Cơ quan an ninh cho biết, chứng thư bảo lãnh giả là một hình thức tội phạm mới, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp cũng như uy tín của ngân hàng.
Văn bản cảnh báo về tình trạng làm giả chứng thư bảo lãnh vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng trong ngày 19/11.
Vấn đề bắt đầu được dư luận chú ý sau sự kiện 2 chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng HSBC bị làm giả. Các chứng thư này có giá trị lên đến 80 tỷ đồng và được cơ quan công an phát hiện hồi đầu tháng 11.
Chứng thư bảo lãnh giả có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ngân hàng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Trong vụ việc này, nhân viên Trần Công Dũng của HSBC đã lợi dụng sơ hở trong việc quản lý con dấu của ngân hàng, cấu kết với 2 đối tượng ở bên ngoài, làm giả chứng thư để chào bán cho các công ty có nhu cầu về chứng thư bảo lãnh. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, trong thời gian tháng 7-10/2010, Dũng và đồng phạm đã “bán” được 2 chứng thư loại này cho doanh nghiệp với tổng giá trị bảo lãnh thanh toán lên tới 80 tỷ đồng, qua đó thu về không dưới 500 triệu đồng tiền hoa hồng.
Theo thông báo của Cục An ninh tài chính tiền tệ và đầu tư, Bộ Công an, việc làm giả chứng thư bảo lãnh của ngân hàng đang được các đối tượng thực hiện theo một quy trình chung. Nhân viên ngân hàng sử dụng con dấu lấy được do sơ hở quản lý để đóng dấu khống lên phôi giấy trắng có in logo của ngân hàng. Đối tượng này cũng giả mạo thêm chữ ký của lãnh đạo ngân hàng để làm chứng thư bảo lãnh giả. Tiếp đó, đối tượng ngoài ngân hàng sử dụng chứng thư bảo lãnh giả để viết tên của khách hàng.
Theo cơ quan công an và Ngân hàng Nhà nước, đây là hình thức phạm tội mới, có sự câu kết giữa đối tượng ngoài ngân hàng với nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Để phòng ngừa vụ việc tương tự có thể xảy ra, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát và ban hành đầy đủ quy trình quản lý, sử dụng và bảo quản con dấu tại đơn vị. Ngoài ra, các nhà băng cũng cần tăng cường công tác quản lý nhân sự, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng con dấu. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo, tổ chức tín dụng cần khẩn trương báo cáo Ngân hàng Nhà nước và cơ quan pháp luật để ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Riêng về trường hợp của HSBC, đại diện của ngân hàng này khẳng định đã rà soát và áp dụng quy chế quản lý con dấu mới ngay sau khi phát hiện ra sự việc nói trên. HSBC cũng đang đợi kết quả điều tra của cơ quan công an trước khi tiến hành các bước xử lý tiếp theo.
Nhật Minh
(Nguồn : VnExpress)
Add a Comment