ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM – KỲ 1

TT – Năm 1971, lúc 22 tuổi, tôi về Bạc Liêu dạy học. Nhiều em học sinh lớp đệ nhất chỉ thua thầy vài ba tuổi đã thân ái đặt cho tôi ngoại hiệu Tùng Xua tùa hia (tiếng Triều Châu – Đường Sơn đại huynh). Một sáng tháng 10-1971, Tùng Xua tùa hia đang ăn sáng trong tiệm Xừng Ký ngoài chợ Bạc Liêu thì chứng kiến một vụ việc ngộ nghĩnh. Từ đây, những câu chuyện bắt đầu…

TT – Năm 1971, lúc 22 tuổi, tôi về Bạc Liêu dạy học. Nhiều em học sinh lớp đệ nhất chỉ thua thầy vài ba tuổi đã thân ái đặt cho tôi ngoại hiệu Tùng Xua tùa hia (tiếng Triều Châu – Đường Sơn đại huynh). Một sáng tháng 10-1971, Tùng Xua tùa hia đang ăn sáng trong tiệm Xừng Ký ngoài chợ Bạc Liêu thì chứng kiến một vụ việc ngộ nghĩnh. Từ đây, những câu chuyện bắt đầu…

Kỳ 1: Hai cái sự rơi

Như thường lệ, khoảng 6 giờ sáng, chị Thạch Thị Rươl – một phụ nữ Khmer, gánh cái gánh bún nước lèo danh tiếng của mình ra chợ Bạc Liêu bán. Nồi nước luôn luôn sôi bốc lên mùi mắm thơm phức; tôm, thịt quay, cá lóc, rau xanh… tươi ngon hơn các gánh bún nước lèo của người khác. Giá của tô bún chỉ cỡ 5 đồng (giá lít xăng ngày ấy là 12 đồng) nên rất vừa túi tiền của khách hàng.

Rơi cái vú giả

Hôm ấy, từ trong khu gia binh có một chị vợ lính đi chợ sớm. Thấy chị Rươl gánh bún nước lèo tới, chị này có nhã ý ăn mở hàng nên cúi người nhìn vào nồi nước lèo gọi một tô bún. Trời xui đất khiến làm sao hôm ấy chị ta mặc chiếc áo hở cổ, mà mối chỉ may của chiếc nịt ngực cũng đến hồi quá đát. Cái thế cúi người “thưởng thức” đột ngột khiến sợi chỉ cuối cùng đứt luôn. Tõm một cái, một miếng mút độn áo ngực của chị, tục gọi là vú giả, rơi ngay vào nồi nước lèo thơm phức của chị Rươl.

Chị Rươl túm lấy bà khách mở hàng hậu đậu, la bài hãi: “Trời ơi! Gánh bún tui chưa bán mở hàng mà bà làm rớt… vú vào đó. Giờ tui bán cho ai?”. Chị buộc bà khách phải đền tiền nguyên gánh bún 120 đồng. Bà khách vừa xấu hổ sượng sùng, vừa lo số tiền không đủ cũng lên tiếng phân bua.

Sợ họ đánh nhau, mấy bà mấy chị trong chợ chỉ họ qua bên Hội đồng xã Vĩnh Lợi cho mấy ông phân xử. Chị Rươl vai gánh gánh bún, tay trái nắm tay bà khách dẫn qua hội đồng xã, cách chợ Bạc Liêu khoảng trăm mét.

Chủ tịch hội đồng xã Vĩnh Lợi lúc bấy giờ là ông T.V.V.. Ông mời hai phụ nữ ngồi để nghe họ “tường trình ủy khúc” – chữ dùng thời chế độ cũ. “Nguyên đơn” Rươl giành nói trước rằng nồi nước lèo và gánh bún của chị nói chung giá 120 đồng. Nay bà khách làm rớt… vú giả vào đó, không còn ai dám ăn uống gì nữa. Vậy bà khách phải đền cho chị 120 đồng; còn những món tôm, thịt, rau, bún cứ mang về… ăn cho phỉ.

Chị cũng ca cẩm việc rớt vú giả vào nồi nước lèo làm gánh bún danh tiếng của chị bị xúi quẩy, sợ khách hàng sau này không dám ăn, ảnh hưởng đến uy tín “thương hiệu” của mình.

“Bị đơn” mặt tái mét, sượng sùng trình bày chị ăn bún nước lèo của chị Rươl nhiều lần, thấy ngon nên định ăn mở hàng nhưng không ngờ “nó” rớt. Chị đi chợ chỉ đem theo mấy chục đồng, thật sự không đền nổi 120 đồng. Vả chăng theo chị, vú giả chỉ rớt vào nồi nước lèo nên chất lượng mấy món tôm, thịt không ảnh hưởng gì. Chị Rươl buộc chị mang về ăn cho phỉ chắc chị ăn không nổi, mà có rủ ai chưa chắc họ chịu ăn.

Ông V. thật sự bối rối. Ông nói: “Thôi được, hai chị ngồi chờ mấy phút”. Rồi ông đạp xe chạy qua Tòa án tỉnh Bạc Liêu cách đó khoảng vài trăm mét thỉnh giáo lục sự T.C.H.. Ông H. là người gốc Triều Châu, làm lục sự nhiều năm. Ông H. cố vấn cho ông V.: phần nào thật sự bị hư hao thì đền phần đó, có tính toán để châm chước, gia giảm những thiệt hại khác do sự cố này gây ra.

Ông V. quay về hội đồng xã xử như vầy: chị vợ lính làm rơi vú giả hư nồi nước lèo phải đền 30 đồng. Vụ việc đáng tiếc đó cũng gây những thiệt hại thương hiệu cho gánh bún mắm nước lèo nổi tiếng của chị Rươl nên phải đền thêm 20 đồng nữa. Riêng các phần thịt, cá, tôm, rau của chị Rươl không ảnh hưởng gì nên cũng không thiệt hại gì, chị Rươl không nên buộc chị vợ lính phải đền bù. Ông cũng động viên chị Rươl về nấu… nồi nước lèo khác, bán qua trưa và chiều để khỏi thiệt hại thu nhập trong ngày.

Án được thi hành tại chỗ. Chị vợ lính đền tiền ngay. Mười giờ trưa hôm ấy, chị Rươl lại gánh bún nước lèo ra chợ Bạc Liêu. Trước khi bán chị làm thủ tục xả xui: cầm hai tờ giấy báo cháy phừng phừng, nhảy qua nhảy lại trên cái đòn gánh để… đốt phong long!

Suýt rớt xuống cầu

Một sáng tháng 10-1971, ông Vưu Tôn – một người gốc Triều Châu cư trú tại Giồng Biển (phường Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu ngày nay), bưng cái mẹt bánh tiêu đi qua cầu Quay để xuống chợ Bạc Liêu bán như thường lệ. Tôi quen biết với Vưu lão hán, thường ăn bánh tiêu của ông.

Ông Tôn đi lên hơn nửa cầu, mắt nhìn xuống khung cảnh buôn bán nhộn nhịp phía dưới thì bỗng nhiên đạp nhằm… một miếng ván mục. Rắc một cái, chân phải của ông lọt thỏm xuống cầu, mẹt bánh tiêu đổ tưng bừng, cái rơi xuống sông, cái lăn như bánh xe xuống tận đầu đường Trương Vĩnh Ký. Bà con qua cầu thương ông già bị tai nạn, nhẹ nhàng đỡ và kéo chân ông ra khỏi lỗ ván mục. Chân ông trầy xước đổ máu, gót chân bị sưng. Một anh xe lôi khỏe mạnh bế ông lên đưa đến nhà thương Bạc Liêu cấp cứu. Bác sĩ bảo ông cữ đi lại trong mười ngày.

Ngay chiều hôm đó, ông Tôn bảo con bồng đến một chỗ đánh máy đơn thuê, viết một cái đơn kiện kỹ sư P., trưởng Ty Công chánh tỉnh Bạc Liêu. Đơn nói rõ: Ty Công chánh không làm hết nhiệm vụ, không thay ván mục để ông bị té lọt chân xuống cầu bị thương, đổ hết bánh tiêu và khiến ông mất thu nhập trong mười ngày. Ông Tôn yêu cầu trưởng Ty Công chánh phải đền bù các thiệt hại về sức khỏe và thu nhập cho ông.

Bình thường ông Tôn rất hiền, nhưng có lẽ hôm ấy bực bội vì cái chân bị sưng nên ông la rùm trời. Bằng cái giọng nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Triều Châu, ông Tôn tự xưng là hỏa (tôi), gọi ông P. khi là lứ (ông), khi là hia (anh). “Lứ coi cho kỹ li, cái chưn hỏa què dồi. Có khi nào lứ li qua li lại cái cầu ấy lâu, chỉ có pà con pình dân như hỏa li thôi. Hia phải lền lại cho hỏa tiền cơm thuốc” – ông Tôn nói cứng.Đơn kiện không gửi qua tòa án mà lại gửi ngay cho… tỉnh trưởng Bạc Liêu. Tỉnh trưởng Bạc Liêu có bút phê, chuyển qua cho ông phó tỉnh trưởng hành chính – thường gọi là ông phó T., mời hai bên lên giải quyết. Ba hôm sau, kỹ sư P. và ông Tôn gặp nhau tại văn phòng ông phó T..

Bình thường ông Tôn rất hiền, nhưng có lẽ hôm ấy bực bội vì cái chân bị sưng nên ông la rùm trời. Bằng cái giọng nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Triều Châu, ông Tôn tự xưng là hỏa (tôi), gọi ông P. khi là lứ (ông), khi là hia (anh). “Lứ coi cho kỹ li, cái chưn hỏa què dồi. Có khi nào lứ li qua li lại cái cầu ấy lâu, chỉ có pà con pình dân như hỏa li thôi. Hia phải lền lại cho hỏa tiền cơm thuốc” – ông Tôn nói cứng.

Kỹ sư P. cũng là người hiền lành, thấy ông già nổi nóng nên không dám cãi vã, chỉ xuống giọng năn nỉ: “Tui thấy rồi, tui thấy rồi. Bây giờ bác muốn đền bao nhiêu?”. “Hỏa lấy dẻ thôi. Lây là piên lai thuốc năm chăm tồng, mười ngày không li pán lược là một chăm tồng, pa chục tồng tiền pánh tổ. Vị chi là sáu chăm pa chục tồng”. “Dạ, bác ngồi nghỉ, tui chạy về ty để lấy tiền. Tui đi gấp quá không đem tiền theo”.

Ông P. chạy về Ty Công chánh, lát sau đem tiền qua. Ông Tôn nhận tiền đền bù, biểu con viết tờ bãi nại. Ông nói: “Lứ chưởng ty à, cho người thay dán mục li chớ không thì có người té lại lền tiền nhiều nhiều ló”. Có lẽ ông P. thấy điều đó là đúng, vài hôm sau trên mặt cầu Quay được thay nhiều tấm ván mới.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *