AI QUẢN NGƯỜI THỤ ÁN TREO?

08/06/2013 – 06:20

Luật Thi hành án hình sự đã quy định UBND cấp xã nơi người bị phạt cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo cư trú có trách nhiệm giám sát, giáo dục họ. Tuy nhiên, vẫn có tòa viện dẫn vào các quy định cũ để vận dụng khác…

Cách đây 10 tháng, trong phiên xử sơ thẩm hồi tháng 7-2012, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt bị cáo Phan Văn Kích (nguyên hiệu trưởng Trường CĐ nghề Phú Yên) 15 tháng tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh này, nguyên phó hiệu trưởng Nguyễn Hồng Phong bị xử phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ, nguyên trưởng phòng Kế hoạch – Tài vụ Hồ Thị Bích Hà bị phạt 12 tháng tù treo.

Tranh cãi về nơi giám sát, giáo dục

Song song đó, TAND tỉnh Phú Yên cũng tuyên giao ba bị cáo cho UBND phường nơi họ cư trú giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án và thử thách.

Sau đó, ba bị cáo kháng cáo. Tháng 9-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã xử Phúc thẩm, giữ nguyên mức án 15 tháng tù đối với bị cáo Kích nhưng cho hưởng án treo. Hai bị cáo còn lại, tòa bác kháng cáo, y án sơ thẩm. Khác với cấp sơ thẩm, tòa phúc thẩm lại tuyên giao ba bị cáo cho Trường CĐ nghề Phú Yên giám sát, giáo dục.

Hơn 20 ngày sau, một lãnh đạo TAND tỉnh Phú Yên đã ký công văn gửi tòa phúc thẩm, cho rằng án phúc thẩm giao ba bị cáo cho Trường CĐ nghề Phú Yên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách là không đúng quy định tại các điều 61, 72, 181 Luật Thi hành án hình sự.

Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng có công văn trả lời, khẳng định án phúc thẩm giao ba bị cáo cho Trường CĐ nghề Phú Yên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật. Đó là các quy định tại khoản 2 Điều 31, khoản 2 Điều 60 BLHS; Điều 3 Nghị định 60/2000 của Chính phủ (về việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ); Điều 3 Nghị định 61/2000 của Chính phủ (về việc thi hành hình phạt tù treo); điểm a Tiểu mục 6.6 Mục 6 và điểm d Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt).

Ngoài ra, công văn trên còn cho rằng Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hiện vẫn có hiệu lực thi hành, chưa bị thay thế hoặc hủy bỏ. Theo hồ sơ vụ án, đến thời điểm xét xử phúc thẩm, ba bị cáo Kích, Phong, Hà vẫn đang công tác tại Trường CĐ nghề Phú Yên, chưa bị đình chỉ công tác. Vì vậy, án sơ thẩm quyết định giao ba bị cáo cho UBND phường nơi ba bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách là trái các quy định đã được liệt kê ở trên.

Ba bị cáo Phan Văn Kích, Nguyễn Hồng Phong, Hồ Thị Bích Hà tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: V.LƯƠNG

Tòa phúc thẩm sai!

Đối chiếu một loạt quy định, điều khoản mà hai cấp tòa sơ, phúc thẩm viện dẫn để chứng minh mình đúng nói trên, có thể thấy trong trường hợp này, tòa phúc thẩm đã vận dụng sai pháp luật!

Cụ thể, khoản 2 Điều 31 BLHS, khoản 2 Điều 60 BLHS, Điều 3 Nghị định 60/2000 của Chính phủ, Điều 3 Nghị định 61/2000 của Chính phủ đều quy định tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú… để giám sát, giáo dục.

Riêng điểm a Tiểu mục 6.6 Mục 6 Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn: Trường hợp người được hưởng án treo là cán bộ, công chức hoặc đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo mà vẫn được tiếp tục làm việc, học tập thì giao cho cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý người được hưởng án treo giám sát và giáo dục.

Tuy nhiên, các quy định mà tòa phúc thẩm viện dẫn nói trên đều được ban hành trước Luật Thi hành án hình sự (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011). Theo quy định tại các điều 63, 64, 74, 75 luật này thì UBND cấp xã nơi ba bị cáo Kích, Hà, Phong cư trú có trách nhiệm giám sát, giáo dục họ.

Đặc biệt, khoản 3 Điều 181 Luật Thi hành án hình sự quy định rất rõ: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các quy định của BLHS, BLTTHS về thi hành án tử hình, thi hành án phạt tù, thi hành án treo, thi hành án phạt cảnh cáo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, thi hành án phạt trục xuất, thi hành án phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có nội dung khác với Luật này thì áp dụng theo quy định của Luật này”.

Đó là điều khoản bãi bỏ các quy định ở cấp độ luật, bộ luật không phù hợp với luật Thi hành án hình sự. Còn các nghị định 60, 61 của Chính phủ, Nghị quyết 01 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ là văn bản dưới luật nên không có giá trị thi hành bằng Luật Thi hành án hình sự. Nếu các văn bản dưới luật này có quy định không còn phù hợp với Luật Thi hành án hình sự thì đương nhiên phải áp dụng quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Như vậy, rõ ràng trong vụ việc trên, TAND tỉnh Phú Yên đã vận dụng đúng pháp luật khi tuyên giao các bị cáo cho UBND cấp xã nơi họ cư trú giám sát, giáo dục.

Một số quy định liên quan

Quyết định thi hành án treo phải ghi rõ họ tên người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được hưởng án treo; mức hình phạt tù và thời gian thử thách của người được hưởng án treo; hình phạt bổ sung; UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.

(Theo khoản 1 Điều 61 Luật Thi hành án hình sự)

 

Quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ phải ghi rõ họ tên người ra quyết định; bản án được thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành án; thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; hình phạt bổ sung; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành; UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.

(Theo khoản 1 Điều 72 Luật Thi hành án hình sự)

V.LƯƠNG

(Nguồn: Báo pháp luật)

VKS KHÔNG ĐƯỢC KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM VỤ ÁN

04/08/2013 – 07:30

Lâu nay, có nhiều trường hợp VKS kháng nghị phúc thẩm chưa đúng quy định vì viện trưởng VKS lầm tưởng trong án hình sự không có giới hạn nào đối với kháng nghị phúc thẩm.

Những sai lầm thường gặp là: VKS chỉ truy tố một tội, tòa xử như cáo trạng nhưng sau khi xét xử sơ thẩm, VKS cấp trên trực tiếp cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm nên kháng nghị phúc thẩm, đề nghị hủy án để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Có trường hợp, VKS chỉ truy tố bị cáo A, tòa cũng chỉ kết án bị cáo A nhưng tại phiên tòa bị cáo khai còn có B là đồng phạm. Sau phiên tòa, VKS kháng nghị phúc thẩm, yêu cầu hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhằm truy tố thêm B…

Những dạng kháng nghị phúc thẩm trên là sai vì ngoài quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (viện trưởng VKS có quyền hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của tòa án) còn có quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Theo Điều 33 của quy chế này (ban hành kèm theo Quyết định 121/2004/QĐ-VKSTC ngày 16-9-2004 của viện trưởng VKS Tối cao), căn cứ để kháng nghị phúc thẩm là: Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; có những vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự; có những vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Đối tượng kháng nghị phúc thẩm là bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật chứ không phải vụ án. Do đó, chỉ những nội dung nào mà tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, quyết định thì mới thuộc thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm của VKS. Cách khác, VKS chỉ được kháng nghị phúc thẩm khi và chỉ khi bản án hoặc quyết định sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hoặc có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm.

Được coi là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật trong các trường hợp: Cấp sơ thẩm kết án người không có hành vi phạm tội (làm oan người vô tội); kết án người mà hành vi của họ không cấu thành tội phạm; kết án người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người được tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội (bỏ lọt tội phạm); kết án sai tội danh; áp dụng điều khoản của Bộ luật Hình sự không đúng.

Đối với những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của tòa án cấp sơ thẩm bao gồm: xác định sai người tham gia tố tụng; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án không đúng; việc giao các quyết định của tòa án không đúng quy định; triệu tập không đầy đủ những người cần triệu tập đến phiên tòa để xét hỏi hoặc tuy có triệu tập nhưng người được triệu tập không nhận được giấy triệu tập vì có lý do chính đáng; xét xử sai thẩm quyền; thành phần Hội đồng Xét xử sơ thẩm không đúng; xử vắng mặt bị cáo khi họ có lý do chính đáng; phiên tòa vắng kiểm sát viên hoặc người bào chữa thuộc trường hợp bắt buộc; xét xử vắng mặt người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định trong trường hợp sự vắng mặt của họ trở ngại cho việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo; biên bản nghị án phản ánh nội dung quyết định của Hội đồng Xét xử không đúng với phần quyết định của bản án đã tuyên tại phiên tòa; nghị án một đằng, tuyên án một nẻo; bản án phát hành không đúng với bản án đã tuyên…

Nếu những sai lầm đó trong giai đoạn điều tra, truy tố thì không thuộc thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm mà thuộc thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

ĐINH VĂN QUẾ

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

TRẢ VẬT CHỨNG SAI LUẬT!

Vật chứng gốc quan trọng bị thất lạc nhưng VKS vẫn nói rằng việc trả vật chứng cho người bị hại khi vụ án đang dang dở là đúng và hồ sơ còn bản phôtô nên… không sao.

Mới đây, VKS huyện Bắc Bình có văn bản gửi VKS tỉnh Bình Thuận báo cáo về vụ “Tòa bị tố tuồn hồ sơ ra ngoài” (Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh).

Trả chứng cứ cho người bị hại

Như chúng tôi đã thông tin, trước đây bà Trần Thị Kim Nguyệt và bà Lê Thị Kim Y tranh chấp quyền sở hữu một đàn dê. Đêm 28-5-2005, bà Nguyệt thuê người đem xe đến bắt đàn dê chở đi nơi khác. Sau khi bà Y làm đơn tố cáo, bà Nguyệt bị khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản.

Khi hồ sơ được chuyển sang TAND huyện Bắc Bình, nhận thấy chưa rõ ai có quyền sở hữu đối với đàn dê nên tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Theo yêu cầu của tòa, tháng 11-2006, VKS huyện Bắc Bình đã lập biên bản giao cho tòa bảy giấy tờ, tài liệu để làm chứng cứ chứng minh quyền sở hữu đàn dê của bà Y. (giấy sang nhượng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy hợp đồng nuôi dê và quản lý trang trại chăn nuôi, giấy sang nhượng trang trại…).

Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ 10 của TAND huyện Bắc Bình, người bị hại thừa nhận đã làm thất lạc các tài liệu gốc là vật chứng của vụ án. Ảnh: H.TÚ

Tháng 10-2008, dưới sự chỉ đạo của chánh án TAND huyện Bắc Bình thời điểm đó, thư ký tòa đã trả lại toàn bộ những giấy tờ, tài liệu trên cho bà Y.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 10 ngày 12-7-2013, trả lời câu hỏi của chủ tọa, bà Y thừa nhận sau khi nhận lại những giấy tờ ấy, bà đã đi làm thủ tục sang tên quyền sử dụng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đưa vào ngân hàng thế chấp, sáu tài liệu còn lại thì đã làm thất lạc. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 11 ngày 13-8 vừa qua, kiểm sát viên cho biết: “Do vụ án kéo dài, người bị hại có nhu cầu làm ăn nên có đơn xin lại và việc tòa giao hồ sơ cho người bị hại là hợp pháp”.

Theo văn bản báo cáo gửi VKS tỉnh Bình Thuận, VKS huyện Bắc Bình cho rằng bà Y đã cung cấp giấy tờ cho TAND huyện từ tháng 11-2006 nhưng tòa không xét xử để kéo dài. Đến tháng 10-2008, bà Y có đơn xin lại những tài liệu trên, được tòa trả lại và có bản phôtô lưu lại trong hồ sơ vụ án nên không có chuyện thất lạc giấy tờ.

Tùy tiện, sai luật!

Về mặt pháp lý, luật sư Lê Quang Y (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận xét: Các giấy tờ, tài liệu nói trên đã được cơ quan tố tụng thu thập hợp pháp, có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội nên đó là vật chứng của vụ án theo Điều 74 BLTTHS. Điều 75 BLTTHS quy định vật chứng cần được “mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án” và “phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát”. Ngoài ra, Điều 184 BLTTHS quy định: “Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa”. Điều 212 BLTTHS cũng quy định: “Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên tòa”.

Từ các quy định trên, luật sư Y cho rằng việc bảo quản, lưu giữ vật chứng trong án hình sự là rất quan trọng vì nó quyết định việc chứng minh tội phạm và người phạm tội. Các vật chứng, chứng cứ được thu thập trong quá trình tố tụng đều phải được xem xét, làm rõ tại phiên tòa thì mới đủ cơ sở kết luận bị cáo có phạm tội hay không. Vì vậy, cơ quan tố tụng không thể viện dẫn lý do “vụ án bị kéo dài” hay “nhu cầu làm ăn” để tùy tiện trả vật chứng cho người bị hại khi án chưa giải quyết dứt điểm được.

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) phân tích: Pháp luật cho phép cơ quan tố tụng có thể xử lý đối với các vật chứng cồng kềnh, dễ bị hư hỏng hoặc các vật chứng là tài sản như xe máy, xe ô tô… trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, khi hồ sơ đã được chuyển qua tòa để xét xử thì vật chứng phải được xử lý thông qua bản án, quyết định của tòa. Căn cứ trên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án hình sự sẽ chịu trách nhiệm thi hành việc xử lý vật chứng. “Nếu vụ án chưa được đưa ra xét xử, chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà tòa lại đi trả vật chứng cho người bị hại là trái pháp luật” – ông Thêm khẳng định.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) nhấn mạnh: Vì tầm quan trọng của việc bảo quản, lưu giữ vật chứng nên khoản 3 Điều 75 BLTTHS mới quy định người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường nếu gây thiệt hại.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Nếu đúng là có sự tranh chấp về quyền sở hữu đối với đàn dê giữa bị cáo và người bị hại, các vật chứng có giá trị chứng minh quyền sở hữu đàn dê của người bị hại mà tòa đem đi trả lại cho người bị hại là sai. Việc trả lại vật chứng khiến tài liệu gốc bị thất lạc có thể làm việc giải quyết vụ án đi theo một hướng khác. Như vậy, tòa đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

TS LÊ TIẾN CHÂUCục trưởng Cục Công tác phía Nam
– Bộ Tư pháp

Ảnh hưởng đến việc giải quyết án

Trong quá trình đưa vụ án ra xử, tòa không được trả lại vật chứng trong hồ sơ vụ án đã được thu thập trước đó cho đương sự vì sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết án. Việc tòa trả lại bảy tài liệu cho người bị hại khiến các tài liệu bị thất lạc là trái quy định của pháp luật, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Thẩm phán NGUYỄN HUY HOÀNGTAND quận Gò Vấp, TP.HCM

HỒNG TÚ

(Nguồn: báo Pháp luật Tp.HCM)

ÁN TREO VỚI TỘI PHẠM THAM NHŨNG – BÀI 1: CÓ NƯƠNG TAY KHI XỬ THAM NHŨNG?

16/09/2013 – 06:20

Việc người phạm tội liên quan đến tham nhũng được hưởng án treo với tỉ lệ cao hơn các loại án hình sự khác đã làm dư luận bức xúc…

Theo con số mà Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra khi trả lời chất vấn của Quốc hội hồi tháng 6-2013, tính đến năm 2013, tỉ lệ án treo đối với án liên quan đến tham nhũng là 30,8%, cao hơn các loại án khác (bình quân chỉ 21%). Còn theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, con số cụ thể qua các năm là 36,5% (năm 2010), 37,1% (năm 2011), 30,2% (năm 2012).

“Vận dụng pháp luật đúng”

Việc tỉ lệ các bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng được hưởng án treo cao hơn các loại tội phạm khác đã làm dư luận bức xúc. Nhiều lần các đại biểu Quốc hội đã đưa vấn đề này ra chất vấn chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao.

Trong những lần trả lời chất vấn trước đây, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng không nên đánh giá trên con số mà phải đánh giá là bản án cho hưởng án treo có đúng quy định của pháp luật hay không. Ông Bình lý giải: “Án treo là một chế định của pháp luật cho bị cáo miễn chấp hành hình phạt tù có thời hạn. Theo quy định của pháp luật, người nào hội tụ đủ những điều kiện đó thì tòa phải cho hưởng án treo. Hằng năm, chúng tôi vẫn có nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành án treo và yêu cầu các tòa khi xét xử, nếu tuyên án treo thì phải gửi về TAND Tối cao để giám đốc kiểm tra. Kết quả nhận được thì các vụ án tòa cho treo đều đúng pháp luật, số vụ không đúng chỉ chiếm tỉ lệ 0,065%”.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (trái), Viện trưởng VKSND Tối cao trong một buổi trả lời chất vấn tại Quốc hội về án tham nhũng. Ảnh: Việt Dũng

Gần đây nhất, ngày 11-9 vừa qua, làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, TAND Tối cao tiếp tục tái khẳng định quan điểm về cơ bản, việc cho các bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng hưởng án treo là có căn cứ pháp luật, chỉ có một số trường hợp “thiếu tính thuyết phục”.

Tương tự, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định với các đại biểu Quốc hội là dù tỉ lệ cho hưởng án treo với tội phạm tham nhũng cao nhưng “việc vận dụng pháp luật là đúng”…

Những điểm chưa ổn

Nhiều chuyên gia về pháp luật hình sự cho biết bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng phần lớn nguyên là cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác… Cạnh đó, họ có những tình tiết khác như nhân thân tốt, luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng. Đây là các điều kiện thuận lợi để tòa cho họ hưởng án treo theo Điều 60 BLHS và hướng dẫn trong Nghị quyết 01 ngày 2-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bị cáo phạm tội về tham nhũng vốn thường “có sẵn” những tình tiết giảm nhẹ kể trên thì ngành tòa án có bắt buộc phải cho họ hưởng án treo trong trường hợp phạt họ không quá ba năm tù? Các ưu thế về nhân thân có đủ để cho họ đương nhiên được hưởng án treo?

Theo Điều 60 BLHS, chế định án treo là một chế định tùy nghi, do tòa cân nhắc, quyết định “nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù” chứ không phải bắt buộc là cứ người nào hội tụ đủ những điều kiện để hưởng án treo.

Mặt khác, tại Nghị quyết 01, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn một điều kiện bắt buộc để cho bị cáo hưởng án treo là “nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm” (điểm d Tiểu mục 6.1 Mục 6). Trong khi đó, tham nhũng ở nước ta đã và đang được xem là quốc nạn. Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Như vậy, việc cho các bị cáo phạm tội về tham nhũng hưởng án treo rõ ràng chưa đáp ứng được điều kiện “không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm”!

Hiểu sai, vận dụng chưa phù hợp?

Từ góc nhìn trên, tại buổi làm việc với đại diện các cơ quan pháp luật trung ương cuối tháng 8 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã phản ứng gay gắt về việc tại sao án treo đối với án tham nhũng quá nhiều. Có những tỉnh như Ninh Bình, hai năm xử được chín bị cáo về tội tham nhũng thì tám người được hưởng án treo.

Đ?ng t?nh, ?ồng tình, ông Nguyễn Mạnh Cường (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) nói: “Trong số án treo này, có trường hợp hành vi phạm tội rất nghiêm trọng nhưng tòa vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, kéo mức án tuyên thấp dưới khung hình phạt, làm cơ sở để cho treo. Như vậy phải giải thích như thế nào?”.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định tòa các cấp đang hiểu sai, áp dụng có lợi cho tội phạm tham nhũng. “Báo cáo của TAND Tối cao khẳng định các bản án treo đều đúng luật. Xin thưa, luật có bắt buộc tòa phải xử treo đâu? Luật yêu cầu phải cân nhắc nhiệm vụ chính trị địa phương, yêu cầu về phòng, chống tội phạm cơ mà. Nhiệm vụ ấy là gì? Cả nước phải coi tham nhũng như giặc nội xâm cơ mà!” – ông Quyền bức xúc.

Một số vụ cho treo thiếu thuyết phục

– Tháng 1-2010, xử Tống Khắc Năng về hai tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã cho bị cáo hưởng án treo về cả hai tội dù không có tình tiết giảm nhẹ mới. Trước đó, Năng bị TAND tỉnh Bắc Giang phạt hai năm tù về tội tham ô, một năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn…

Theo Ban Thanh tra của TAND Tối cao, tòa phúc thẩm cho bị cáo hưởng án treo về cả hai tội là không đúng. Bởi bị cáo bị xử phạt hành chính lẫn hình sự nhiều lần về tội đánh bạc. Mặt khác, bị cáo cùng một số người đang bị VKSND tỉnh Bắc Giang yêu cầu điều tra về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ…

– Tháng 1-2010, xét xử Đỗ Ngọc Chất và Phùng Văn San (đội trưởng, chấp hành viên của Đội Thi hành án huyện Thống Nhất, nay là huyện Trảng Bom, Đồng Nai) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã cho hai bị cáo hưởng án treo.

Ban Thanh tra của TAND Tối cao nhận xét vụ án đã hai lần bị tòa phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại. TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm, phạt Chất hai năm sáu tháng tù, San một năm tù. Việc tòa phúc thẩm giữ nguyên mức án sơ thẩm rồi cho hai bị cáo hưởng án treo là không phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi các bị cáo gây ra.

PHAN THƯƠNG

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

ÁN TREO VỚI TỘI PHẠM THAM NHŨNG – BÀI 2: “SIẾT” ÁN TREO RA SAO?

17/09/2013 – 06:15

Cơ quan chức năng đang xem xét lại trước phản ứng của dư luận về việc các bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng được hưởng án treo quá nhiều.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận dù “vận dụng luật là đúng” nhưng nếu xử treo quá nhiều thì cũng “tạo ra phản cảm”, “tạo ra suy nghĩ là chúng ta khi đấu tranh đã không quyết tâm chống tham nhũng”. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết “qua kiểm tra thấy hầu hết số lượng bị can được tòa áp dụng án treo đều có căn cứ, đúng pháp luật” nhưng cũng nhìn nhận “không loại trừ có tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng”.

Tỉ lệ cho treo giảm

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sáng 11-9 vừa qua, TAND Tối cao báo cáo các trường hợp phạm tội về tham nhũng được tòa cho hưởng án treo có xu hướng giảm dần (chỉ còn 28% trong sáu tháng đầu năm 2013).

Đánh giá về những hạn chế, thiếu sót của công tác xét xử các tội phạm về tham nhũng, báo cáo của ngành tòa án thừa nhận trong một số trường hợp, việc quyết định cho bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo “thiếu tính thuyết phục”.

Ông Nguyễn Bá Thanh (Phó thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính trung ương) nói sẽ làm rõ việc áp dụng cho hưởng án treo trong đợt kiểm tra lần này. Ảnh: N.Anh

Theo TAND Tối cao, nguyên nhân là do “hội đồng xét xử mới chỉ xem xét tính chất pháp lý đơn thuần của vụ án mà chưa xem xét đầy đủ yêu cầu đấu tranh đối với các loại tội phạm này trong tình hình hiện nay, cũng như sự ảnh hưởng của việc giải quyết vụ án đối với tình hình chính trị xã hội của địa phương nên ra các phán quyết chưa thực sự thuyết phục; đôi khi còn nặng về nhân thân, cho rằng nhân thân tốt để cho hưởng án treo trong khi các bị cáo phạm tội tham nhũng thường là những người có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có những cống hiến nhất định hoặc phạm tội lần đầu”…

Các giải pháp

Để “siết” lại án treo với tội phạm tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra giải pháp của ngành kiểm sát như sau: Ngành kiểm sát sẽ kiểm sát chặt chẽ quá trình xây dựng các cáo trạng có đề xuất án treo. Với vụ án tham nhũng mà cấp dưới đề xuất án treo thì phải trình lên cấp trên để kiểm tra. Trong trường hợp tòa tuyên án treo không phải là đề nghị của ngành thì đại diện VKS phải báo cáo cấp trên để xem xét kháng nghị. Trong đề xuất của VKS đối với người phạm tội về tham nhũng thì không áp dụng hai tình tiết phạm tội lần đầu và có nhân thân tốt…

Về giải pháp liên ngành, ông Nguyễn Hòa Bình nói: “Chúng tôi cũng đang tập hợp tình hình, có đánh giá và sẽ tổ chức một hội nghị bàn với cơ quan điều tra, tòa về những biện pháp để giảm án treo trong án tham nhũng”.

Trong khi đó, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết ngành tòa án sẽ xem xét hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn về chế định án treo, nhất là hạn chế việc áp dụng chế định này đối với các tội phạm về tham nhũng, chức vụ. Ngoài quy định tại Điều 60 BLHS và bốn điều kiện cho hưởng án treo theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì theo tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũng, đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ không được hưởng án treo; người phạm tội tham nhũng không chủ động khai báo, không tích cực hạn chế thiệt hại, không tự giác nộp lại tài sản… cũng không được hưởng án treo…

Sau khi làm việc với TAND Tối cao, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thấy một số vấn đề cần khắc phục ngay, trong đó có việc tỉ lệ án treo dành cho tội phạm tham nhũng quá cao, gây hoài nghi trong xã hội. “Hôm trước họp Ban Chỉ đạo có yêu cầu siết lại án treo. Luật quy định như vậy nhưng áp dụng cụ thể thì lúc nào cho hưởng án treo, lúc nào không. Đợt kiểm tra lần này, chúng tôi sẽ làm rõ” – ông Nguyễn Bá Thanh (Phó Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương), nói.

Một số nhiệm vụ Quốc hội yêu cầu

… Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng, chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án còn có những hạn chế. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng còn diễn biến phức tạp, trên một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiệu lực răn đe, phòng ngừa thấp. Tiến độ và chất lượng giải quyết nhiều vụ án nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng lớn, trọng điểm còn kéo dài, chưa nghiêm minh…

… TAND Tối cao chỉ đạo các tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa; bảo đảm việc giải quyết, xét xử và ra bản án, quyết định đúng pháp luật… Việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ phải đúng quy định của pháp luật…

Trích Nghị quyết số 37 ngày 23-11-2012 của Quốc hội (về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2013)

PHAN THƯƠNG

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

ÁN TREO VỚI TỘI PHẠM THAM NHŨNG – BÀI 3: DỰ THẢO HƯỚNG DẪN MỚI: CHƯA RÕ!

18/09/2013 – 06:15

TAND Tối cao vừa đưa dự thảo nghị quyết hướng dẫn mới về án treo để lấy ý kiến góp ý.

Điều đáng nói là dự thảo chưa thể hiện được rõ ràng giải pháp siết án treo với tội phạm tham nhũng.

Đây là bản dự thảo lần hai của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao với tên gọi là “Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 60 của BLHS về án treo”.

Nếu được ban hành, nghị quyết sẽ thay thế mục 6 Nghị quyết 01 ngày 2-10-2007 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Không hướng dẫn riêng

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, dư luận rất mong chờ hướng dẫn mới của TAND Tối cao sẽ hiện thực hóa được quyết tâm và các giải pháp mà lãnh đạo hai ngành kiểm sát, tòa án đưa ra để siết lại việc cho tội phạm tham nhũng hưởng án treo. Thế nhưng dự thảo lại chưa thể hiện rõ nét vấn đề này.

Trong dự thảo, từ các điều kiện để cho hưởng án treo đến các trường hợp không được hưởng án treo đều không có dòng nào hướng dẫn riêng việc áp dụng án treo đối với tội phạm tham nhũng. Trong khi như chúng tôi đã phản ánh ở các số báo trước, đây đang là một trong những điểm nóng làm dư luận bức xúc trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Về các điều kiện để cho hưởng án treo, dự thảo có một số thay đổi: Có năm điều kiện để cho hưởng án treo (hướng dẫn hiện hành là bốn điều kiện). Tuy nhiên, điều kiện thứ năm này cũng không hẳn là hoàn toàn mới (có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng, trong khi hướng dẫn hiện hành là có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng).

Ngoài ra, dự thảo còn một số thay đổi: Bỏ các hướng dẫn “không phân biệt về tội gì”; “trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù thì cũng có thể cho hưởng án treo”… Thêm giải thích “người đã được xóa án tích thì không coi là có tiền án; người đã được xóa kỷ luật, hết thời hiệu được coi là chưa bị xử lý hành chính thì không coi là có tiền sự”… (xin xem bảng so sánh).

Về các trường hợp không được hưởng án treo, ngoài quy định “trường hợp bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì chỉ cho hưởng án treo khi thời gian đã bị tạm giam ngắn hơn thời hạn phạt tù” như hướng dẫn hiện hành, dự thảo bổ sung bốn trường hợp mới:

– không cho hưởng án treo đối với người phạm tội với vai trò là người tổ chức, cầm đầu hoặc chủ mưu trong vụ án có đồng phạm.

– Không cho hưởng án treo đối với trường hợp phạm tội nhiều lần hoặc phạm nhiều tội.

– Không cho hưởng án treo đối với trường hợp có tài liệu chứng cứ chứng minh là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có các lần phạm tội khác (có thể đã bị xét xử hoặc sẽ bị xét xử trong một vụ án khác).

– Không cho hưởng án treo đối với những trường hợp mà việc cho họ hưởng án treo gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Có hiệu quả?

Như vậy, các trường hợp không được hưởng án treo của dự thảo chưa cụ thể hóa được rõ ràng quan điểm trong báo cáo của TAND Tối cao tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương ngày 11-9 vừa qua. Đó là hạn chế việc áp dụng chế định án treo đối với các tội phạm về tham nhũng, chức vụ; đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ không được hưởng án treo; người phạm tội tham nhũng không chủ động khai báo, không tích cực hạn chế thiệt hại, không tự giác nộp lại tài sản… cũng không được hưởng án treo…

Dự thảo quy định không cho hưởng án treo đối với những trường hợp mà việc cho họ hưởng án treo gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực chất, điều kiện này vốn đã được ghi nhận trong hướng dẫn hiện hành (Điểm d tiểu mục 6.1 mục 6 Nghị quyết 01). Tuy nhiên, như đã nói, các tòa lâu nay đều “quên” điều kiện này khi cho các bị cáo phạm tội về tham nhũng hưởng án treo.

Không có hướng dẫn riêng về tội phạm tham nhũng, những hướng dẫn khác không chỉ rõ được quan điểm bắt buộc các tòa hạn chế áp dụng án treo với tội phạm tham nhũng, liệu dự thảo nghị quyết có đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay?

Chỉ cho “treo” với tội ít nghiêm trọng

Tôi đồng tình là phải hạn chế đến mức thấp nhất việc cho người phạm tội về tham nhũng hưởng án treo. Muốn vậy, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hoặc liên ngành trung ương cần hướng dẫn lại các điều kiện cho hưởng án treo theo hướng không áp dụng án treo đối với tội phạm tham nhũng trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Nghĩa là chỉ có thể cho hưởng án treo nếu tội phạm tham nhũng đó là tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt từ ba năm tù trở xuống). Chỉ quy định như thế mới hiệu quả vì hầu hết các tội về tham nhũng trong BLHS là tội nghiêm trọng trở lên.

Kiểm sát viên NGUYỄN KHÁNH TOÀN,  Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

Cấm hẳn

Vài tháng trước, VKSND Tối cao đã chỉ đạo VKS các cấp không đề nghị áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ là phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt nhằm xem xét cho bị cáo được hưởng án treo. Nhưng việc có xử treo hay không tùy thuộc vào tòa. Ai cũng biết tham nhũng là quốc nạn. Đã là quốc nạn thì không việc gì phải xử treo. Đáng lẽ khoản 2 Điều 2 dự thảo nghị quyết phải liệt kê thêm trường hợp án tham nhũng.

Kiểm sát viên ĐỖ THÀNH ĐẠT,  VKSND TP.HCM

Tiểu mục 6.1 mục 6 Nghị quyết 01

Chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì;

Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù thì cũng có thể cho hưởng án treo.

b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng;

c) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;

d) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Khoản 1 Điều 2 dự thảo nghị quyết mới

Chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị xử phạt tù không quá ba năm;

b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự (người đã được xóa án tích thì không coi là có tiền án; người đã được xóa kỷ luật, hết thời hiệu được coi là chưa bị xử lý hành chính thì không coi là có tiền sự);

c) Có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng;

d) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng;

đ) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

PHAN THƯƠNG

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

TỪ 15-12, KHÔNG ĐƯỢC XỬ ÁN TREO TỘI PHẠM THAM NHŨNG

14/11/2013 12:17

(GMT + 7) TTO – Kể từ ngày 15-12-2013, Tòa án không được áp dụng án treo đối với các tội phạm về chức vụ, tham nhũng. Quy định về áp dụng án treo cũng được siết chặt hơn.  Phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng của nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn TP.HCM, một trong những loại án mà TAND Tối cao lưu ý không được áp dụng án treo.

TAND Tối cao vừa ban hành nghị quyết số 01/2013 hướng dẫn áp dụng án treo trong xét xử, nêu rõ: không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nêu rõ các trường hợp khác cũng không được áp dụng án treo như: người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị (người chủ mưu, cầm đầu, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội…), bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trong hồ sơ thể hiện là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khi được tại ngoại để chuẩn bị xét xử đã bỏ trốn phải truy nã.

Cũng theo hướng dẫn mới của Hội đồng thẩm phán, điều kiện để xử án treo cũng được “siết” chặt hơn. Ngoài điều kiện quy định là mức án phạt không quá 3 năm tù và không thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, Tòa chỉ được tuyên án treo nếu bị cáo có nhân thân tốt, ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật, chưa bị xử lý hành chính, kỉ luật; có nơi cư trú cụ thể rõ ràng; không có tình tiết tăng nặng và có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên; có khả năng cải tạo và nếu không bắt họ chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phóng chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.

Nghị quyết trên sẽ có hiệu lực từ 15-12-2013.

C.MAI

(Nguồn: Báo tuổi trẻ)

HẠN CHẾ GIAM NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Thay vì trừng phạt, giáo dục và hỗ trợ cho người chưa thành niên phạm luật sẽ có hiệu quả phòng ngừa tái phạm cao hơn.

Ngày 25-2, tại UBND quận 1 (TP.HCM), các ban, ngành đã tổ chức hội thảo triển khai kế hoạch hỗ trợ người chưa thành niên (NCTN) vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng.

Đây là chương trình nằm trong kế hoạch hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật do UBND TP phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) triển khai tại quận 1 và quận Bình Thạnh.

Theo báo cáo của VKSND quận 1, trong năm 2013, địa bàn quận có 27 bị can là NCTN phạm các tội như cố ý gây thương tích, công nhiên chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản và có cả chống người thi hành công vụ. Với NCTN vi phạm pháp luật nói chung thì số lượng này nhiều hơn.

Với phương châm phòng ngừa là chính, quận đã cho các phường rà soát số liệu trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật, trẻ chưa ngoan. Các em này thường sống trong những gia đình có cha mẹ ly hôn, cha mẹ phạm tội, gia đình có bạo hành… “Quận đã đưa các em này cùng với những em đã vi phạm pháp luật đi thăm Trường Giáo dưỡng số 4 và tham gia hoạt động hướng nghiệp dạy nghề tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ em đường phố, các lớp kỹ năng sống để các em có định hướng sống đúng đắn. Không chỉ các em, 40 bà mẹ có con chưa ngoan cũng được mời tham dự lớp sinh hoạt kỹ năng thể hiện tình cảm trong gia đình để họ biết cách gần gũi, quan tâm giáo dục con cái” – bà Phạm Thị Thu Giang, Phó phòng LĐ-TB&XH quận 1, cho biết.

 

Chăm sóc, giáo dục những trẻ có nguy cơ vi phạm pháp luật cũng là một khâu quan trọng trong kế hoạch giúp đỡ NCTN phạm luật. Trong ảnh: Trường Thiếu niên thành phố, nơi có nhiều trẻ chưa ngoan đang được chăm sóc sức khỏe. Ảnh: T.MẬN

 

 

Ông Trần Công Bình, đại diện cho UNICEF, cho rằng NCTN khi vi phạm pháp luật cần được xử lý khác so với người đã trưởng thành. NCTN có biến động lớn về hormone và tình cảm. Điều đó khiến họ xử sự bốc đồng. Họ cố gắng tỏ ra người lớn, chứng tỏ sự độc lập, dễ chấp nhận rủi ro và dễ bị bạn bè gây áp lực. “Những người trẻ này đang trong quá trình hình thành nhân cách, khả năng phục hồi nhân cách cao hơn so với người trưởng thành. Thay vì đơn thuần trừng trị, các biện pháp giáo dục, phục hồi sẽ có khả năng phòng ngừa tái phạm cao hơn” – ông Bình lý giải việc cần thiết phải hỗ trợ cho NCTN phạm luật.

Mục tiêu của kế hoạch mà UBND TP.HCM phối hợp cùng UNICEF triển khai tại quận 1 và quận Bình Thạnh là phát triển các dịch vụ hỗ trợ khi giáo dục NCTN phạm luật tại cộng đồng, hạn chế việc lạm dụng biện pháp tạm giam đối với NCTN, tránh tình trạng giam giữ chung NCTN với người thành niên…

Ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định việc triển khai thực hiện kế hoạch và mô hình tại quận 1 và Bình Thạnh đã góp phần vào việc triển khai hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em và NCTN tại TP và trên phạm vi toàn quốc. Kế hoạch không chỉ tác động đến trẻ em vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến trẻ em khác tham gia vào các quá trình tư pháp như: Trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, người có liên quan…

T.MẬN

Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM

Một số mục tiêu của kế hoạch

– 30% NCTN vi phạm pháp luật thuộc diện bị lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng được xử lý bằng các chế tài giáo dục tại cộng đồng thay cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

– 70% điều tra viên chịu trách nhiệm điều tra các vụ án vi phạm pháp luật do NCTN thực hiện được tập huấn về kỹ năng điều tra thân thiện đối với NCTN.

– Trong vòng 12 tháng kể từ khi được can thiệp, hỗ trợ, tỉ lệ NCTN vi phạm pháp luật hoặc tái vi phạm pháp luật chỉ còn dưới 12%…