Mới đây, Toà án nhân dân huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông đã trả hồ sơ lần thứ 3 để điều tra bổ sung đối với bị can Nguyễn Thị Hương và Lê Văn Bằng ngụ tại xã Đắc Ngo huyện Tuy Đức, Đắc Nông. Viện kiểm Sát nhân dân huyện Tuy Đức đã có cáo trạng kết luận là bà Nguyễn Thị Hương và Lê Văn Bằng đã đưa ra những thông tin gian dối để thực hiện 02 hợp đồng khai đá và sang nhượng đất để chiếm đoạt số tiền 30 triệu đồng của Công ty TNHH Đá Đại Nguyên Phát do bà Lê Thị Mai Phương làm giám đốc và số tiền 45 triệu đồng của bà Đặng Thị Ngọc Thắm.
Từ những giao dịch dân sự bình thường…
Theo cáo trạng VKSND huyện Tuy Đức, ngày 17-6-2009, ông Trần Văn Trọng và ông Bùi Văn Ánh có đến khu đất rẫy của bà Nguyễn Thị Hương để khảo sát trữ lượng đá. Hai ông thoả thuận đưa bà Hương 52 triệu đồng tiền đền bù hoa màu đổi lại bà Hương cho ông được quyền đào khai thác đá trong diện tích 2 ha đất rẫy trong thời hạn 1 năm. Cùng ngày, hai bên đã ký hợp đồng khai thác đá, nội dung hợp đồng nêu rõ “Chúng tôi đồng ý bán cho ông Trần Văn Trọng và ông Bùi Văn Ánh với diện tích 2 ha đất để đào lấy đá, khi khai thác xong bên mua sẽ phải hoàn trả lại diện tích đất trên đồng thời phải san lấp lại mặt bằng cho gia đình chúng tôi. Thời gian là 1 năm”. Sau đó, ông Trọng và ông Ánh yêu cầu vợ chồng bà Hương làm giấy bán đất để hai ông đi làm thủ tục khai thác đá. Nhưng sau đó ông Ánh không xin được phép khai thác đá. Và hai ông không liên lạc gì với bà Hương nữa.
Ngày 05-2-2010, ông Nguyễn Hữu Hiện – giám đốc Công ty TNHH Thiện Phú chuyên khai thác đá có đến đề nghị bà Nguyễn Thị Hương và ông Lê Văn Bằng cho khai thác đá xây dựng và đá bazan tận thu với số tiền là 50 triệu trên diện tích đất khoảng 2 ha nằm liền kề lô 242 thuộc đất rẫy của vợ chồng bà Hương. Ông Hiện trả cho bà Hương là tiền thỏa thuận hỗ trợ thiệt hại hoa màu, cây trồng trên đất cho bà Hương nhưng hợp đồng ghi là Giấy sang nhượng đất để công ty ông Hiện đi xin phép khai thác đá. Ông Hiện mới chỉ đặt cọc cho bà Hương số tiền 30 triệu đồng. Sau khi ký hợp đồng, tháng 7/2010, ông Hiện có đưa máy vào khai thác đá được khoảng 200 khối đá thì rút máy về và không tiếp tục khai thác nữa vì cho rằng đá không đạt tiêu chuẩn.
Ngày 04-6-2010 bà Nguyễn Thị Hương và ông Lê Văn Bằng có ký giấy thỏa thuận với nội dung là để cho ông Lê Hồng Phước – chủ doanh nghiệp tư nhân Hai Phước tận thu đá bazan trên mảnh vườn nhà bà Hương thuộc đất liền kề lô 263, với diện tích khoảng 4 ha với giá tiền 200 triệu đồng. Ông Lê Hồng Phước có ứng trước số tiền 20 triệu đồng cho vợ chồng bà Hương. Sau khi ký giấy thỏa thuận, ông Phước không đến khai thác đá như đã thỏa thuận và cũng không tiếp tục đưa tiền cho bà Hương theo như đã cam kết là số tiền 200 triệu.
Bà Hương nhận thấy các hợp đồng khai thác đá đã ký nêu trên đã quá thời hạn trên hợp đồng và các chủ khai thác đá đều bỏ cuộc và không đến liên hệ gì với bà Hương nữa. Nên ngày 29-01-2011, một người môi giới đã đưa ông Ha – người Hàn Quốc (công ty TNHH Đá Đại Nguyên Phát ) đến khảo sát và ký hợp đồng với bà Nguyễn Thị Hương. Theo đó, cứ mỗi tháng khai thác đá bên công ty TNHH Đá Đại Nguyên Phát trả cho bà Hương 20 triệu đồng tiền bồi thường hoa màu trên 8 ha đất rẫy của bà Hương. Sau khi ký kết hợp đồng, ông Ha (người Hàn Quốc) có trực tiếp đưa tiền đặt cọc cho bà Hương số tiền 30.000.000 đồng là để cho bà Hương nhờ người đi xin giấy phép khai thác đá. Bà Hương cũng đã nói với ông Ha về việc có ký hợp đồng bán đá với các ông Trọng, Ánh, Hiện, Phước. Ông Ha biết và vẫn đồng ý ký hợp đồng với bà Hương thông qua Công ty TNHH Đá Đại Nguyên Phát do Lê Thị Mai Phương làm giám đốc.
Tuy nhiên, sau khi ký kết hợp đồng và nhận tiền đặt cọc bà Hương đã nhiều lần liên lạc với phía ông Ha và bà Mai Phương nhưng đều không liên lạc được. Suốt thời gian từ khi ký hợp đồng là ngày 29-01-2011 cho đến khi công ty Đá Đại Nguyên Phát giải thể vào ngày 17-6-2013, phía công ty Đại Nguyên Phát cũng không cho người quay lại tìm vợ chồng bà Hương để tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Tiếp đó, ngày 07-6-2013, bà Hương có viết giấy sang nhượng đất bờ lô nằm dưới thung lũng giáp con suối với vợ chồng bà Đặng Thị Ngọc Thắm, với diện tích đất ước lượng sang nhượng là 1,2 ha thuộc đất liền kề lô 263 với số tiền là 45 triệu đồng.
Bị qui kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hương vẫn tiếp tục làm rẫy, canh tác đất, trồng hoa màu và các bên không ai thưa kiện gì. “Đùng một cái”, bà Nguyễn Thị Hương bị Công an huyện Tuy Đức khởi tố và bắt tạm giam ba tháng vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo kết luận điều tra, thì việc bà Hương đã cho các ông Trọng, Ánh, Hiện, Phước thuê đất để khai thác đá và sau đó lại ký hợp đồng cho công ty Đại Nguyên Phát khai thác đá trùng lên các thửa đất đã cho bốn người trên thuê là có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù đất bà Thắm ở cạnh bìa suối chẳng liên quan gì đến 8 ha mà công ty Đá Đại Nguyên Phát đặt cọc nhưng không hiểu vì sao Công an huyện Tuy Đức cũng đưa vào để tăng số tiền trong vụ án từ 30 triệu đồng lên 75 triệu đồng và truy tố theo khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự.
Theo cơ quan điều tra, diện tích vợ chồng bà Nguyễn Thị Hương khai hoang mở rộng diện tích bờ lô là 7,9 ha. Số đất này bà Hương đã cho các ông Trọng, Ánh, Hiện, Phước thuê đất để khai thác đá và tiếp đó cũng trên diện tích đất này bà Hương đã ký hợp đồng khai thác đá với công ty TNHH Đá Đại Nguyên Phát. Cũng theo cơ quan điều tra, việc bà Nguyễn Thị Hương sang nhượng 1,2 ha đất (thực tế đo là 0,7ha) cho bà Thắm cũng trùng vào trong đất bà Hương cho Công ty TNHH Đá Đại Nguyên Phát khai thác đá! Thực tế, các giấy tờ viết tay giữa các bên giao dịch với nhau chỉ ước lượng diện tích và cũng không ghi tứ cận giáp ranh đất của ai để định vị vị trí ranh khu đất. Các bên cũng không thuê đơn vị đo vẽ hiện trạng, cắm ranh, cắm mốc khi tiến hành các giao dịch. Do vậy, khó có cơ sở cho rằng đất của bà Thắm đã chồng lên đất của Công ty TNHH Đá Đại Nguyên Phát thuê. Bà Thắm rất ngạc nhiên, vì tự nhiên bà được mời ra tòa với tư cách người bị hại. Vì từ ngày bà Thắm nhận chuyển nhượng 1,2ha đất liền kề của bà Hương, bà Thắm vẫn canh tác từ năm 2013 đến nay mà không có bất cứ tranh chấp nào.
Mặt khác, căn cứ trên tờ bản đồ về kết quả đo đạc thực tế và đối chiếu với quyết định số 140 QĐ-UBND tỉnh Đắc Nông (BL120), qua xác định tại lời khai của bà Hương tại phiên tòa sơ thẩm mở lần thứ hai ngày 30-11-2015, thì toàn bộ lô đất mà bà Hương chuyển nhượng cho bà Thắm là hoàn toàn không nằm trong lô đất đã ký hợp đồng khai thác đá cho Công ty TNHH Đá Đại Nguyên Phát là gần 8 ha. Vì toàn bộ diện tích thửa đất có trữ lượng đá bazan mà bà Hương cho công ty TNHH Đá Đại Nguyên Phát thuê nằm trên đỉnh đồi, còn vị trí đất mà bà Hương chuyển nhượng cho bà Thắm nằm ở dưới ven suối.
Như vậy, đối với hợp đồng mà vợ chồng bà Hương ký kết với công ty TNHH Đá Đại Nguyên Phát mà bà Lê Thị Mai Phương làm giám đốc vào ngày 29/01/2011, thì sau khi đặt cọc, phía bên công ty Đá Đại Nguyên Phát đã không quay trở lại để tiếp tục thực hiện hợp đồng, như vậy là hợp đồng mua bán đá đã không được thực hiện, bên Công ty Đá Đại Nguyên Phát đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, vì vậy toàn bộ diện tích đất liền kề lô 242 và lô 263 vẫn thuộc về quyền sử dụng của bà Hương. Bà Hương và ông Bằng vẫn có toàn quyền sử dụng và khai thác và định đoạt đối với lô đất này.
Việc bà Hương nhận số tiền cọc 30 triệu đồng là do phía Công ty Đá Đại Nguyên Phát tự nguyện đưa và tự nguyện ký kết hợp đồng với bà Hương sau khi ông Ha đã tìm hiểu về trữ lượng đá có trong 8 ha đất mà bà Hương đang canh tác. Ở đây hoàn toàn không có việc bà Hương và ông Bằng đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH Đại Nguyên Phát.
Luật sư Trần Giáng Hương – Văn phòng luật sư Tam Đa thuộc đoàn luật sư TPHCM khẳng định việc ký kết hợp đồng mua bán đá của vợ chồng bà Hương và ông Bằng với các khách hàng chỉ là những giao dịch dân sự bình thường, chứ hoàn toàn không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như bản cáo trạng đã cáo buộc. Bà Hương và ông Bằng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài được qui định tại Điều 139 Bộ Luật Hình sự.
Thời gian gần đây, nhiều vụ hình sự hoá các quan hệ hành chính, giao dịch dân sự đã xảy ra mà dư luận đang quan tâm như vụ Công an huyện Bình Chánh TPHCM khởi tố và Viện kiểm sát huyện Bình Chánh truy tố ông Nguyễn Văn Tấn – chủ quán cà phê “Xin chào” vì kinh doanh chưa xin phép, rồi ông Nguyễn Văn Bỉ xây chòi vịt không phép tại huyện Bình Chánh. Ở tỉnh Đồng Nai có bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc tố cáo cát tặc bị Viện KSND huyện Nhơn Trạch truy tố vì tội chống người thi hành công vụ. Cả ba vụ trên đã bị đình chỉ vụ án. Nay đến vụ vợ chồng nông dân bà Nguyễn Thị Hương ở Đắc Nông bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều lạ là các bên mua bán đá với bà Hương cho rằng họ không bị lừa.
Trần Thanh – Trần Quỳnh
(Nguồn: Báo Kinh doanh & Pháp Luật)