ĐƯỢC RÚT KHIẾU NẠI TẠI BẤT CỨ THỜI ĐIỂM NÀO

(PLO) Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Bộ Quốc phòng vừa ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại về bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự.

Theo đó, trình tự khiếu nại được quy định: người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn  quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án HC tại Tòa án.

Thời hiệu khiếu nại việc giải quyết bồi thường xem xét trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính.

Người khiếu nại có thể rút khiếu nại  tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai) hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai đều có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký ban hành  (đối với vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn là 45 ngày).

ĐL Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM

HẠN CHẾ GIAM NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Thay vì trừng phạt, giáo dục và hỗ trợ cho người chưa thành niên phạm luật sẽ có hiệu quả phòng ngừa tái phạm cao hơn.

Ngày 25-2, tại UBND quận 1 (TP.HCM), các ban, ngành đã tổ chức hội thảo triển khai kế hoạch hỗ trợ người chưa thành niên (NCTN) vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng.

Đây là chương trình nằm trong kế hoạch hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật do UBND TP phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) triển khai tại quận 1 và quận Bình Thạnh.

Theo báo cáo của VKSND quận 1, trong năm 2013, địa bàn quận có 27 bị can là NCTN phạm các tội như cố ý gây thương tích, công nhiên chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản và có cả chống người thi hành công vụ. Với NCTN vi phạm pháp luật nói chung thì số lượng này nhiều hơn.

Với phương châm phòng ngừa là chính, quận đã cho các phường rà soát số liệu trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật, trẻ chưa ngoan. Các em này thường sống trong những gia đình có cha mẹ ly hôn, cha mẹ phạm tội, gia đình có bạo hành… “Quận đã đưa các em này cùng với những em đã vi phạm pháp luật đi thăm Trường Giáo dưỡng số 4 và tham gia hoạt động hướng nghiệp dạy nghề tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ em đường phố, các lớp kỹ năng sống để các em có định hướng sống đúng đắn. Không chỉ các em, 40 bà mẹ có con chưa ngoan cũng được mời tham dự lớp sinh hoạt kỹ năng thể hiện tình cảm trong gia đình để họ biết cách gần gũi, quan tâm giáo dục con cái” – bà Phạm Thị Thu Giang, Phó phòng LĐ-TB&XH quận 1, cho biết.

 

Chăm sóc, giáo dục những trẻ có nguy cơ vi phạm pháp luật cũng là một khâu quan trọng trong kế hoạch giúp đỡ NCTN phạm luật. Trong ảnh: Trường Thiếu niên thành phố, nơi có nhiều trẻ chưa ngoan đang được chăm sóc sức khỏe. Ảnh: T.MẬN

 

 

Ông Trần Công Bình, đại diện cho UNICEF, cho rằng NCTN khi vi phạm pháp luật cần được xử lý khác so với người đã trưởng thành. NCTN có biến động lớn về hormone và tình cảm. Điều đó khiến họ xử sự bốc đồng. Họ cố gắng tỏ ra người lớn, chứng tỏ sự độc lập, dễ chấp nhận rủi ro và dễ bị bạn bè gây áp lực. “Những người trẻ này đang trong quá trình hình thành nhân cách, khả năng phục hồi nhân cách cao hơn so với người trưởng thành. Thay vì đơn thuần trừng trị, các biện pháp giáo dục, phục hồi sẽ có khả năng phòng ngừa tái phạm cao hơn” – ông Bình lý giải việc cần thiết phải hỗ trợ cho NCTN phạm luật.

Mục tiêu của kế hoạch mà UBND TP.HCM phối hợp cùng UNICEF triển khai tại quận 1 và quận Bình Thạnh là phát triển các dịch vụ hỗ trợ khi giáo dục NCTN phạm luật tại cộng đồng, hạn chế việc lạm dụng biện pháp tạm giam đối với NCTN, tránh tình trạng giam giữ chung NCTN với người thành niên…

Ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định việc triển khai thực hiện kế hoạch và mô hình tại quận 1 và Bình Thạnh đã góp phần vào việc triển khai hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em và NCTN tại TP và trên phạm vi toàn quốc. Kế hoạch không chỉ tác động đến trẻ em vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến trẻ em khác tham gia vào các quá trình tư pháp như: Trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, người có liên quan…

T.MẬN

Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM

Một số mục tiêu của kế hoạch

– 30% NCTN vi phạm pháp luật thuộc diện bị lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng được xử lý bằng các chế tài giáo dục tại cộng đồng thay cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

– 70% điều tra viên chịu trách nhiệm điều tra các vụ án vi phạm pháp luật do NCTN thực hiện được tập huấn về kỹ năng điều tra thân thiện đối với NCTN.

– Trong vòng 12 tháng kể từ khi được can thiệp, hỗ trợ, tỉ lệ NCTN vi phạm pháp luật hoặc tái vi phạm pháp luật chỉ còn dưới 12%…

KIỆN VÌ KHÔNG ĐƯỢC NÂNG LƯƠNG

Tòa đã đứng về phía người lao động, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc công ty phải điều chỉnh hệ số lương và thanh toán số tiền chênh lệch cho người lao động.

Tòa án quận 1 (TP.HCM) vừa xử sơ thẩm một vụ tranh chấp khá lạ: Người lao động kiện công ty vì không được nâng lương đúng quy định.

Không phạm kỷ luật nhưng không được nâng lương

Tháng 10-2013, bà Đỗ Thị Bích Liêng nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH một thành viên Trục vớt cứu hộ Việt Nam yêu cầu điều chỉnh hệ số lương từ 4,2 lên 4,51 từ ngày 1-1-2009 đến ngày 31-12-2011 và trả số tiền hơn 12,4 triệu đồng do nâng lương chậm.

Theo bà Liêng, bà làm việc tại công ty từ năm 1982. Đến 12-6-2012, từ biên chế chính thức bà bị chuyển sang hợp đồng lao động không xác định thời hạn, chức danh kỹ sư. Trong 30 năm làm việc, bà luôn hoàn thành công việc và không vi phạm bất cứ kỷ luật nào. Tuy nhiên, từ 1-3-2006 đến 31-12-2011 công ty không xét nâng cho bà bậc lương nào dù bà hoàn toàn đủ điều kiện được xét. Do đó bà khởi kiện ra tòa nhờ giải quyết.

Công ty xác định bà Liêng là kỹ sư công trình, làm việc tại xí nghiệp của công ty. Bà làm công tác bảo hộ lao động và đang hưởng lương kỹ sư bậc 7/8, hệ số 4,2 từ tháng 3-2006. Do không chấp hành chủ trương của công ty và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất theo quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở cho các cán bộ, công nhân viên nên công ty không xét nâng bậc lương cho bà Liêng theo niên hạn (tháng 3-2009). Sau đó, công ty đã cân nhắc và tăng cho bà lên bậc 8/8 với hệ số 4,51 kể từ ngày 1-1-2012. Từ đó, công ty khẳng định việc không xét nâng lương cho bà là đúng vì đây là lỗi của người lao động.

Lý do công ty đưa ra không có cơ sở

Tại phiên tòa, công ty còn trình bày thêm lý do không nâng lương do bà Liêng không hoàn thành nhiệm vụ phụ trách an toàn lao động. Cụ thể, trong quá trình bà phụ trách đã nhiều lần xảy ra tai nạn lao động, gây thiệt hại cho công ty. Hội đồng xem xét nâng bậc lương của công ty đã xét bà không đến mức kỷ luật nhưng quyết định không xem xét nâng bậc lương.

Đối đáp lại, bà Liêng cho rằng việc xảy ra tai nạn lao động không phải do lỗi của bà cũng như công ty không nhắc nhở bà về việc này.

Sau khi nghe các bên trình bày, HĐXX TAND quận 1 nhận định lý do công ty không nâng lương cho bà Liêng là không có căn cứ. Công ty nói bà Liêng không hoàn thành nhiệm vụ phụ trách an toàn lao động dẫn đến tai nạn lao động liên tục từ năm 2006 đến 2010 nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Tai nạn xảy ra công ty không lập biên bản, không xác định được nguyên nhân và hậu quả tai nạn lao động và cũng không xác định lỗi của bà Liêng. Trong khi việc xử lý kỷ luật lao động phải thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục luật định.

Mặt khác, công ty nói hội đồng xem xét nâng bậc lương của công ty đã xét bà Liêng không đến mức kỷ luật nhưng quyết định không xem xét nâng bậc lương. Nhưng thực tế sau đó công ty đã tăng bậc lương cho bà từ ngày 1-12-2012. Việc làm này là đúng luật nhưng chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi của bà.

Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc công ty điều chỉnh hệ số lương và thanh toán số tiền chênh lệch cho bà Liêng, hai bên phải nộp bổ sung các khoản bảo hiểm theo quy định.

ÁI MINH

Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM

KIỆN ĐÒI THU NHẬP TỪ CHẠY XE ÔM

Tòa bác yêu cầu vì cho rằng nguyên đơn không chứng minh được thu nhập bình quân của nghề chạy xe ôm.

Mới đây, TAND TP.HCM đã hủy án của TAND quận 8 trong vụ đòi bồi thường thiệt hại và đòi tài sản giữa ông Uông Văn Đức và bà Lê Thị Ngân Hà. Tòa nhận định TAND quận 8 đã bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi không đưa vợ ông Đức vào tham gia tố tụng. Thiếu sót này vừa vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đồng thời có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của vợ ông Đức.

Nợ tiền nhà, bị giữ lại xe

Theo đơn kiện và trình bày của ông Đức tại tòa, tháng 9-2007, ông thuê phòng trọ của bà Hà (đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM) với giá 450.000 đồng/tháng để ở. Đến ngày 16-6-2009, ông Đức trả phòng. Trong thời gian ông sắp xếp đồ đạc để dọn đi, bà Hà đã chiếm giữ của ông một xe máy Wave hiệu Honor trị giá 9,8 triệu đồng (trên xe có bao linh kiện điện tử cũ, một nón bảo hiểm và túi đồ nghề sửa xe) cùng nhiều vật dụng khác ông để trong phòng trọ (như kệ treo tường, tranh nghệ thuật, bàn gỗ học tập, cặp bửng xe…).

“Tôi chạy xe ôm kiếm miếng ăn qua ngày. Chiếc xe máy là phương tiện mưu sinh duy nhất nhưng đã bị bà Hà chiếm giữ từ tháng 6-2009. Nay tôi yêu cầu bà Hà trả xe và bồi thường thiệt hại các vật dụng và tiền mất thu nhập cho tôi trong hơn 1.000 ngày bà giữ xe (120.000 đồng/ngày). Tổng cộng các khoản là 124 triệu đồng, thanh toán một lần ngay sau khi án có hiệu lực” – ông Đức yêu cầu.

Phía bà Hà có đơn phản tố yêu cầu ông Đức trả bà 589.000 đồng ông Đức còn nợ. Bà trình bày: “Đây chỉ là tiền điện, nước thôi vì tiền phòng tôi đã bớt cho ông Đức hết rồi. Tôi chấp nhận chịu thiệt nhưng ổng vẫn không chịu trả. Lúc đầu tôi chỉ định giữ CMND hoặc giấy tờ xe để làm tin nhưng ông Đức nói đã cầm giấy tờ ở tiệm cầm đồ nên buộc lòng tôi phải giữ xe. Sau đó, tôi đến phường trình báo sự việc và hẹn với ổng ngày lên phường trả tiền nhưng ổng không đến. Ổng cố tình kéo dài tới giờ này để đếm từng ngày, buộc tôi bồi thường cho nhiều. Giờ chỉ cần ông Đức trả đủ tiền thì tôi trả xe lại thôi”.

Trong khi đó, ông Đức cho rằng: “Tôi có đến phường theo lịch hẹn, chính bà Hà là người không đến. Sau công an cho biết đã chuyển hồ sơ sang tòa”.

Bên trả nợ, bên trả xe

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2013, TAND quận 8 xét thấy do tài sản thực tế không có những vật dụng mà ông Đức cho rằng bị mất nên không thẩm định được. Hơn nữa, ông Đức cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh có số tài sản trên. Ông Đức cũng không chứng minh được việc chạy xe Honda ôm chở khách có thu nhập bình quân 120.000 đồng/ngày nên cũng không có căn cứ pháp luật để đòi khoản tiền mất thu nhập. Từ đó, tòa nhận định yêu cầu của ông Đức đối với bà Hà là không có căn cứ. Về chiếc xe, tòa tuyên buộc bà Hà phải trả lại cho ông Đức.

Đối với yêu cầu phản tố của bà Hà, tòa xét mặc dù hai bên không có hợp đồng thuê nhà nhưng do ông Đức thừa nhận nợ nên phải trả 589.000 đồng cho bà.

Ngoài ra, tòa buộc ông Đức phải chịu án phí dân sự sơ thẩm hơn 3 triệu đồng (đã được giảm 50% do ông Đức thuộc diện khó khăn).

Ông Đức đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định: Chiếc xe Wave là tài sản chung của vợ chồng ông Đức nhưng TAND quận 8 đã không triệu tập người vợ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Từ đó, tòa quyết định hủy án, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

LỆ TRINH

Nguồn: Báo pháp luật Tp.HCM

Ông Đức phải chứng minh thiệt hại

Để có cơ sở buộc bà Hà bồi thường, phải làm rõ ông Đức sống bằng nghề xe ôm, ngoài ra không có nghề nào khác.

Chiếc xe máy là phương tiện kiếm sống hằng ngày, việc giữ xe làm ảnh hưởng thu nhập của ông Đức và gia đình ông. Hai bên không có hợp đồng thuê nhà, không có thỏa thuận thế chấp xe để trả nợ tiền thuê, cũng không có văn bản thể hiện ông Đức đồng ý cho bà Hà giữ xe để làm tin, chờ ông trả tiền phòng thì lấy lại xe. Từ đó cho thấy hành vi giữ xe của bà Hà có dấu hiệu chiếm giữ tài sản trái pháp luật. Nhưng ở đây ông Đức không tố cáo thì không có cơ sở xử lý.

Thu nhập từ nghề chạy xe ôm tuy không cố định nhưng có thể tính mức bình quân được. Mức thu nhập 120.000 đồng/ngày có thể được xem là trung bình một ngày của nghề này. Nếu lập luận như tòa quận 8 thì có thể đặt vấn đề ngược lại là cơ sở đâu để nói là ông Đức không có thu nhập ở mức này. Nếu bà Hà không đồng ý mức thu nhập này thì phải chứng minh. Theo tôi, nhận định của tòa sơ thẩm “ông Đức không chứng minh được thu nhập của nghề xe ôm là 120.000 đồng/ngày” để bác yêu cầu của ông là nhận định chủ quan, không có cơ sở.

Về nguyên tắc, người đưa ra yêu cầu phải tự chứng minh. Trong trường hợp này, nếu ông Đức không thể tự thu thập được chứng cứ thì có thể nhờ tòa. Tòa có thể yêu cầu cơ quan tài chính vật giá cung cấp chứng cứ về nguồn thu nhập, mức thu nhập bình quân một ngày, một tháng của lao động phổ thông ở địa phương để làm cơ sở để tính mức bồi thường thiệt hại cho ông Đức.

ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN,
giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Chạy xe ôm bét nhất ngày cũng được trăm ngàn

Tôi hành nghề chạy xe ôm trên 10 năm nay. Bình quân tôi kiếm được 150.000 đồng/ngày (tính theo giá cả hiện nay). Ngày nào mệt mỏi hoặc làm biếng, tôi chỉ đậu xe ở trước nhà, ai kêu thì chạy nhưng bét nhất cũng kiếm được 100.000 đồng (đã trừ tiền xăng). Tất nhiên do tôi có nhiều mối quen. Còn nếu siêng, mỗi ngày tôi kiếm có hơn 200.000 đồng, hôm nào vô mánh còn kiếm khá hơn nữa.

Anh NGUYỄN VĂN TƯhành nghề xe ôm ở phường 14,
quận Tân Bình, TP.HCM

THI HÀNH ÁN: DÂN KHÔNG PHẢI TỰ XÁC MINH?

Đề xuất bỏ quy định buộc người được thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án của dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi được các chuyên gia đánh giá là bước tiến lớn vì quyền lợi của người dân…

Mới đây, tại hội thảo “Luật Thi hành án dân sự (THADS) – Từ góc nhìn doanh nghiệp”, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Lê Anh Tuấn (Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp) cho biết: Dự thảo sửa đổi Luật THADS lần này đã đề xuất bỏ quy định bắt buộc người được THA phải xác minh về điều kiện THA của người phải THA.

Ngán ngẩm xác minh điều kiện THA

Cụ thể, sau khi ra quyết định THA, cơ quan THADS sẽ có trách nhiệm chủ động tiến hành xác minh điều kiện THA của người phải THA. Người được THA không phải chịu chi phí xác minh. Người được THA có quyền cung cấp thông tin về điều kiện THA của người phải THA (nếu có) nhưng không bắt buộc phải có nghĩa vụ xác minh.

Phó Vụ trưởng Lê Anh Tuấn nhìn nhận: Luật THADS hiện hành quy định người được THA phải tự xác minh điều kiện THA của người phải THA, trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được thì mới có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Quy định này nhằm nâng cao sự chủ động và tăng trách nhiệm của người được THA, để họ tham gia vào quá trình THA, giảm gánh nặng về nhân lực và kinh phí cho cơ quan THADS.

Trên thực tế, người được THA rất khó khăn để thực hiện việc xác minh tài sản của người phải THA. Trong ảnh: Lập biên bản kê khai tài sản THA. Ảnh: HTD

 

 

Tuy nhiên, với truyền thống văn hóa pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật cũng như điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay, quy định trên đã không phát huy được hiệu quả. Trên thực tế, người được THA rất khó khăn để thực hiện việc xác minh tài sản của người phải THA, nhất là khi xác minh tại các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng… Trách nhiệm xác minh là trở ngại lớn cho người được THA trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình theo phán quyết của tòa.

Đồng tình, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế VCCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết: Qua khảo sát, khối doanh nghiệp rất vui mừng và đánh giá cao bước tiến mới của dự thảo, giúp tháo gỡ khó khăn lớn cho người được THA. Nhu cầu THA của doanh nghiệp hiện chủ yếu phát sinh từ hai nguồn: Khách hàng mua hàng không trả tiền và chủ đầu tư không thanh toán cho nhà thầu. Qua khảo sát thì gần 50% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác minh tài sản của người phải THA bởi các đối tác không thiện chí. Do mệt mỏi, có những doanh nghiệp được THA bày tỏ quan điểm là sau này “sẽ không khởi kiện nữa nếu gặp vụ việc tương tự”.

Bước tiến mới vì người thắng kiện

Theo luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM), Luật THADS hiện hành không quy định cụ thể thế nào là trường hợp người được THA “đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh”, để từ đó có căn cứ yêu cầu chấp hành viên vào cuộc. Việc yêu cầu chấp hành viên xác minh có được chấp nhận hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chấp hành viên.

Trong khi đó, nếu người được THA là người dân bình thường thì việc tự xác minh điều kiện THA của người phải THA xem như bế tắc bởi họ không có thẩm quyền yêu cầu cơ quan thuế, ngân hàng hay những tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin về người phải THA cho mình. Thực tế, các cơ quan, tổ chức đều từ chối không cung cấp thông tin.

“Nếu như đề xuất này của dự thảo luật được thông qua sẽ là một tin rất vui cho người dân. Đó cũng là một bước tiến trong hoạt động cải cách tư pháp hiện nay” – luật sư Thuần nói.

Luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận xét: “Giao cho cơ quan THA trách nhiệm xác minh điều kiện THA là một quy định đúng đắn, cần thiết. Để đi hết một vụ án như hiện nay quá mệt mỏi cho người dân mà trong đó, việc phải tự xác minh điều kiện THA cũng là một quy định đang gây nhiều bức xúc”.

B.MINH – H.TÚ

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

Xét xử phải công bằng

Cần tìm hiểu thêm mối quan hệ giữa phán quyết của tòa án và kết quả THA để có giải thích thêm như thế nào? Một nền tư pháp mà không đảm bảo xét xử công bằng, minh bạch thì rất là gay go, làm sao THA được?

TS LÊ ĐĂNG DOANH

Lợi cho dân thì nên làm

Đề xuất như dự thảo là rất tiến bộ. Tôi nghĩ sau này trách nhiệm, công việc của các cơ quan THADS, chấp hành viên sẽ tăng lên nhưng cái gì có lợi cho người dân thì nên làm.

Luật sư ĐINH VĂN THẢO, Đoàn Luật sư TP.HCM

ĐIỀU KIỆN TÁCH THỬA ĐẤT TẠI TP.HCM BỊ “THỔI CÒI”

Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp cho rằng các điều kiện do TP.HCM đưa ra không có trong quy định. Tuy nhiên, TP giải thích đó là do thực tiễn đòi hỏi và luật không cấm.

Hai quyết định của UBND TP.HCM về diện tích tối thiểu khi tách thửa (Quyết định 19/2009 và Quyết định 54/2012) vừa bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp (gọi tắt là Cục Kiểm tra văn bản) “tuýt còi”. Theo cục này, TP đặt ra những điều kiện không được quy định trong luật và ngoài thẩm quyền, gây khó cho dân.

Luật không quy định đất lớn phải lập hạ tầng

Tại các quyết định 19/2009 và 54/2012, UBND TP quy định: Trường hợp toàn bộ thửa đất được hình thành sau khi tách thửa đều sử dụng vào mục đích đất ở thì ngoài điều kiện phù hợp quy hoạch đất ở, còn phải đáp ứng yêu cầu sau: “Thửa đất từ 1.000 m2 đến 2.000 m2 thì phải có phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Việc tách thửa chỉ được thực hiện sau khi phương án này được thực hiện và có nghiệm thu của UBND quận, huyện nơi có thửa đất”. Với thửa đất trên 2.000 m2, TP yêu cầu phải lập dự án theo quy định.

Về mặt thẩm quyền, Cục Kiểm tra văn bản cho rằng theo Nghị định 84/2007, UBND cấp tỉnh được ban hành quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa của từng loại đất tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, yêu cầu phải lập phương án hạ tầng kỹ thuật với thửa đất trên 1.000 m2 và phải lập dự án với thửa đất trên 2.000 m2 thì “không có trong các quy định của các văn bản hiện hành, cũng không có quy định giao UBND cấp tỉnh ban hành các điều kiện trên” – cục nhận định.



Việc UBND TP ban hành những điều kiện cụ thể để tách thửa đất nông nghiệp nhằm tránh tạo ra khu ổ chuột mới. Ảnh: HTD

Về mặt nội dung, cục cho rằng quy định pháp luật không đặt ra những yêu cầu trên. Mặt khác, những điều kiện này lại được quy định thiếu cụ thể, do đó “có thể gây khó khăn cho người sử dụng đất khi thực hiện các quyền của mình”.

Cần có điều kiện để chống nhà ổ chuột

Tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất ở là những nội dung quan trọng trong quản lý đất đai tại TP.HCM. Để ban hành Quyết định 19/2009, UBND TP đã mất nhiều năm để lấy ý kiến các sở/ngành, quận/huyện về diện tích tối thiểu của các thửa đất cũng như các điều kiện để tách thửa với các khu đất lớn. Các cơ quan đều thống nhất phải có những quy định ràng buộc đối với việc tách một thửa đất lớn từ 1.000 m2 trở lên để hình thành những khu đất nhỏ xây nhà ở. Cụ thể là phải có hạ tầng kỹ thuật, được quận, huyện nghiệm thu hoặc phải lập dự án. Cuối cùng, Quyết định 19/2009 được thông qua và được áp dụng trên thực tế từ năm 2009 đến nay (sau đó Quyết định 54/2012 có sửa đổi một phần).

Sau khi có ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản, Sở Tư pháp TP đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các sở, ngành liên quan. Sở Xây dựng, Sở TN&MT… đều bảo lưu quan điểm cần có những quy định trên để chống hình thành những khu nhà ở tự phát, không có hạ tầng. Các địa phương cũng cho rằng hai quyết định trên có hiệu quả trong quản lý đất đai.

“Nếu cho phép tách thửa tràn lan thì những khu vực đất nông nghiệp sẽ chuyển hoàn toàn thành nhà ở, không có cây xanh, trường học, không đường sá, thoát nước… Áp lực gia tăng dân số cơ học càng nặng nề khi dân cư đổ về đây. Những hậu quả này Nhà nước sẽ phải gánh” – ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, nhận xét.

Đồng tình, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Tương Minh cho rằng: “Với những khu vực vùng ven, đất trống lớn thì việc yêu cầu có tổng mặt bằng khu đất khi tách thửa thành đất ở có đường sá, chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy… là hết sức cần thiết cho người dân khi xây nhà ở lẫn quản lý nhà nước. Nếu không quy định rõ ràng sẽ tạo ra những khu nhà ổ chuột mới”. Cũng theo ông Minh, những yêu cầu của TP không có gì khó thực hiện với người sử dụng đất.

Được biết Sở Tư pháp đang đề nghị các sở TN&MT, Xây dựng, QH-KT… có ý kiến bằng văn bản, trong đó phân tích rõ lý do về mặt yêu cầu thực tiễn cần phải đặt ra những quy định này, để TP giải thích với Cục Kiểm tra văn bản.

CẨM TÚ

(Nguồn: Báo pháp luật Tp.HCM)

Cuối năm 2013, Cục Kiểm tra văn bản đã có văn bản gửi Sở Tư pháp TP đề nghị cho ý kiến về thẩm quyền của UBND TP trong việc ban hành các điều kiện tách thửa tại hai quyết định 19 và 54. Sở Tư pháp trả lời, về mặt pháp lý thì theo quy định của Luật Đất đai và Luật Xây dựng, UBND cấp tỉnh được thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai và quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch tại địa phương. “Việc ban hành các điều kiện này là phù hợp và không trái quy định pháp luật” – Sở Tư pháp giải thích.

Về thực tiễn, Sở Tư pháp cho hay thời gian qua TP phát sinh nhiều trường hợp phân lô hộ lẻ đất để kinh doanh nhưng không đảm bảo về hạ tầng. Do đó, việc UBND TP ban hành những điều kiện cụ thể đối với những khu đất nông nghiệp có diện tích lớn xen cài trong khu dân cư là cần thiết.

Tuy nhiên, Cục Kiểm tra văn bản đã không đồng tình với ý kiến trên và tiếp tục gửi thông báo yêu cầu UBND TP rà soát, xử lý hai quyết định này.

CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 3-2014

Một số giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt; cá nhân bị chết khi bảo vệ an ninh, trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ; cá nhân kinh doanh không được tự in hóa đơn;… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2014.

Một số giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt

Theo Nghị định 222/2013 về thanh toán bằng tiền mặt có hiệu lực từ ngày 1-3-2014, các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.

Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán cũng như trong các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.

Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.

Cá nhân bị chết khi bảo vệ an ninh trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ

Theo Nghị định số 06/2014 về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thì cá nhân bị chết do trực tiếp tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ.

Cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự khi áp dụng biện pháp vận động quần chúng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ danh dự, tài sản của các cơ quan, tổ chức; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của cá nhân trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng.

Đồng thời, thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích hoặc bị thiệt hại trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 8-3-2014.

Cá nhân kinh doanh không được tự in hóa đơn

Theo Nghị định số 04/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010 ngày 14-5-2010 thì cá nhân kinh doanh không được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng hóa, dịch vụ.

Nghị định 04/2014/NĐ-CP cũng bổ sung thêm một số quy định so với quy định hiện hành. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; doanh nghiệp có rủi ro cao về việc chấp hành pháp luật thuế, Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về công nghệ thông tin thực hiện biện pháp giám sát, quản lý phù hợp nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật về hóa đơn.

Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế hoặc doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế thì không được sử dụng hóa đơn tự in mà phải thực hiện mua bán hóa đơn của cơ quan thuế có thời hạn 12 tháng…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2014.

Miễn thuế XNK vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định  về việc miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 15-3-2014, vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Hộ nghèo được vay 5 triệu đồng/hộ lãi suất 0%

Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại Nhà nước cho hộ nghèo để trồng rừng sản xuất.

Hộ nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% (một lần) trong thời gian 2 năm để mua giống gia súc (trâu, bò, dê) hoặc giống gia cầm chăn nuôi tập trung hoặc giống thủy sản.

Cơ sở chế biến nông lâm thủy sản đầu tư trên địa bàn các huyện nghèo được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại Nhà nước. Người lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, hỗ trợ hộ nghèo ở thôn bản, vùng giáp biên giới 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

Hỗ trợ mỗi huyện nghèo 100 triệu đồng/năm để xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là nông, lâm, thủy đặc sản của địa phương; thông tin thị trường cho nông dân…

Các quy định này được thực hiện từ 28-3-2014.

Nhiều ưu đãi trong giáo dục dành cho người khuyết tật

Theo Thông tư liên tịch quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-3-2014, người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp được cấp học bổng 10 tháng/năm học; người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấp học bổng 9 tháng/năm học.

Người khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học.

Bên cạnh đó, người khuyết tật học tại các cơ sở giáo dục được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

Nguồn Chinhphu.vn

BỎ CÁCH TÍNH DIỆN TÍCH NHÀ GÂY THIỆT THÒI CHO NGƯỜI DÂN

(PLO) Ngày 1-9-2010, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 16 quy định hai cách tính diện tích nhà chung cư được cho là trái với Luật Nhà ở và Bộ Luật dân sự, khiến người dân phải trả tiền mua nhà cho cả cột và hộp kỹ thuật.

Để sửa đổi quy định đang gây tranh cãi này, ngày 20-2, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 03/2014/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 8-4, bãi bỏ cách tính từ tim tường, thống nhất một cách tính diện tích như sau: Diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy và được ghi vào Giấy chứng nhận cấp cho người mua, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó, không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.

Như vậy, quy định mới bỏ cách tính từ tim tường được cho là đang gây nhiều thiệt thòi cho người dân và làm lúng túng cho cơ quan chức năng khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh: Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các trường hợp mua bán căn hộ chung cư thương mại giữa chủ đầu tư và khách hàng không tuân thủ các nội dung và theo hợp đồng mẫu ban hành kèm theo Thông tư này thì hợp đồng đã ký không được pháp luật công nhận và không được sử dụng làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận. Chủ đầu tư có trách nhiệm đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư theo mẫu quy định tại Thông tư này với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tính sai thì phải trả lại tiền cho khách hàng

Xoay quanh việc ban hành thông tư 03 sửa đổi thông tư 16 của Bộ Xây dựng, tại phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức chiều 25-2, trả lời chất vấn của các chuyên gia và người dân về việc ban hành Thông tư 16 với hai cách tính diện tích gây bất lợi cho người dân, mang nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và trái Luật, ông Nguyễn Trần Nam Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: Bộ Xây dựng không sai khi ban hành thông tư 16: “Chúng tôi đưa ra cách tính diện tích theo tim tường bởi có nhiều người dân kiến nghị như thế, vì nó có lợi cho họ (?!)”.


Bản vẽ cách tính diện tích chung cư theo quy định mới tại Thông tư 03

Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp phản bác: Dù hướng dẫn 2 cách tính nhưng chủ đầu tư chỉ tính theo tim tường để có lợi cho họ và gây thiệt hại cho người mua chung cư. Với căn hộ tầng thấp, chỉ riêng cột đã chiếm tới cả chục mét vuông, trong khi cùng diện tích nhưng người ở tầng cao hơn lại có diện tích sử dụng thực tế lớn hơn. Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng xã hội và thiệt thòi về lâu dài cho những người mua phải căn hộ có cột, hộp kỹ thuật trong nhà.

Theo đại diện các hộ dân ở khu chung cư cao cấp Keangnam, nhiều người khi nhận nhà đã sốc vì căn hộ “ẵm” phải cột, hộp kỹ thuật, trong khi hợp đồng không hề ghi thông tin chủ sở hữu phải mua căn hộ có hộp kỹ thuật, cột nhà. Nếu tính trung bình mỗi căn hộ bị “ăn gian” diện tích thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng thì tại khu vực Keangnam, chủ đầu tư đã dễ dàng “ẵm” 900 tỉ đồng “nhờ” Thông tư 16.

Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Không thể bán nhà mà lại bắt người mua phải “ôm” cột, hộp kỹ thuật suốt đời như thế. Lợi ích thuộc về ai, khi có cả triệu người đã mua phải căn hộ thiếu diện tích?”

Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng khẳng định Thông tư 16 là không hợp pháp và bất hợp lý. “Nếu Bộ Xây dựng khẳng định mình đúng thì xin hỏi tường ngăn, tường chịu lực, cột, hộp kỹ thuật nằm trong nhà và được tính là sở hữu riêng thì người mua có quyền khoan, đục thoải mái không? Tại sao Bộ Xây dựng khẳng định Thông tư 16 không sai nhưng lại sửa, bỏ cách tính từ tim tường?”.

Bà Trần Thị Quốc Khánh (ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cũng cho rằng doanh nghiệp đã thu tiền rồi thì giờ phải tính toán để trả lại tiền cho khách hàng.

Ông Phan Trung Lý-Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kết luận: Thông tư 16 hướng dẫn hai cách tính diện tích căn hộ là sai thẩm quyền, không phù hợp với Luật Nhà ở, mâu thuẫn với quy định về sở hữu chung trong Bộ luật Dân sự, quy định này cũng không có trong nghị định của Chính phủ. Quy định cho cách lựa chọn như vậy đã khiến các doanh nghiệp chỉ tính diện tích căn hộ từ tim tường khiến diện tích căn hộ thấp hơn so với hợp đồng. Doanh nghiệp được hưởng lợi, còn thiệt hại người dân gánh chịu. Ông Lý đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, đồng thời có biện pháp xử lý hậu quả phát sinh để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

ĐL

Nguồn: Báo pháp luật Tp.HCM

TỪ 10-6, GIA HẠN NỘP TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN 24 THÁNG

PLO) Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 48 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-6.

Theo đó, chủ đầu tư dự án bất động sản được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà để bán, cho thuê; dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng… chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết số 13/NQ-CP hoặc Nghị quyết số 02/NQ-CP thì được xem xét gia hạn nộp tiền sử dụng đất đối với bất động sản theo Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Điều kiện để được gia hạn là kết quả tài chính của dự án tính đến ngày 31/12/2013 là lỗ hoặc có giá trị hàng tồn kho của dự án lớn, hoặc doanh nghiệp đã phát sinh chi phí đầu tư của dự án lớn nhưng chưa có doanh thu do chưa bán được hàng.

Thời gian được gia hạn tối đa là 24 tháng kể từ ngày phải nộp tiền sử dụng đất theo thông báo lần đầu của cơ quan thuế hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không bị tính tiền chậm nộp trong thời gian này.

Tương tự, hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, có hợp đồng mua bán nhà ở được ký đến ngày 31/12/2014 cũng sẽ được xem xét gia hạn nộp tiền mua nhà ở tối đa 24 tháng kể từ ngày hợp đồng mua bán nhà ở được ký kết hoặc từ ngày phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền mua nhà ở theo hợp đồng đã ký kết và không bị tính tiền chậm nộp trong thời gian được gia hạn.

Điều kiện được gia hạn: Nộp đơn đề nghị mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước từ ngày 06/06/2013 và thực hiện cơ chế, giá bán, thủ tục theo Nghị định số 34/2013/NĐ-CP (trường hợp mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước sau ngày 06/06/2013) hoặc đã ký kết hợp đồng mua bán nhà trước ngày 06/06/2013 mà trong năm 2014 đến thời hạn phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định (trường hợp mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 61/CP.

ĐL

Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM

Đông đảo nhà đầu tư, người mua nhà đến tham quan tại 1 dự án đất nền gần sân bay Long Thành

TRÁNH “BẪY” KHI MUA ĐẤT NỀN

Quý I/2014, thị trường bất động sản TPHCM ghi nhận sự “bứt phá” của phân khúc đất nền khi lượng giao dịch tăng mạnh. Nguyên nhân là thông tư 20 cho phép phân lô bán nền có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 đã kích thích thị trường sôi động trở lại.

Giao dịch tăng khả quan Theo báo cáo tình hình bất động sản quý I/2014 tại TPHCM của Savills Việt Nam, thị trường những tháng đầu năm đã có những biến chuyển tích cực, nhất là ở phân khúc đất nền. Mức giao dịch đất nền trong những tháng đầu năm tăng mạnh với mức 31% so với quý trước và tăng 322% so với năm 2013.

Báo cáo của CBRE Việt Nam cũng cho biết doanh số bán hàng của các doanh nghiệp địa ốc đang tăng khá tốt với mức tăng 9,8% so với quý trước và 92,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, phân khúc đất nền cũng là thị trường đang khởi sắc, đặc biệt là đất nền ở các vùng ngoại thành như quận 8, quận 9 và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương.

Đông đảo nhà đầu tư, người mua nhà đến tham quan tại 1 dự án đất nền gần sân bay Long Thành
Đông đảo nhà đầu tư, người mua nhà đến tham quan tại 1 dự án đất nền gần sân bay Long Thành

Bước qua tháng 4, phân khúc đất nền vẫn tiếp tục đà sôi động, đặc biệt là ở khu vực khu lân cận sân bay Long Thành. Những dự án quanh khu vực này đang được chào hàng rầm rộ sau thông tin khẳng định của Chính phủ là sẽ xây dựng sân bay Long Thành trong thời gian gần và một phần đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã được thông xe.

Giải thích về sự sôi động trở lại của thị trường đất nền, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, ngoài các nguyên nhân kinh tế như lãi suất giảm, điều kiện vay ngân hàng thoáng hơn… thì yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là thông tư 20 cho phép phân lô bán nền có hiệu lực. Theo vị này, thông tư cho phép chủ đầu tư chỉ cần làm xong hạ tầng là được bán, giảm được vốn đổ vào dự án. Khách hàng thì hưởng ứng tốt hơn khi có thể mua đất để tự xây nhà.

Theo ông Trương An Dương, Giám đốc nghiệp vụ Tư vấn bất động sản & kinh doanh nhà ở, Savills Việt Nam thì phân khúc đất nền được nhà đầu tư và người mua nhà ưa chuộng do giá bán thấp hơn và linh hoạt trong việc xây dựng. Nguyên nhân chính là vì tâm lý đa số người Việt vẫn thích ở nhà riêng, thích mua đất và tự mình thuê thợ xây, giám sát để có chất lượng xây dựng tốt hơn, đồng thời giảm chi phí thi công…

Cẩn trọng “ách tắc” tiền sử dụng đất

Trước tình hình đất nền sôi động trở lại, các chuyên gia khuyên khách hàng nên cẩn trọng, tránh tình trạng tranh mua tranh bán mà không tìm hiểu kỹ dự án. Bởi trên thị trường đất nền đang diễn ra tình trạng khách hàng mua đất nền dự án không thể xin phép xây dựng vì chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất. Tình trạng này hiện đang diễn ra khá phổ biến ở thị trường TPHCM.

Trước kia, khách hàng chỉ cần được chủ đầu tư giao đất, dựa vào quy hoạch 1/500 để xây dựng. Nhưng nay theo quy định mới, khách hàng phải xin cấp phép mới được xây dựng. Muốn xin phép xây dựng, khách hàng phải có sổ đỏ nhưng vì ở nhiều dự án, chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất nên không thể làm sổ đỏ cho khách hàng. Vậy là dù khách hàng đã được giao đất cũng không thể xây dựng, nhiều dự án đành bỏ hoang.

Cuối tháng 2/2014, tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thu tiền sử dụng đất và dự thảo Nghị định thu tiền sử dụng đất, thuê mặt nước do Bộ Tài chính tổ chức ở TPHCM, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản thừa nhận tình trạng trên. Nguyên nhân họ giải thích là do tiền sử dụng đất quá cao, vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp nên các dự án đều “ách tắc” lại ở khâu này.

Giám đốc 1 dự án ở quận Bình Tân cho biết ông mất 100 tỷ để mua 2 ha đất từ người dân để làm dự án, khi chuẩn bị đóng tiền sử dụng đất để khởi công thì Sở Tài chính báo số tiền phải đóng đến 104 tỷ đồng, không có tiền đành để đó. Một doanh nghiệp khác đầu tư dự án ở quận 9 cũng thừa nhận dự án của mình phải “trùm mền”, đất phải bỏ hoang là vì không có tài chính đóng tiền sử dụng đất lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh cách tính tiền sử dụng đất để giảm tổng số tiền phải đóng hoặc đóng thành nhiều đợt… cho doanh nghiệp “dễ thở” hơn, giúp gỡ rối các dự án đang bị “ách tắc”. Tuy nhiên, trong thời gian chờ chính sách của nhà nước giải quyết vấn đề này, nhà đầu tư và người có nhu cầu mua đất nền vẫn phải cẩn trọng, tìm hiểu kỹ vấn đề tiền sử dụng đất của dự án để tránh rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở chẳng xong”.

Theo Tùng Nguyên (Dân Trí)