TRẢ VẬT CHỨNG SAI LUẬT!

Vật chứng gốc quan trọng bị thất lạc nhưng VKS vẫn nói rằng việc trả vật chứng cho người bị hại khi vụ án đang dang dở là đúng và hồ sơ còn bản phôtô nên… không sao.

Mới đây, VKS huyện Bắc Bình có văn bản gửi VKS tỉnh Bình Thuận báo cáo về vụ “Tòa bị tố tuồn hồ sơ ra ngoài” (Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh).

Trả chứng cứ cho người bị hại

Như chúng tôi đã thông tin, trước đây bà Trần Thị Kim Nguyệt và bà Lê Thị Kim Y tranh chấp quyền sở hữu một đàn dê. Đêm 28-5-2005, bà Nguyệt thuê người đem xe đến bắt đàn dê chở đi nơi khác. Sau khi bà Y làm đơn tố cáo, bà Nguyệt bị khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản.

Khi hồ sơ được chuyển sang TAND huyện Bắc Bình, nhận thấy chưa rõ ai có quyền sở hữu đối với đàn dê nên tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Theo yêu cầu của tòa, tháng 11-2006, VKS huyện Bắc Bình đã lập biên bản giao cho tòa bảy giấy tờ, tài liệu để làm chứng cứ chứng minh quyền sở hữu đàn dê của bà Y. (giấy sang nhượng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy hợp đồng nuôi dê và quản lý trang trại chăn nuôi, giấy sang nhượng trang trại…).

Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ 10 của TAND huyện Bắc Bình, người bị hại thừa nhận đã làm thất lạc các tài liệu gốc là vật chứng của vụ án. Ảnh: H.TÚ

Tháng 10-2008, dưới sự chỉ đạo của chánh án TAND huyện Bắc Bình thời điểm đó, thư ký tòa đã trả lại toàn bộ những giấy tờ, tài liệu trên cho bà Y.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 10 ngày 12-7-2013, trả lời câu hỏi của chủ tọa, bà Y thừa nhận sau khi nhận lại những giấy tờ ấy, bà đã đi làm thủ tục sang tên quyền sử dụng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đưa vào ngân hàng thế chấp, sáu tài liệu còn lại thì đã làm thất lạc. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 11 ngày 13-8 vừa qua, kiểm sát viên cho biết: “Do vụ án kéo dài, người bị hại có nhu cầu làm ăn nên có đơn xin lại và việc tòa giao hồ sơ cho người bị hại là hợp pháp”.

Theo văn bản báo cáo gửi VKS tỉnh Bình Thuận, VKS huyện Bắc Bình cho rằng bà Y đã cung cấp giấy tờ cho TAND huyện từ tháng 11-2006 nhưng tòa không xét xử để kéo dài. Đến tháng 10-2008, bà Y có đơn xin lại những tài liệu trên, được tòa trả lại và có bản phôtô lưu lại trong hồ sơ vụ án nên không có chuyện thất lạc giấy tờ.

Tùy tiện, sai luật!

Về mặt pháp lý, luật sư Lê Quang Y (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận xét: Các giấy tờ, tài liệu nói trên đã được cơ quan tố tụng thu thập hợp pháp, có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội nên đó là vật chứng của vụ án theo Điều 74 BLTTHS. Điều 75 BLTTHS quy định vật chứng cần được “mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án” và “phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát”. Ngoài ra, Điều 184 BLTTHS quy định: “Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa”. Điều 212 BLTTHS cũng quy định: “Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên tòa”.

Từ các quy định trên, luật sư Y cho rằng việc bảo quản, lưu giữ vật chứng trong án hình sự là rất quan trọng vì nó quyết định việc chứng minh tội phạm và người phạm tội. Các vật chứng, chứng cứ được thu thập trong quá trình tố tụng đều phải được xem xét, làm rõ tại phiên tòa thì mới đủ cơ sở kết luận bị cáo có phạm tội hay không. Vì vậy, cơ quan tố tụng không thể viện dẫn lý do “vụ án bị kéo dài” hay “nhu cầu làm ăn” để tùy tiện trả vật chứng cho người bị hại khi án chưa giải quyết dứt điểm được.

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) phân tích: Pháp luật cho phép cơ quan tố tụng có thể xử lý đối với các vật chứng cồng kềnh, dễ bị hư hỏng hoặc các vật chứng là tài sản như xe máy, xe ô tô… trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, khi hồ sơ đã được chuyển qua tòa để xét xử thì vật chứng phải được xử lý thông qua bản án, quyết định của tòa. Căn cứ trên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án hình sự sẽ chịu trách nhiệm thi hành việc xử lý vật chứng. “Nếu vụ án chưa được đưa ra xét xử, chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà tòa lại đi trả vật chứng cho người bị hại là trái pháp luật” – ông Thêm khẳng định.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) nhấn mạnh: Vì tầm quan trọng của việc bảo quản, lưu giữ vật chứng nên khoản 3 Điều 75 BLTTHS mới quy định người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường nếu gây thiệt hại.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Nếu đúng là có sự tranh chấp về quyền sở hữu đối với đàn dê giữa bị cáo và người bị hại, các vật chứng có giá trị chứng minh quyền sở hữu đàn dê của người bị hại mà tòa đem đi trả lại cho người bị hại là sai. Việc trả lại vật chứng khiến tài liệu gốc bị thất lạc có thể làm việc giải quyết vụ án đi theo một hướng khác. Như vậy, tòa đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

TS LÊ TIẾN CHÂUCục trưởng Cục Công tác phía Nam
– Bộ Tư pháp

Ảnh hưởng đến việc giải quyết án

Trong quá trình đưa vụ án ra xử, tòa không được trả lại vật chứng trong hồ sơ vụ án đã được thu thập trước đó cho đương sự vì sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết án. Việc tòa trả lại bảy tài liệu cho người bị hại khiến các tài liệu bị thất lạc là trái quy định của pháp luật, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Thẩm phán NGUYỄN HUY HOÀNGTAND quận Gò Vấp, TP.HCM

HỒNG TÚ

(Nguồn: báo Pháp luật Tp.HCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *