LÚNG TÚNG VỚI TIN BÁO TỘI PHẠM

12/05/2013 – 07:20

Lúng túng với tin báo tội phạm Công an đang điều tra, xử lý tin báo của bà trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức bị người lạ nhắn tin, gọi điện thoại dọa giết.

Chưa biết động cơ kẻ dọa là gì và việc điều tra của công an thế nào nhưng cách phản ứng của cơ quan tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm ít ra đã làm yên lòng người tố giác, làm kẻ dọa dẫm chùn tay.

Thực tiễn, nhiều trường hợp từ dọa giết đến giết người chỉ trong gang tấc nhưng khi nhận được tin báo tội phạm, công an không tổ chức bảo vệ người tố giác để tính mạng, sức khỏe của họ bị xâm phạm. Có điều này vì luật quy định việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm chưa rõ, tùy thuộc vào sự mẫn cảm của người tiếp nhận.

việc tiếp nhận, thẩm tra, xác minh, phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm còn nhiều bất cập, một phần do nhận thức của cơ quan có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý chưa thấy hết trách nhiệm của mình, còn coi việc xử lý tin báo tội phạm là việc giải quyết khiếu nại, một phần do các quy định của pháp luật còn thiếu, những quy định không rõ ràng.

Bộ luật Tố tụng hình sự chủ yếu quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, còn đối với cơ quan không phải là cơ quan tiến hành tố tụng (trong đó có cả công an cấp xã) nếu nhận được tin báo tội phạm chỉ có nhiệm vụ chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Luật quy định là chuyển ngay nhưng lại không quy định là bao lâu. Thực tế, khi nhận được tin báo tội phạm, công an thường tiến hành một số hoạt động xác minh có tính chất điều tra tiền tố tụng. Các hoạt động này, nếu không cẩn thận rất dễ vi phạm pháp luật; nhiều trường hợp công an lúng túng vì không cẩn thận sẽ làm oan người vô tội. Nhưng nếu quá cẩn thận, tiến hành các hoạt động xác minh trước khi khởi tố thì nhiều trường hợp tội phạm đã thực hiện xong, người phạm tội đã “cao chạy xa bay”.

Cạnh đó, người dân phát hiện tội phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội thường chỉ báo với công an cấp xã trong khi công an cấp này không phải là cơ quan điều tra. Khi nhận được tin báo tội phạm, công an cấp này cũng chỉ có nhiệm vụ xác minh rồi báo tin về cho cơ quan điều tra chứ cũng không có quyền thực hiện các hành vi tố tụng.

Không chỉ công an cấp xã mà với công an cấp huyện, cấp tỉnh khi nhận được tin báo tội phạm cũng phải xử lý rồi mới chuyển cho cơ quan điều tra. Trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn nhưng không quá hai tháng. Nhưng trong thời hạn này, luật không quy định cho cơ quan điều tra được làm gì, không được làm gì, mà chỉ cho phép cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh (hành vi tiền tố tụng). Việc tiến hành kiểm tra, xác minh như thế nào, có được kiểm tra nơi ở, chỗ làm việc hoặc có được gọi hỏi những người bị tố cáo và những người có liên quan khác không cũng chưa rõ…

Dù luật quy định cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm nhưng trên thực tế, người tố giác tội phạm không được bảo vệ, nhiều trường hợp bị trả thù. Pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về việc bảo vệ người tố giác tội phạm.

Có quá nhiều điều còn hở nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần hướng dẫn, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận tin báo tội phạm, đồng thời có chế độ thưởng đối với người tố giác tội phạm có giá trị để hành vi phạm tội bị ngăn ngừa trước khi xảy ra mới xử lý.

ĐINH VĂN QUẾ

(Nguồn: Báo pháp Luật Tp.HCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *