a05812a6ea54f32db80b865f7cd66f25_L

QUÁ KHỔ VỚI TITAN, DÂN PHẢN ỨNG

01/04/2014 11:40 (GMT + 7) TT – Chiều 31-3, ông Nguyễn Văn Hùng – phó chủ tịch UBND xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) – cho biết việc tháo dỡ máy móc, thiết bị đãi quặng titan-zircon ra khỏi khu vực hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 trên địa bàn xã này đang được Công ty TNHH MTV Quang Thuận – NinhThuận (gọi tắt là Công ty Quang Thuận) thực hiện.

>> Bắt giam 2 người trong vụ dân phản đối khai thác titan 
>> Vụ dân phản đối khái thác Titan: Đình chỉ hẳn việc khai thác

Cơ quan công an huyện Thuận Nam tổ chức khám nghiệm hiện trường, giám định thiệt hại tài sản trong vụ đập phá đốt nhà xưởng khai thác titan tại Sơn Hải (Phước Dinh, Thuận Nam) – Ảnh: Châu An

Trước đó, nhiều ngày qua hàng ngàn người dân hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 phản đối gay gắt việc tái khai thác titan-zircon của Công ty Quang Thuận. Nhiều người quá khích dẫn đến hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản của công ty này. Theo nhiều người dân xã Phước Dinh, việc phản đối gay gắt như vậy có một phần nguyên nhân từ những sai phạm của việc khai thác titan-zircon trước đó, đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân.

Dân trong vùng không ai chịu nổi

Chiều 31-3, ông Võ Đại – phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – cho biết về phía Công ty Quang Thuận, UBND tỉnh chỉ đạo đình chỉ hẳn việc khai thác titan-zircon. Về phía người dân, tỉnh đang chỉ đạo các đoàn thể tiếp tục vận động người dân không được tập trung gây rối và sớm ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Còn những người đã bị khởi tố chống người thi hành công vụ vẫn phải xử lý theo trình tự, quy định của pháp luật.

Ông Lê Văn Dục – nguyên trưởng thôn Sơn Hải 1 – cho biết từ tháng 8-2012, kể từ khi Công ty Quang Thuận khai thác titan-zircon người dân vùng này không ai chịu nổi. Nhà dân gần khu vực khai thác titan bị cát bụi bay vào mịt mùng khiến nhiều người bị viêm đường hô hấp, đau mắt. “Cát bụi bay vào mâm cơm, giường ngủ làm sinh hoạt thường ngày đảo lộn. Người dân ăn cơm phải đóng cửa, nếu không đóng cửa thì ăn cơm trong mùng. Nặng nề nhất là cát từ vít đãi quặng quăng ra lấp hơn 90 ngôi mộ, trong đó hơn phân nửa bị lấp hoàn toàn” – ông Dục kể.

Nghiêm trọng hơn, theo ông Bùi Văn Tâm – một cán bộ hưu trí, moong hút quặng quá sâu gây sạt lở đất đến sát nhà dân. Đơn vị khai thác đặt ống hút nước ngầm quá sâu để hút nước đãi quặng nên toàn bộ khu dân cư bị mất nguồn nước ngầm. “Hầu hết giếng khoan không còn nước. Hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 chỉ có ba giếng nước công cộng cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân, mạch nước cũng sụt giảm khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn. Bàu nước trước đây cho gia súc uống lúc đó cũng cạn khô” – ông Tâm nhớ lại.

Quá bức xúc, ngày 16-11-2012, hàng ngàn người dân bao vây khu vực đãi quặng yêu cầu Công ty Quang Thuận phải chấm dứt ngay việc khai thác. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, Công ty Quang Thuận không có giấy phép khai thác nước dưới đất (dùng để đãi quặng), không có nhà máy chế biến sâu titan và không thực hiện các quy định về thuê đất. Cuối năm 2012, UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng khai thác titan.

Thế nhưng, vụ việc không chỉ dừng ở đó, sau khi khai thác xong, Công ty Quang Thuận không chịu hoàn thổ, san lấp hố moong sâu trên 25m, đường kính gần 100m. Các hố moong này tạo thành ao nước khổng lồ rất dễ bị sạt lở gây nguy hiểm tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em. Ngày 13-5-2013, hơn 100 người dân kéo đến cơ sở khai thác titan của Công ty Quang Thuận phá chòi canh, đốt ống nước thì công ty mới chịu san lấp hố moong này.

Tái khai thác titan

Gần đây, dự án khai thác titan-zircon đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý (được cấp giấy phép điều chỉnh diện tích khai thác 83,7ha xuống còn 19,3ha cùng các giấy phép khác), doanh nghiệp hỗ trợ người dân khắc phục việc mồ mả bị san lấp, moong đãi quặng được đặt tại vị trí cách xa nhà dân khoảng 500m nhưng khi Công ty Quang Thuận tái khai thác titan-zircon vào ngày 19-3, thì có gần cả ngàn người dân hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 tập trung để phản đối việc khai thác.

Theo người dân, việc tái khai thác sẽ lặp lại hiện tượng tàn phá môi trường, làm sụt giảm mạch nước ngầm như công ty này đã từng gây ra trước đó. Nhiều người quá khích đã kéo đến công trường khai thác đập phá, đốt thiết bị đãi quặng, nhà xưởng, nhà làm việc, chặt phá hệ thống ống dẫn nước của công ty và chống lại lực lượng chức năng. Trước sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Điệp, cán bộ hưu trí phường Kinh Dinh (TP Phan Rang – Tháp Chàm), cho rằng người dân phản đối việc khai thác titan gây ô nhiễm môi trường là đúng, nhưng có nhiều cách để phản ứng, chứ quá khích dẫn đến vi phạm pháp luật như thế là không đúng.
CHÂU AN

(Nguồn : Báo tuổi trẻ)

035f0b772a03f455045ea960b0176ce7_L

BẮT GIAM 2 NGƯỜI TRONG VỤ DÂN PHẢN ĐỐI KHAI THÁC TITAN

26/03/2014 20:37 (GMT + 7) TTO – Chiều 26-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam đối với hai ông Dương Văn Phước và Đỗ Văn Đức (cùng ngụ xã Phước Dinh) về tội chống người thi hành công vụ.

Cùng khởi tố tội danh này còn có bốn bị can khác nhưng công an cho tại ngoại điều tra.

Đại tá Huỳnh Cầm, trưởng Công an huyện Thuận Nam, cho biết cơ quan điều tra đang xem xét khởi tố vụ án hủy hoại tài sản đối với một số người dân khác có liên quan sau khi có kết quả thống kê, giám định tài sản thiệt hại của bên bị hại.

Theo thông tin từ công an, lúc 6g sáng 20-3, ông Dương Văn Phước dùng xe máy chở ông Đỗ Văn Đức cầm loa tay chạy khắp hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 vận động hơn 300 người dân lên công trường khai thác titan-zircon của Công ty TNHH MTV Quang Thuận – Ninh Thuận (gọi tắt là Công ty Quang Thuận) để ngăn cản hoạt động khai thác và đập phá tài sản, nhà xưởng, thiết bị đãi quặng.

Khi lực lượng công an huyện Thuận Nam, công an xã Phước Dinh vào vận động, ngăn cản hành động đập phá thì sáu bị can nêu trên chống trả lại lực lượng thi hành công vụ.

Như Tuổi Trẻ thông tin, sau khi UBND xã Phước Dinh họp dân thông báo Công ty Quang Thuận tái khai thác titan-zircon vào ngày 19-3 thì liên tiếp các ngày sau đó, hơn 700 người dân hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 đã kéo đến trụ sở xã để phản đối vì việc khai thác gây ảnh hưởng môi trường, làm sụt giảm mạch nước ngầm sinh hoạt của người dân.

Người dân cũng kéo đến công trường khai thác đập phá, đốt nhiều tài sản, thiết bị đãi quặng, nhà xưởng, nhà làm việc, chặt phá hệ thống ống dẫn nước của công ty và chống lại lực lượng chức năng.

CHÂU AN

(Nguồn: Báo tuổi trẻ)

 

035f0b772a03f455045ea960b0176ce7_L

VỤ DÂN PHẢN ĐỐI KHÁI THÁC TITAN: ĐÌNH CHỈ HẲN VIỆC KHAI THÁC

28/03/2014 09:29 (GMT + 7)
TT – Ông Võ Đại – phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – khẳng định như vậy tại buổi họp báo thông tin tình hình người dân hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) phản đối Công ty TNHH MTV Quang Thuận – Ninh Thuận (gọi tắt là Công ty Quang Thuận) khai thác titan-zircon, tổ chức chiều 27-3.

Đại tá Phạm Huyền Ngọc – phó giám đốc Công an Ninh Thuận – thông tin đến các nhà báo về diễn biến vụ dân phản đối khai thác titan – Ảnh: Ch.An

Đây cũng là chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy khi diễn ra vụ người dân phản đối khai thác titan gay gắt trong nhiều ngày qua.

Theo ông Đại, việc tỉnh Ninh Thuận cấp phép khai thác tận thu titan-zircon tại khu vực nằm ngoài diện tích xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là đúng chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, năm 2012 khi triển khai khai thác, Công ty Quang Thuận để xảy ra một số sai sót gây ảnh hưởng môi trường, nguồn nước ngầm, mồ mả… nên tỉnh chỉ đạo phải tạm dừng. Khi vào triển khai khai thác titan-zircon giai đoạn tiếp theo, hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 vẫn chưa được Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh triển khai thi công hệ thống dẫn nước từ hồ Núi Một về, dù UBND tỉnh đã phê duyệt tổng mức đầu tư. Cho nên người dân phản đối việc khai thác titan-zircon sẽ sụt giảm mạch nước ngầm sinh hoạt của dân và gây bất ổn tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Trước tình hình này, UBND tỉnh quyết định đình chỉ hẳn, không cho khai thác nữa.

Tại buổi họp báo, đại tá Phạm Huyền Ngọc – phó giám đốc Công an tỉnh – thông tin những hành vi vi phạm pháp luật của một số người dân vùng dự án titan. Sau nhiều ngày gây rối ở xã Phước Dinh, từ tối 26-3 đến 16g chiều 27-3, nhóm người này tập trung trước cổng UBND tỉnh đòi yêu sách. Ngay tối 26-3, ông Dương Hữu Đức (bị khởi tố trong vụ chống người thi hành công vụ) cùng với 10 thanh niên khác kéo đến trụ sở chính của Công ty Quang Thuận (ở TP Phan Rang – Tháp Chàm) để đập phá, đốt tài sản. Theo đại tá Ngọc, sáng 27-3, các đoàn thể đã thông báo công văn của UBND tỉnh quyết định đình chỉ khai thác titan của Công ty Quang Thuận tại khu vực Sơn Hải, giải thích việc khởi tố sáu bị can đánh trọng thương bốn công an đang thi hành công vụ là đúng pháp luật nhưng nhóm người này vẫn không giải tán.

Đại tá Ngọc cho biết tính đến nay, Công an huyện Thuận Nam khởi tố sáu bị can trong vụ chống người thi hành công vụ, trong đó bắt giam ba bị can Dương Văn Phước, Đỗ Văn Đức và Nguyễn Văn Song. Ngoài ra, công an còn xem xét khởi tố hành vi hủy hoại tài sản công dân tại khu vực công trường và trụ sở chính của Công ty Quang Thuận. CHÂU AN
(Nguồn: Báo tuổi trẻ)

 

 

KÍCH ĐỘNG PHẢN ĐỐI KHAI THÁC TITAN, SÁU BỊ CÁO BỊ PHẠT TÙ

(PL)- Ngày 1-8, TAND huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã tuyên phạt bị cáo Dương Văn Phước 22 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.

Cùng tội này, Đỗ Văn Đức và Nguyễn Văn Song bị 20 tháng tù treo, Dương Thủ Đức, Dương Thủ Hiền và Dương Chí Dũng (đều là con của Phước) cùng bị 15 tháng tù treo.

Theo cáo trạng, sáng 20-3 khi ra công trường, các bị cáo đã có hành vi chống đối, ngăn cản, hành hung các chiến sĩ công an phản đối Công ty TNHH MTV Quang Thuận-Ninh Thuận khai thác titan vì lo ngại việc khai thác sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Tại tòa, bị cáo Phước thừa nhận lúc ấy chỉ cầm rựa chặt ống nước chứ không có chủ ý chém công an tên Liêm. Còn Đức có cầm loa, Song cầm máy quay phim nhưng bị công an thu liền sau đó. Chỉ có nhiều người dân hốt cát ném công an. Đến 10 giờ 30 cùng ngày, lực lượng cảnh sát cơ động công an tỉnh có mặt giải thích thì người dân mới giải tán.

Tuy nhiên, tại tòa, bốn cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Thuận Nam khai hôm đó khi đến làm nhiệm vụ đã bị nhóm bị cáo ngăn cản, hành hung và đánh bị thương.

Tranh luận, các luật sư nêu nguyên nhân dẫn đến các bị cáo có hành vi phạm tội là do bức xúc việc doanh nghiệp khai thác titan làm cát bay vào nhà dân, sụt giảm mạch nước ngầm… Các bị cáo kéo đến công trường chỉ phản đối việc này chứ không có ý thức chống người thi hành công vụ. Phước, Đức và Song cũng không thể hiện hành vi lôi kéo người khác phạm tội. Vì vậy, luật sư đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho sáu bị cáo.

Tòa nhận định Phước chở Đức cầm loa kêu gọi người dân đi phản đối khai thác titan rồi cầm rựa chặt ống nước công trường là hành vi kích động người khác phạm tội. Tuy nhiên, tòa xét gia đình các bị cáo có công cách mạng nên tuyên mức án như trên.

MINH TRÂN

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

a7c7e20ef55b9c6f68541bcec8a4cfb6_L

NGHI VẤN BỎ LỌT TỘI GIẾT NGƯỜI

Cái chết của nạn nhân có quá nhiều uẩn khúc, liệu cơ quan tố tụng chỉ xử các bị cáo tội gây rối trật tự công cộng đã thỏa đáng?

 

TAND tỉnh Bạc Liêu vừa hủy án của TAND huyện Hòa Bình để điều tra xét xử lại đối với Nguyễn Chí Nguyện, Nguyễn Ngọc Trường và Huỳnh Phạm Sơn Lâm. Lý do hủy án là vụ án chưa được thực nghiệm dựng lại hiện trường để làm rõ một số chi tiết, trong đó có tình huống dẫn đến cái chết của nạn nhân Hứa Đức Trung.

 

Xử tội gây rối nhưng buộc bồi thường mai táng phí

Theo hồ sơ, chiều 15-10-2012, Trung cùng một người nữa có cự cãi qua lại với Nguyện, Trường và Lâm tại quán nhậu. Sau đó cả ba lấy cây gỗ và dây xích chạy ra đê để đánh Trung. Lúc này Trung đang chạy bộ trên bờ đê. Khi chạy đến cây cầu khỉ bắc ngang kênh thì Trung để điện thoại di động lại trên bờ rồi lên cầu và nhảy xuống sông. Nguyện, Trường và Lâm chia nhau đứng hai đầu cầu và giữa cầu, chờ Trung ngoi lên thì đánh. Khoảng năm phút không thấy Trung lên bờ, nhóm này chạy đi đánh cha và dượng của Trung gây thương tích. Không thấy Trung về nhà, gia đình đi tìm, đến hơn 8 giờ tối cùng ngày thì phát hiện Trung đã chết dưới kênh.

Kết quả giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật Hình sự – Công an tỉnh Bạc Liêu kết luận Trung chết do ngạt nước, toàn thân không có dấu vết của ngoại lực tác động. Hai mũi có bọt khí màu trắng chảy ra. Miệng ngậm, có bọt khí màu hồng nhạt chảy ra. Khí quản co nhiều dịch màu hồng nhạt và bọt khí màu trắng. Lòng khí quản sung huyết và có dị vật. Phổi sung huyết và căng phồng. Trong nhu mô phổi có dịch và bọt khí màu hồng nhạt…

Ông Hứa Vĩnh Đạt – cha nạn nhân Trung và hiện trường nơi gia đình phát hiện xác Trung. Ảnh: PL

Xử sơ thẩm hồi tháng 5, TAND huyện Hòa Bình đã nhận định tuy ba bị cáo không trực tiếp làm Trung chết nhưng đã dùng cây gỗ và dây xích rượt đuổi nạn nhân trên đường gây náo loạn khu dân cư, làm mất an ninh trật tự nơi công cộng. Tòa phạt Nguyện và Lâm mỗi bị cáo một năm sáu tháng tù, Trường một năm tù cùng về tội gây rối trật tự công cộng. Ba bị cáo bị buộc bồi thường 135 triệu đồng tổn thất tinh thần và chi phí mai táng cho gia đình nạn nhân.

Dồn người vào đường chết?

Ông Hứa Vĩnh Đạt (cha của Trung) đã kháng cáo toàn bộ bản án của TAND huyện Hòa Bình vì cho rằng tòa xử các bị cáo không đúng tội, con trai mình đã bị giết rồi quăng xác xuống kênh.

Xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bạc Liêu đã hủy án để điều tra, xét xử lại vì vụ án chưa được thực nghiệm dựng lại hiện trường để làm rõ khoảng cách rượt đuổi giữa các bị cáo để xác định mức độ, cường độ rượt nạn nhân; chưa xác định vị trí của từng bị cáo đứng canh giữ chờ nạn nhân ngoi lên mặt nước để đánh nhằm xác định phải chăng chính việc này đã khiến nạn nhân không dám ngoi lên và hậu quả là đã chết ngạt.

Ông Đạt cho biết ông đã làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ cái chết của con trai ông. Ông Đạt cho biết Trung không hề quen biết hay có mâu thuẫn với nhóm này. Trước khi xảy ra cái chết thương tâm, Trung đi đổi vỏ bia. Một người bạn chở Trung đi. Đến quán thì gặp ba bị cáo đang ngồi nhậu. Ba bị cáo vốn sẵn có mâu thuẫn với người bạn này nên mới thấy mặt đã gây gổ và đánh nhau, rồi đánh cả Trung. Trung xuống vỏ lãi chạy về vuông tôm của cậu. Người dượng đã chở Trung đến quán nhậu để hỏi đầu đuôi. Lúc này, nhóm bị cáo đã về hết. Người dượng chở Trung về, trên đường về thì bị nhóm bị cáo chặn đánh ba lần. Gia đình gọi điện thoại cho Trung thì thấy chuông reo nhưng không bắt máy…

giết xong quăng xác xuống kênh?

Trong đơn, ông Đạt nêu: “Trung bị đánh tại ba vị trí: ngay quán đến trả vỏ bia, tại cống gần nhà của bị cáo Lâm, vị trí thứ ba là gần cây cầu khỉ. Tuy nhiên, cáo trạng và hai bản án sơ, phúc thẩm đều không có chi tiết này. Ngày con tôi chết là 15-10-2012, tức ngày 1-9 âm lịch. Hôm đó là ngày nước ròng, mực nước nơi sâu nhất chỉ khoảng 1 m. Nếu con tôi thực sự nhảy xuống kênh thì cũng không thể chết ngạt nước được bởi nó là dân làm vuông, bơi lội rất giỏi, không thể vừa rơi xuống đã chết ngay tại vị trí rơi được”.

Ông Đạt trình bày tiếp, trong khi đi tìm con, ông gặp trưởng Công an xã Vĩnh Mỹ A đang cầm điện thoại của Trung, ông hỏi: “Con tôi đâu?”. Vị công an này trả lời: “Con ông lội kênh về rồi”. Gia đình đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Một người phụ nữ nhà ngay sát bên cây cầu chỉ xuống kênh và cho ông biết “Trung đã bị giết rồi vứt xác chỗ đó”. Gia đình xuống chỗ vừa chỉ thì đụng ngay xác Trung.

“Nhiều người gần nơi xảy ra án mạng nói với tôi chính họ trông thấy con tôi bị đánh chết rồi ném xuống kênh. Tuy nhiên, khi tôi nhờ họ ra tòa làm chứng thì họ lại sợ. Xác con tôi khi vớt lên nằm úp mặt, miệng ộc ra máu cục, lưng có vết bầm tím. Cổ con tôi có máu bầm, phổi và dạ dày không có nước, nội tạng bị dập. Con tôi cao 1,66 m nhưng hồ sơ khám nghiệm ghi 1,58 m. Biên bản và kết quả khám nghiệm ghi nhận không trung thực nên chúng tôi không ký tên” – ông Đạt bức xúc, nói…

SONG PHƯƠNG

Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM

 

RƯỢT ĐUỔI GÂY RA CÁI CHẾT CỦA NẠN NHÂN?

(Trong vụ án này Văn Phòng Luật Sư Tam Đa bảo vệ cho phía bên người bị hại) 

(PL)- Tòa xử ba bị cáo tội giết người nhưng kết luận nạn nhân chết do bị ngạt nước. Nạn nhân biết bơi lội lại chết đuối ở nơi chỉ sâu 1 m?

Ngày 23-10, TAND tỉnh Bạc Liêu xử sơ thẩm vụ án giết người xảy ra ở huyện Hòa Bình mà báo Pháp Luật TP.HCM từng có bài phản ánh. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Nguyện 10 năm tù, Huỳnh Phạm Sơn Lâm tám năm tù, Nguyễn Ngọc Trường bảy năm tù, cùng về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS.

Trước đó, TAND huyện Hòa Bình xử các bị cáo về tội gây rối trật tự công cộng với mức án cao nhất 18 tháng tù, buộc ba bị cáo bồi thường 135 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần và mai táng phí cho gia đình nạn nhân. Bản án này sau đó bị tuyên hủy để điều tra, xét xử lại. Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM có bài phân tích và nêu nghi vấn về cái chết ngạt nước quá bất thường của nạn nhân, cơ quan tố tụng chuyển sang khởi tố và truy tố các bị cáo về tội giết người.

Bị rượt đuổi vẫn móc điện thoại ra để trên bờ rồi qua cầu khỉ!?

Theo cáo trạng, chiều 15-10-2012, do có mâu thuẫn, anh Trung mang dao đi tìm và rượt đuổi Nguyện. Đáp trả, Nguyện rủ thêm hai người lấy cây gỗ và dây xích chạy ra đê để đánh anh Trung. Lúc này, anh Trung đang chạy bộ dọc theo bờ đê. Khi chạy đến cống vuông tôm gần cầu khỉ thì móc điện thoại ra để lên cống và chạy qua cầu khỉ, khi lên đoạn giữa cầu thì rơi xuống kênh. Từ xa, cách 85 m, nhóm bị cáo nhìn thấy anh Trung rơi xuống kênh thì chạy đến đứng hai đầu cầu và giữa cầu, chờ anh Trung lội lên để đánh. Không thấy anh Trung về nhà, gia đình đi tìm, đến tối thì phát hiện Trung đã chết dưới kênh do ngạt nước.

Giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Bạc Liêu kết luận: Trung chết do ngạt nước, toàn thân không có dấu vết của ngoại lực tác động. Hai mũi có bọt khí màu trắng chảy ra. Miệng ngậm, có bọt khí màu hồng nhạt chảy ra. Khí quản có nhiều dịch màu hồng nhạt và bọt khí màu trắng. Lòng khí quản sung huyết và có dị vật. Phổi sung huyết và căng phồng. Trong nhu mô phổi có dịch và bọt khí màu hồng nhạt…

Cáo trạng mới xác định: “Dù không có ý định tước đoạt mạng sống của anh Trung nhưng hành vi nhiều người cầm cây rượt đuổi nạn nhân chạy qua cầu khỉ rơi xuống kênh buộc ba bị cáo phải nhận thức được hành vi của mình có thể nguy hiểm đến tính mạng của người khác. Ba bị cáo thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vẫn bỏ mặc và thực tế hậu quả chết người vẫn xảy ra”.

Biết bơi, vẫn chết ngạt ở nơi chỉ sâu 1 m?

Tại tòa, cả ba bị cáo đều khai mình không phạm tội giết người mà chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng. Các bị cáo cho rằng khi nhận được cáo trạng do thấy không đúng tội danh nên đã không ký nhận cáo trạng. Các bị cáo trước đó không hề quen biết nạn nhân. Nguyện nói bị anh Trung cầm dao đuổi theo cách nhau khoảng 40 m, thấy vậy bị cáo mới kêu Lâm, Trường đến. Khi Trường đến đã chở Nguyện và Lâm rồi mang theo gậy tầm vông và dây xích đuổi đánh Trung. “Trung chạy bộ được một đoạn thì không biết vì sao chạy vào cầu khỉ, rơi xuống kênh. Cả ba đã chờ Trung ngoi lên để đánh dằn mặt vì không có làm gì mà Trung lại rượt đuổi đánh bị cáo. Bị cáo không ác ý, không mâu thuẫn gì cả” – Nguyện nói.

Chủ tọa ngắt lời: “Anh Trung chạy bộ không thể nhanh hơn các bị cáo nên mới chạy vào cầu khỉ”.

Trường khai thêm: “Bị cáo nghĩ anh Trung chạy đoạn đường trên 300 m thì mệt. Khi bị cáo chở hai người đuổi theo thì đoạn đường càng lúc càng gần do anh Trung chạy bộ. Nếu anh Trung không qua cầu khỉ thì sẽ đuổi kịp. Thấy Trung té, mực nước chỉ khoảng 1 m, đứng canh khoảng 5-6 phút nhưng không thấy ngoi lên và cũng không nghĩ Trung nguy hiểm đến tính mạng” – Trường nói.

Mẹ của anh Trung cho rằng truy tố các bị cáo ở tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp là không đúng mà phải là cố ý giết người. “Nhà tôi làm ao vuông dĩ nhiên con tôi phải biết bơi. Chú ruột vớt xác con tôi lên, mặt con tôi úp xuống, máu ra cục cục. Tôi khóc la lên, vợ ông Đen (người dân gần hiện trường) ra nói con bà bị giết chết. Gia đình có chứng kiến khám nghiệm tử thi nhưng không ký vì nội tạng con tôi đã bị dập, lưng có vết bầm, cổ máu bầm cục, dạ dày không có nước chứ không giống như trong hồ sơ. Họ giết con tôi siết cổ bằng xích, quăng xác xuống kênh. Tôi yêu cầu phải xử các bị cáo tội cố ý giết người” – mẹ nạn nhân bức xúc.

“Không có căn cứ khẳng định bị cáo siết cổ nạn nhân”

Công tố viên nhấn mạnh: “Lúc bị cáo Trường bị Trung cầm dao rượt đuổi sao không báo công an? Do ý thức chấp hành pháp luật không tốt. Rõ ràng lực lượng bị cáo đông hơn nên Trung mới chạy. Điều này chứng tỏ người ta sợ mới chạy, lẽ ra thì thôi, chứ lại cố đuổi theo”. Theo kiểm sát viên, Nguyện, Trường và Lâm đã sử dụng cây gỗ, dây xích rượt đuổi Trung để đánh. Mặc dù ba bị cáo không có ý định tước đoạt mạng sống của Trung nhưng hành vi nhiều người cầm cây rượt đuổi hậu quả làm anh Trung rơi xuống kênh, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vẫn bỏ mặc. Vì vậy kiểm sát viên đề nghị phạt Nguyện từ 10 đến 11 năm tù, hai bị cáo còn lại 8-9 năm tù về tội giết người.

Tranh luận, luật sư của ba bị cáo cho rằng các bị cáo chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng. Luật sư đồng ý với gia đình nạn nhân là cho tới thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Cụ thể theo hồ sơ, nạn nhân chết là do ngạt nước. Các bị cáo chỉ rượt đuổi để đánh dằn mặt, đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết. Đoạn đường đuổi Trung là thẳng, không nhất thiết nạn nhân phải chạy qua cầu khỉ. Thấy nạn nhân nhảy xuống kênh nhưng không thấy ngoi lên không thể nào nói là chết đuối vì dưới sông mực nước chỉ có khoảng 1 m

Cuối cùng tòa nhận định: Ba người rượt một người bằng mô tô một đoạn đường dài nên hoảng sợ quá nạn nhân mới chạy vào cầu khỉ, nhảy xuống sông. Mặc dù các bị cáo không đánh bị hại và bị hại chết là ngoài ý muốn nhưng nếu các bị cáo không rượt đuổi đến cùng thì nạn nhân đã không chết. Gia đình nạn nhân cho rằng các bị cáo dùng dây xích siết cổ là không có căn cứ. Từ đó, tòa phạt các bị cáo mức án như đã nói và buộc các bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân 95 triệu đồng.

Đánh chết rồi quăng xuống kênh?

Ông Hứa Vĩnh Đạt (cha của nạn nhân Trung) cho biết ông từng làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ cái chết của con trai ông. Ông cho biết trước đó Trung không hề quen biết hay có mâu thuẫn với ba bị cáo này. Hôm xảy ra vụ việc, Trung đi đổi vỏ bia và có nhờ một người bạn chở đi. Đến quán thì thấy ba bị cáo đang ngồi nhậu. Ba bị cáo vốn sẵn có mâu thuẫn với người bạn của Trung nên mới thấy mặt đã gây gổ và đánh nhau với người bạn này và đánh cả Trung. Trung xuống vỏ lãi chạy về vuông tôm của người cậu. Sau đó, người dượng đã chở Trung đến quán nhậu để hỏi đầu đuôi nhưng lúc này các bị cáo đã về. Người dượng chở Trung về, trên đường về thì bị nhóm bị cáo chặn đánh ba lần. Gia đình gọi điện thoại cho Trung thì thấy chuông reo nhưng không bắt máy…

Ông Hứa Vĩnh Đạt – cha nạn nhân Trung và hiện trường nơi gia đình phát hiện xác Trung. Ảnh: PL

Trong đơn, ông Đạt nêu: “Trung bị đánh tại ba vị trí: Ngay quán đến trả vỏ bia, tại cống gần nhà của bị cáo Lâm và lần thứ ba là gần cây cầu khỉ, nơi phát hiện Trung chết”. Theo ông Đạt, trong khi đi tìm con, ông gặp trưởng Công an xã Vĩnh Mỹ A đang cầm điện thoại của Trung, ông hỏi: “Con tôi đâu?”. Vị công an này trả lời: “Con ông lội kênh về rồi”. Gia đình đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Một người phụ nữ nhà ngay sát bên cây cầu chỉ xuống kênh nói với ông: “Trung đã bị giết rồi vứt xác chỗ đó”. Gia đình xuống chỗ vừa chỉ thì đụng ngay xác Trung.

“Ngày con tôi chết là 15-10-2012, tức ngày 1-9 âm lịch. Hôm đó là ngày nước ròng, mực nước nơi sâu nhất chỉ khoảng 1 m. Nếu con tôi thực sự nhảy xuống kênh thì cũng không thể chết ngạt nước được bởi nó là dân làm vuông, bơi lội rất giỏi, không thể vừa rơi xuống đã chết ngay tại vị trí rơi được. Nhiều người gần nơi xảy ra án mạng nói với tôi họ trông thấy con tôi bị đánh chết rồi ném xuống kênh. Tuy nhiên, khi tôi nhờ họ ra tòa làm chứng thì họ lại sợ…” – ông Đạt trình bày.

NGÂN NGA

Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM.

9b61c9add26ae66de11f78f97af7a160_L

NGUYÊN PHÓ THANH TRA GIAO THÔNG ĐẮK NÔNG PHỦ NHẬN VIỆC NHẬN HỐI LỘ

 

Thứ tư 19/08/2015 20:04


(PLO)
 – Ngày 19/8, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động số 56 (trạm cân số 56, Sở GTVT Đắk Nông).

Theo đó, các bị cáo Lê Đình Trọng (SN 1975, nguyên phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Đắk Nông, trạm trưởng Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động số 56) bị truy tố về tội “nhận hối lộ”; 2 bị cáo Nguyễn Xuân Chung (SN 1968, trú TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và Nguyễn Trọng Toàn (SN 1979, trú huyện Tây Sơn, Bình Định) về tội “đưa hối lộ”.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Nông, vào năm 2013, Nguyễn Trọng Toàn (nhân viên Công ty TNHH Hiệp Toàn) đã xin số điện thoại của Lê Đình Trọng nhờ giúp đỡ khi xe của công ty qua địa bàn xảy ra vi phạm về tải trọng và được Trọng đồng ý. Vào tháng 4/2014, Lê Đình Trọng nhiều lần gọi điện cho Toàn gợi ý khoản tiền “bảo kê”. Toàn nhờ vợ và em trai vợ 2 lần chuyển vào tài khoản Trọng số tiền 20 triệu đồng. Trong hóa đơn, vợ Toàn ghi nội dung chuyển tiền “thanh toán tiền luật trên đường”.

 


Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Kết quả điều tra, từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2014, Công ty TNHH Hiệp Toàn đã vận chuyển 89 chuyến dầu ăn trên tuyến quốc lộ 14 và 99 chuyến xe container gỗ từ Đắk Nông về TP. HCM nhưng không bị xử lý.

Cùng thời gian,  Nguyễn Xuân Chung (nhân viên doanh nghiệp vận tải Phước Hòa, ở Đắk Lắk) đã 2 lần chuyển vào tài khoản của Nguyễn Tấn Mẫn (SN 1977, đội trưởng Đội TTGT, Sở GTVT Đắk Nông, kiêm phó Trạm trưởng Trạm cân số

56) số tiền 29 triệu đồng để được bỏ qua lỗi vi phạm. Doanh nghiệp vận tải Phước Hòa đã vận chuyển 173 chuyến xe quá tải trọng nhưng không bị xử lý.
Vào tháng 10/2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Lê Đình Trọng để điều tra hành vi “nhận hối lộ”. Nguyễn Tấn Mẫn cũng được triệu tập lên làm việc, tuy nhiên nghi can này đã nhảy lầu tự tử tại trụ sở công an tỉnh.  Nguyễn Xuân Chung và Nguyễn Trọng Toàn sau đó bị khởi tố, bắt giam về tội “đưa hối lộ”.

Phiếu chuyển tiền ghi “thanh toán tiền luật trên đường” mà Toàn chuyển cho Trọng

Tại tòa, Lê Đình Trọng khai nhận việc chuyển tiền qua tài khoản là có thật. Tuy nhiên, bị cáo lý giải việc chuyển tiền là do Trọng mượn của Toàn khi bị ốm. Về phía Nguyễn Trọng Toàn, bị cáo khai chỉ làm môi giới dịch vụ cho các xe tải chở dầu ăn và xe container lưu thông qua điện bàn để ăn hoa hồng chứ không trực tiếp ký kết hợp đồng vận chuyển hay điều khiển phương tiện. Toàn cũng khai, 2 lần chuyển tiền cho Trọng là do Trọng nhờ vay tiền dùm lúc ốm. Toàn cũng khai, hóa đơn chuyển tiền ghi “thanh toán tiền luật trên đường” là do vợ Toàn tự ghi. Còn bị cáo Nguyễn Xuân Chung khai nhận, nguyên nhân chuyển tiền cho ông Mẫn là do lo sợ nhà xe bị làm khó dễ.

Qúa trình điều tra theo chuyên án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông đã mời ông Nguyễn Tấn Mẫn lên trụ sở làm việc. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, ông Nguyễn Tấn Mẫn xin đi ra ngoài rồi bất ngờ nhảy từ tầng 2 của công an tỉnh xuống đất dẫn đến tử vong. Gia đình ông Mẫn sau đó cho rằng cái chết của ông Mẫn có nhiều bất thường. Tuy nhiên phía lãnh đạo Công an tỉnh Đăk Nông kết luận ông Mẫn nhảy lầu chết.

Tại phiên tòa, trong phần tranh tụng, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra nhiều chứng cứ, tình tiết mới quan trọng và cho rằng Viện KSND tỉnh Đắk Nông kết luận các bị cáo tội danh đưa và nhận hối lộ là chưa đủ căn cứ. Luật sư Trần Giáng Hương – Trưởng Văn phòng Luật sư Tam Đa (Đoàn Luật sư TP. HCM) phân tích, việc cơ quan điều tra căn cứ vào chứng từ vận chuyển, hồ sơ khai thuế và xác nhận của đơn vị thuê vận chuyển của Công ty TNHH Hiệp Toàn để lấy số liệu ghi trong hồ sơ vụ án là chưa hợp lý. Việc kết luận 99 chuyến xe container vận chuyển gỗ từ Đắk Nông đi TP. HCM và được Trọng bỏ qua là chưa xác đáng, bởi thực tế, các chuyến xe này không đi qua Trạm cân số 56.

Cũng theo luật sư Hương, hoạt động của trạm cân có sự phối hợp giữa lực lượng TTGT và CSGT. Các ca trực đều luân phiên cán bộ nên Trọng không thể biết xe của Toàn, thời gian qua trạm để “bảo kê”.

Với nhiều tính tiết, chứng cứ mới, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ vụ án về Viện KSND tỉnh Đắk Nông để tiếp tục điều tra bổ sung, làm rõ.


ĐẠI DŨNG-NGUYỄN ĐỨC

 

bc4c6771b68b0ed330f1918b8b62d9c4_L

XÔN XAO VỤ LỪA BÁN IPHONE 6 GIÁ “BÈO” CHIẾM ĐOẠT GẦN 30 TỶ ĐỒNG

Xôn xao vụ lừa bán iPhone 6 giá "Bèo" chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng

Cảnh báo phương thức lừa đảo mới của
những “canh bạc đầu tư” mạo hiểm trên mạng
ĐỨC MINH – GIA NHÂN

Thông tin về vụ lừa đảo bán hàng Iphone 6 giá “bèo” qua mạng, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, khiến không ít người giật mình. Được đánh giá là vụ lừa đảo qua mạng lớn nhất từ trước đến nay, vụ việc là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người, khi tham gia mua bán trên mạng. Cho tới thời điểm này, được biết không ít nạn nhân đã vay nóng, cầm cố cả sổ đỏ nhà đất, để có tiền đặt cọc cho đối tượng lừa đảo. Riêng đối tượng này đã “cao chạy xa bay”.

Nhà của đối tượng L. bị các chủ nợ bôi vẽ

Những cú lừa chết người

Ngày 6/11, Đội Cảnh sát ĐTTP về TTXH-Công an quận Tân Bình cho biết, đang tiến hành xác minh, điều tra làm rõ những đơn thư của nhiều nạn nhân tố cáo N.D.L (ngụ quận Tân Bình) lừa chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng bằng hình thức nhận đặt hàng mua – bán ĐTDĐ hiệu IPhone 6 với giá rẻ. Theo tường trình của các nạn nhân, do đọc được thông tin L. đăng trên những trang mạng như:  nhattao.vn, 5giay.vn… rao bán ĐTDĐ Iphone 6 và Iphone 6 Plus, với giá rẻ hơn thị trường.  Thông tin L. đưa ra, những chiếc Iphone trên đều là hàng chính hãng, giá sẽ ưu đãi cho những đơn đặt hàng từ hai chiếc ĐTDĐ trở lên. Những người có nhu cầu sẽ đặt cọc trước 50% trị giá chiếc điện thoại, và 25 ngày sau sẽ được nhận hàng. L. còn cam kết, nếu không giao hàng đúng hạn, sẽ trả lại tiền và đền bù 10% số tiền khách hàng đặt cọc.

Tuy nhiên, khi đến hẹn lấy hàng, các nạn nhân mới “ngã ngửa” vì không còn liên lạc được với L. Tìm đến nhà L. theo địa chỉ L. cung cấp trên mạng, thì cửa đóng then cài. Theo tìm hiểu, đa phần người bị lừa là các đầu nậu, chủ các cửa tiệm điện thoại mua đi bán lại. Số tiền mà mỗi người đặt cọc cho L. đều trên dưới cả tỷ đồng. Người nhiều nhất là 12 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nạn nhân là sinh viên, vì ham rẻ, với ý định mua đi bán lại kiếm chút lời, đã không ngần ngại đi vay nóng, cầm cố sổ đỏ của gia đình, đặt cọc tiền cho L.  Ông D., một trong những nạn nhân cho biết, trước khi kinh doanh iPhone, L. kinh doanh nước hoa và tạo được ít nhiều uy tín với một số người. L. còn tạo lập một nhóm trên mạng có tên “nghiện nước hoa” có nhiều người tham gia.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên, các đối tượng lợi dụng mạng internet để mua bán, rồi lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đầu năm 2014, cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đoàn Mạnh Quang (25 tuổi, quê Lâm Đồng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra ban đầu, Quang dùng chứng minh nhân dân giả, để lập tài khoản ngân hàng và lên mạng để rao bán các sản phẩm chính hãng như IPhone 5, máy tính… với giá rẻ. Người nào có nhu cầu mua thì Quang yêu cầu chuyển vào tài khoản trước 30% giá trị sản phẩm, rồi giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Quang im luôn và không giao hàng cho khách.

Đối tượng Đoàn Mạnh Quang – một nhà văn trẻ” lừa đảo trên mạng bị phát hiện

Cuối năm 2013, trên diễn đàn Lamchame.com xôn xao về việc gần cả trăm người bị lừa với tổng số tiền ước tính ban đầu hơn 300 triệu đồng. Cụ thể, một nick name là Me_vu, nhận đặt hàng Tây Ban Nha, nhưng không giao hàng cho nhiều người, dù đã nhận tiền.  Liên lạc qua điện thoại và diễn đàn, Me_vu đều đưa ra nhiều lý do như “hàng chưa về kịp”, hay “con ốm chưa giao hàng được”, “hàng bị giao nhầm cho người khác”… Theo nhiều người đặt hàng, trước khi việc bị vỡ lở, nick name này thường xuyên trao đổi, mua lại hàng hóa của một số người trên diễn đàn Lamchame.com nên tạo được niềm tin. Khi mở dịch vụ nhận đặt hàng Tây Ban Nha, thời gian đầu Me_vu cũng trả hàng đúng hẹn. Điều này khiến nhiều người bị mất tiền khi đã chuyển khoản trước gần hết trị giá món hàng muốn mua…

Một phương thức lừa đảo mới

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có trên 1.100 doanh nghiệp (DN) đăng ký website bán hàng qua mạng tại Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin và khoảng 150 website cung cấp dịch vụ TMĐT (thông qua các sàn giao dịch). Trên thực tế, số lượng website bán hàng qua mạng chưa đăng ký với Cục còn lớn hơn gấp nhiều lần, nhất là những website bán hàng của cá nhân lập ra và thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter…Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc  Dũng, Trưởng văn phòng đại diện phía nam Hiệp hội TMĐT thừa nhận, Khi có tranh chấp khiếu kiện xảy ra và cơ quan quản lý nhà nước có yêu cầu thì các DN quản lý sàn TMĐT phải cung cấp toàn bộ thông tin của các cá nhân tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, việc thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT vẫn chưa cao.

Hoạt động kinh doanh trên mạng nở rộ tại Việt Nam trong 1 – 2 năm trở lại đây. Theo ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hội đã nhận rất nhiều đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, và cả những trường hợp lừa đảo khi giao dịch mua bán qua mạng. Một cán bộ công an tại TP.HCM nhận định, nhiều khả năng, đây sẽ trở thành một phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới, của nhiều đối tượng qua hình thức mua bán hàng trên mạng. Cũng như nhiều hình thức lừa đảo khác, dù được cảnh báo, thông tin các vụ việc lừa đảo đăng tải nhan nhản trên truyền thông, nhưng vẫn có một bộ phận trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chính vì vậy, vụ việc lừa đảo bán Iphone 6 giá rẻ này, rất có thể chỉ là “màn dạo đầu”, cho những canh bạc mạo hiểm trên mạng.

Vị cán bộ công an này phân tích, những diễn đàn hoặc các mạng xã hội, việc giao dịch mua bán của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào, nên việc trà trộn hàng nhái, hàng giả cũng khá phổ biến. Rủi ro càng cao hơn khi giao dịch TMĐT mà người mua phải trả tiền trước và nhận hàng sau. Đây thường là những mặt hàng đang hot, hàng có giá trị, được các đối tượng quảng cáo là hàng nhập, xách tay từ nước ngoài về. Với những mặt hàng này, buộc người mua phải đặt cọc trước một số tiền, khi nhận hàng sẽ thanh toán đầy đủ. Rủi ro từ hình thức giao dịch, mua bán này là cao nhất.

Đồng quan điểm trên, thạc sỹ tâm lý Phan Thị Thanh Huyền, công ty tư vấn Tâm lý Việt (TP.HCM) nhận định, đánh vào tâm lý muốn mua hàng ngoại, giả rẻ của khách hàng, nhiều đối tượng sẽ coi đây là “miếng mồi béo bở” để lừa đảo. Mua hàng trên mạng không còn xa lạ với người Việt, vì nó khá tiện lợi, giá cả lại luôn rẻ hơn so với thị trường. Để thực hiện kế hoạch này, những đối tượng lừa đảo đã tính toán kỹ lưỡng, tạo niềm tin với khách hàng, bằng nhiều giao dịch chính xác, uy tín trước đó. Khi trở thành mối quan hệ làm ăn thân thiết, người mua sẽ ít để ý đến những rủi ro có thể xảy ra. Thêm vào đó, các đối tượng nhắm đến lượng khách hàng là những đại lý, đầu nậu, mua đi bán lại kiếm lời. Khi thấy mối lời quá lớn, họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, với những hợp đồng mua bán trên mạng giá trị lớn, khách hàng cần gặp trực tiếp người bán, tìm hiểu thông tin cá nhân, giao dịch bằng hợp đồng rõ ràng. Có như vậy, mới giảm thiểu được thiệt hại, khi xảy ra rủi ro.

Nguồn: Báo đời sống và Pháp luật

 

32a94b4f860c9ea010c2508169f36f36_L

TÒA TRẢ HỒ SƠ VỤ NGUYÊN PHÓ CHÁNH THANH TRA GIAO THÔNG NHẬN HỐI LỘ

 

VOV.VN – HĐXX cho rằng chưa có căn cứ buộc tội nguyên Phó Chánh Thanh tra giao thông tỉnh Đắk Nông nhận hối lộ để bỏ qua lỗi xe quá tải trọng.

Ngày 19/8, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị can Lê Đình Trọng (sinh năm 1975, nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải Đắk Nông) về tội nhận hối lộ; 2 bị can Nguyễn Xuân Chung (sinh năm 1968, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và Nguyễn Trọng Toàn (sinh năm 1979, ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) về tội đưa hối lộ.


                                                          Các bị cáo tại phiên tòa

Theo cáo trạng, đầu năm 2013, qua công tác kiểm tra xe quá tải trọng trên tuyến Quốc lộ 14, Đội Thanh tra giao thông do Lê Đình Trọng – Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải phụ trách đã phát hiện và bắt giữ 4 xe container của Công ty TNHH Hiệp Toàn, trụ sở tại quận 9, thành phố Hồ Chí Minh chở quá tải trọng quy định.

Tuy nhiên sau 4 ngày tạm giữ, cả 4 xe container đều không bị xử phạt vi phạm hành chính với lý do vi phạm lần đầu.

Từ đó, biết Trọng là Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Đắk Nông nên Nguyễn Trọng Toàn, nhân viên Công ty Hiệp Toàn đã đặt vấn đề “bôi trơn” để nhờ Trọng giúp đỡ khi xe của công ty vi phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và được Trọng đồng ý.

Trong thời gian giữ cương vị Trạm trưởng trạm cân lưu động 56, đặt trên tuyến Quốc lộ 14, từ tháng 4/2014, Trọng nhiều lần gọi điện cho Toàn yêu cầu đòi tiền “chung chi”, “bồi dưỡng”. Theo đó Toàn đã hai lần chuyển vào tài khoản cho Trọng với số tiền 20 triệu đồng để Trọng bỏ qua các lỗi vi phạm.

Từ tháng 5 đến tháng 10/2014, Công ty Hiệp Toàn vận chuyển gần 200 chuyến xe container gỗ và dầu ăn từ Đắk Nông về thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại đều quá tải trọng mà không bị đội của Trọng kiểm tra xử lý.

Cũng trong thời gian này, để xe vận tải doanh nghiệp mình chở quá tải mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật, Nguyễn Xuân Chung, nhân viên doanh nghiệp vận tải Phước Hòa (trụ sở tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã hai lần chuyển vào tài khoản của Nguyễn Tấn Mẫn (nguyên Trạm phó Trạm cân lưu động do Trọng phụ trách) tổng số tiền 29 triệu đồng để Mẫn bỏ qua lỗi vi phạm.

Từ tháng 4 đến tháng 10/2014, doanh nghiệp vận tải Phước Hòa đã vận chuyển 173 chuyến xe quá tải trọng cho phép nhưng không bị kiểm tra xử lý.
Khi sự việc bị phát hiện, Cơ quan điều tra công an tỉnh Đắk Nông đã mời Nguyễn Tấn Mẫn lên làm việc. Tuy nhiên sau đó Nguyễn Tấn Mẫn đã nhảy từ tầng hai trụ sở cơ quan điều tra xuống đất dẫn đến tử vong.

Tranh tụng tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo cũng như một số luật sư đều khẳng định số tiền này là do vay mượn chứ không phải là hối lộ.
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Mấu chốt trong vụ án này là cơ quan cảnh sát điều tra không chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa việc chuyển số tiền này để làm hay không làm việc gì. Theo quan điểm của chúng tôi, để buộc tội, cơ quan chức năng phải làm rõ, chứng minh được việc đưa tiền là có hay không có và để đạt được mục đích gì”.

Do vụ án có nhiều tình tiết bị chồng chéo, chưa có căn cứ để buộc tội các bị cáo nên Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ về cho cơ quan chức năng điều tra bổ sung, làm rõ những tình tiết quan trọng của vụ án./.

Thế Thắng/VOV-Tây Nguyên

 

8d20793c9524220702360040c923d064_L

VIỆN KIỂM SÁT CÁO BUỘC CÓ TỘI, TÒA MIỄN TRUY CỨU

(Trong vụ án này Luật sư Trần Giáng Hương bào chữa cho bị cáo Hồ Văn Hoàng được miễn trách nhiệm hình sự; bị cáo Nguyễn Tâm Hồng Ánh được hưởng án treo).

15/09/2015 15:12

(NLĐO) – Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 3 đến 17 năm tù, tuy nhiên tòa lại tuyên 3 trong số 12 bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự, các bị cáo còn lại đều được hưởng án treo.

Sau 3 ngày xét xử, sáng 15-9, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên án 12 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Khải, nguyên quyền Giám đốc Agribank chi nhánh BR-VT, cùng 2 bị cáo khác được tuyên miễn trách nhiệm hình sự, riêng 9 bị cáo còn lại chịu mức án từ 30 tháng đến 3 năm tù, cho hưởng án treo.

Các bị cáo nghe toà tuyên án

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, trong thời gian từ ngày 5-8 đến ngày 25-8-2011, Nguyễn Ngọc Khải đã cố ý làm trái quy định của nhà nước để 11 nhân viên cấp dưới lạm dụng chức vụ, quyền hạn, thực hiện hành vi sử dụng họ tên, địa chỉ và giấy chứng minh nhân dân của người thân, khách hàng lập khống 110 giấy xác nhận người môi giới huy động vốn, nhằm chiếm đoạt hơn 3,4 tỷ đồng của ngân hàng.

Vụ án được khởi tố tháng 10-2011 do Cơ quan Cảnh sát điều tra (C48) – Bộ Công an điều tra. Sau khi Viện KSND Tối cao hoàn tất cáo trạng đã ủy quyền cho cơ quan tố tụng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản đề nghị các cơ quan tố tụng miễn trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng NNVN giải quyết theo thẩm quyền. Bởi, sau khi vụ việc xảy ra, cán bộ nhân viên Agribank chi nhánh BR-VT đã nộp lại toàn bộ hoa hồng, do đó không có thiệt hại xảy ra.

Tuy nhiên, phía đại diện VKS vẫn quyết định giữ nguyên quan điểm cáo buộc các bị cáo theo cáo trạng và yêu cầu tuyên các bị cáo từ 3 đến 17 năm tù. Trong khi đó, các luật sư bào chữa cho các bị cáo yêu cầu TAND phải tuyên các bị cáo vô tội.

Sau 3 ngày xét xử, HĐXX xét thấy việc ông Khải ký các quyết định để dẫn tới sai phạm của cấp dưới là theo nghị quyết của tập thể chứ không phải tự ý thực hiện. Sau khi phát hiện ra đây là một sản phẩm “hỏng”, ông Khải đã báo cáo vụ việc lên cấp trên để chấm dứt; đồng thời yêu cầu các nhân viên thu hồi lại các hợp đồng đã ban hành. Vì vậy, HĐXX đã quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Khải và 2 thuộc cấp.

Riêng các bị cáo khác, HĐXX xét thấy các bị cáo thực hiện việc gửi – vay, vay – gửi nhằm hưởng chênh lệch lãi suất chứ ko có ý chiếm đoạt tài sản như đã cáo buộc.

Ngoài ra, HĐXX cũng nhận thấy cáo trạng trong vụ án nêu chung chung, không chứng minh được các bị cáo lạm quyền hay vượt quyền như thế nào. Lập luận của các công tố viên trước tòa chưa chắc chắn và không thỏa đáng.

Trước đó, đã 2 lần vụ án được ra xét xử nhưng HĐXX đều yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung do thiếu căn cứ buộc tội. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không điều tra thêm được gì.

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là có và các bị cáo phải chịu mức án nhưng nhẹ hơn so với mức án mà đại diện VKS đề nghị.

Ngọc Giang Nguồn: Báo Người Lao Động