BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP – KHÓ THAM GIA, DỄ LẠM DỤNG

Thứ tư, 24/04/2013, 15:54 (GMT+7)

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ra đời với mong muốn sẽ là chỗ dựa cho người lao động khi lâm vào tình trạng mất việc làm. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành hoặc sửa đổi bổ sung nhưng chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn bất cập.

  • Điều kiện khắt khe

Theo quy định hiện nay, chỉ có những lao động có hợp đồng từ 12 tháng trở lên và làm việc trong những doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động có ký hợp đồng 12 tháng trở lên mới được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Điều đó có nghĩa những lao động có hợp đồng ngắn hạn, hoặc lao động trong các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động không thuộc diện được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong khi đây lại là những đối tượng dễ bị mất việc làm nhất, cần được quan tâm hỗ trợ.

Lao động thất nghiệp làm thủ tục hưởng trợ cấp.

Thực tế là lượng người đăng ký thất nghiệp tăng vọt thời gian qua, trong đó có nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế, nhưng cũng không ít trường hợp người lao động và doanh nghiệp câu kết với nhau để trục lợi. Vì việc xác định người lao động không còn làm việc hoặc đã bị mất việc đối với chủ cơ sở sản xuất rất dễ dàng. Ngoài ra, quy định này cũng khiến người lao động không an tâm làm việc, muốn tìm chỗ khác với nhiều lý do và điều này sẽ gây mất chủ động cho người sử dụng lao động.Một điểm bất cập khác là quy định trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng có thể được nhận trợ cấp một lần khi tìm được việc làm, tức là khi họ đã không còn… thất nghiệp. Quy định này dễ khuyến khích người lao động tìm cách trục lợi để hưởng bảo hiểm.

Tại TPHCM, sau 4 năm thực hiện đã có trên 1,6 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 300.000 người với số tiền khoảng 1.600 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2012, BHXH đã chi trả cho hơn 115.743 người, tăng 31% so với năm 2011. Nếu tính TPHCM hiện có khoảng 5 triệu người trong độ tuổi lao động thì số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/3. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động có ký hợp đồng từ 12 tháng trở lên.

Thậm chí không ít doanh nghiệp sử dụng trên 10 lao động nhưng chủ sử dụng lao động chỉ ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng với người lao động. Và số lao động này có nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào nhưng họ lại không được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

  • Nên quy về một mối

Một bất cập khác là việc quy định cả 2 cơ quan (BHXH và ngành LĐTB-XH) cùng tham gia quy trình chi trả gây quá nhiều khó khăn cho cả đơn vị tham gia chi trả trợ cấp thất nghiệp lẫn người lao động. Trong lúc BHXH Việt Nam không có hướng dẫn quy trình chi trả trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản, BHXH TPHCM phải vừa triển khai vừa tự hoàn chỉnh nên dễ xảy ra sai sót; việc thu BHXH, cấp sổ BHXH… thuộc nghiệp vụ của cơ quan BHXH nên khi Trung tâm Giới thiệu việc làm tiếp nhận sổ BHXH thì không hiểu rõ những quy định của ngành BHXH nên việc tiếp nhận, phối hợp xử lý… mất nhiều thời gian.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, cho rằng việc giải quyết và chi trả trợ cấp cho người thất nghiệp nên giao cho 1 cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết và chi trả trợ cấp cho người thất nghiệp: hoặc giao cho cơ quan BHXH chịu trách tiếp nhận, giải quyết, chi trả trợ cấp, ngành LĐTB-XH chỉ thực hiện việc hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm hoặc BHXH chỉ có trách nhiệm thu bảo hiểm thất nghiệp rồi giao cho ngành LĐTB-XH làm hết tất cả từ khâu tiếp nhận đến khâu chỉ trả trợ cấp và cơ quan BHXH quyết toán tiền cho cơ quan lao động.

Ông Cao Văn Sang cũng chỉ ra thêm một số bất cập hiện nay trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Theo quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau: 3 tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng đến dưới 36 tháng; 6 tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 36 tháng đến dưới 72 tháng; 9 tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 72 tháng đến dưới 144 tháng; 12 tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 144 tháng trở lên. Với quy định này, người lao động tại TPHCM đã tự xin nghỉ việc khi đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng để hưởng 3 tháng trợ cấp rồi xin việc làm mới để được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp 1 lần (thất nghiệp ảo vì thị trường lao động đang thiếu nên dễ xin việc làm). Điều này dẫn đến quỹ bảo hiểm thất nghiệp bị lạm dụng.

Ông Cao Văn Sang đề nghị, cần theo hướng tính mức trợ cấp theo từng năm có đóng bảo hiểm thất nghiệp để tránh bị lạm dụng và khuyến khích người thất nghiệp đi tìm việc. Cụ thể là người thất nghiệp được hưởng tối thiểu 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ mỗi năm đóng bảo hiểm thất nghiệp thì tăng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 9 tháng.

HỒ VIỆT

(Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *