ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM – KỲ 6: VỤ KIỆN BỨC TƯỜNG

Chủ Nhật, 13/02/2011, 07:07 (GMT+7)
TT – Bức tường cũ kỹ được xây dựng từ những năm 1960 bề dày chỉ đúng một tấc (0,1m), chiều dài hơn 5,7m nhưng cả ba nhà đều lên tiếng: “Tường đó của riêng nhà tôi, người kia chỉ dùng ké!”. Vụ kiện không chỉ có ba chủ nhà tham gia mà rồng rắn thêm nhiều người liên quan vốn là các chủ nhà cũ trước đó, những người hàng xóm được coi là biết rành rẽ về nguồn gốc bức tường đều kéo đến tòa làm chứng.

Chủ Nhật, 13/02/2011, 07:07 (GMT+7)
TT – Bức tường cũ kỹ được xây dựng từ những năm 1960 bề dày chỉ đúng một tấc (0,1m), chiều dài hơn 5,7m nhưng cả ba nhà đều lên tiếng: “Tường đó của riêng nhà tôi, người kia chỉ dùng ké!”. Vụ kiện không chỉ có ba chủ nhà tham gia mà rồng rắn thêm nhiều người liên quan vốn là các chủ nhà cũ trước đó, những người hàng xóm được coi là biết rành rẽ về nguồn gốc bức tường đều kéo đến tòa làm chứng.

“Lưng” anh nhưng “sườn” tôi

Vì không ai thắng kiện nên cả ba nhà tranh chấp bức tường phải chia đều án phí và chi phí giám định. Bức tường được xác định chiếm diện tích đất: 5,75 x 0,1m, trị giá mỗi mét vuông đất tại khu vực này là 35 triệu đồng/m2 nên tính riêng giá đất của bức tường là hơn 20 triệu đồng. Cộng thêm trị giá phần xây dựng thì bức tường tranh chấp trị giá hơn 33 triệu đồng. Ngoài mức án phí hơn 500.000 đồng/nhà, cộng thêm phí giám định, mỗi nhà phải đóng tổng cộng hơn 3 triệu đồng!

Ba căn nhà (gọi tạm là nhà số 220, nhà 222 và nhà 216H) tiếp giáp với nhau bằng một bức tường chung. Nhà 220 và 222 nằm giáp cạnh nhau còn nhà 216H thì nằm ngang, lấy bức tường phía sau đuôi của hai nhà 220 và 222 là tường dọc của minh.

Cả ba căn nhà trên đều sử dụng chung bức tường đã vài chục năm nay. Dù nhà cửa đã cũ kỹ, lâu đời nhưng chẳng gia đình nào xây dựng lại bởi ai cũng ngấm ngầm hiểu nguyên tắc: tường chung thì ai xây trước sẽ phải bỏ tường, người xây sau đương nhiên được hưởng trọn bức tường.

Việc tranh chấp gay gắt chỉ bắt đầu từ năm 2003, khi nhà 216H (do bà N. làm chủ) xin cấp chủ quyền và đòi hợp thức hóa bức tường làm của riêng nhưng không được vì chủ nhà 222 (ông Đ.) đã có đơn ngăn chặn tranh chấp bức tường. UBND phường hòa giải hoài không được, các bên đã kéo nhau đến tòa án giải quyết. Chủ căn nhà 216H đứng nguyên đơn. Vụ kiện được TAND TP.HCM thụ lý từ đầu năm 2006 nhưng đến mãi cuối năm 2010 mới kết thúc bằng bản án phúc thẩm của TAND tối cao.

Tại tòa, phía bà N. (chủ căn nhà 216H) cương quyết cho rằng bức tường phải thuộc về nhà mình. Bà N. lý giải: “Tôi mua nhà về ở năm 1976 thì đã thấy nhà có sẵn bức tường này rồi. Đến khi có nhu cầu thêm chỗ ở, năm 1988 tôi xây thêm trên tường, đến năm 1998 lại xây thêm nữa có ai dám ý kiến gì đâu. Không phải tường của nhà tôi thì mấy ông bà đó để cho tôi được tự do thế à?”. Lý lẽ của phía bà N. còn được củng cố bởi lời khai của 3 nhân chứng gồm chủ cũ của nhà 216H, chủ cũ nhà 222 và người chủ căn nhà tiếp giáp gần đấy (nhà 216G). Các nhân chứng xác nhận: bức tường là của căn nhà 216H.

Còn phía bị đơn, ông Đ. là chủ của căn nhà 222 cũng nhất quyết cho rằng bức tường là của hai căn nhà 220 và 222. Ông Đ. cũng đại diện luôn cho chủ nhà 220 nói mình có đủ giấy tờ sở hữu xác nhận bức tường là của riêng bên mình. Ông Đ. nói đã mua căn nhà từ năm 1964, đến năm 1976 gia đình bà N. mới về cất nhà tại miếng đất trống phía sau đuôi nhà ông. Khi cất nhà thì gia đình bà N. tự ý dùng ké bức tường sau nhà ông.

Sở dĩ gia đình ông không gây khó dễ vì thấy thương gia đình bà N. nghèo. Đến năm 1988 lúc bà N. xây chồng thêm một tầng nữa, ông cũng không nói gì vì mắc đi làm sáng tối, có hay biết gì đâu. “Đến năm 1998, một lần nữa bà N. lại xây chồng thêm một tầng lên tường thì tôi mới biết và sợ không đảm bảo an toàn nên đã gửi đơn đến phường” – ông Đ. nói.

Dù cương quyết đòi bức tường đó là tường của hai nhà 220 và 222 nhưng phía bị đơn cũng nói: “Chúng tôi sẵn sàng cho bà N. sử dụng chung như từ trước tới nay, với điều kiện bà N. không được thay đổi hay làm gì để hỏng tường. Nếu gia đình bà còn đòi hợp thức hóa thành tường riêng thì chúng tôi đề nghị chính quyền phải ra văn bản công nhận tường đó là của chúng tôi”.

Bức tường im lặng!

Tranh luận đến hồi gay cấn, các bên đều sừng sộ, đỏ mặt bừng bừng. Người này nói, người kia chỉ trích gay gắt. Thậm chí còn kể xấu chuyện người nọ, người kia đục tường, khoan lỗ khiến bên này không thể yên ổn. Chủ tọa khuyên nhủ đủ đường về tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau… nhưng các bên vẫn tiếp tục giành bức tường về phía mình.

Dù bên nguyên đơn mời cả các nhân chứng là chủ nhà cũ, hàng xóm cũ đến cho lời khai, xác nhận chủ nhà 216H bỏ tiền ra xây bức tường từ đời “tám hoánh” nào nhưng lời khai của họ cũng chỉ là lời khai, đôi khi lúc thế này lúc thế khác… khiến tòa chẳng an tâm! Bên bị cũng trưng ra nhiều giấy tờ chủ quyền, bản vẽ hiện trạng nhà đất, rồi văn bản xác nhận của UBND phường rằng bức tường đó là tường riêng tại phần đuôi của hai căn nhà 220 và 222 nhưng theo tòa cũng… không ổn.

Các giấy tờ pháp lý của hai căn nhà bên bị đưa ra có ghi các bức tường bên hông là riêng hay chung nhưng chỉ mỗi bức tường phía sau (đang tranh chấp) lại không ghi riêng hay chung. Hơn nữa, các lần bà N. cơi nới xây tường, hai bị đơn cũng không có ý kiến gì, thậm chí còn tỏ vẻ tôn trọng quyền của bà N. sử dụng bức tường tranh chấp này. Văn bản xác nhận của UBND phường cho rằng tường là của hai bị đơn (vì gạch, vữa của bức tường xây đồng nhất với các bức tường bên hông nhà) thì nguyên đơn cũng ký tên và ghi ngay vào đấy là: không đồng ý với cách kiểm tra trên.

Đến khi tòa trưng cầu cơ quan kiểm định để làm rõ: bức tường đó xây cùng thời điểm, đồng nhất với vật liệu xây dựng của căn nhà nào (thì thuộc sở hữu chủ nhà đó) việc kiểm định cũng không cho ra được kết quả rõ ràng. Cơ quan kiểm định đề nghị phải khoan chỗ này, đào chỗ khác để kiểm định vật liệu, kết cấu tường thì mới xác định tường đó do nhà nào xây, nhưng ngặt nỗi bên bị đơn lại không chịu mà đề nghị khoan, đào chỗ khác.

Mà mấy chỗ khoan đào này đâu phải “điểm huyệt” để xác định bức tường của nhà nào nên cơ quan kiểm định đành chào thua. Kiểm định chỉ có thể kết luận hiện trạng: nhà 220 dùng tường đó làm tường bao công trình phụ và đỡ gối cho các bậc thang lên lầu, nhà 222 dùng làm tường bao công trình phụ và có câu gạch với tường hông, còn nhà 216H thì dùng tường làm tường dọc chịu lực kết hợp với hệ cột, dầm, bêtông cốt thép để đỡ các tầng phía trên.

Gần năm năm trôi qua, kết quả chung cuộc theo phán quyết của tòa: bức tường là của chung ba nhà!

Mấy chục năm ra đời và im lặng đứng, bức tường nọ một ngày trở thành nhân chứng cho cuộc dâu biển lòng người. Nó được định giá 33 triệu đồng, nhưng ai cũng biết nếu nhà nào giành được bức tường ấy về phía mình thì giá trị ngôi nhà không chỉ là cộng thêm 33 triệu đồng nữa rồi. Vì thế, bên nào cũng dốc công. Năm năm, hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, đau đầu và mệt óc. Họ trở về với hiện trạng ban đầu. Bức tường nguyên vẹn, nhởn nhơ và lì mặt trong thế sự chuyện đời. Cái bị dạt xô, chao đảo và không còn nguyên vẹn là tình nghĩa xóm giềng. Ba nhà chung vách chung tường nhưng lòng thì khó mà chung được nữa…

CHI MAI

 

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *