RÚT QUYẾT ĐỊNH, AI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI?

17/08/2013 – 06:25

Khi cơ quan quản lý nhà nước rút quyết định bị kiện, nhiều tòa sẽ đình chỉ giải quyết vụ án hành chính. Lúc đó, ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại của người dân?

Ngày 16-8, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại một lần nữa hoãn xử vụ bà Phạm Thị Lang kiện giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang. Sau khi tòa tuyên bố, bà Lang nói trong bức xúc: “Tôi sẽ quyết theo kiện tới cùng bởi thiệt hại của tôi quá lớn nhưng đến nay không ai đứng ra nhận trách nhiệm cả”.

Bỗng chốc thành tay trắng

Theo bà Lang trình bày, năm 2002, bà cùng ông Đặng Minh Dũng đã trả 1 tỉ đồng (tương đương 200 cây vàng lúc đó) tiền công giữ rừng cho 10 hộ dân ở ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, An Minh (Kiên Giang) thì mới được giao 130 ha đất rừng phòng hộ. Việc chuyển nhượng thành quả lao động trên đất đã được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chấp nhận.

Một năm sau, bà Lang đầu tư thêm 500 triệu đồng làm đường băng cản lửa phòng, chống cháy rừng theo quyết định của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang. Tiếp đó, bà dựng tám căn nhà, mua xuồng ghe, máy móc, trồng cây gây rừng và thuê bảy hộ dân quản lý, bảo vệ rừng. Hằng năm đến mùa khô, bà còn thuê người trực lửa, dọn cỏ trên bờ, dưới sông, bơm nước, mua tám xuồng hơi tuần tra rừng… để phòng cháy.

Bà Lang mệt mỏi vì hành trình khiếu kiện. Ảnh: H.YẾN

“Quá trình nhận khoán, tôi trả đủ tiền, không hề có sai phạm nên phần đất rừng của tôi không bị tranh chấp gì. Thời gian này ban quản lý rừng làm trái chủ trương, chính sách, không cho tôi nhận quyền lợi gì theo quyết định của Chính phủ nhưng tôi vẫn bám rừng, vay tiền, thế chấp toàn bộ tài sản ở Long An để tiếp tục đầu tư bảo vệ rừng” – bà Lang kể tiếp.

Đến năm 2007, ban quản lý rừng có chủ ý chuyển đất rừng khoán thành đất rừng sản xuất như vậy dân sẽ thu hồi được vốn đầu tư và sẽ có lợi nhuận. Bà Lang chưa kịp vui mừng thì bất ngờ vào tháng 2-2009, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định thu hồi phần đất rừng mà bà nhận khoán để đem giao cho người khác.

Thu hồi quyết định là xong?

Bao nhiêu tiền của, công sức, tâm huyết đầu tư rừng và giữ rừng bỗng chốc trở thành tay trắng, bà Lang đã đi khiếu nại nhiều nơi về quyết định thu hồi trên, đồng thời đòi bồi thường nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Cuối năm 2010, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận quyết định của giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh không sai nên bác việc khiếu nại của bà. Vì vậy, bà Lang buộc phải khởi kiện quyết định của giám đốc Sở ra TAND tỉnh Kiên Giang vào tháng 2-2012.

Trong thời gian tòa đang giải quyết vụ kiện, tháng 1-2013, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định mới với nội dung hủy bỏ quyết định thu hồi đất rừng đối với bà Lang. Dù đối tượng khởi kiện không còn nhưng bà Lang vẫn cương quyết không rút đơn khởi kiện bởi theo bà, việc yêu cầu bồi thường tổn thất chưa được giải quyết.

“Hiện nay đất rừng của tôi đã bị thu hồi hết và giao khoán cho hộ khác. Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang chỉ hủy quyết định của mình mà không khôi phục quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tôi. Họ phủi tay xong chuyện, vậy thiệt hại của tôi ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm đây?” – bà Lang nghẹn ngào.

Xử sơ thẩm hồi tháng 3, TAND tỉnh Kiên Giang đã bác đơn khởi kiện của bà Lang vì cho rằng đối tượng khởi kiện không còn, đồng thời tách yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bà thành một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu. Bà Lang kháng cáo. Quá trình giải quyết án sau đó, thẩm phán tòa phúc thẩm khuyên bà nên rút kháng cáo nhưng bà vẫn cương quyết không đồng ý.

Theo bà Lang, nếu rút kháng cáo thì đồng nghĩa với việc bà sẽ phải đi khởi kiện ban quản lý rừng (bên ký hợp đồng giao khoán đất rừng cho bà) theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi bồi thường thiệt hại. Thế nhưng kiện ban quản lý rừng sẽ không đem lại kết quả gì bởi ban quản lý rừng không làm gì sai. Họ không phải là cơ quan ra quyết định thu hồi đất rừng. Trong khi đó, cơ quan ra quyết định ở đây là Sở NN&PTNT tỉnh thì sẽ “ung dung thoát khỏi vòng tố tụng”.

Không thể tách thành vụ án dân sự?

Chúng tôi đã mang vụ việc của bà Lang đi trao đổi với nhiều thẩm phán có kinh nghiệm xử án hành chính.

Theo các thẩm phán, việc giải quyết án hành chính bao gồm cả việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do hành vi, quyết định hành chính trái pháp luật gây ra. Vì thế, phán quyết tách phần đòi bồi thường thiệt hại ra thành vụ án dân sự khác nếu người đi kiện có yêu cầu của tòa sơ thẩm là không hợp lý. Thông thường, các tòa sẽ chỉ tách nếu yêu cầu của đương sự nằm ngoài phạm vi giải quyết theo luật định.

Đồng tình, một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao cũng cho rằng nếu tách phần đòi bồi thường thiệt hại ra thành vụ án dân sự thì người dân sẽ không có cơ sở đòi bồi thường khi quyết định sai đã bị rút. Cách làm này không khác gì “phủi tay bỏ mặc dân”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc khi vụ việc có diễn tiến mới.

Quyền đòi bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 6 Luật Tố tụng hành chính thì người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thiệt hại trong trường hợp này là thiệt hại thực tế do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh gây ra.

Trường hợp người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Trường hợp cần thiết thì tòa có thể thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Việc thu thập chứng cứ đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính được áp dụng các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự để giải quyết (không thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết 04 ngày 4-8-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)

HOÀNG YẾN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *