64337ffeaae67237594d79a8ceda7ce6_M

TRANH TỤNG MỚI CÓ CÔNG LÝ

Tranh tụng mới có công lý

28/05/2013 – 06:25

Nếu coi tranh tụng là nguyên tắc căn bản, xuyên suốt của hoạt động tố tụng thì kiểm sát viên không thể tiếp tục chịu sự chỉ đạo của viện trưởng.

Thảo luận ngày 27-5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của viện trưởng VKSND dễ triệt tiêu nguyên tắc tranh tụng.

Theo đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), quy định như trên là không hợp lý. “Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát viên theo luật mà làm nhưng viện trưởng chỉ đạo theo hướng khác thì sao? Cái này thực tế đã xảy ra rất nhiều rồi và nhiều cá nhân đã đứng trên cả pháp luật để chỉ đạo những điều sai trái”. Ông Diệu cho rằng pháp luật là tối thượng và không một ai có quyền đứng trên pháp luật nên cần phải bỏ quy định kiểm sát viên chịu sự chỉ đạo về mặt tố tụng của viện trưởng.

Tố tụng không phải là hành chính

Chung nỗi băn khoăn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Trong một vụ việc nào đó, kiểm sát viên bảo như thế này mới đúng pháp luật, khi báo cáo thì viện trưởng lại bảo thế kia mới đúng. Thế thì sẽ xử lý sao? Cái này đã xảy ra nhiều rồi và đã có những viện trưởng thực hiện không đúng quy định của pháp luật”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng kiểm sát viên không thể chịu sự chỉ đạo về mặt tố tụng của viện trưởng. Ảnh: HTD

Là thành viên Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho rằng kiểm sát viên không thể chịu sự chỉ đạo về mặt tố tụng của viện trưởng. “Cái này không thể quy về hành chính. Hành chính là anh thống nhất từ trên xuống. Còn đây là tố tụng, là chuyên môn. Nếu mệnh lệnh hành chính cả trong tố tụng, như vậy thì kiểm sát viên phải nghe ông viện trưởng, ông viện trưởng ở dưới lại phải nghe ông viện trưởng bên trên. Thế thì cần gì kiểm sát viên ra tòa nữa. VKS cứ đưa cáo trạng, bản luận tội cho chủ tọa phiên tòa đọc là xong. Rồi luật sư nói giời, nói bể thì ông công tố cũng chẳng cần đối đáp vì “cấp trên tôi đã chỉ đạo như thế rồi, tôi không tranh luận lại với anh”.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lại không tán thành các lập luận trên. Bà cho biết khác với tòa án được tổ chức theo cấp xét xử độc lập, VKS hiện được thiết kế theo mô hình, nguyên tắc tập trung thống nhất toàn ngành. Giờ muốn lật lại, để kiểm sát viên giống như thẩm phán – độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thì phải bàn cho kỹ lưỡng.

Có tranh tụng, công lý mới được thực thi

Trở lại với nguyên tắc tranh tụng, vốn được các Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị đề cao, Bộ trưởng Cường nhận xét: “Tranh tụng có nghĩa tòa án nghe là chính. Anh nghe xem đại diện VKS truy tố, luận tội và nghe luật sư phản biện, biện hộ, bảo vệ thân chủ thế nào. Nếu anh thấy rằng đại diện VKS nói đúng pháp luật thì anh xử người ta có tội; còn nếu VKS chưa vững chắc và ý kiến của luật sư là đúng thì căn cứ vào các quy định của pháp luật anh tuyên người đó vô tội”.

Theo Bộ trưởng Cường, nếu coi tranh tụng là nguyên tắc căn bản, xuyên suốt của hoạt động tố tụng thì kiểm sát viên không thể tiếp tục chịu sự chỉ đạo của viện trưởng. “Trong báo cáo kiến nghị Hiến pháp của Chính phủ cũng đề xuất bỏ quy định này. Tòa xử phải trên cơ sở tranh tụng thì công lý mới được thực thi” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến quyền tư pháp, theo Bộ trưởng, Hiến pháp không nên đặt chung VKS trong chương TAND. “Nếu chúng ta đã thừa nhận tòa án nắm quyền tư pháp thì nên xem xét lại vị trí đặt VKS. Đất nước chỉ có một quyền lực tư pháp. Theo tôi, nên đặt VKS ở chương các thiết chế hiến định, cùng với kiểm toán, Hội đồng Hiến pháp”.

Cùng với xu hướng khẳng định tòa là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cần tính toán, chuyển đổi dần để VKS tập trung vào chức năng thực hành quyền công tố – điều mà Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã đặt ra từ lâu, lẽ ra lộ trình 2010 đã phải thực hiện. “Đó là quá trình cải cách mang tính cơ bản. VKS khi tập trung vào chức năng công tố sẽ dần trở thành cơ quan chỉ huy về điều tra. Lúc ấy, VKS sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình tội phạm của đất nước. Còn như hiện nay rất cắt khúc, VKS hoàn toàn bị động trong công tác phòng, chống tội phạm” – Bộ trưởng Cường nói.

Bỏ quyền kháng nghị của VKS

Ở trước tòa, VKS cũng chỉ là một bên tranh tụng, còn tòa án là quyền lực tư pháp, đại diện cho công lý. Nhưng nhiều khi VKS “đè” cả ý kiến của tòa án bằng cái kháng nghị. Vậy nên tòa xử khác công tố là bị kháng nghị ngay. Như thế chúng ta đã đặt tòa án xuống một vị trí quá thấp, mất hết đi tính uy nghiêm của nhà nước pháp quyền. Ngoài ra, giao cho VKS kiểm sát lại hoạt động tòa án là không nên. Mô hình tư pháp của ta vốn học của Nga, Đông Âu nhưng nay các nước này trong quá trình chuyển đổi đã không cho VKS quyền kháng nghị bản án của tòa án nữa.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp HÀ HÙNG CƯỜNG

Không nên quy định tòa thực hiện quyền tư pháp

Tôi rất băn khoăn với quy định mới trong dự thảo là trao cho TAND thực hiện quyền tư pháp. Vậy thì các quyền năng mà VKS, cơ quan điều tra đang thực hiện có phải tư pháp không hay chỉ là hoạt động tư pháp? Hoạt động tư pháp khác gì với quyền tư pháp? Tên Bộ Tư pháp có còn phù hợp nữa không?

Trong đặc thù thể chế của ta, lâu nay vẫn coi tất cả cơ quan tiến hành tố tụng là thực hiện quyền tư pháp. Nay thêm một chữ như thế cho tòa, sẽ rất rối. Vậy nên đề nghị giữ như Hiến pháp 1992.

Về quy định kiểm sát viên chịu sự lãnh đạo của viện trưởng thì đó bắt nguồn từ nguyên tắc tổ chức tập trung toàn ngành. Viện trưởng cấp trên có quyền rút truy tố của viện trưởng cấp dưới. Kèm theo đó, để hạn chế nguy cơ tập quyền quá mức vào viện trưởng, Hiến pháp 1992 hiến định thêm cơ chế Ủy ban kiểm sát – tức kết hợp cả lãnh đạo tập thể và vai trò cá nhân. Thế nhưng Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lại bỏ cơ chế này. Như thế là phá vỡ tính tổng thể của mô hình vận hành, kiểm soát quyền lực trong ngành kiểm sát.

Ý kiến thảo luận tổ ĐBQH chiều 27-5 của
Viện trưởng VKSND Tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH

THÀNH VĂN

(Nguồn : Báo pháp luật)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *