộ tịch đừng ghi như vậy nhưng cán bộ giải thích đó là quy định bắt buộc. Xin cho hỏi chúng tôi có được quyền yêu cầu không ghi chú gì trong sổ đăng ký khai sinh không?”.

Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM và các phòng nghiệp vụ trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: TM

Ông Nguyễn Văn Vũ (Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết cán bộ hộ tịch ghi chú như vậy là đúng. Khoản 3, 4 Điều 16 Nghị định 158 (năm 2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch của Chính phủ) quy định khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”. Tuy nhiên, ông Vũ khuyên người dân không nên lo lắng vì mọi thông tin về nhân thân đứa trẻ được giữ bí mật.

Chưa đăng ký con nuôi thì sao?

Bạn đọc có tên HA hỏi rằng bà nhận một người làm con nuôi từ lúc mới lọt lòng, đến nay con 20 tuổi. Nay vì hoàn cảnh riêng, bà muốn giao con cho người em gái nhận làm con nuôi nhưng không rõ thủ tục ra sao.

Ông Nguyễn Văn Vũ khẳng định trường hợp này không thể làm thủ tục giao nhận con nuôi. Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi, người được nhận làm con nuôi phải dưới 18 tuổi. Con của bà HA đã quá độ tuổi quy định. Ngoài ra, hiện tại chưa có quy định về việc nhận con nuôi của người khác làm con nuôi của mình.

Cũng liên quan đến con nuôi, bạn đọc Hạ Vy hỏi rằng bà nuôi con nuôi mấy chục năm về trước nhưng không làm giấy tờ gì để chứng minh quan hệ mẹ-con, nay muốn làm giấy tờ nhìn nhận quan hệ mẹ con nuôi cho rõ ràng thì phải làm sao.

Ông Vũ giải thích Luật Nuôi con nuôi quy định việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày luật này có hiệu lực (ngày 1-1-2011) mà chưa đăng ký thì được đăng ký trong thời hạn năm năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực. Để được chấp nhận, các bên phải đáp ứng các điều kiện như hiện tại quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau… Nếu đáp ứng được các điều kiện, bà nên liên hệ UBND xã nơi thường trú để đăng ký chậm nhất là ngày 31-12-2015.

Chỉ cấp phiếu lý lịch tư pháp bằng tiếng Việt

Vấn đề thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng được nhiều người dân đặt câu hỏi. Bạn đọc PA nêu băn khoăn không biết có thể xin cấp phiếu lý lịch tư pháp bằng tiếng Anh và Hoa được không vì phải nộp cho công ty nước ngoài.

Ông Hồng Văn Hải (Trưởng phòng Lý lịch tư pháp – Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết tất cả phiếu lý lịch tư pháp cấp cho công dân đều ghi tiếng Việt. Công dân có nhu cầu sử dụng phiếu bằng tiếng của nước nào thì phải thông qua dịch thuật để có bản dịch. Để tạo điều kiện cho người dân đỡ đi lại nhiều lần, tại sở có một quầy tiếp nhận dịch thuật và chuyển phát bản dịch đến tận nhà.

Cùng mối quan tâm, bà Nguyễn Thị L. thắc mắc cha mẹ có thể đi làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp để bổ sung hồ sơ du học cho con (đang ở bên Pháp) được không, lệ phí là bao nhiêu?

Dẫn quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp, ông Hải giải thích cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền. Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với học sinh, sinh viên được giảm hơn bình thường, tức 100.000 đồng/lần/người. Để xác định người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc đối tượng là học sinh, sinh viên, phải xuất trình thẻ học sinh, thẻ sinh viên hoặc giấy xác nhận của cơ sở giáo dục, đào tạo (nơi người con đang học tập).

Tháng 7-2013, giao lưu về thừa phát lại

Bà Ung Thị Xuân Hương (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết thời gian tới, sở sẽ tiếp tục giao lưu trực tuyến về các nội dung khác như giới thiệu những văn bản pháp luật mới có liên quan trực tiếp với người dân, các nội dung liên quan đến Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa có hiệu lực, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính… Cụ thể trong tháng 7 này, sở dự định sẽ tổ chức giao lưu với bạn đọc về những vấn đề liên quan đến chế định thừa phát lại mà TP đang tiếp tục thí điểm.

THANH MẬN lược ghi

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

TRỰC TUYẾN VỀ CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH, LÝ LỊCH TƯ PHÁP

01/07/2013 – 08:17

Bạn có gặp vướng mắc gì khi đi làm khai sinh, hộ khẩu, bảo hiểm y tế cho con, em mình? Bạn có gặp khó khăn gì khi đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (như: đăng ký kết hôn, đăng ký nhận cha mẹ con, ghi chú kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân)? Bạn đang có nhu cầu được xác nhận có quốc tịch Việt Nam, xác nhận là người gốc Việt Nam hoặc muốn được cấp phiếu lý lịch tư pháp?

9g hôm nay, ngày 1-7-2013 , Sở Tư pháp TP.HCM giao lưu trực tuyến về các thủ tục hành chính hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp. Mời bạn đọc đặt câu hỏi và theo dõi  tại đây
Đến dự có:

  • Bà UNG THỊ XUÂN HƯƠNG, GĐ Sở Tư pháp TP. HCM
  • Bà LÊ THỊ BÌNH MINH, Phó GĐ Sở Tư pháp TP. HCM
  • Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM
  • Ông HỒNG VĂN HẢI, Trưởng phòng lý lịch Tư pháp – Sở Tư Pháp TP.HCM

Bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đồng thời nhằm tăng cường giao lưu trực tiếp với người dân giúp người dân hiểu rõ hơn các thủ tục hành chính, các văn bản pháp luật, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, Sở Tư pháp TPHCM tổ chức  giao lưu trực tuyến với bạn đọc thông qua Báo Pháp Luật TP.HCM.

Đây là buổi đầu tiên thực hiện nội dung này, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục giao lưu trực tuyến về các nội dung khác như giới thiệu những văn bản pháp luật mới có liên quan trực tiếp với người dân. Ví dụ như Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa có hiệu lực, các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính… Rất mong bạn đọc quan tâm theo dõi và góp ý để chương trình sát sườn, thiết thực hơn.

Hà Anh – 20 tuổi haanhquan@yahoo.com

Tôi có nhận một người làm con nuôi từ lúc mới lọt lòng, đến nay con tôi đã được 20 tuổi. Nay, tôi đi nước ngoài sống cùng gia đình theo diện đoàn tụ, không đưa con theo được. Gia đình tôi bàn bạc với nhau và quyết định tôi sẽ giao con của tôi cho người em gái tôi ở trong nước nhận làm con nuôi, con tôi cũng đồng ý. Tôi băn khoăn không biết luật có cho phép giao con nuôi cho người khác nhận làm con nuôi trong trường hợp này không, thủ tục như thế nào?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Điều 8 Luật Nuôi con nuôi quy định về người được nhận làm con nuôi: theo quy định này, trẻ em dưới 16 tuổi được nhận làm con nuôi, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được nhận làm con nuôi trong trường hợp được cha dượng, mẹ kế hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Theo thông tin do Ông/Bà cung cấp, hiện con nuôi của Ông/Bà đã được 20 tuổi nên đã ngoài độ tuổi pháp luật cho phép được nhận làm con nuôi. Ngoài ra, hiện tại pháp luật về nuôi con nuôi chưa có quy định về việc nhận con nuôi của người khác làm con nuôi của mình.

Hạ Vy – havy@yahoo.com

Năm 1993, tôi có nhận nuôi một đứa con trai nuôi 13 tuổi. Hiện giờ, nó đã lấy vợ và có con nhưng vẫn sống chung nhà chăm sóc, phụng dưỡng tôi. Thế nhưng tôi và đứa con nuôi này không có bất cứ giấy tờ gì hết để chứng minh mối quan hệ mẹ con này mà chỉ nhận nuôi bằng miệng. Bây giờ tôi cũng lớn tuổi và có chút ít tài sản nên muốn làm giấy tờ nhìn nhận quan hệ mẹ con nuôi cho rõ ràng thì phải liên hệ ở đâu và làm giấy tờ gì?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Khoản 1, Điều 50 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.”

Như vậy, nếu đáp ứng được các điều kiện nên trên, thì kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 (ngày Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực) đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 Ông/Bà có thể liên hệ Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của Ông/Bà để nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế. Hồ sơ bao gồm:

– Tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế (mẫu Mẫu TP/CN-2011/CN.03); trong Tờ khai cần ghi rõ ngày, tháng, năm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi trên thực tế, có chữ ký của ít nhất hai người làm chứng.

– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của người nhận con nuôi;

– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi;

– Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn của người nhận con nuôi, nếu có;

– Giấy tờ, tài liệu khác để chứng minh về việc nuôi con nuôi, nếu có.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2278/KH-UBND ngày 23/5/2012 đăng ký nuôi con nuôi thực tế. Những gia đình có nuôi con nuôi thực tế mà đủ điều kiện nêu trên thì nên đi đăng ký trước ngày 31/12/2015 để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi.

Bà Trần Thị Tuyết – Xã Phạm Văn Hai , Huyện Bình Chánh TP. HCM

Vợ chồng tôi mới nhận một trẻ bỏ rơi làm con nuôi. Khi đi khai sinh cho cháu, tôi thấy trong sổ đăng ký khai sinh của cán bộ hộ tịch có ghi chú là “trẻ bị bỏ rơi”, phần ghi về cha, mẹ được ghi chú là “cha, mẹ nuôi”. Vợ chồng tôi rất thương cháu bé, xem cháu bé như con mình đẻ ra, không muốn sau này lớn lên cháu tìm hiểu và biết mình bị bỏ rơi. Do vậy, vợ chồng tôi đã nói với cán bộ hộ tịch đừng ghi như vậy nhưng cán bộ giải thích đó là quy định bắt buộc. Xin cho hỏi chúng tôi có được quyền yêu cầu không ghi chú gì trong phần sổ đăng ký khai sinh của cán bộ hộ tịch không?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Khoản 3, 4 Điều 16 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: “3. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “trẻ bị bỏ rơi”. Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”; nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.

4. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh, thì việc lập biên bản và thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em cũng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được, thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là  ngày 01 tháng 01 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “trẻ bị bỏ rơi”.”

Căn cứ theo quy định trên thì việc cán bộ hộ tịch đã giải thích với Ông Bà là đúng quy định của pháp luật.

Phương Thị Tuyền – phuongthituyen_17181@yahoo.com.vn

Tôi năm nay 30 tuổi, gần đây tôi mới biết người cha thực sự của tôi là người hàng xóm với gia đình tôi, tức ông Đinh Trần Q. (đã mất). Tôi rất muốn làm thủ tục nhận cha cho con với ông Q. nhưng chưa biết phải làm những bước nào. Xin nhờ cán bộ hướng dẫn giúp?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định con có quyền nhận cha của mình kể cả trong trường hợp cha mẹ đã chết. Khoản 8 Điều 1 Nghị định 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ quy định người con đã thành niên cũng được làm thủ tục nhận cha mẹ trong trường hợp cha mẹ đã chết nếu việc nhận cha mẹ là tự nguyện, không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ. Về thủ tục xin nhận cha con, Ông/Bà có thể căn cứ vào trường hợp cụ thể của mình để tham khảo trên Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn.

Nguyễn Văn Bình – Ninh Bình

Trong một lần sơ ý, con trai bảy tuổi của tôi làm đổ mực lên tờ giấy khai sinh (bản gốc) của cháu. Tôi muốn xin lại bản chính giấy khai sinh cho con thì phải làm sao?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì “Trong trường hợp bản chính Giấy khai sinh bị mất, hư hỏng …mà Sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được, thì được cấp lại bản chính Giấy khai sinh”. Theotrình bày thì trường hợp bản chính Giấy Khai sinh con của Ông/Bà có thể được cấp lại, Ông/Bà liên hệ với Phòng Tư pháp của Ủy ban nhân dân quận – huyện nơi lưu trữ sổ đăng ký khai sinh của con Ông/Bà để thực hiện thủ tục cấp lại bản chính Giấy khai sinh. Trong trường hợp không còn sổ bộ khai sinh, Ông/Bà có thể thực hiện thủ tục đăng ký lại việc sinh.

Về thủ tục cấp lại bản chính Giấy khai sinh, Ông/Bà cầnnộp Tờ khai (theo mẫu quy định), bản chính Giấy khai sinh cũ và xuất trình các giấy tờ  tùy thân của Ông/Bà.

 

Ông Hồng Văn Hải (giữa) đang trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Huyền Vi

Nguyễn Văn Phú Tâm –  Bình Thuận

Tôi có hộ khẩu ở tỉnh Ninh Bình nhưng đã vào Bình Dương làm công nhân tám năm. Nay tôi lấy vợ ở đây thì cán bộ buộc tôi phải về UBND xã nơi tôi có hộ khẩu thường trú để xác nhận tình trạng hôn nhân. UBND xã này chỉ xác nhận cho tôi trong khoảng thời gian tôi còn ở quê là chưa kết hôn với ai còn khoảng thời gian tám năm tôi đi làm công nhân thì bỏ trống. Với xác nhận này thì UBND xã quê vợ tôi không cho đăng ký kết hôn. Tôi phải làm sao đây?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Khoản 1 Điều 66 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đó”. Theo nội dung Ông trình bày thì Ông có Hộ khẩu ở tỉnh Ninh Bình, do đó UBND cấp xã nơi Ông có Hộ khẩu thường trú có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân kể cả đối với thời gian Ông tạm trú tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo quy định của Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp thì đối với người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của họ và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.

Quỳnh như Huyền – Quynhnhuhuyen_10877@yahoo.com.vn

Tôi được UBND xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn với ông H. (Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau đó, chúng tôi lục đục nên hoãn chuyện cưới xin. Tám tháng sau chúng tôi làm hòa và đi đăng ký kết hôn thì giấy xác nhận này đã hết hiệu lực. Khi tôi về UBND xã Phạm Văn Hai xin xác nhận tình trạng hôn nhân lại thì cán bộ buộc tôi nộp lại giấy xác nhận cũ. Yêu cầu này có đúng hay không?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ,  Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại điểm g mục 2 phần II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì “Khi đương sự yêu cầu xác nhận lại tình trạng hôn nhân trong Tờ khai đăng ký kết hôn do xác nhận trước đó đã hết thời hạn sử dụng, thì phải nộp lại Tờ khai đăng ký kết hôn cũ…”. Do đó, yêu cầu của cán bộ hộ tịch xã Phạm Văn Hai trong trường hợp nêu trên là đúng quy định pháp luật.

Trần Văn Tiến, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.Năm 1992, tôi bị xử án tù hai năm và tôi đã ở tù xong tới nay không có phạm tội gì khác. Nay tôi đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp thì trong phiếu này có ghi tội danh và thời gian ở tù của tôi hay không?  Ông HỒNG VĂN HẢI- Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:Câu hỏi của ông thiếu cụ thể nên tôi xin đưa 2 hướng trả lời như sau:- Năm 1992, ông bị Tòa án nhân dân xử án hai năm tù nhưng không nói rõ tù giam hay treo (Trong câu hỏi có đặt vấn đề ở tù xong thì có thể hiểu là tù giam), bị kết án về tội gì, ngày tháng năm Tòa tuyên án, trách nhiệm dân sự (nếu có), án phí ….

Theo cách tính của Điều 67 của bộ luật hình sự, thời điểm chấp hành xong bản án cộng thêm ba năm không phạm tội mới thì đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích (theo Điều 64 Bộ luật Hình sự) nếu không mắc các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, ông được quyền yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân đã xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận đã được xóa án tích (theo Điều 270 của Bộ luật tố tụng hình sự).

-Khi được cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì phiếu lý lịch tư pháp số 1 của ông mục tình trạng án tích ghi “không có án tích”. Nếu ông yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì mục tình trạng án tích ghi “không có án tích” nhưng có thể hiện thông tin về bản án mà ông đã thi hành xong và ghi chú thông tin về việc đã được xóa án tích.

Tunguyen_12686@yahoo.com

Con gái tôi lấy chồng Hàn Quốc (có đăng ký kết hôn ở Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu). Nay nó trốn chồng về nước và ở lại Việt Nam được trên bốn năm. Giờ con gái tôi đã làm đám cưới với chồng mới và sắp có con nhưng cán bộ xã nói là không làm giấy tờ kết hôn được vì con gái tôi chưa ly hôn chồng Hàn Quốc. Hiện giờ, con gái tôi cũng không biết địa chỉ chồng nó ở đâu và chồng cũ nó cũng bặc tâm luôn. Vậy con gái tôi làm sao mới đăng ký kết hôn được với chồng mới để làm giấy khai sinh cho con?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì một trong những trường hợp bị cấm kết hôn là “người đang có vợ hoặc có chồng”. Trường hợp nêu trên con gái của Ông/Bà tuy không còn chung sống với chồng người Hàn Quốc nhưng vẫn còn tồn tại quan hệ vợ chồng theo quy định pháp luật. Do đó, con gái Ông/Bà cần liên hệ Tòa án nhân dân cấp tỉnh để được hướng dẫn thủ tục ly hôn. Sau khi ly hôn thì con gái Ông/Bà mới có thể đăng ký kết hôn với người khác.

Oanhhoang_11976@yahoo.com.vn

Chúng tôi đã nộp đủ hồ sơ đăng ký kết hôn cho UBND xã. Nếu đến ngày hẹn ký giấy đăng ký kết hôn mà anh ấy vẫn chưa về kịp (do đi công tác đột xuất) thì tôi xin hoãn ngày này lại được không hay phải làm thủ tục lại từ đầu?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Hiện nay, pháp luật chưa quy định thời hạn hai bên nam, nữ đăng ký kết hôn trong nước phải có mặt để ký và nhận Giấy Chứng nhận kết hôn tại UBND cấp xã. Do đó, bà và người dự định kết hôn cần sắp xếp thời gian sớm nhất kể từ ngày hẹn để đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã nộp hồ sơ để ký và nhận Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc nên chủ động đến UBND xã nơi đã nộp hồ sơ để trình bày và xin lịch hẹn khác.

Tranthiphuonganh_1972@yahoo.com

Do phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho công ty nước ngoài nên tôi có thể xin cấp phiếu này bằng tiếng Anh và Hoa được không?

Ông HỒNG VĂN HẢI – Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Biểu mẫu phiếu lý lịch tư pháp ban hành kèm theo Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27/06/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (chữ tiếng Việt Nam) không có tiếng nước ngoài.

Do vậy, phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý lý lịch tư pháp cấp cho công dân điều ghi tiếng Việt, và công dân có nhu cầu sử dụng phiếu bằng tiếng của nước nào thì dịch sang tiếng của nước mà mình giao dịch.

Nếu không có điều kiện đi lại nhiều lần thì ông, bà có thể đăng ký dịch vụ: dịch thuật và chuyển phát kết quả tận nhà (ngay khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở) mà không cần phải đến Sở Tư pháp nhận kết quả phiếu lý lịch tư pháp rồi đi dịch thuật.

minhtan@gmail.com

Năm 2001, anh trai tôi đã định cư ở nước ngoài nhưng anh ấy muốn được cấp phiếu lý lịch tư pháp cho khoảng thời gian anh ấy sống ở Việt Nam để bổ sung hồ sơ thì liên hệ ở đâu để được giải quyết (trước đây anh tôi sống ở Bà Rịa-Vũng Tàu)?

Ông HỒNG VĂN HẢI – Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 45 của Luật lý lịch tư pháp, công dân Việt Nam hiện đang cư trú ở nước ngoài yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh.

Thủ tục gồm có:

Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (theo mẫu) và kèm theo các giấy tờ sau:

  • Bản chụp chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu
  • Bản chụp Sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú. Như vậy, thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này là Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nguyễn Thị Thúy Kiều – Khu phố 4, P. Bình An Quận 2

Cha, mẹ tôi lấy nhau từ năm 1980 và có bốn đứa con. Thực tế là cha, mẹ tôi chưa có giấy đăng ký kết hôn. Họ chỉ được ghi nhận là vợ chồng trong sổ hộ khẩu gia đình và trong giấy khai sinh của bốn anh chị em tôi. Nay nếu cha, mẹ xin cấp giấy đăng ký kết hôn được không?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Theo quy định tại điểm a mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình thì“Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn…”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 và Điều 3 của Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình thì “Việc đăng ký kết hôn đối với những trường hợp này không bị hạn chế về thời gian” và “Quan hệ hôn nhân của những người đăng ký kết hôn…được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ vợ chồng hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế…”. Do đó, cha mẹ của ông/bà có thể liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang cư trú để đăng ký kết hôn.

Phạm Thị Thúy – Phường 13 Q. 6

Trước đây con trai tôi có quốc tịch Hoa Kỳ (chồng tôi là Việt kiều). Nay tôi đã ly hôn chồng và hai mẹ con tôi trở về Việt Nam sinh sống được hơn sáu tháng. Tôi muốn con tôi được mang quốc tịch Việt Nam theo mẹ thì có được không? nếu được thì tôi phải làm thủ tục gì, liên hệ ở đâu?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Theo trình bày của Bà thì con trai Bà đã có quốc tịch Hoa Kỳ. Nay Bà muốn con Bà được mang quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam.Để nhập quốc tịch Việt Nam thì con của Bà phải đủ 18 tuổi trở lên mới có thể đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam vì điểm a, khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam là “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…” và Điều 18 của Bộ luật có quy định “người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên…”.

phamvanphuong17261@gmail.com

Tôi là người Việt Nam vượt biên năm 1976 và đã có quốc tịch Hoa Kỳ. Hiện giờ tôi đang sống và làm việc tại Việt Nam. Tôi muốn về Việt Nam ở luôn nên tôi có thể xin trở lại quốc tịch Việt Nam được không?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”. Do đó, nếu Ông/Bà chưa mất quốc tịch Việt Nam thì có thể liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ trước ngày 01/7/2014 để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Hết thời hạn này nếu Ông/Bà không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì mất quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp Ông/Bà đã thôi quốc tịch Việt Nam hoặc có nhưng không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định mà muốn có lại quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật. Ông/Bà có thể liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ để tìm hiểu về thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và xem trên Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ http://www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn để tìm hiểu về thủ tục xin trở lại quốc tịch Viện Nam.

Nguyễn Văn Tám – Cư xá Thanh Đa, Phường 27 Q. Bình Thạnh

Người quen của tôi đã định cư và có quốc tịch nước ngoài nhưng họ không đăng ký từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Nếu vậy họ có phải đăng ký giữ lại quốc tịch hay đương nhiên là họ vẫn còn quốc tịch Việt Nam?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch – Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”. Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện đến hết ngày 01/7/2014. Hết thời hạn này, nếu người quen của Ông//Bà chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì mất quốc tịch Việt Nam.

phamvu1978_22@yahoo.com

Em gái tôi là học sinh và em ấy có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì có được miễn lệ phí này không?

Ông HỒNG VĂN HẢI – Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Điều 2 Thông tư số 174/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 quy định: “Đối tượng được miễn lệ phí” bao gồm:

– Người thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

– Người cư trú tại xã đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

Điều 3 Thông tư số 174/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 quy định: Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ. Mức thu: 100.000 đồng/lần/người.

Như vậy, em gái của ông/bà là học sinh không thuộc đối tượng được miễn lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp, chỉ được giảm mà thôi.

Nếu nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ngoài thủ tục, như: Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, bản chụp chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bản chụp sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú, thì em gái của ông/bà phải xuất trình thẻ học sinh, sinh viên hoặc giấy xác nhận của cơ sở giáo dục, đào tạo để được áp dụng mức thu 100.000 đồng/lần/người.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp đang trả lời thư bạn đọc. Ảnh Huyền Vi

Ngô Huyền – Email: anhngoc_kb@yahoo.com

Tôi là người Việt Nam, có nhà ở tại Việt Nam (Q.Tân Phú, TP.HCM), đã kết hôn với chồng người Trung Quốc. Hiện tại cả 2 vợ chồng đều ở Việt Nam. Vợ chồng tôi có 1 con năm nay 7 tuổi, được sinh ra tại Việt Nam nhưng mang quốc tịch Trung Quốc. Do từ lúc sinh ra đến giờ, cháu vẫn ở Việt Nam và đi học tại Việt Nam. Hiện tại, vợ chồng chúng tôi muốn cho cháu nhập quốc tịch Việt Nam để thuận tiện cho cháu đi học. Tôi có tìm hiểu luật Quốc tịch, trường hợp này được nhập Quốc tịch. Tuy nhiên, Sở Tư pháp từ chối nhận hồ sơ mà không nêu lý do rõ ràng chỉ nói rằng “nếu muốn nhập cho con thì cha cũng phải nhập và con là diện đi kèm; không phải đợi con 18 tuổi”. Tôi không biết phải làm sao bởi cả 2 trường hợp nêu trên không phù hợp vào lúc này với chúng tôi. Rất mong nhận được câu trả lời.

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM:

Theo bà trình bày, con của bà năm nay 07 tuổi, đã có quốc tịch Trung Quốc, nay Bà muốn nhập quốc tịch Việt Nam cho con thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam là “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2005 “người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…” và Điều 18 của Bộ luật có quy định “người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên…” nêncon của Bà phải đủ 18 tuổi trở lên mới có thể đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam.

Để nhập quốc tịch Việt Nam thì con của Bà phải đủ 18 tuổi trở lên mới có thể đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam vì điểm a, khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam là “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…” và Điều 18 của Bộ luật có quy định “người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên…”.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nêu thêm một phương án khác để bà tham khảo đó là phương án con chưa thành niên nhập quốc tịch theo cha mẹ. Cụ thể là nếu chồng bà nhập quốc tịch Việt Nam thì con của bà có thể nhập theo cha mà không cần phải lập hồ sơ riêng và không cần phải đáp ứng điều kiện về tuổi như nêu trên.

Bà Nguyễn Thị Lý, phường 13, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

Con trai tôi muốn cấp phiếu lý lịch tư pháp để bổ sung hồ sơ du học ở Pháp thì tôi có thể thay cháu đi làm thủ tục cấp phiếu này được không? Hồ sơ gồm những giấy tờ gì? Lệ phí là bao nhiêu tiền?

Ông HỒNG VĂN HẢI – Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Theo quy định tại khoản 3, Điều 45 của Luật Lý lịch tư pháp quy định:

“Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật, trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền”.

Trường hợp con của ông/bà có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để bổ túc hồ sơ du học thì ông/bà được làm thủ tục thay cho con mà không cần văn bản ủy quyền.

Thủ tục gồm:

– Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.

– Bản chụp chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.

– Bản chụp Sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú (của người được cấp lý lịch tư pháp).

Lệ phí:

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 174/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 quy định: Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ là 100.000 đồng/lần/người.

Để xác định người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc đối tượng là học sinh, sinh viên để áp dụng mức thu lệ phí 100.000 đồng/lần/người. Ông/bà phải xuất trình thẻ học sinh, thẻ sinh viên hoặc giấy xác nhận của cơ sở giáo dục, đào tạo (nơi con của ông/bà đang học tập).

Haphuongquynh18@yahoo.com

Xin cho hỏi về xác nhận độc thân như sau: Trước năm 2011 tôi ở quận 3, từ năm 2011 đến nay tôi ở quận 4. Nay tôi muốn xác nhận độc thân để bổ túc hồ sơ nhà, tôi ra phường ở quận 4 chứng thì phường yêu cầu tôi về phường ở quận 3, nhưng tôi đến phường ở quận 3 thì không chứng và nói tôi về phường ở quận 4 làm cam đoan là được. Kính ming quý cơ quan hướng dẫn.

Ông NGUYỄN VĂN VŨ- Trưởng phòng Hộ tịch- Quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM :

Theo quy định, UBND cấp xã nơi cư trú của người có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đó.

Theo thư hỏi của Bà thì hiện tại Bà cư trú tại quận 4 nên UBND phường tại quận 4 có thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân cho Bà.

Thông tư 01 ngày 02.6.2008 của Bộ Tư pháp qui định: Đối với người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của đương sự ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự phải viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.

Truonghung@yahoo.com

Tôi có bản sao khai sinh được cấp năm 1969 tại tỉnh Định Tường – Bến Tre. Vậy tôi có thể đăng ký lại việc sinh hay không. Thẩm quyền đăng ký lại? Thủ tục ra sao? Cán bộ hộ tịch phường yêu cầu tôi phải về nơi cấp trước đây trích lục nếu không có thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Vậy có quy định pháp luật hay không?

Ông NGUYỄN VĂN VŨ- Trưởng phòng Hộ tịch- Quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM :

Trong trường hợp sổ Bộ đăng ký khai sinh của ông tại tỉnh Bến Tre còn lưu giữ thì ông liên hệ tại đây để được trích lục khai sinh hay ông có thể đề nghị UBND huyện cấp lại bản chính giấy khai sinh. Trong trường hợp sổ bộ khai sinh không còn lưu giữ mà ông còn bản sao khai sinh hợp lệ thì ông có thể liên hệ UBND xã, phường hiện đang cư trú hoặc UBND nơi đã đăng ký khai sinh trước đây để đăng ký lại việc sinh.

Vấn đề này Khoản 13, Điều 1 Nghị Định 60/2012/NĐ-CP ngày 02.2.2012 của Chính Phủ qui định như sau:

-Người có yêu cầu đăng ký lại việc sinh, phải nộp tờ khai (theo mẫu qui định) và xuất trình bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây (nếu có) trong trường hợp không có bản sao giấy tờ hộ tịch thì đương sự phải tự cam đoan về việc đã đăng ký, nhưng sổ hộ tịch không còn lưu được và chịu trách nhiệm về việc đương sự cam đoan.

– Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, thì cán bộ hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch theo từng loại việc và bản chính giống khai sinh…chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho đương sự ký một bản chính giấy tờ hộ tịch theo từng loại việc. Các giấy tờ hộ tịch cũ liên quan đến sự kiện hộ tịch đã ký lại (Nếu có) được thu hồi và lưu hồ sơ

– Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài không quá 3 ngày.

Theo tình bày, ông đã có bản sao giấy khai sinh nên có thể liên hệ UBND phường, xã nơi ông cư trú hoặc nơi đã đăng ký việc sinh trước đây để đăng ký lại việc sinh.

Buổi giao lưu kết thúc lúc 11g10 cùng ngày. Với những câu hỏi còn được bạn đọc tiếp tục gửi đến, Sở Tư pháp TP.HCM sẽ trả lời trên online hoặc báo in.

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

TÒA ÁN SẼ QUYẾT ĐỊNH CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

02/07/2013 03:15

* Gái bán dâm không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh

Từ ngày 1.7.2013, 9 luật được sửa đổi bổ sung có hiệu lực thay thế cho luật cũ bao gồm: luật Thủ đô; luật Thuế thu nhập cá nhân; luật Quản lý thuế; luật Xử lý vi phạm hành chính; luật Điện lực; luật Luật sư; luật Hợp tác xã; luật Dự trữ quốc gia và luật Xuất bản.

Trong đó, đối với luật Xử lý vi phạm hành chính, một điểm mới đáng chú ý là chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc từ chủ tịch UBND sang TAND; Việc giao tòa án quyết định áp dụng các biện pháp nêu trên theo thủ tục tư pháp sẽ tạo điều kiện cho đương sự, luật sư, người bào chữa được tham dự để bảo vệ quyền lợi của đương sự.

 

Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ chủ tịch UBND sang TAND – Ảnh: Bình Minh

Ngoài ra, luật cũng quy định, người bán dâm sẽ không bị bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh, nhưng vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định… Ngoài ra, về đối tượng xử lý vi phạm hành chính, luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính được thực hiện do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra. Người chưa đủ 14 tuổi vi phạm hành chính sẽ được nhắc nhở, giáo dục tại gia đình, có nghĩa là họ không bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Luật cũng quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng một số biện pháp ngăn chặn liên quan đến nhân thân, quyền và lợi ích người dân, như tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Chẳng hạn, để hạn chế đến mức tối đa việc lạm dụng biện pháp tạm giữ phương tiện như ô tô – xe máy, điều 125 của luật quy định rõ chỉ được áp dụng trong 3 trường hợp sau: thứ nhất, để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; thứ hai, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; thứ ba, để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, nhưng người vi phạm không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện…

Hải Nam
(tổng hợp)

(Nguồn: Báo Thanh niên)

CHÌ CHIẾT VỢ SẼ BỊ PHẠT ÍT NHẤT MỘT TRIỆU ĐỒNG

09/07/2013 – 18:47

Bộ Công an đề xuất, người đuổi vợ ra khỏi nhà vào ban đêm hay lúc trời mưa gió sẽ bị phạt từ 500.000 đến một triệu đồng; nếu thường xuyên lăng mạ, chì chiết mức tiền tăng thêm 500.000 đồng.

Bộ Công an vừa phát đi bản dự thảo mới nhất Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, người bắt thành viên trong gia đình nhịn ăn, nhịn uống, mặc rách, chịu rét sẽ bị phạt tiền từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Việc bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ cũng bị phạt tương tự.

Người thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần; ép buộc xem, nghe, đọc văn hóa phẩm đồi trụy, kinh dị cũng bị phạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

Người chửi bới, chì chiết thành viên trong gia đình sẽ bị quy vào nhóm hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự và bị phạt từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Nếu tiết lộ và phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư thì mức phạt tăng thêm 500.000 đồng.

Hành vi cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý như cấm ra khỏi nhà, không cho làm việc, không tiếp cận thông tin đại chúng sẽ bị phạt 100.000-300.000 đồng. Mức này cũng áp dụng với người theo dõi theo dõi thành viên gia đình vì lý do ghen tuông gây tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của nạn nhân.

Ai buộc thành viên trong gia đình phải chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục, ép uống thuốc kích dục, cưỡng ép thực hiện các hành động khiêu dâm sẽ bị phạt từ 500.000 đến một triệu đồng. Đặc biệt người “có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà vợ hoặc chồng không muốn” cũng bị xử lý cùng mức.

Mức phạt 500.000 đến một triệu đồng cũng áp dụng với người thường xuyên đe dọa đuổi thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, ép “ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ vào ban đêm hoặc lúc trời mưa, bão, gió rét”.

Tại dự thảo mới này, Bộ Công an đã rút quy định phạt hành vi mua dâm có tính chất đồi trụy từ 5 đến 10 triệu đồng. Do vậy, chỉ còn lại nội dung phạt người mua dâm từ 500.000 đến một triệu đồng. Nếu mua dâm nhiều người cùng một lúc, tiền phạt tăng thành 2-5 triệu đồng. Mức phạt với người bán dâm trong các trường hợp này lần lượt là 100.000-300.000 đồng và 300.000-500.000 đồng…

Người “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm” hay “dùng vũ lực để bảo vệ” sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng. Theo tìm hiểu của PV, mức phạt với hành vi mua bán dâm so với quy định hiện hành được áp dụng từ năm 2004 hầu như không thay đổi.

Theo T.Thịnh (VNE)

ĐÒI LẠI TÀI SẢN, KIỆN LÚC NÀO CŨNG ĐƯỢC!

Ngày 22-7, Trường Cán bộ Tòa án phối hợp với TAND TP.HCM tập huấn cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân về năm nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành BLTTDS năm 2011 với nhiều nội dung đáng quan tâm.

Theo ông Nguyễn Thanh Mận (Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Tòa án), việc TAND Tối cao ban hành một loạt năm nghị quyết hướng dẫn thi hành BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 (các nghị quyết cùng có hiệu lực từ 1-7-2013) sẽ đảm bảo cho các cơ quan tố tụng áp dụng pháp luật thống nhất, không còn lúng túng như trước nữa.

Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Để làm rõ hơn về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, Nghị quyết 03 ngày 3-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn như sau: Các tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng thời hiệu được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.

Chẳng hạn, đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện là ba năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp (Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm). Đối với các tranh chấp lao động cá nhân thì thời hiệu khởi kiện là một năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (Điều 202 Bộ luật Lao động)…

Cạnh đó, Nghị quyết 03 đưa ra một hướng dẫn rất mới về các tranh chấp dân sự không áp dụng thời hiệu khởi kiện: Một là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Hai là tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác đang quản lý, chiếm hữu. Ba là tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ví dụ: Tháng 1-2008, ông A cho ông B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là một năm. Đến hạn, ông B không trả nợ. Tháng 4-2011, ông A khởi kiện yêu cầu tòa buộc ông B trả lại cả khoản tiền gốc lẫn tiền lãi.

Nếu như trước kia, đơn khởi kiện của ông A sẽ bị tòa từ chối thụ lý vì đã hết thời hiệu khởi kiện thì nay theo hướng dẫn mới, tòa sẽ chỉ từ chối thụ lý, giải quyết yêu cầu đòi khoản tiền lãi của ông A. Riêng với yêu cầu đòi khoản tiền gốc (tranh chấp đòi lại tài sản) của ông A thì tòa vẫn thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Hướng dẫn thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu

Theo Nghị quyết 03, không áp dụng thời hiệu yêu cầu trong các trường hợp sau: Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Hay yêu cầu tuyên bố một người mất tích, yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích; yêu cầu tuyên bố một người đã chết, yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết…

Trước đây, một điểm làm các thẩm phán lúng túng là xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu. Vì vậy, Nghị quyết 03 hướng dẫn thời điểm này được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu. Ví dụ: Theo Điều 45 Luật Công chứng thì công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị tòa tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu được tính từ ngày biết được việc công chứng có vi phạm pháp luật.

Khởi kiện đặc biệt: Phải có chứng thực

Một vướng mắc khác đối với nhiều tòa, nhiều thẩm phán là trường hợp khởi kiện của người không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ.

Để giải quyết vướng mắc, Nghị quyết 05 ngày 3-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn rõ là những người này có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện nhưng phải có người làm chứng (có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự). Người làm chứng phải ký xác nhận việc khởi kiện và nội dung khởi kiện vào đơn khởi kiện trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 05 cũng hướng dẫn về quyền khởi kiện của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Những người này nếu không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó.

Thẩm phán lấy lời khai đương sự

Việc lấy lời khai của đương sự phải do thẩm phán tiến hành. Thư ký tòa án chỉ có thể giúp thẩm phán ghi lời khai của đương sự vào biên bản. Trường hợp vì lý do công tác hoặc trở ngại khách quan, thẩm phán có thể giao cho thư ký tòa án tiến hành lấy lời khai nếu đương sự đồng ý. Biên bản ghi lời khai phải có xác nhận của thẩm phán…

Trích khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2012 của Hội đồng
Thẩm phán TAND Tối cao

HOÀNG YẾN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

e2dc343852dcc66e453f7f9901577ec5_L

LUẬT PHÁ SẢN: HƠN NỬA QUY ĐỊNH GẶP VƯỚNG

Luật phá sản: Hơn nửa quy định gặp vướng

05/08/2013 – 06:20

Theo TAND Tối cao, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản cho thấy có tới 55 điều luật trên tổng số 95 điều luật của luật này gặp vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho việc giải quyết của các tòa…

Gần đây, Công ty A bị một số chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa Kinh tế TAND TP.HCM. Sau khi thụ lý, tòa đã yêu cầu phía Công ty A nộp các báo cáo, tài liệu (tình hình hoạt động kinh doanh, các biện pháp đã thực hiện, bảng kê chi tiết tài sản…) theo luật định.

Lúng túng khi DN không hợp tác

Tuy nhiên, phía Công ty A không hợp tác, cố tình tìm lý do dây dưa kéo dài, không nộp báo cáo, tài liệu theo yêu cầu của tòa. Vì vậy, tòa đã gặp khó khăn trong việc ra quyết định mở thủ tục phá sản và tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.

Vướng mắc này đã được TAND Tối cao nhìn nhận. Theo TAND Tối cao, thực tế rất nhiều doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX) không cung cấp được đầy đủ các tài liệu theo yêu cầu của các tòa địa phương. Hồ sơ pháp lý về các khoản nợ hết sức sơ sài, thiếu chứng cứ để trả nợ và thu nợ vì không được chủ nợ cùng người mang nợ đối chiếu… Cạnh đó, khoản 4 Điều 15 Luật Phá sản không quy định các báo cáo, tài liệu phải được DN và HTX thực hiện trong khoảng thời gian nào.

Về chuyện này, Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM Nguyễn Công Phú đề nghị Luật Phá sản cần bổ sung chế tài với chủ DN hoặc đại diện hợp pháp của DN, HTX nếu không hợp tác với tòa. Cụ thể: Nâng mức phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng lên từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng khi các đối tượng trên có hành vi không xuất trình cho tòa các báo cáo, tài liệu trong hạn luật định. Mặt khác, cần bổ sung vào BLHS tội danh không chấp hành các quyết định, yêu cầu của tòa trong quá trình tiến hành các thủ tục phá sản dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Phí phá sản: Còn chưa rõ

Chủ nhiệm HTX B nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ra Tòa Kinh tế nhưng không có tiền nộp tạm ứng phí phá sản. Theo điểm b khoản 3 Điều 21 Luật Phá sản, HTX B sẽ được Nhà nước tạm ứng ngân sách nộp phí phá sản nếu HTX “có các tài sản khác”.

Thực tế, HTX B dù đã tạm ngưng hoạt động nhưng vẫn còn một số máy móc, thiết bị. Dù vậy, tòa vẫn lúng túng bởi quy định trên của luật chưa rõ ràng. Chẳng hạn, “tài sản khác” có giá trị tối thiểu là bao nhiêu, có cần xác định tính thanh khoản của tài sản hay không? Thực tế, nếu giá trị tài sản nhỏ hơn nhiều so với phí phá sản hay tài sản thuộc loại không thể bán thì sao? Trình tự, thủ tục thực hiện phí phá sản do ngân sách tạm ứng ra sao?

Theo Thẩm phán Nguyễn Công Phú, Điều 21 Luật Phá sản cần bổ sung rõ các điểm trên. Ngoài ra, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tiền tạm ứng theo thông báo của tòa trước và sau khi tòa thụ lý đơn, trừ trường hợp người nộp đơn là người lao động. Bổ sung thêm quy định phí phá sản sẽ được hoàn trả cho người tạm ứng không phải là DN, HTX bị phá sản từ tài sản của DN, HTX bị phá sản…

Xem lại quyền nộp đơn yêu cầu

Ông Ngô Cường (Vụ Hợp tác Quốc tế – TAND Tối cao) góp ý: Pháp luật của phần lớn các nước đều quy định các tội phạm về phá sản. Việc xác định ai là người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có ý nghĩa rất quan trọng. Ví dụ những người quản lý DN đã không nộp đơn theo đúng quy định khi công ty của họ ngừng thanh toán nợ, làm thiệt hại cho các chủ nợ thì có thể bị xem xét xử lý về hình sự. Vì thế, khi sửa đổi Luật Phá sản cần cân nhắc về vấn đề này.

Cũng theo ông Cường, cần xem xét lại về chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong một số trường hợp. Chẳng hạn, đối với DNNN thì nên giao quyền nộp đơn yêu cầu cho cơ quan có chức năng giám sát hoạt động của DN đó thay cho đại diện chủ sở hữu (Điều 16 Luật Phá sản). Đồng thời, cũng nên xem xét bỏ quy định về quyền nộp đơn của người lao động (Điều 14 Luật Phá sản) bởi lẽ quy định này có thể không phù hợp với tâm lý người lao động. Thông thường họ không muốn mất việc làm, do đó không lẽ họ lại yêu cầu “xóa bỏ” nơi họ làm việc.

Một chuyện khác, TAND Tối cao cho rằng khoản 1 Điều 13 Luật Phá sản chỉ quy định cho các chủ nợ “không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần” quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN, HTX. Như vậy là không công bằng và làm mất đi quyền lựa chọn phương thức đòi nợ của chủ nợ “có bảo đảm”. Trong khi đó, việc cho chủ nợ “có bảo đảm” quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ góp phần sớm phát hiện khả năng mất thanh toán của DN, HTX. Tòa có thể can thiệp sớm, giúp DN, HTX phục hồi hoạt động kinh doanh…

Ngoài ra, Luật Phá sản quy định người lao động không được tự nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà phải cử người đại diện hoặc thông qua đại diện công đoàn để thực hiện. Việc cử người đại diện trong luật quy định rất phức tạp, khó thực thi và gây ra nhiều khó khăn cho người lao động, cần xem lại để không vô hiệu hóa quy định này. Cạnh đó, nên bổ sung thêm quyền nộp đơn mở thủ tục phá sản của các cơ quan quản lý chuyên ngành như Ngân hàng Nhà nước, cơ quan Bảo hiểm tiền gửi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… Vì đây là các cơ quan giám sát hoạt động của DN hoạt động trong những lĩnh vực này nên sẽ sớm phát hiện nguy cơ mất khả năng thanh toán của DN.

Còn cứng nhắc

Khoản 1 Điều 27 Luật Phá sản quy định kể từ thời điểm tòa thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản, tất cả bản án mà theo đó DN mắc nợ có nghĩa vụ thi hành đều bị tạm đình chỉ. Quy định này cơ bản là đúng nhưng còn cứng nhắc, không hợp lý trong một số trường hợp.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Không mở thủ tục phá sản

Nên quy định cụ thể các trường hợp tòa ra quyết định không mở thủ tục phá sản, trong đó bao gồm các trường hợp sau:

Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không nộp tiền tạm ứng phí phá sản.

Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (không phải là DN phá sản) rút đơn yêu cầu.

DN không chấp hành đúng pháp luật kế toán (không lập sổ sách, chứng từ kế toán đầy đủ theo quy định) nên không có căn cứ xác định DN mất khả năng thanh toán nợ là do kinh doanh thua lỗ hay do cố ý làm thất thoát tài sản.

Vắng mặt đại diện hợp pháp của DN mà kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán của DN, HTX không còn làm việc tại DN, HTX hoặc còn đang làm việc nhưng từ chối tham gia tố tụng.

Thẩm phán NGUYỄN CÔNG PHÚ,
Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

(Nguồn : Báo pháp luật Tp.HCM)

VKS KHÔNG ĐƯỢC KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM VỤ ÁN

04/08/2013 – 07:30

Lâu nay, có nhiều trường hợp VKS kháng nghị phúc thẩm chưa đúng quy định vì viện trưởng VKS lầm tưởng trong án hình sự không có giới hạn nào đối với kháng nghị phúc thẩm.

Những sai lầm thường gặp là: VKS chỉ truy tố một tội, tòa xử như cáo trạng nhưng sau khi xét xử sơ thẩm, VKS cấp trên trực tiếp cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm nên kháng nghị phúc thẩm, đề nghị hủy án để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Có trường hợp, VKS chỉ truy tố bị cáo A, tòa cũng chỉ kết án bị cáo A nhưng tại phiên tòa bị cáo khai còn có B là đồng phạm. Sau phiên tòa, VKS kháng nghị phúc thẩm, yêu cầu hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhằm truy tố thêm B…

Những dạng kháng nghị phúc thẩm trên là sai vì ngoài quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (viện trưởng VKS có quyền hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của tòa án) còn có quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Theo Điều 33 của quy chế này (ban hành kèm theo Quyết định 121/2004/QĐ-VKSTC ngày 16-9-2004 của viện trưởng VKS Tối cao), căn cứ để kháng nghị phúc thẩm là: Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; có những vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự; có những vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Đối tượng kháng nghị phúc thẩm là bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật chứ không phải vụ án. Do đó, chỉ những nội dung nào mà tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, quyết định thì mới thuộc thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm của VKS. Cách khác, VKS chỉ được kháng nghị phúc thẩm khi và chỉ khi bản án hoặc quyết định sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hoặc có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm.

Được coi là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật trong các trường hợp: Cấp sơ thẩm kết án người không có hành vi phạm tội (làm oan người vô tội); kết án người mà hành vi của họ không cấu thành tội phạm; kết án người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người được tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội (bỏ lọt tội phạm); kết án sai tội danh; áp dụng điều khoản của Bộ luật Hình sự không đúng.

Đối với những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của tòa án cấp sơ thẩm bao gồm: xác định sai người tham gia tố tụng; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án không đúng; việc giao các quyết định của tòa án không đúng quy định; triệu tập không đầy đủ những người cần triệu tập đến phiên tòa để xét hỏi hoặc tuy có triệu tập nhưng người được triệu tập không nhận được giấy triệu tập vì có lý do chính đáng; xét xử sai thẩm quyền; thành phần Hội đồng Xét xử sơ thẩm không đúng; xử vắng mặt bị cáo khi họ có lý do chính đáng; phiên tòa vắng kiểm sát viên hoặc người bào chữa thuộc trường hợp bắt buộc; xét xử vắng mặt người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định trong trường hợp sự vắng mặt của họ trở ngại cho việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo; biên bản nghị án phản ánh nội dung quyết định của Hội đồng Xét xử không đúng với phần quyết định của bản án đã tuyên tại phiên tòa; nghị án một đằng, tuyên án một nẻo; bản án phát hành không đúng với bản án đã tuyên…

Nếu những sai lầm đó trong giai đoạn điều tra, truy tố thì không thuộc thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm mà thuộc thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

ĐINH VĂN QUẾ

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)