220c08548cac211cc7db219bb52f46cf_M

LƯỚT SÓNG BẤT ĐỘNG SẢN GẶP “HẠN”

Lướt sóng bất động sản gặp "Hạn"

Mới có hiệu lực gần hai tuần, song Nghị định 71 khiến nhiều nhà đầu tư địa ốc nhấp nhổm không yên. Tuy nhiên, một số người lạc quan cho rằng quy định này sẽ tăng cường cơ hội cho những nhà đầu tư thực sự.

Mới có hiệu lực gần hai tuần, song Nghị định 71 khiến nhiều nhà đầu tư địa ốc nhấp nhổm không yên. Tuy nhiên, một số người lạc quan cho rằng quy định này sẽ tăng cường cơ hội cho những nhà đầu tư thực sự.

Tháng cô hồn, giao dịch thị trường nhà đất èo uột. Thị trường càng trầm lắng khi nghị định 71 có hiệu lực, quy định các bên chỉ được ký hợp đồng ủy quyền công chứng quyền sử dụng, bán, cho thuê khi nhà đã xây xong. Theo ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản B.D.S, các dự án bất động sản mới giao dịch thông qua công chứng ủy quyền chiếm khoảng trên 70%.

Thực tế, mỗi dự án kể từ khi bắt đầu bán ra thị trường bằng các hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư… cho đến lúc bàn giao nhà cho khách hàng phải mất vài năm. “Trong khi đó nhu cầu mua đi bán lại chiếm tỷ lệ rất cao trong khoảng thời gian này. Do đó, trước mắt quy định mới này đã siết chặt cửa ‘lướt sóng’ đối với nhà đầu tư”, ông Trường nói.

Phó giám đốc của một công ty bất động sản tâm sự, ông vẫn đang ôm một số căn hộ chung cư ở khu vực phía Tây thành phố. Tiền đã đóng xong đợt một, chưa kịp “lướt” nhanh thì gặp lúc thị trường địa ốc chững lại. Đang thắc thỏm chờ thị trường lên thì gặp ngay quy định không được ủy quyền công chứng khi nhà chưa xây xong. “Dốc vào đó đã gần 2 tỷ, giờ tôi chỉ còn biết ‘bó gối’ ngồi để huy động bạn bè theo trọn dự án mà thôi”, vị phó giám đốc ngán ngẩm.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Cen Group cho hay, những người mua dự án bất động sản trong thời kỳ “lúa còn non” chủ yếu là những người kinh doanh địa ốc, mua để đầu tư. Còn lại, những người mua để ở lại thích những căn hộ đã hoàn thiện, giấy tờ đầy đủ. Do đó, không cho phép ủy quyền công chứng khi nhà chưa xây xong có thể làm thị trường chững lại.

Thêm vào đó, theo ông Hưng, việc thắt chặt chuyển nhượng trong giai đoạn góp vốn cũng được thể hiện thông qua quy định chỉ được phép bán 20% sản phẩm không qua sàn. Để được quyền bán, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo về số lượng, địa chỉ nhà, loại nhà kèm theo danh sách tên, địa chỉ các đối tượng được phân chia lên Sở Xây dựng. Theo đó, Sở xây dựng sẽ nắm tất cả các thông tin của người mua từ khi dự án bắt đầu triển khai cho đến khi công trình hoàn thành.

“Những khách hàng có nhu cầu mua buộc phải theo dự án đến khi bàn giao nhà mới được chuyển nhượng. Quy định này đã chặn hết các cửa lướt sóng của các nhà đầu tư thứ cấp cho dù là bên bán hay bên mua”, ông Hưng nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lạc quan hơn lại cho rằng, Nghị định 71 sẽ làm thị trường minh bạch hơn. Ông Đặng Văn Quang, Trưởng phòng Tư vấn chiến lược của Công ty John Lang LaSalle Việt Nam đánh giá, những giao dịch qua ủy quyền công chứng chứa đựng rất nhiều rủi ro. Người mua đôi khi gặp phải những sản phẩm “hứa” không có thực. Thêm vào đó, người được ủy quyền không có quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như giấy phép xây dựng mang tên mình vì không phải là người mua bán trực tiếp lô đất.

Ông Quang nhận định, nghị định sẽ làm cuộc chơi trong làng bất động sản rõ ràng và rành mạch hơn. Nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính sẽ buộc phải buông dự án nhường cơ hội cho những người có năng lực thực sự. “Nghị định chủ yếu tác động vào những dự án đang trong quá trình hình thành. Những giao dịch mang tính chất lướt sóng sẽ bị hạn chế”, ông Quang nhận định.

Từ trước đến nay, quá trình mua bán nhà đất vẫn diễn ra vòng vèo qua nhiều nhà đầu tư thứ cấp khiến giá liên tục bị đẩy lên cao. Giao dịch hầu hết đã chững lại song giá vẫn cao chót vót. Tiêu biểu như Geleximco giá đang ở mức 37,1-44,6 triệu đồng mỗi m2, Văn Phú 41 triệu đồng…

Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sông Đà Thăng Long nhận định, giá bất động sản sẽ có khả năng giảm xuống. Cùng với nguồn cung hiện nay khá nhiều, các nhà đầu tư có năng lực bám sát thị trường, loại bỏ những nhà đầu tư lướt sóng sẽ bớt cầu chênh giá. Thêm vào đó, quy định cho phép chủ đầu tư không hạn chế tầng cao đối với nhà ở xã hội sẽ tạo thêm nguồn cung làm giá bất động sản dần trở về giá trị thực.

Hoàng Lan

e3017719190ff1e83db12ee09e7beada_M

BẪY TÀI CHÍNH KHI VAY TÍN CHẤP LÃI SUẤT 30%

Bẫy tài chính khi vay tín chấp lãi suất 30%

Thứ ba, 14/5/2013, 09:26 GMT+7 May 14 2013 09:26:10

Được chào mời vay tiền dễ dàng, chỉ cần hồ sơ photo và tiền được giải ngân chỉ sau 3 ngày, nhiều người đã vội vàng đồng ý mà bất chấp lãi suất cao gấp đôi ngân hàng.

Trong khi điều kiện vay vốn cá nhân tại các ngân hàng siết chặt như hiện nay, anh Dương – làm việc cho công ty phần mềm tại Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) – vẫn thường xuyên nhận điện thoại chào mời cho vay tiền từ các công ty tài chính. Theo lời quảng cáo của nữ nhân viên bán hàng qua điện thoại, với mức lương 10 triệu đồng, anh có thể được vay tín chấp 60 – 100 triệu đồng và chỉ sau 3 ngày đã nhận được tiền. “Bên em quy trình thủ tục rất đơn giản, chỉ cần hồ sơ photo và vài cuộc điện thoại gọi tới nhà để thẩm định. Chỉ sau 3 ngày là đã có thể giải ngân”, nữ nhân viên này quảng cáo.

Nhiều công ty tài chính vẫn cho vay với lãi suất trên 30% một năm. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều công ty tài chính vẫn cho vay với lãi suất trên 30% một năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Anh Dương được thông báo lãi suất 2,63% theo tháng thay vì cách niêm yết theo năm của một số ngân hàng. Như vậy, lãi suất khách vay tín chấp theo hình thức này lên tới 31,5% một năm – gần gấp đôi so với vay tiêu dùng tại một số nhà băng hiện nay.

Lý giải về “cái giá đắt đỏ” của khoản vay này, nữ nhân viên tư vấn nói: “Nghe thì có vẻ cao thôi nhưng bên em không như ngân hàng, lãi suất sẽ cố định qua các năm và thủ tục vô cùng đơn giản, lại không cần thế chấp gì”.

Không riêng anh Dương mà rất nhiều người có thu nhập ổn định hàng tháng, hàng ngày vẫn nhận được lời mời mọc cho vay tiền từ các công ty tài chính, bất kể họ đang có nhu cầu hay không.

Một chuyên gia tài chính khuyến cáo nếu quá ham hố những điều kiện vay vốn dễ dãi này, nhiều người dân có thể rơi vào “bẫy tài chính” với mức lãi suất quá cao bởi nghĩ rằng kiểu vay này “chẳng mất gì”. Vị chuyên gia này phân tích: “Bình thường có thể cũng không quá cần vay tiền nhưng khi được mời mọc, họ lại nảy sinh những nhu cầu mới. Nhiều người đã vỡ nợ hoặc mất hết lương hàng tháng chỉ để trả lãi và gốc mà không còn tiền sinh hoạt”.

Trước thắc mắc của khách hàng về mức lãi suất trên dưới 30% một năm, nhân viên của một công ty tài chính có thị phần lớn trong lĩnh vực bảo hiểm giải thích do công ty không chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. “Bọn em là doanh nghiệp FDI nên không chịu sự điều hành về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước”, nữ nhân viên này nói.

Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định lãi suất cho vay không được quá 150% lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hiện các hợp đồng vay vốn không còn theo quy định này và được áp dụng theo Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010.

Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia pháp chế trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng lãi suất trên 30% dù cao ngất ngưởng nhưng lại không trái với các quy định hiện hành bởi đó là sự thỏa thuận giữa hai bên cho vay và đi vay.

Theo giải thích của một phó tổng giám đốc ngân hàng thương mại, về bản chất, một công ty tài chính không có chức năng huy động vốn nên lãi suất đầu vào của nhóm này có thể cao ngang lãi suất cho vay của ngân hàng. Hơn nữa, chi phí để xây dựng mạng lưới bán lẻ cũng lớn nên thường họ tính lãi suất rất cao.

Vị lãnh đạo này khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo khi lựa chọn hình thức vay tiền này. “Nguyên tắc số một trong kinh tế là lợi nhuận cao thì rủi ro lớn. Các công ty tài chính cũng phải chấp nhận rủi ro rất lớn khi cho vay tín chấp và không hề tuân theo quy trình cho vay của ngân hàng thương mại như vậy”, ông giải thích.

Trong khi đó, nếu quá cần kíp, buộc phải vay vốn theo hình thức này, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Một chuyên gia cho hay: “Nhiều người thấy dễ dàng là vay bằng được mà không cần biết lãi suất, kỳ hạn và hình thức phạt ra sao nên khi muốn thanh lý hợp đồng cũng rất khó khăn. Bởi tính ra tổng lãi phải trả cũng không thấp hơn nếu thanh toán nốt theo hợp đồng là bao nhiêu”

Thanh Thanh Lan

(Nguồn : VnExpress)

1eca156427374c8abf4738e42b464eef_L

NGƯỜI DÂN NGUY CƠ VỠ NỢ NẾU HAM MUA NHÀ LÃI SUẤT 6%’

‘Người dân nguy cơ vỡ nợ nếu ham mua nhà lãi suất 6%'

Hết 3 năm hưởng mức vay mua nhà 6%, nếu lãi suất thả nổi vọt lên rất cao, người có thu nhập thấp dễ rơi vào cảnh mất khả năng chi trả, vỡ nợ – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ với VnExpress.

– Dự thảo Thông tư về cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước trong gói 30.000 tỷ giải cứu bất động sản quy định lãi suất ưu đãi là 6% trong 3 năm đầu và thả nổi sau đó. Ông đánh giá thế nào?

– 6% là một mức lãi suất hấp dẫn nhưng nếu chỉ cố định trong 3 năm rồi thả nổi sau đó sẽ vô cùng bất ổn. Người dân mua nhà là mua tài sản cho cả đời nên việc trả nợ phải dựa trên thu nhập, với diện này thường là thu nhập thấp. Không có gì đảm bảo lãi suất sẽ không vọt lên 19-20% như từng xảy ra. 6% họ còn chịu được nhưng nếu cao hơn thì có thể rơi vào bẫy tài chính. Nhiều người dân sẽ vỡ nợ, việc bị siết nhà và ra đường là chuyện có thể tính tới.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên áp dụng lãi suất cố định trong suốt thời gian cho vay mua nhà. Ảnh: Thanh Lan.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên áp dụng lãi suất cố định trong suốt thời gian cho vay mua nhà. Ảnh: Thanh Lan.

– Ông có thể phân tích rõ hơn về những hệ quả của việc thả nổi lãi suất sau 3 năm?

– Tôi e nhiều người sẽ liều mạng vay tiền để có một căn nhà. Họ cứ chậc lưỡi sau 3 năm tính tiếp, lãi suất thả nổi đến mức nào và trả được không thì họ chưa nghĩ đến. Như vậy là rất phiêu lưu, mạo hiểm và nhiều người Việt Nam sẽ làm vậy.

Hậu quả dĩ nhiên lại là nợ xấu và ngân hàng sẽ siết nợ, thu hồi lại tài sản đó. Lúc này cả hai bên đều “thua”, ngân hàng dù lấy lại tài sản bán đi cũng chưa chắc bù lỗ được còn người dân thì mất nhà. Đừng để không chỉ bất động sản rơi tự do mà người dân cũng “rơi tự do” vì không có tiền trả nợ.

– Vậy ông nghĩ sao về thời hạn cho vay 10 năm?

– Thời hạn như vậy quá ngắn, rất ít gia đình thu xếp được và cần nới lên 20 năm. Trong tín dụng cho vay mua nhà, quan trọng nhất là thời gian trả nợ, càng dài càng tốt và dù lãi suất có hơi cao một chút thì vẫn chịu được. Ở Mỹ, ngay chính ngôi nhà tôi mua được hưởng thời hạn vay 30 năm.

Cho vay doanh nghiệp thì lấy doanh thu hiện tại trong ngắn hạn để trả nợ còn cho vay mua nhà ở thì đó là doanh thu hình thành rất dài trong nhiều năm, có thể còn nhiều rủi ro. Theo tôi nên nghĩ vậy để có cấu trúc phù hợp cho gói tín dụng này.

– Theo ông lãi suất và thời hạn như thế nào là phù hợp?

– Theo tôi Nhà nước nên tính toán để cho vay với lãi suất từ 5-10% nhưng phải là lãi suất cố định. Thời gian trả nợ ít nhất 20, thậm chí 30 năm thì người dân mới chịu được. Nếu lãi suất thả nổi thì nên quy định rõ việc điều chỉnh sẽ dựa trên những chỉ số cụ thể nào (ví dụ như CPI) thay vì chỉ nói chung chung “dựa theo thị trường”.

– Nhưng để cho vay thời hạn dài, lãi suất cố định thì ngân hàng lấy nguồn vốn dài hạn từ đâu khi thị trường vốn của VN còn kém phát triển?

– Chính phủ có thể phát hành trái phiếu trung và dài hạn, nếu chưa được 20 năm thì ít nhất là 10-15 năm. Nếu không thì có thể kể đến những nguồn tài trợ dài hạn của các tổ chức quốc tế. Công cụ mà Chính phủ nhiều nước tiên tiến áp dụng là thành lập công ty tài chính. Công ty này sẽ dùng nguồn vốn dài hạn trên thị trường vốn để tài trợ vốn thông qua việc mua những nợ bất động sản của các ngân hàng thương mại.

Tóm lại Chính phủ phải tự cân đối trong các bài toán để có được nguồn vốn dài hạn và phải mạnh bạo thì mới giải quyết được bài toán này.

– Nếu không có gì thay đổi về cấu trúc gói cho vay này, lãi suất vẫn cố định 3 năm đầu và ở 6% thì ông có lời khuyên nào với người dân?

– Vấn đề chính là thu nhập của họ, trong 3 năm vừa rồi có ổn định không. Nếu phải trả gốc và lãi cho ngân hàng quá 50% thu nhập mỗi tháng thì tôi khuyên họ không nên vay.

Tôi thấy người Việt Nam rất khác với người Mỹ. Tiền mua nhà của người Mỹ chỉ có một phần ba là tiết kiệm tự có, còn lại là đi vay, chủ yếu ở ngân hàng. Việt Nam thì ngược lại, khi mua nhà người dân sử dụng toàn bộ tiền tiết kiệm hoặc mượn của người thân và họ rất ngại làm việc với ngân hàng. Có thể vì chưa quen văn hóa tín dụng. Nếu có vay, họ sẵn sàng dồn hết số tiền có được để trả ngân hàng cho xong. Đây cũng là điều tốt nhưng dân Mỹ thì sẵn sàng vay nợ trong cả một thời gian dài, tiền nhàn rỗi sẽ dồn đầu tư vào việc khác thay vì thanh lý hợp đồng tín dụng. Điều này cũng góp phần tạo sự khác biệt giữa việc mua nhà của người Việt Nam và các nước khác.

– Ông đánh giá thế nào về sức lan tỏa của gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản cũng như tính khả thi khi đến với người dân?

– Tôi nghĩ để tháo gỡ thị trường bất động sản chỉ với 30.000 tỷ đồng quả là một ảo ảnh, so với với con số hàng triệu tỷ của thị trường thì chưa giải quyết được gì. Tuy nhiên, dù sao đây được xem là một bước giải quyết ban đầu khá tích cực của Chính phủ và tôi nghĩ sau đó vẫn cần những gói giải pháp khác nữa. Người dân cũng nên hiểu đây chỉ là phương án tháo gỡ bước đầu và Chính phủ chưa dừng lại ở gói này. Do đó, không nên ào ạt, nhảy xô vào vay mà cần bình tĩnh để suy xét khả năng trả nợ của mình.

Thanh Thanh Lan

(Nguồn: VnExpress)

48ed12281ae1f6453d2d5ec95b17e082_M

NGUY CƠ MẮC BẪY TÀI CHÍNH KHI VAY TIỀN MUA NHÀ

Nguy cơ mắc bẫy tài chính khi vay tiền mua nhà

Tiền vay quá nửa giá trị căn nhà, lãi trả nhà băng hàng tháng vượt nửa thu nhập… điều này có thể khiến chủ nhà gặp khó khăn với khoản nợ của mình.
Giá nhà liên tục hạ, nhà băng lại tỏ ra hào phóng hơn trước nên nhiều người định vay tiền để mua cho có chỗ “chui ra chui vào”. Theo các chuyên gia, chỉ nên vay ngân hàng khi đã có một nửa hoặc hai phần ba số tiền

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng một số dự án đã giảm về mức hợp lý, có thể chấp nhận được. Theo đó, người dân có thể thu xếp tài chính để mua nhà ở vào thời điểm này.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đại Lai – chuyên gia tài chính ngân hàng – cũng cho rằng nên vay tiền ngân hàng để mua nhà lúc này nếu tiên liệu được khả năng trả nợ của mình. “10 năm tiền thuê nhà có thể bằng tiền mua đứt một căn hộ rồi”.

Vợ chồng anh Nguyễn Đình Dũng, Nghĩa Tân, Cầu Giấy có khoảng 150 triệu đồng tiết kiệm, muốn vay thêm để mua căn hộ chung cư bình dân mới mở bán gần đây. Theo anh, nếu vay người thân trong gia đình thì không được lâu dài. Một số người khuyên nên vay ngân hàng và thế chấp chính căn nhà mình mua. Tuy nhiên, anh Dũng rất lo lắng về khả năng chi trả bởi vì thu nhập của 2 vợ chồng hiện chỉ được khoảng 13 triệu đồng.

“Nếu vay ngân hàng, mỗi tháng phải trả lãi và gốc mất nửa số thu nhập. Còn khoảng 5 – 6 triệu để trả tiền nhà thuê, sinh hoạt phí của 2 vợ chồng và con trai một tuổi thì quá eo hẹp”, anh Dũng tính toán.

Các chuyên gia khuyên mua nhà tại thời điểm này nhưng nếu vay tiền ngân hàng thì cần tính toán kỹ lưỡng. Ảnh: Hoàng Hà.
Các chuyên gia khuyên mua nhà tại thời điểm này nhưng nếu vay tiền ngân hàng thì cần tính toán kỹ lưỡng. Ảnh: Hoàng Hà.

Cách đây một tháng, chị Đỗ Hồng Thúy, Ngọc Hồi, Thanh Trì định mua một căn hộ đóng tiền theo giai đoạn ở khu vực Hà Đông. Chủ đầu tư giới thiệu sẽ hỗ trợ vay 70% giá trị căn hộ, lãi suất thời gian đầu là 9,9% một năm. Ban đầu, vợ chồng chị Thúy cũng sốt sắng gom tiền đóng đợt một và tính sau khi đóng đợt 2 sẽ thế chấp chính căn nhà để vay ngân hàng. Tuy nhiên, tính toán lại, chị Thúy quyết định chưa mua vội. “Nếu không cân nhắc kỹ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, trong đó có con nhỏ. Áp lực trả nợ khi đó cũng khiến mình rất mệt mỏi”, chị Thúy chia sẻ.

Theo anh Phạm Minh Đức (Thanh Xuân, Hà Nội), hiện lãi suất vẫn khá cao, do đó nếu tính đến việc vay ngân hàng thì nên cân đối nguồn trả nợ trước, để tránh khi vay lại không có khả năng trả. “Điều này còn gây ra lịch sử nợ xấu và sau này muốn đi vay ở ngân hàng khác cũng khó. Nếu các gia đình đã lên kế hoạch kỹ lưỡng rồi thì không đáng ngại”, anh Đức cho hay.

Một trong những lo ngại của người dân khi nghĩ đến việc vay tiền ngân hàng là sợ lãi suất ngân hàng “đỏng đảnh”, biến động khó lường. Chia sẻ những băn khoăn này, các chuyên gia tài chính khuyến cáo người dân hãy để ý thật kỹ các quy định về lãi suất và thời hạn vay và điều khoản thanh lý hợp đồng. Ông Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia – cho rằng: “Đây là thời điểm tốt để mua nhà nhưng nếu vay ngân hàng thì nên chờ lãi suất giảm thêm. Thời hạn vay phải dài (khoảng 10 – 15 năm trở lên). Tổng số tiền trả lãi và gốc hàng tháng không được vượt quá 50% tổng thu nhập của gia đình bạn”.

Ông Lê Quang Trung – Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối Nguồn vốn và Ngoại hối Ngân hàng Quốc tế (VIB) thừa nhận người mua nhà phải tính kỹ trước khi vay tiền. “Bạn phải cân nhắc kỹ, có chịu được nhiệt nếu thị trường biến động hay không thì mới vay? Vấn đề là khẩu vị rủi ro của bạn tới đâu, bạn có sẵn sàng vay, nếu lãi suất biến động lớn thì có trả được không”, ông khuyến cáo.

“Về phần lãi suất, theo tôi phía ngân hàng cũng không nên đỏng đảnh quá. Thời buổi này khó khăn lắm mới có được khách, có rồi lại cứ thay đổi lãi suất xoành xoạch thì cũng không nên”, chuyên gia Đại Lai nói thêm.

Từ phía ngân hàng, các nhà băng đều thừa nhận đây là lúc họ rất cần khách và sẵn sàng mở cửa hầu bao cho vay mua nhà. Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng khuyên: “Nếu mua nhà để ở thì nên vay bởi vì nhà giá đang rẻ mà các ngân hàng cũng thích cho vay tiêu dùng. Ngược lại, nếu mua để đầu cơ thì tôi khuyên không nên”.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội còn nói, nếu giờ chưa có nhà tôi cũng mua. Tuy nhiên, ông này khuyến cáo không nên “đâm đầu vào đá” khi quyết mua bằng được nếu nguồn tiền tự có ít và phải vay ngân hàng quá nhiều.

Trường hợp tương tự của chị Nguyễn Phương Linh. Hai vợ chồng chị mới tiết kiệm được 80 triệu nhưng muốn mua căn hộ giảm giá hơn 500 triệu nên định vay ngân hàng toàn bộ số còn lại. Chia sẻ mong mỏi có nhà với chị Linh nhưng vị giám đốc trên cho rằng không nên làm vậy. Theo ông, muốn mua nhà thì tối thiểu phải có một nửa số tiền để không phải chịu gánh nợ quá lớn, nếu không người mua có nguy cơ mất nhà khi không thể trả được lãi và gốc.

Ông Lê Quang Trung cũng cho rằng “tay không bắt giặc” thì không nên. Ông phân tích: “Cũng như doanh nghiệp, khi đòn bẩy tài chính quá nhiều sẽ gây ra áp lực. Nếu bạn vay quá nhiều tiền ngân hàng để mua nhà cũng tương tự như vậy. Nếu tổng thu nhập hàng tháng là 100 đồng thì chỉ nên dành 30 đồng, tối đa 50 đồng cho việc chi trả khoản vay nào đó thôi”.

Thanh Lan – Ngọc Tuyên

(Nguồn : VnExpress)

181bbfa794e218f5cd90439ff3dd1578_M

AI ĐƯỢC VAY VỐN ƯU ĐÃI MUA NHÀ?

Ai được vay vốn ưu đãi mua nhà?

17/05/2013 – 07:05

“Từ ngày 1-6, gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 6%/năm cho người dân mua nhà theo Nghị quyết 02 của Chính phủ sẽ bung ra thị trường. Số tiền này được phân bổ đều cho năm ngân hàng thương mại nhà nước để cho vay ra và không phân bổ cho các địa phương” – ngày 16-5, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng (ảnh), khẳng định với Pháp Luật TP.HCM.

Thủ tục vay đơn giản

. Thưa ông, đối tượng nào được vay vốn hỗ trợ lãi suất 6%/năm?

+ Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng quy định rõ đó là những người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và người có thu nhập thấp thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân sẽ được vay vốn. Tiếp đến là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định; người lao động tự do, kinh doanh cá thể.

. Điều kiện vay vốn có khó không, thưa ông?

+ Ưu tiên một là những người đã có hợp đồng thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội. Kế tiếp là người chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích quá chật (cụ thể là có căn hộ chung cư nhưng diện tích bình quân thấp hơn 8 m2/người hoặc có nhà ở riêng lẻ nhưng diện tích bình quân thấp hơn 8 m2/người và diện tích khuôn viên đất thấp hơn tiêu chuẩn được phép cải tạo, xây dựng theo quy định).

Người dân đang tham quan một căn hộ mẫu 39 m2 tại một chung cư ở quận 12, TP.HCM. Ảnh: HTD

Đối tượng được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Trường hợp tạm trú thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên.

. Thủ tục vay như thế nào?

+ Thủ tục vay rất đơn giản. Người đã có hợp đồng thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội chỉ cần mang hợp đồng đến sẽ được ngân hàng cho vay, không cần phải xác minh. Vì để được ký hợp đồng, người đó đã phải đạt các điều kiện, phải có xác nhận của cơ quan, chính quyền địa phương, được xét duyệt công khai…

Riêng với người mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ đối với người đi làm, công chức viên chức, lực lượng vũ trang… thì phải có xác nhận của cơ quan đang làm việc. Giấy xác nhận phải nêu rõ về nơi công tác, thực trạng nhà ở và chỉ xác nhận một lần.

Được mua nhà theo ý muốn

. Khi vay, người dân có được quyền lựa chọn nhà ở hay buộc phải mua căn hộ thuộc dự án do ngân hàng chỉ định?

+ Người vay được chọn mua nhà ở theo ý muốn, không bị áp đặt.

. Trường hợp số lượng người đủ điều kiện vay vốn ưu đãi quá đông thì có xét đến các tiêu chí ưu tiên nào không?

+ Ai tới trước, nộp hồ sơ trước sẽ được ngân hàng xét cho vay, đến khi hết tiền thì thôi.

. Tại sao Thông tư 11 của NHNN lại quy định người nghèo đi vay vốn ưu đãi phải có tài sản thế chấp?

+ Về nguyên tắc, ngân hàng cho vay thì họ phải có phương án thu hồi được vốn. Ngân hàng nào cũng phải làm rõ người vay có phương án trả nợ, nguồn trả nợ hay không, cụ thể lương tháng, tiền để dành được bao nhiêu phần trăm…

Câu hỏi đặt ra: Người nghèo thì lấy đâu ra tài sản để thế chấp? Trong Thông tư 11 cũng có điều kiện mở về vấn đề này. Nghĩa là tùy theo đánh giá của ngân hàng, người vay có thể không cần thế chấp tài sản. Ví dụ như ngân hàng thấy người đó vay để mua nhà đã có rồi, có nhân thân tốt, thu nhập ổn định… Còn nếu thấy đối tượng vay còn nhiều bấp bênh, ngân hàng sẽ buộc họ phải có tài sản thế chấp. Điều này là hợp lý!

Chủ đầu tư được làm trung gian

.Vậy từ ngày 1-6, người dân muốn tham gia vay gói 30.000 tỉ đồng sẽ đến đâu để làm thủ tục?

+ Họ sẽ đến các chi nhánh của năm ngân hàng thương mại nhà nước được chỉ định để nộp hồ sơ vay vốn. Hồ sơ vay gồm có đơn, hợp đồng, giấy xác nhận cơ quan nơi công tác… như đã nói ở trên.

. Thưa ông, tại sao không để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đứng ra làm trung gian giữa người vay với ngân hàng?

+ Theo tôi, nếu các chủ đầu tư làm được thì quá tốt. Các chủ đầu tư có thể đứng ra thống kê số lượng khách hàng cần vay, sau đó chuyển danh sách cho ngân hàng. Bởi sau này ngân hàng có giải ngân cho người vay thì cũng chuyển thẳng số tiền vay cho doanh nghiệp.

Gian dối có thể bị xử lý hình sự

Năm ngân hàng sẽ cho vay gói 30.000 tỉ đồng

– Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank)

– Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV)

– Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (VietcomBank)

– Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank)

– Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB)

. Trường hợp người vay vốn ưu đãi gian lận về điều kiện vay thì xử lý như thế nào?

+ Các tổ chức, cá nhân có hành vi gian dối về đối tượng, điều kiện được vay sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý và phát triển nhà ở. Ngoài ra còn bị buộc phải trả lại số tiền đã vay, chấm dứt hợp đồng vay đã ký với các ngân hàng.

Đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý xác nhận sai đối tượng đủ điều kiện được vay thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường.

. Nếu số tiền 30.000 tỉ đồng không đủ so với nhu cầu thực tế, Chính phủ có bổ sung thêm không?

+ Chính phủ dành 30.000 tỉ đồng là đã rất cố gắng rồi. Nguồn vốn này chiếm 15% tổng dư nợ cho vay bất động sản, trong khi tăng trưởng tín dụng chung hiện chỉ đạt 1,4%, rất thấp. trước mắt chúng ta chỉ tập trung vào gói 30.000 tỉ đồng cho vay, chưa bàn đến nguồn vốn thêm. Sau khi có tổng kết và kết quả thực hiện tốt, có hiệu ứng xã hội cao thì có thể đề xuất bổ sung.

. Xin cảm ơn ông.

BÙI NHƠN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)