BÀN VỀ VIỆC “YÊU CẦU CÔNG NHẬN THUẬN TÌNH LY HÔN, NUÔI CON, CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN” QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 2, ĐIỀU 28, BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

Từ khi Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) ra đời, những quy định về thủ tục giải quyết các việc dân sự tại Toà án được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự, là những quy định mới của pháp luật và một trong những quy định mới đó là việc dân sự về “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. Cơ sở pháp lý của loại việc này xuất phát từ Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, theo đó: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con….”. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, việc thụ lý, giải quyết việc dân sự “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” theo quy định tại khoản 2 Điều 28 BLTTDS của Toà án hầu như là rất ít; cá biệt rất nhiều Toà án cấp sơ thẩm sau nhiều năm thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự, mặc dù đã ban hành vô số các quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự, nhưng lại chưa thụ lý, giải quyết việc dân sự nào theo quy định tại khoản 2 Điều 28 BLTTDS. Để lý giải vì sao lại có sự bất cập này trên thực tiễn, theo chúng tôi, có một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”  được coi là việc dân sự, liệu có phù hợp không?

Việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Toà án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; yêu cầu Toà án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (Điều 311 BLTTDS). Như vậy, có thể thấy ngay điểm khác biệt cơ bản so với vụ án dân sự và đặc thù của việc dân sự đó chính là về mặt nội dung không có tranh chấp giữa các đương sự. Do đó, quá trình giải quyết việc dân sự, về nguyên tắc khi không có tranh chấp giữa các đương sự thì không đặt ra vấn đề hoà giải. Luật Hôn nhân và Gia đình thì lại quy định dù thuận tình ly hôn hay ly hôn theo yêu cầu của một bên thì vẫn bắt buộc Toà án phải hoà giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (các Điều 88, 90, 91 Luật Hôn nhân và Gia đình). Chúng tôi cho rằng, Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định cho vợ chồng có quyền cùng yêu cầu ly hôn (được xem là thuận tình ly hôn), chỉ là quy định về quyền được ly hôn và là một trong những cách thức mà cả hai vợ chồng cùng lựa chọn để tự nguyện chấm dứt quan hệ hôn nhân. Đây không phải là một căn cứ pháp lý để cho ly hôn vì sự tự nguyện chấm dứt quan hệ hôn nhân trong trường hợp này của vợ chồng là sự tự nguyện phải thoả mãn các điều kiện do pháp luật quy định và Toà án là cơ quan quyết định. Xuất phát từ quy định về căn cứ cho ly hôn được quy định  tại Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình thì dù vợ chồng có thuận tình ly hôn thì Toà án chỉ chấp nhận khi quan hệ hôn nhân ở “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” nên về bản chất, cho dù là thuận tình ly hôn thì giữa các đương sự vẫn có mâu thuẫn nội tại và có sự tranh chấp, bất đồng trong quan hệ hôn nhân. Thuận tình ly hôn chỉ là một trong những giải pháp vợ chồng lựa chọn để giải giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong quan hệ hôn nhân. Như vậy, coi “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” là việc dân sự liệu rằng đã phù hợp với các quy định của pháp luật? Nếu coi là việc dân sự mà khi giải quyết Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải thì phải chăng đã phù hợp với bản chất của việc dân sự là “giữa các đương sự không có tranh chấp”?

Thứ hai, ưu điểm của thủ tục giải quyết việc dân sự là đơn giản hơn, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, thời hạn mở phiên họp ngắn hơn nhiều so với thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn mở phiên toà đối với việc giải quyết vụ án dân sự nhưng thực tiễn cho thấy khi giải quyết việc dân sự “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” lại phức tạp và mất thời gian hơn so với việc thụ lý giải quyết vụ án sau đó ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự. Bởi lẽ:

Đối với việc dân sự, Viện kiểm sát phải tham gia 100% các phiên họp, đồng nghĩa với việc Toà án phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu trong thời hạn luật định để Viện kiểm sát tham gia phiên họp. Quyết định giải quyết việc dân sự không phải là một quyết định có hiệu lực thi hành ngay mà là quyết định có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình thì trước khi mở phiên họp, Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải.

Đối với vụ án dân sự, trường hợp các đương sự cũng thuận tình ly hôn, thì sau khi thụ lý vụ án, Toà án triệu tập các đương sự để tiến hành hoà giải. Xét thấy các đương sự đã thật sự tự nguyện thuận tình ly hôn, Toà án hoà giải không thành và họ đã thoả thuận được với nhau về việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì Toà án ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự (hướng dẫn tại Công văn số 107/KHXX ngày 23/6/2006 của Toà án nhân dân tối cao). Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

So sánh 2 cách giải quyết trường hợp thuận tình ly hôn bằng việc dân sự và bằng vụ án dân sự như nêu trên thì thấy rằng: Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng là Toà án và Viện kiểm sát, việc giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự bằng quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự, sẽ tiết kiệm hơn về mặt thời gian, không phức tạp về mặt thủ tục vì Viện kiểm sát không phải tham gia phiên toà; đối với các đương sự thì cũng tiết kiệm được thời gian, quyết định giải quyết của Toà án lại có hiệu lực thi hành ngay.

Như vậy, Luật nội dung không chỉ rõ thuận tình ly hôn sẽ được giải quyết theo thủ tục nào nhưng Luật tố tụng lại đang tồn tại cùng một lúc song song hai loại thủ tục tố tụng dân sự có thể giải quyết trường hợp thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 mà không thể hiện rõ ràng khi nào là vụ án dân sự và khi nào là việc dân sự. Từ đây, dẫn đến tâm lý “ngại” thụ lý, giải quyết các trường hợp thuận tình ly hôn theo thủ tục việc dân sự của Toà án vì những lẽ như đã nói ở trên và cũng bởi lẽ khi ra quyết định công nhận sự tự nguyện  thoả thuận giữa các đương sự thì đối với Toà án và đối với Thẩm phán sẽ là cách giải quyết ưu việt hơn cả về mọi phương diện.

Thực tiễn hiện nay, rất nhiều các quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự được Toà án ban hành nhưng trong quyết định chỉ duy nhất có nội dung công nhận thuận tình ly hôn mà các nội dung khác như về con chung, về tài sản chung Toà án ghi là các đương sự không có nên không xem xét giải quyết hoặc các đương sự không yêu cầu Toà án giải quyết nên không xem xét giải quyết…Như vậy, việc vận dụng Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình để giải quyết, ghi nhận thuận tình ly hôn trong trường hợp này bằng một quyết định liệu đã phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự? Bởi Toà án chỉ giải quyết duy nhất quan hệ về hôn nhân giữa các đương sự và hoà giải không thành thì về nguyên tắc phải lập biên bản hoà giải không thành và đưa vụ án ra xét xử. Toà án chỉ quyết định cho ly hôn khi có các căn cứ cho ly hôn theo quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình chứ không căn cứ vào thoả thuận thuận tình ly hôn giữa các đương sự để quyết định cho ly hôn.

Sở dĩ có tình trạng trên là vì, sau khi nhận đơn khởi kiện xin ly hôn của các đương sự, mặc dù có nhiều trường hợp phải thụ lý giải quyết theo thủ tục việc dân sự như quy định tại khoản 2 Điều 28 BLTTDS nhưng Toà án thường hướng các đương sự sửa lại đơn khởi kiện theo hướng có tranh chấp với nhau hoặc theo hướng ly hôn theo yêu cầu của một bên, để thụ lý giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự. Như vậy, ban đầu là thụ lý vụ án dân sự, sau đó, tiến hành hoà giải, hướng vụ án theo trường hợp thuận tình ly hôn, có tính chất như việc dân sự (không có tranh chấp) để vận dụng Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận giữa các đương sự.

Chúng tôi cho rằng, việc vận dụng Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình để giải quyết các trường hợp thuận tình ly hôn bằng quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự, theo trình tự của một vụ án dân sự, là phù hợp hơn cả. Thực tiễn đã cho thấy việc dân sự “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” quy định tại khoản 2 Điều 28 BLTTDS hầu như không được áp dụng bởi những lẽ như đã phân tích nêu trên. Có nên tiếp tục duy trì quy định “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”, là một loại việc dân sự hay không để phù hợp với thực tiễn, theo chúng tôi cũng đang là vấn đề cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể.

Nguyễn Thành Duy – VKSND tỉnh Gia Lai
Nguồn: toaan.gov.vn

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *