TỪ 15-10, PHẠT NGƯỜI ĐI ĐÒ KHÔNG MẶC ÁO PHAO

17/09/2013 – 23:45

(PL)- “Từ ngày 15-10 (ngày Nghị định 93/2013 có hiệu lực thi hành), Thanh tra Sở GTVT sẽ xử phạt khách đi đò không mặc áo phao đến 200.000 đồng.

Người lái đò nếu không mang theo hoặc không có chứng chỉ huấn luyện an toàn hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sẽ bị phạt đến 500.000 đồng…” – ngày 17-9, ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết.

Từ ngày 15-10, người đi đò không mặc áo phao sẽ bị phạt đến 200.000 đồng.

Những ngày qua, Thanh tra GTVT đã mở đợt tuyên truyền tại 36 bến đò ngang trên địa bàn TP về việc thực hiện nghiêm Nghị định 93/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

Theo Nghị định 93, chánh Thanh tra Sở GTVT có quyền phạt tiền đến 37,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc chứng chỉ hành nghề… của người lái, chủ tàu, chủ bến thủy nội địa.

L.ĐỨC – H.TUYÊN

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

SIẾT BẰNG LÁI ÔTÔ

07/07/2013 – 07:05

Ngày 8-7, Sở GTVT TP.HCM sẽ tổ chức đợt thi sát hạch đầu tiên theo bộ đề mới. Với số câu hỏi lý thuyết tăng thêm, thi sát hạch trên sa hình và đường trường khó hơn, thời gian “đi hình” lại ít hơn trong khi kỳ thi được giám sát chặt chẽ hơn… nên việc lấy được bằng lái xe sẽ không dễ như trước đây.

Bộ đề thi sát hạch cấp bằng lái ô tô mới gồm 450 câu hỏi được các trường dạy từ sau ngày 1-1-2013, thay thế bộ đề thi cũ 405 câu.

Hết kiểu học tủ

Kết cấu của bộ đề này gồm các phần: Khái niệm về quy tắc giao thông đường bộ, nghiệp vụ vận tải, đạo đức nghề nghiệp người lái xe kinh doanh vận tải, kỹ thuật lái ô tô…Đồng thời, theo quy định mới thời gian sát hạch lý thuyết các hạng bằng lái ô tô là 20 phút (rút ngắn 5 phút). Người thi hạng bằng B1, B2 phải trả lời đúng đáp án trắc nghiệm 26/30 câu hỏi và hạng bằng C, D, E là 28/30 câu hỏi. Riêng thi hạng A1 phải trả lời đúng đáp án 12/15 câu hỏi và hạng A2 phải trả lời đúng đáp án 14/15 câu hỏi.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, bộ đề mới “dày” hơn với các nội dung được bổ sung nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trên đường… Với bộ đề này, các chiêu học tủ, học mẹo trước đây sẽ không có tác dụng.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Mạnh Hùng, học viên sẽ dự thi lấy bằng B1 lần này thì bộ đề quá… “đồ sộ” và có nhiều phần không hợp với hạng bằng mà anh định lấy. “Tôi lấy bằng B1 để chạy xe nhà mà phải “nhồi” cả các câu hỏi về kinh doanh vận tải thì “nặng” và “phí” quá!” – anh Hùng nói. Còn ông Dương Tự Lực, Trưởng phòng Quản lý Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT, cho rằng bộ đề 450 câu giành cho mọi đối tượng và có tính liên thông giữa các hạng bằng, nó không giành cho cá biệt từng người. “Anh có bằng B1 rồi nhưng mai này muốn lên hạng B2 hoặc C, D thì việc học 450 câu là đâu có thừa. Lại nữa, không lý anh nói tôi chỉ lái xe trong TP nên không cần học hệ thống biển báo, cách lái xe qua đèo dốc sao?” – ông Lực nói.

Tuy rút ngắn thời gian thi nhưng nếu học viên học hành bài bản thì việc lấy được bằng vẫn trong tầm tay. Ảnh: LĐ

Hết trả lời theo… mẹo cũ

Đến ngày 6-7, tại Trung tâm Sát hạch lái xe Hoàng Gia, hệ thống thiết bị sát hạch lý thuyết và thực hành đã được cài đặt xong phần mềm mới. Cạnh đó, các camera giám sát, màn hình LCD đã được đặt tại các phòng thi lý thuyết của trung tâm. Theo đó, bốn màn hình LCD 32 inch được lắp đặt để công khai quá trình và kết quả sát hạch lái xe, gồm một màn hình tại hội đồng thi và ba màn hình tại phòng chờ sát hạch để các thí sinh chờ dự thi xem xét và giám sát.

Để vượt qua được kỳ sát hạch lý thuyết đòi hỏi người học phải nắm vững bộ câu hỏi, những người học yếu sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu. Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Hoàng Gia, cho biết bộ đề mới yêu cầu cách thức làm bài thi khác trước. Cụ thể, một câu hỏi có thể có 2-4 ý trả lời và có 1-2 ý đúng chứ không phải chỉ có một lựa chọn duy nhất như trước. Thí sinh dự thi sẽ phải lựa chọn tất cả phương án đúng mới được chấm điểm, nếu trả lời thiếu ý đúng cũng coi như là sai. “Không còn các kiểu đáp án “mẹo” như “tất cả phương án trên đều đúng”, “tất cả phương án trên đều sai”, “cả hai phương án trên đều đúng”…!” – ông Long nói. Ngoài ra, ở phần thi lý thuyết còn thêm nhiều câu hỏi về biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh…

Khó lùi vào “chuồng” hơn

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, giáo trình mới yêu cầu học viên phải học thêm đi đường zíc zắc, thực hành xe số tự động. Tuy nhiên, các phần học bổ sung này chưa phải thi. Nhưng phần thi thực hành lùi “chuồng” (lùi xe vào nơi đỗ) khó hơn trước do chiều rộng của đường lùi bị bóp hẹp 1,3 m (từ 6,5 m bóp còn 5,2 m) và chiều dài của quãng đường trước “chuồng” bị rút xuống còn 12,8 m (trước đây là 15,25 m). “Với việc đường lùi bị bóp hông và rút ngắn như thế thì người học phải tập nhiều hơn mới mong đỗ. Chưa kể, nếu Bộ không cho đánh tay lái chết (đánh vô lăng khi xe chưa chạy lùi) thì trong vòng 2 phút khó de vô lọt “chuồng” được!” – một học viên của Trường Hoàng Gia cho biết.

Theo một cán bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước khi bước vào cuộc sát hạch ngày 8-7, sẽ kiểm tra lại toàn bộ các vị trí trên sa hình để nhổ bỏ, xóa hết các vật, vệt chuẩn được các giáo viên dạy lái xe cắm, vẽ cho học viên căn theo khi học lái trước đây. Cạnh đó, với các xe sát hạch sẽ được kiểm tra kỹ, loại bỏ hết các vật căn, “đầu ruồi” như bao thuốc lá, lọ nước hoa…

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi, cho biết thêm hiện nay, với thời gian thi sa hình là 20 phút, chỉ có khoảng 35% thí sinh đi hết 15 phút. Như vậy, khi áp dụng thời gian thi rút ngắn xuống còn 15 phút thì số người thi sa hình bị rớt sẽ rất cao. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Quyền, qua khảo sát chỉ có một số học viên xử lý tình huống, đi trong sa hình chậm, không đạt. Việc rút ngắn thời gian thi vẫn đảm bảo với số đông học viên đậu, lấy được bằng.

Trung tá TRẦN VĂN THƯƠNG, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM:

Nhiều trường hợp người mua bằng gây TNGT

Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông mà tài xế thừa nhận đã mua bằng chứ không hề đi học. Những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì người lái sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự. Do vậy, người dân có nhu cầu lái xe các loại nên ý thức tuân thủ thời gian và chương trình của cơ sở đào tạo để có khả năng đáp ứng yêu cầu thực tế.

Kết cấu và những điểm mới ở bộ đề 450 câu

– Khái niệm và quy tắc giao thông đường bộ: 145 câu.

– Nghiệp vụ vận tải: 30 câu.

– Văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người lái xe: 25 câu.

– Kỹ thuật lái xe ô tô: 35 câu.

– Cấu tạo và sửa chữa xe ô tô: 20 câu.

– Hệ thống biển báo hiệu đ­ường bộ: 100 câu.

– Giải các thế sa hình: 95 câu.

Chụp ảnh nhằm chống thi hộ

Theo quy trình cũ, trên biên bản kết quả thi của học viên có dán ảnh 3×4 (có thể dán trước hoặc sau khi có kết quả). Từ đây đã nảy sinh tình trạng thi hộ hoặc giám thị thông đồng khi nào thí sinh thi đậu thì mới dán ảnh vào.

Nay theo quy định mới, thí sinh vào phòng thi lý thuyết sau khi trình chứng minh nhân dân xong thì chụp ảnh kỹ thuật số để in vào biên bản kết quả luôn (ảnh này cũng được lưu trữ để sau này in lên bằng nhựa). Với cách này, trên biên bản kết quả (thi đạt hoặc không đạt) đều in chính xác khuôn mặt của thí sinh.

Khi bước sang thi thực hành đi trong sa hình (hoặc sau này tiến thêm là trên đường trường) học viên phải ngồi ngay ngắn trước vô lăng để camera chụp ảnh truyền về phòng dữ liệu của trung tâm sát hạch nhằm nhận diện có đúng với khuôn mặt người vừa thi lý thuyết không. Nếu đúng, máy mới phát lệnh cho xe xuất phát.

Ảnh chụp trước khi xuất phát cũng được truyền về để in lên biên bản kết quả sát hạch thực hành.

LƯU ĐỨC – HOÀNG TUYÊN

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

BỊ GIỮ GIẤY HỒNG, AI GIẢI QUYẾT?

08/10/2013 – 06:00

Thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp bị giữ giấy tờ nhà, đất trái phép nhưng không cơ quan nào giải quyết. Để tháo gỡ, nhiều chuyên gia cho rằng ngành tòa án nên vào cuộc…

Vợ chồng bà Võ Thị Bích Tuyền kết hôn từ năm 1998, có hai con chung và tạo lập được một căn nhà ở phường 5, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Năm 2010, vợ chồng bà ly hôn, sau đó bà dẫn hai con đi thuê nhà ở. Một năm sau, chồng cũ của bà bị bệnh nặng, bà dẫn con quay về chăm sóc.

Chạy lòng vòng mãi mới xong

Bệnh quá nặng, chồng bà Tuyền không qua khỏi. Trước khi mất, ông lập di chúc để lại một nửa căn nhà (thuộc phần sở hữu của ông) cho hai con và giao bà Tuyền toàn quyền quản lý, cho thuê để có thu nhập nuôi con… Từ đó, bà Tuyền và hai con ở tầng trên, còn tầng trệt thì cho thuê.

Bà Tuyền kể: “Trưa 13-11-2011, mẹ chồng cũ và người nhà đến kêu tôi cho mượn giấy hồng, di chúc, quyết định công nhận thuận tình ly hôn, giấy chứng tử để xem. Bất ngờ sau khi cầm, bà ấy đem ngay về. Tôi đã nhiều lần đòi lại nhưng bà ấy không chịu trả”.

Bà Tuyền gửi đơn nhờ UBND phường 5 can thiệp. Cán bộ phường nói bà khởi kiện ra TAND TP Mỹ Tho. Tháng 11-2011, TAND TP Mỹ Tho trả lại đơn khởi kiện cho bà Tuyền. Theo tòa, yêu cầu đòi lại giấy tờ đang bị người khác giữ không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 168 BLTTDS và hướng dẫn trong Công văn 141 ngày 21-9-2011 của TAND Tối cao.

Bà Võ Thị Bích Tuyền đang trình bày sự việc. Ảnh: KP

Bà Tuyền lại gửi đơn đến UBND phường 5. Tại phường, mẹ chồng cũ của bà cương quyết không chịu trả giấy tờ. UBND phường thuyết phục, mẹ chồng của bà Tuyền vẫn khăng khăng bảo “giữ cho đến khi hai cháu nội đủ 18 tuổi thì giao lại cho chúng”.

Bà Tuyền đến Phòng TN&MT TP Mỹ Tho xin cấp lại giấy hồng thì bị từ chối vì không thuộc trường hợp được cấp lại. Không biết làm sao, bà đành gửi đơn tố cáo đến Công an TP Mỹ Tho. Tháng 2-2012, Công an TP Mỹ Tho trả lời là không có căn cứ xử lý hình sự.

Bà Tuyền mệt mỏi: “Không có giấy hồng để đi công chứng gia hạn hợp đồng, bên thuê nhà không thuê nữa. Tôi mất nguồn thu nhập nuôi con. Thiệt khổ!”. Bấy giờ, có người “mách nước”, bà lặn lội đến cầu cứu UBND xã Thanh Bình, Chợ Gạo, Tiền Giang (nơi gia đình chồng cũ của bà thường trú). UBND xã Thanh Bình đứng ra vận động mẹ chồng cũ của bà trả giấy tờ nhưng không được.

Tháng 10-2012, bà Tuyền gửi đơn kiện gia đình chồng cũ ra TAND huyện Chợ Gạo. Tòa này cũng trả lại đơn kiện với lý do giống như TAND TP Mỹ Tho. Tháng 4-2013, một lần nữa bà Tuyền lại gửi đơn đến Công an TP Mỹ Tho nhưng cơ quan này tiếp tục trả lời là không xử lý hình sự.

Mới đây, mẹ chồng cũ của bà Tuyền mất. Bà tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp lại giấy hồng. Ngày 23-7, UBND phường 5 đã xác nhận hồ sơ và chuyển Phòng TN&MT TP Mỹ Tho xem xét.

Ông Lê Văn Hùng (Phó phòng TN&MT TP Mỹ Tho) cho biết: “Trước kia chúng tôi không thể cấp lại giấy hồng cho bà Tuyền vì Nghị định 88/2009 của Chính phủ quy định chỉ cấp lại khi giấy hồng cũ bị mất. Thực tế giấy hồng đâu có bị mất mà bị người khác giữ. Cấp thêm giấy là căn nhà sẽ tồn tại tới hai giấy hồng. Phải chi có bản án của tòa thì có thể xem xét nhưng tòa không giải quyết nên chúng tôi không giúp được. Tuy nhiên, hiện mẹ chồng cũ của bà Tuyền đã mất, giấy hồng này không biết ở đâu, xem như đã bị mất nên chúng tôi sẽ cấp lại giấy mới cho bà Tuyền”.

Tòa nên thụ lý?

Cuối cùng vụ việc của bà Tuyền cũng có hướng gỡ. Nhưng điều đáng nói là trong những năm qua đã xảy ra rất nhiều trường hợp bị giữ giấy tờ nhà, đất tương tự và không phải ai cũng may mắn được cấp lại giấy tờ như bà Tuyền. Một vấn đề được đặt ra: Tòa án có nên thụ lý, giải quyết các tranh chấp này để các cơ quan khác có căn cứ cấp mới hoặc giúp đương sự lấy lại giấy tờ? Chúng tôi đã trao đổi và nhận được hai luồng quan điểm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) nói việc ngành tòa án áp dụng Công văn 141 để từ chối thụ lý là đúng. Ông phân tích: Công văn 141 hướng dẫn giấy tờ nhà đất không phải là “giấy tờ có giá” theo Điều 163 BLDS là hoàn toàn đúng quy định hiện hành. Cụ thể, Điều 4 Luật Đất đai quy định giấy hồng, giấy đỏ chỉ là giấy tờ chứng nhận công dân, tổ chức có quyền sử dụng đất tại một thửa đất nhất định hay quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Điều 3 Nghị định 163/2006 của Chính phủ quy định: “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”.

Do đó, khi giấy tờ nhà đất không phải là “giấy tờ có giá” (tài sản) thì việc ngành tòa án từ chối thụ lý là đúng quy định tại Mục 1 Chương III BLTTDS (những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa).

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn tố tụng dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) lại cho rằng giấy tờ nhà đất là một dạng “tài sản đặc biệt”. Ông lập luận: Điều 181 BLDS quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Trong khi đó, muốn chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cũng như giao dịch tài sản nhà, đất thì người dân phải xuất trình giấy chứng nhận và kèm theo giấy này mới hợp pháp. Nghịch lý ở chỗ bị xem là “không có giá” nhưng giấy tờ nhà, đất được đem thế chấp và ngân hàng cũng chỉ giữ giấy tờ để làm tin. Ngoài ra, theo Điều 106 Luật Đất đai, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê… khi có giấy chứng nhận. Để thực hiện quyền này thì trước hết người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận, đồng nghĩa với việc giấy chứng nhận cần phải được xem là tài sản và khi người dân kiện đòi thì tòa phải thụ lý.

Kiến nghị sửa luật

Có thể hiểu là giấy hồng, giấy đỏ luôn đi kèm và là yếu tố không thể thiếu đối với nhà, đất. Nếu thiếu một trong hai yếu tố thì không có đầy đủ quyền về tài sản đối với phần nhà, đất đó nữa.

Công văn 141 cho rằng tòa án phải hướng dẫn người khởi kiện yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết nhưng lại không chỉ ra đó là cơ quan nào. Đã vậy, công văn này còn chỉ dẫn trường hợp bị mất giấy tờ thì chủ sở hữu có quyền đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp lại giấy tờ bị mất trong khi trường hợp này có bị mất đâu mà cấp giấy mới.

Khi bị chiếm giữ giấy tờ nhà, đất, người dân không còn cách nào khác là phải nhờ đến các cơ quan chức năng nhưng lại bị từ chối. Ủy ban chỉ tòa, tòa chỉ ủy ban, công an không can thiệp. Một khi cơ quan chức năng bó tay thì rất nguy hiểm bởi dễ dàng đẩy người dân đến chuyện dùng “luật rừng” để giải quyết tranh chấp.

Tôi nghĩ nếu TAND Tối cao cho rằng giấy hồng, giấy đỏ không phải là tài sản thì phải kiến nghị Quốc hội điều chỉnh luật cho phù hợp chứ không thể cứ mãi “cấm cửa” người khởi kiện.

Luật sư LÊ VĂN HOANĐoàn Luật sư TP.HCM

KIM PHỤNG

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

ÁN HÀNH CHÍNH: RỐI THỜI HIỆU KHỞI KIỆN!

07/10/2013 – 06:15

Trường hợp khiếu nại trước khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại thì hết thời hiệu khởi kiện xảy ra rất phổ biến và đang gây nhiều tranh cãi.

Mới đây, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ ông NVX khởi kiện Quyết định số 6718 ngày 7-12-2010 của UBND quận này (về việc thu hồi và giải phóng mặt bằng). Theo tòa, thời điểm ông X. khởi kiện (ngày 4-7-2012) là đã không còn thời hiệu khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết số 56 ngày 24-11-2010 của Quốc hội (về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính).

Chậm khởi kiện vì phải lo khiếu nại

Cụ thể, theo điểm a khoản 2 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính quy định thời hiệu khởi kiện là một năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Cạnh đó, theo Điều 3 Nghị quyết 56 của Quốc hội, trường hợp người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai đến chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp tỉnh từ ngày 1-6-2006 đến ngày 1-7-2011 mà không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại TAND có thẩm quyền đến hết ngày 1-7-2012. Sau ngày này, người khiếu nại thuộc trường hợp trên không còn quyền khởi kiện ra tòa vì hết thời hiệu khởi kiện. Như vậy, đối chiếu với trường hợp của ông X. thì ông đã khởi kiện chậm mất ba ngày so với thời hạn cuối cùng mà Nghị quyết 56 đặt ra (1-7-2012).

Không đồng tình, ông X. kháng cáo. Ông X. cho rằng sở dĩ ông chậm khởi kiện là bởi phải đi theo con đường khiếu nại theo Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) vì đây là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện án hành chính theo quy định tại thời điểm đó.

Đầu tiên, nhận được quyết định của UBND quận Thủ Đức, ông đã khiếu nại tới UBND quận Thủ Đức. Tháng 3-2011, UBND quận Thủ Đức ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của ông X. với nội dung là bác đơn khiếu nại. Sau đó, ông X. khiếu nại tiếp lên UBND TP.HCM. Ngày 3-7-2012, ông nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại ngày 25-6-2012 của UBND TP.HCM với nội dung bác đơn khiếu nại và công nhận Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND quận Thủ Đức. Một ngày sau, ông X. đã khởi kiện ra TAND quận Thủ Đức.

Theo ông X., thời hiệu khởi kiện trong trường hợp của ông phải được tính từ ngày 3-7-2012 (ngày nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND TP) chứ không phải tính từ ngày 7-12-2010 (ngày có Quyết định số 6718 về việc thu hồi, giải phóng mặt bằng của UBND quận Thủ Đức). Chính Quyết định giải quyết khiếu nại ngày 3-7-2012 của chủ tịch UBND TP.HCM cũng nêu rất rõ: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, ông X. có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa hành chính theo quy định. Nếu quá thời hạn trên, ông X. không thực hiện việc khởi kiện thì quyết định này có hiệu lực.

Nhiều quan điểm

Những trường hợp đi khiếu nại trước khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại thì đã hết thời hiệu khởi kiện như ông X. khá phổ biến. Dù Nghị quyết 56 quy định rất rõ là sau ngày 1-7-2012, họ không còn quyền khởi kiện ra tòa nhưng trong thực tiễn xét xử, một số cán bộ tố tụng lại có quan điểm khác.

Tháng 8-2012, ông V. khởi kiện một quyết định hành chính ngày 16-7-2003 của UBND tỉnh này. TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng vận dụng quy định của Nghị quyết 56 để nhận định thời hiệu khởi kiện đã hết để đình chỉ giải quyết vụ án.

Ông V. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm gần đây của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, đại diện VKS phân tích: Luật Tố tụng hành chính ngày 1-7-2011 có hiệu lực, trong khi đến ngày 15-6-2012 (gần một năm sau), ông V. mới nhận được quyết định trả lời khiếu nại của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (nội dung là bác khiếu nại). Trong quyết định này cũng nêu rõ trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, ông V. có quyền khởi kiện ra tòa.

Như vậy, thời điểm khởi kiện phải được tính từ ngày 15-6-2012 (ngày có quyết định trả lời khiếu nại của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Bởi khoản 1 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính thể hiện thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Việc khiếu nại của người bị kiện chưa được giải quyết theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính (cũ) là chưa có trả lời khiếu nại nên không có cơ sở khởi kiện ra tòa. Đến ngày UBND trả lời khiếu nại thì đây mới là mốc xác định được quyền khởi kiện và cũng chưa quá một năm theo Luật Tố tụng hành chính. Do đó, việc đình chỉ giải quyết vụ án của tòa sơ thẩm là sai.

Tòa phúc thẩm đồng tình với phân tích trên và đã hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giao hồ sơ về cho tòa này giải quyết lại.

Tương tự, ngày 24-12-2012, bà Nguyễn Thị Dung khởi kiện yêu cầu TAND quận 9 (TP.HCM) hủy hai quyết định hành chính của UBND quận này. Tòa trả lại đơn khởi kiện với lý do các quyết định được ban hành từ ngày 22-9-2011, đến thời điểm bà Dung khởi kiện thì đã quá thời hạn một năm theo Luật Tố tụng hành chính.

Bà Dung khiếu nại, cho rằng sau khi UBND quận 9 ra quyết định, bà đã khiếu nại đến UBND quận. Tháng 8-2012, UBND mới có quyết định trả lời khiếu nại cho bà. Một tháng sau bà khởi kiện là đúng theo quy định của pháp luật tại thời điểm bà bắt đầu đi khiếu nại… Cuối cùng, TAND quận 9 đã chấp nhận khiếu nại của bà Dung và thụ lý vụ kiện.

Nới rộng thời hiệu khởi kiện

Trước đây, việc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính được thực hiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo (cũ) và Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính (cũ). Trước khi khởi kiện án hành chính, người dân bắt buộc phải thực hiện thủ tục khiếu nại (lần đầu).

Sau này, Luật Tố tụng hành chính 2010 và Luật Khiếu nại 2011 đã tách việc khiếu nại và khởi kiện án hành chính thành hai thủ tục độc lập. Người dân có thể lựa chọn con đường khiếu nại hoặc khởi kiện ngay từ khi nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Người dân cũng có thể khởi kiện sau khi đã khiếu nại nhưng phải tiến hành trong vòng một năm kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa các luật mới, luật cũ trong lĩnh vực khiếu kiện hành chính. Không phải ai cũng nắm được các quy định phức tạp về thời hiệu trong các văn bản pháp luật này. Việc quy định thời hiệu quá cứng nhắc đã tước mất quyền khởi kiện của người dân. Các nhà làm luật nên xem xét mở rộng thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính cho những trường hợp đã thực hiện việc khiếu nại phù hợp với quy định của Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) từ trước khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực.

Luật sư NGUYỄN MẠNH HIẾNĐoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

LỖI PHỔ BIẾN KHI XỬ TRANH CHẤP THỪA KẾ

Nhiều tòa quên thứ tự ưu tiên thanh toán, không giải quyết công sức duy trì, bảo quản di sản.

Đây là một lỗi rất đáng tiếc bởi luôn dẫn đến việc kháng cáo, kháng nghị kéo dài, nhiều bản án sau đó đã bị cấp giám đốc thẩm hủy để giải quyết lại từ đầu…

Quên công sức giữ nhà 24 năm

Trước đây, ông Phạm Văn Trung (Việt kiều Úc) đã khởi kiện ông Phạm Văn Phụng (ngụ phường Phước Tiến, TP Nha Trang) ra TAND tỉnh Khánh Hòa để yêu cầu tòa chia di sản thừa kế là căn nhà 85 Huỳnh Thúc Kháng. Căn nhà này do vợ chồng ông Phụng quản lý, sử dụng từ năm 1979.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Trung, xác định căn nhà (TP Nha Trang) là di sản thừa kế của cha các đương sự để lại. Từ đó, tòa phân chia di sản cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau khi ông Phụng kháng cáo, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Hai bản án này đã bị kháng nghị giám đốc thẩm vì cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều quên áp dụng Điều 683 BLDS về thứ tự ưu tiên thanh toán khi không xem xét đến công sức của ông Phụng trong việc trông coi, duy trì quản lý di sản thừa kế từ năm 1979 đến năm 2003.

Tháng 3-2011, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã họp phiên giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử lại.

Sau đó, giải quyết lại vụ kiện, TAND tỉnh Khánh Hòa đã khắc phục những sai sót mà quyết định giám đốc thẩm chỉ ra. Cụ thể: Sau khi người cha mất năm 1979, vợ chồng ông Phụng tiếp tục quản lý nhà đất đang tranh chấp, cúng giỗ cha mẹ, giữ gìn, bảo quản khối di sản. Do đó, trước khi chia di sản thừa kế, tòa đã trích 10% giá trị di sản để bù đắp công sức cho vợ chồng ông Phụng. Bản án này sau đó đã có hiệu lực pháp luật vì không có kháng nghị, kháng cáo.

May nhờ giám đốc thẩm nên không trắng tay

Vụ khác, bà Nguyễn Thị Lưới (Việt kiều Mỹ) khởi kiện bà Lê Thị Xanh ra TAND TP Nha Trang để đòi tài sản thừa kế là căn nhà nằm trên diện tích hơn 7.000 m2 đất tại xã Vĩnh Thạnh. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lưới, buộc bà Xanh phải giao trả toàn bộ nhà đất cho bà Lưới.

Bà Xanh kháng cáo. Xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng cũng tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau đó, theo yêu cầu của bà Lưới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Theo quyết định này, vợ chồng bà Lưới định cư ở nước ngoài từ tháng 3-1991. Trong khi đó, bà Xanh là người trực tiếp quản lý, sử dụng toàn bộ nhà đất tranh chấp, có công sức tôn tạo, bảo quản, duy trì, xây sửa lại nhà đất, có công chăm sóc phụng dưỡng người để lại di sản khi còn sống, lo mai táng khi người để lại di sản mất. Ngoài nhà đất đang tranh chấp này, mẹ con bà Xanh không còn chỗ ở nào khác. Thế nhưng hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã không xem xét trích cho mẹ con bà Xanh một phần tương xứng với công sức của họ bỏ ra, đồng thời không xem xét đến nhu cầu về nhà đất của mẹ con bà là không đúng…

Họp phiên giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết lại từ đầu. Đến tháng 3-2013, vụ kiện kéo dài này cuối cùng cũng đã kết thúc bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự. Theo đó, bà Lưới đã đồng ý trích một phần diện tích đất tương xứng cho bà Xanh như phân tích của quyết định giám đốc thẩm.

Tương tự là vụ tranh chấp di sản gồm nhà đất số 118/19B và 118/24 Trần Quý Cáp (TP Nha Trang) giữa bà Nguyễn Thị Hoa với ông Phan Văn Hường. Tháng 6-2013, xử sơ thẩm, TAND TP Nha Trang đã quên xem xét giải quyết công sức bảo quản di sản của ông Hường. Ông Hường kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm hồi đầu tháng 9 của TAND tỉnh Khánh Hòa, đại diện VKS và luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Hường đã đề nghị tòa hủy án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm, trong đó có việc không xem xét công sức của bị đơn.

Theo tòa phúc thẩm, án sơ thẩm có thiếu sót về việc chưa thanh toán chi phí bảo quản di sản thừa kế trước khi chia di sản… như ý kiến của đại diện VKS và luật sư. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm nhận định không nhất thiết phải hủy án vì thiếu sót này tòa có thể khắc phục. Từ đó, tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, áp dụng Điều 683 BLDS, trích ra 10% giá trị tài sản thừa kế cho ông Hường.

Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

Tiền công lao động;

Chi phí cho việc bảo quản di sản;

Các chi phí khác.

(Theo Điều 683 BLDS)

HỒNG HÀ

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

TỪ 15-12, KHÔNG ĐƯỢC XỬ ÁN TREO TỘI PHẠM THAM NHŨNG

14/11/2013 12:17

(GMT + 7) TTO – Kể từ ngày 15-12-2013, Tòa án không được áp dụng án treo đối với các tội phạm về chức vụ, tham nhũng. Quy định về áp dụng án treo cũng được siết chặt hơn.  Phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng của nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn TP.HCM, một trong những loại án mà TAND Tối cao lưu ý không được áp dụng án treo.

TAND Tối cao vừa ban hành nghị quyết số 01/2013 hướng dẫn áp dụng án treo trong xét xử, nêu rõ: không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nêu rõ các trường hợp khác cũng không được áp dụng án treo như: người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị (người chủ mưu, cầm đầu, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội…), bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trong hồ sơ thể hiện là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khi được tại ngoại để chuẩn bị xét xử đã bỏ trốn phải truy nã.

Cũng theo hướng dẫn mới của Hội đồng thẩm phán, điều kiện để xử án treo cũng được “siết” chặt hơn. Ngoài điều kiện quy định là mức án phạt không quá 3 năm tù và không thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, Tòa chỉ được tuyên án treo nếu bị cáo có nhân thân tốt, ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật, chưa bị xử lý hành chính, kỉ luật; có nơi cư trú cụ thể rõ ràng; không có tình tiết tăng nặng và có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên; có khả năng cải tạo và nếu không bắt họ chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phóng chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.

Nghị quyết trên sẽ có hiệu lực từ 15-12-2013.

C.MAI

(Nguồn: Báo tuổi trẻ)

KHÔNG ĐƯỢC KÊ BIÊN TÀI SẢN LÀ NHÀ Ở DUY NHẤT

(PL)- Chính phủ vừa ban hành nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 28-12.

Theo đó, nghị định bổ sung thêm hai loại tài sản không được kê biên, đó là nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú và tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp. Việc kê biên tài sản phải được thực hiện vào ban ngày, thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ. Nếu người bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành việc kê biên tài sản nhưng phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Cũng theo quy định mới, quyết định cưỡng chế sẽ được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết.

Đ.LIÊN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

KHÔNG LÀM ĐƯỢC CHỨNG MINH NHÂN DÂN VÌ TRANH CHẤP TÀI SẢN!

08/12/2013 02:12 (GMT + 7) TT – Một gia đình năm người bị người thân giấu mất sổ hộ khẩu chỉ vì đang tranh chấp tài sản. Hậu quả là người lớn không tìm được việc làm, còn anh Trần Quang Hiếu thì không thể làm chứng minh nhân dân (CMND) dù đã 17 tuổi – như câu chuyện anh kể dưới đây:

Từ lúc sinh ra, tôi sống cùng cha mẹ, hai chị, em gái tại căn nhà do ông nội tôi đứng tên trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Mọi chuyện diễn ra bình thường cho tới ngày ông nội tôi qua đời, giữa ba tôi và các bác, các cô trong gia đình xảy ra tranh chấp quyền sở hữu căn nhà, quyền sử dụng đất của ông tôi. Điều khó khăn nhất cho gia đình tôi là hộ khẩu của cả gia đình gồm năm thành viên đều nằm chung trong sổ hộ khẩu do cô tôi là Trần Thị Tuyết đứng tên chủ hộ, hiện cô tôi đã chuyển hộ khẩu theo nhà chồng, sổ hộ khẩu hiện nay do bác tôi là Trần Quang Tích quản lý.

Từ khi xảy ra mâu thuẫn, bác tôi không đưa sổ hộ khẩu cho gia đình tôi sử dụng, khiến cả gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Cha mẹ tôi đi mua một miếng đất nhỏ để cất nhà ở riêng, đặt cọc mấy chục triệu đồng nhưng sau không có hộ khẩu để làm hợp đồng mua bán có chứng thực đành chịu mất tiền cọc. Cha tôi làm tài xế, vừa nghỉ việc để chuyển qua công ty khác, khi được nhận lại không có hồ sơ có chứng thực của địa phương nên chưa thể đi làm. Mẹ tôi cũng không làm được hồ sơ xin việc vì không có hộ khẩu.

Bản thân tôi bây giờ đã 17 tuổi nhưng không thể làm được CMND, vì bác tôi nhất quyết không cho mượn sổ hộ khẩu. Suốt hơn ba năm qua, vì không có CMND, tôi không dám đi đêm, đi học buổi tối thì cha hoặc mẹ phải đưa đi đón về, vì sợ đi đường bị công an kiểm tra, không có CMND sẽ bị phạt, bị giữ.

Cha mẹ tôi đã nhiều lần làm đơn cầu cứu gửi Công an phường, Công an quận nhưng lần nào cũng chỉ nhận được lời hẹn, họ thông báo mời bác tôi tới làm việc nhưng bác tôi không tới. Tôi không biết việc cha mẹ tôi và các bác tranh chấp như thế nào, nhưng giờ tôi đã 17 tuổi, tôi cần chứng minh được mình là ai, tôi muốn được đi học như các bạn. Nếu bác tôi cứ giữ quan điểm không cho tôi dùng sổ hộ khẩu để làm các thủ tục cần thiết, cả đời tôi không được thừa nhận là công dân hay sao?

TRẦN QUANG HIẾU (Gia Minh ghi)

Thiếu tá TRẦN THẾ DÂN (phó trưởng Công an P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Sổ hộ khẩu không liên quan tới tài sản tranh chấp

Sổ hộ khẩu của gia đình anh Hiếu do bà Trần Thị Tuyết đứng tên chủ hộ, nhưng bà Tuyết đã chuyển hộ khẩu đi nơi khác từ lâu. Hiện sổ hộ khẩu do ông Tích giữ là sổ loại cũ, màu xanh, có 9 số, trong khi Q.Bình Thạnh đã đổi sang sổ mới, màu đỏ, có 11 số. Ông Tích không đồng ý cho gia đình anh Hiếu sử dụng sổ hộ khẩu này vì theo ông Tích, khi cha ông còn sống đã cho gia đình anh Hiếu một căn nhà khác, sau khi làm ăn thua lỗ, cha mẹ của anh Hiếu đã bán nhà rồi quay lại nhà cũ sống, đòi chia tài sản.

Trong trường hợp ông Tích đưa sổ hộ khẩu cho gia đình anh Hiếu sử dụng, công an cũng chưa thể cấp CMND cho anh Hiếu được, mà phải đổi sổ hộ khẩu mới xong mới có thể làm CMND. Cái khó là để đổi sổ hộ khẩu trong trường hợp này, các thành viên trên 18 tuổi có trong hộ khẩu phải ký giấy ủy quyền cho một người khác đứng tên chủ hộ, mà gia đình này đang tranh chấp, không chịu đưa sổ hộ khẩu ra thì làm sao thỏa thuận, chọn được chủ hộ để đứng tên sổ hộ khẩu mới. Vì những lý do phức tạp như vậy, chúng tôi đang mời ông Tích tới làm việc, sẽ mời cả bà Tuyết – người đứng tên chủ hộ cũ và ông Trần Quang Lộc – cha của anh Hiếu – tới để bàn hướng giải quyết. Theo đó, có thể chúng tôi sẽ đề xuất lãnh đạo Công an quận cấp hai sổ hộ khẩu mới cho hai hộ ông Tích và ông Lộc để tiện việc quản lý cũng như sinh hoạt của hai gia đình. Chúng tôi cũng sẽ giải thích cho các gia đình hiểu sổ hộ khẩu không liên quan tới tài sản tranh chấp để họ giảm bớt căng thẳng với nhau.

Thượng tá CAO VĂN ĐEN (phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội Công an TP.HCM):

Không giao nộp sổ hộ khẩu sẽ bị xử phạt

Trường hợp của gia đình anh Hiếu, cha mẹ anh cần làm đơn đề nghị được tách hộ khẩu riêng gửi Công an quận để giải quyết, căn cứ vào điều 27 Luật cư trú. Theo quy định, sau khi nhận đơn, Công an quận phải có trách nhiệm mời hai anh em ông Tích tới để giải thích việc phải nộp sổ hộ khẩu cũ, xác định lại chủ hộ khẩu mới là ai. Trong thời hạn nhất định, nếu ông Tích không chấp hành việc có mặt theo giấy mời và giao nộp sổ hộ khẩu cũ, Công an Q.Bình Thạnh sẽ ra quyết định xử phạt về hành vi “không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra”, theo quy định tại điều 11 nghị định 73 NĐCP/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Sau khi ra quyết định xử phạt, Công an Q.Bình Thạnh sẽ thực hiện các thủ tục để tách sổ hộ khẩu cho cha mẹ anh Hiếu và thông báo cho các bên liên quan biết theo quy định.

Việc tranh chấp tài sản là căn nhà do cha mẹ ông Tích để lại là tranh chấp dân sự, hoàn toàn không liên quan tới việc xử lý các vấn đề liên quan tới sổ hộ khẩu. Theo quy định, người có tên trong sổ hộ khẩu hay không không liên quan tới việc hưởng thừa kế tài sản theo luật định, vì vậy người dân nói chung và gia đình ông Tích nói riêng không nên gán ghép hai việc vào với nhau, dễ dẫn tới bất hòa, căng thẳng không cần thiết trong gia đình mà bị phạt thêm vì các lỗi liên quan tới hành vi vi phạm về an ninh trật tự.

G.MINH ghi

Nguồn: Báo tuổi trẻ

9e02b4257c05e19434bd28a1f3ded3e5_L

DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC CHO NHAU VAY TIỀN MẶT

Doanh nghiệp không được cho nhau vay tiền mặt

(PL)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 222 quy định việc thanh toán bằng tiền mặt. Theo đó, các doanh nghiệp không được thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn, mua bán chuyển nhượng phần góp vốn hoặc khi vay và cho vay lẫn nhau. Không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch đối với các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, các tổ chức sử dụng vốn nhà nước; tổ chức, cá nhân giao dịch chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán, trong các giao dịch đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, cho phép ngân hàng được giải ngân vốn cho vay đối với khách hàng bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khách hàng khi rút tiền mặt với số lượng lớn phải thông báo trước cho ngân hàng. Ngân hàng sẽ ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt đối với khách hàng và niêm yết công khai. Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2014.

Đ.LIÊN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

 

TRANH CHẤP CĂN HỘ CHUNG CƯ: NHIỀU VƯỚNG MẮC

Theo TAND TP.HCM, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến chung cư đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc gây tranh cãi liên quan đến phần sở hữu chung, riêng hay các hợp đồng góp vốn khi công trình chưa hoàn thành…

Theo TAND TP.HCM, do biến động của thị trường bất động sản trong giai đoạn trầm lắng và khủng hoảng, nhiều dự án nhà chung cư, dự án nền đất tái định cư chậm triển khai hoặc đang thực hiện dang dở thì phải tạm dừng. Đây là nguyên nhân dẫn đến xung đột về lợi ích giữa các bên tham gia vào giao dịch liên quan đến chung cư, dẫn đến tranh chấp phải đưa ra tòa giải quyết.

Hợp đồng mua bán căn hộ không rõ ràng

Trên thực tế đã xảy ra một số vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư chung cư với các chủ sở hữu căn hộ về việc sử dụng tầng hầm. Chủ đầu tư thì cho rằng mình sở hữu tầng hầm nên thu tiền giữ xe hoặc dùng mặt bằng tầng hầm để kinh doanh, khai thác lợi nhuận. Còn các chủ căn hộ lại cho rằng tầng hầm là của chung nên phải được sử dụng chung cũng như được hưởng lợi từ việc khai thác tầng hầm.

Điển hình như vụ tranh chấp tầng hầm chung cư Khánh Hội 1 (Bến Vân Đồn, quận 4, do Công ty CP XNK Khánh Hội làm chủ đầu tư).

 

Chung cư Khánh Hội 1, Bến Vân Đồn, quận 4, nơi xảy ra vụ tranh chấp tầng hầm giữa chủ đầu tư và các hộ dân.Ảnh: HTD

 

 

 

Trong quy chế tạm thời về quản lý sử dụng do tổng giám đốc Công ty CP XNK Khánh Hội đính kèm hợp đồng mua bán giao cho khách hàng có quy định: Phần sở hữu chung trong nhà chung cư bao gồm thang máy, hộp kỹ thuật, nơi để xe…

Thế nhưng nhiều cư dân ở đây bức xúc bởi sau khi họ vào ở một thời gian chủ đầu tư lại cho rằng tầng hầm (nơi để xe) là thuộc sở hữu riêng của công ty. Theo các cư dân, bản quy chế khi bán căn hộ, tầng hầm là thuộc sở hữu chung của cộng đồng cư dân. Nhưng sau khi ban quản trị được thành lập, chủ đầu tư cho rằng tầng hầm là sở hữu của họ và rao bán cho ban quản trị với giá hơn 1,4 tỉ đồng. Không đồng tình, ban quản trị và nhiều hộ dân đã làm đơn khiếu nại. Một số hộ dân đã khởi kiện ra TAND quận 4 và hiện tòa đã thụ lý hồ sơ.

Theo Tòa dân sự TAND TP.HCM, nguyên nhân phát sinh các tranh chấp trên do hợp đồng mua bán căn hộ giữa hai bên chủ đầu tư và khách hàng không rõ ràng theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định 71/2010 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở).

Về mặt tố tụng, tòa dân sự đồng tình với quan điểm phải đưa tất cả chủ sở hữu căn hộ, người sử dụng chung cư vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì họ đều có quyền ngang nhau trong việc sử dụng phần diện tích chung của chung cư. Dù làm như vậy tòa sẽ rất cực vì có rất nhiều người tham gia tố tụng.

Tranh cãi về hợp đồng góp vốn

Gần đây, các tòa ở TP đã thụ lý, giải quyết khá nhiều vụ tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa khách hàng và chủ đầu tư dự án xây dựng chung cư. Nguyên nhân là do chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, thi công chậm, chậm hoàn thành công trình nên khách hàng tham gia góp vốn khởi kiện đòi lại tiền.

Theo tòa dân sự, với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai, khi giải quyết đã phát sinh hai luồng quan điểm: Một bên cho rằng đây là tranh chấp dân sự (đòi lại tài sản), một bên cho rằng đây là tranh chấp kinh doanh thương mại (góp vốn để kinh doanh). Khổ một nỗi trong nhiều trường hợp, mục đích góp vốn của khách hàng không thể hiện rõ trong hợp đồng nên rất khó xác định khách hàng mua căn hộ chung cư để kinh doanh hay để ở.

Mặt khác, nhiều vụ tòa sơ thẩm xác định tranh chấp là đòi tài sản nên khi giải quyết đã không định giá căn hộ, không xác định rõ khối lượng công việc đã thi công, giá trị phần hợp đồng đã thực hiện để tính mức bồi thường. Vì vậy cấp phúc thẩm phải hủy án để giải quyết lại từ đầu.

Chẳng hạn, gần đây nhất TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm trong vụ ông Nguyễn Thái An kiện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai yêu cầu tuyên bố tám hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng căn hộ cao cấp vô hiệu.

Trước đó, tháng 8-2011 ông An khởi kiện Quốc Cường Gia Lai ra TAND huyện Bình Chánh. Theo ông An, Quốc Cường Gia Lai có hợp tác với Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà đầu tư dự án căn hộ cao cấp tọa lạc tại lô 4, khu 6B (xã Bình Hưng). Trong hai tháng 1 và 2-2008, ông và Quốc Cường Gia Lai có ký tám hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng tám căn hộ cao cấp ở đây.

Để đảm bảo thực hiện các hợp đồng góp vốn trên, ông An đã đặt cọc và thanh toán trước cho Quốc Cường Gia Lai tổng cộng hơn 4,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra thực tế ông phát hiện Quốc Cường Gia Lai không thực hiện đúng cam kết về tiến độ thi công và hoàn thành dự án như trong hợp đồng đã ký nên kiện đòi lại tiền.

Tháng 2-2013, TAND huyện Bình Chánh đã mở phiên sơ thẩm (vắng mặt phía Quốc Cường Gia Lai). Tòa nhận định theo quy định của BLDS, các hợp đồng giữa hai bên nguyên, bị là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Từ đó tòa đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông An.

Quốc Cường Gia Lai kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, phía công ty cho rằng đây không phải là tranh chấp dân sự mà là tranh chấp kinh doanh thương mại. Về tố tụng, tòa sơ thẩm có vi phạm khi chưa đưa công ty đối tác kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai vào tham gia tố tụng. Về nội dung, số tiền mà tòa sơ thẩm xác định Quốc Cường Gia Lai nhận từ ông An là chưa chính xác. Mặt khác, ông An góp vốn không đúng theo hợp đồng nên ông có lỗi, phải mất toàn bộ số tiền đã đóng vì đơn phương hủy hợp đồng…

Dẫn chứng vì sao đây là án kinh doanh thương mại, phía Quốc Cường Gia Lai lập luận: Ông An vốn là nhà đầu tư thứ cấp, mua rất nhiều căn hộ để kinh doanh. Ý chí của ông An khi ký tám hợp đồng này là nhằm kinh doanh kiếm lợi nhuận… Đại diện VKSND cũng có ý kiến rằng việc tòa sơ thẩm xác định đây là án dân sự là chưa chính xác.

Tòa phúc thẩm đã không trực tiếp đề cập cũng như phân xử về tranh cãi đây là án dân sự hay án kinh doanh thương mại. Theo tòa, bản án sơ thẩm nhận định các hợp đồng góp vốn giữa ông An và Quốc Cường Gia Lai vô hiệu vì vi phạm điều cấm là đúng nhưng chưa giải quyết triệt để hậu quả của việc vô hiệu. Vì vậy cần hủy án để giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm xét xử lại.

HOÀNG YẾN

Tính sai diện tích, phải trả lại tiền cho khách

Đó là kiến nghị được nhiều đại biểu nêu ra trong phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức chiều 25-2 để nghe Bộ Xây dựng báo cáo về việc ban hành Thông tư 16 hướng dẫn cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư theo hai cách khác nhau (theo kích thước thông thủy và từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ) gây thiệt thòi cho người dân.

Một tuần trước, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03 để thay thế cho Thông tư 16. Tuy nhiên, tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vẫn khẳng định việc ban hành Thông tư 16 là đúng quy định. Bởi về nguyên tắc thì toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư, cả phần sở hữu riêng của căn hộ và phần sở hữu chung đều tính vào giá bán các căn hộ nên dù tính theo cách nào thì người mua cũng không bị thiệt thòi về quyền lợi.

Không đồng tình, ông Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) khẳng định cách tính diện tích theo tim tường trái với Luật Nhà ở, Nghị định 71 và Bộ luật Dân sự. Đồng thời, cách tính này không tách bạch được phần sở hữu chung và sở hữu riêng trong các căn hộ chung cư. Khi mua bán, các chủ đầu tư chỉ tính theo tim tường, có lợi cho họ và gây thiệt hại cho người dân mua chung cư. “Việc ban hành Thông tư 16 đã vượt thẩm quyền của Bộ Xây dựng vì đúng ra phải thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc của Quốc hội” – ông Sơn nói.

Ông Đỗ Văn Đương (ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) nhấn mạnh phải xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào cho những người đã mua căn hộ. Bà Trần Thị Quốc Khánh (ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cũng cho rằng doanh nghiệp đã thu tiền rồi thì giờ phải tính toán để trả lại tiền cho khách hàng.

Ông Phan Trung Lý (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) kết luận: Thông tư 16 hướng dẫn hai cách tính diện tích căn hộ là sai thẩm quyền, không phù hợp với Luật Nhà ở, mâu thuẫn với quy định về sở hữu chung trong Bộ luật Dân sự, quy định này cũng không có trong nghị định của Chính phủ. Quy định cho cách lựa chọn như vậy đã khiến các doanh nghiệp chỉ tính diện tích căn hộ từ tim tường khiến diện tích căn hộ thấp hơn so với hợp đồng. Doanh nghiệp được hưởng lợi, còn thiệt hại người dân gánh chịu. Ông Lý đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, đồng thời có biện pháp xử lý hậu quả phát sinh để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

THÀNH VĂN

Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM

Hai lưu ý của Tòa dân sự TAND TP.HCM

– Khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng góp vốn giữa khách hàng và chủ đầu tư dự án xây dựng chung cư, tùy trường hợp cụ thể các tòa cần phải đưa doanh nghiệp tham gia góp vốn (đối tác của chủ đầu tư) vào tham gia tố tụng.

– Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư nước ngoài ký hợp đồng góp vốn thì phải xem xét điều kiện họ có thuộc diện sở hữu nhà theo quy định Luật Nhà ở hay không.