KHỐN KHỔ VÌ BỊ GIỮ GIẤY TỜ – BÀI 1: CÓ ÁN CŨNG CHỊU!

Nhà, đất không thể mua bán hay thế chấp, nhà hư hỏng không thể xin giấy phép sửa chữa… là tình cảnh của nhiều người khi bị người khác chiếm giữ giấy đỏ, giấy hồng.

Tòa tuyên thắng kiện, thi hành án cũng bó tay nếu bên giữ giấy không trả.

“Những tưởng khi thắng kiện thì tôi sẽ đòi lại được giấy tờ nhà nhưng từ ngày bản án có hiệu lực, đến nay đã gần bảy năm trôi qua mà bên phải thi hành án (THA) vẫn chiếm giữ giấy tờ của tôi. Cơ quan THA vào cuộc cũng không làm được gì” – bà Lương Mỹ Anh, ngụ phường 7, quận 10 (TP.HCM), bức xúc.

Bị giả mạo chữ ký vay tiền

Dẫn chúng tôi vào nhà, bà Anh than thở: “Căn nhà bị xuống cấp nặng, các bức tường đều mục hết. Mười mấy người sống chung một nhà, tôi muốn sửa chữa lại cho an toàn và khang trang hơn nhưng bao năm qua tôi không thể xin giấy phép sửa chữa chỉ vì không có giấy tờ nhà”.

Bà Anh chỉ cho chúng tôi thấy trần nhà và tường lở lói, loang lổ vết nước thấm. Bà kể, ngày nắng thì không sao nhưng khi trời mưa là nước thấm vào tường, thấm vào luôn các ổ điện nên rất nguy hiểm. “Người lớn còn đỡ, sợ nhất là trẻ em, lúc nào cũng phải nơm nớp canh chừng. Chưa kể tôi buôn bán ngoài chợ, nhiều lúc làm ăn rất cần vốn xoay vòng nhưng không thể thế chấp căn nhà này để vay ngân hàng. Bực bội lắm!” – bà Anh nói.

Rắc rối của bà Anh bắt đầu từ cuối năm 1996 khi bà đưa giấy tờ nhà cho người anh rể để nhờ ông này làm thủ tục vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Hoa – Chi nhánh Trần Hưng Đạo hơn 300 triệu đồng. Đến tháng 10-1999, bà Anh đã thanh toán toàn bộ vốn và lãi cho ngân hàng thông qua người anh rể.

Trần nhà và ổ điện trên tường nhà bà Anh thấm nước mưa loang lổ. Ảnh: T.HIỂU

Một thời gian sau, bà Anh bất ngờ khi được cơ quan điều tra Công an TP.HCM thông báo bà có vay của Ngân hàng Việt Hoa 1,7 tỉ đồng qua việc thế chấp căn nhà của bà. Bà Anh trình bày rằng mình không hề vay số tiền nói trên. Sau đó, cơ quan chức năng xác định người anh rể (đã bỏ trốn) dùng giấy tờ nhà của bà Anh và giả mạo chữ ký của bà để vay Ngân hàng Việt Hoa 1,7 tỉ đồng.

Được xác nhận là không liên quan đến vụ vay tiền trên, bà Anh khởi kiện Ngân hàng Việt Hoa ra TAND quận 5 (TP.HCM) để đòi lại bản chính giấy tờ nhà. Tòa xác minh thì thấy trước đó Ngân hàng Việt Hoa đã đem giấy tờ nhà của bà Anh “tái thế chấp” cho Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM để vay tiền. Tháng 9-2005, TAND quận 5 đưa vụ kiện ra xử sơ thẩm, tuyên buộc Ngân hàng Việt Hoa và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng có trách nhiệm trả lại giấy tờ nhà cho bà Anh.

THA cũng bó tay

Sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, bà Anh đã làm đơn yêu cầu THA. Tháng 10-2006, cơ quan THA dân sự quận 5 đã ra quyết định THA. Phía Ngân hàng Việt Hoa và Ngân hàng Nhà nước không thực hiện việc giao lại giấy tờ nhà cho bà Anh theo quyết định của cơ quan THA. Phía Ngân hàng Việt Hoa thì nói Ngân hàng Nhà nước đang giữ giấy tờ, phía Ngân hàng Nhà nước thì bảo sẽ giải chấp trả giấy tờ nhà khi nào Ngân hàng Việt Hoa trả đủ nợ vay…

Không biết làm sao, cơ quan THA dân sự quận 5 bèn gửi công văn đến UBND quận 10 đề nghị hủy bản cũ giấy tờ nhà để cấp lại bản mới cho bà Anh. Tuy nhiên, UBND quận 10 chưa thể cấp lại giấy tờ nhà vì UBND TP.HCM yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ các vấn đề liên quan đến căn nhà. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM cũng có văn bản đề nghị UBND quận 10 tạm thời chưa cấp giấy tờ mới cho bà Anh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý nợ của Ngân hàng Việt Hoa.

Một chấp hành viên Chi cục THA dân sự quận 5 cho biết: Luật THA dân sự cho phép cơ quan THA tiến hành cưỡng chế buộc người phải THA trả giấy tờ nhưng lại thiếu quy định về các chế tài cụ thể. Hướng dẫn cũng không có. Do đó, khi Ngân hàng Việt Hoa và Ngân hàng Nhà nước không chịu giao trả giấy tờ nhà cho bà Anh, cơ quan THA không biết phải cưỡng chế bằng cách nào, dùng biện pháp chế tài gì để gây sức ép… Chính vì vậy mà vụ THA của bà Anh cho đến nay vẫn đang bế tắc, chưa có hướng gỡ.

Xử lý hình sự: Chưa khả thi?

Luật THA dân sự quy định cơ quan THA dân sự, chấp hành viên có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự của người phải THA về tội không chấp hành án.

Quy định này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật nhưng thực tế thì chưa khả thi vì đây chỉ là quy định chung, để áp dụng vào thực tế cần có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, hiện cũng chưa có sự thống nhất giữa cơ quan công an, VKS và tòa án về việc có nên xử lý hình sự hay không. Vì vậy, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào chiếm giữ giấy tờ không trả mà bị xử lý về tội không chấp hành án cả.

 LÊ THỊ LỆ DUYÊNChi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 3 (TP.HCM)

Cưỡng chế trả giấy tờ

1. Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc người phải THA trả giấy tờ cho người được THA. Trường hợp người phải THA không thực hiện thì chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó trả giấy tờ để THA.

Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ giấy tờ phải trả thì chấp hành viên yêu cầu người đó giao giấy tờ đang giữ, nếu người thứ ba không tự nguyện giao thì chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó giao giấy tờ để THA.

2. Trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được THA.

Đối với giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu THA và hướng dẫn đương sự khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

(Điều 116 Luật THA dân sự)

TIẾN HIỂU

(Nguồn: Báo Pháp luật)

KHỐN KHỔ VÌ BỊ GIỮ GIẤY TỜ – BÀI 2: ĐƯỜNG NÀO CŨNG TẮC!

Thi hành án bó tay, ủy ban từ chối cấp giấy hồng mới, kiện lại tòa không thụ lý… Bế tắc, người dân không biết phải làm gì để đòi lại giấy tờ nhà đang bị một công ty chiếm giữ dù đã có quyết định của tòa.

“Quyết định của tòa tuyên trả giấy hồng cho tôi rành rành như thế, họ cố tình không chấp hành mà không ai làm gì được. Tôi không biết phải làm gì nữa” – bà Đỗ Thị Mai, ngụ phường 13, quận Gò Vấp (TP.HCM) chua chát thốt lên khi kể lại vụ việc của mình.

Thi hành án chào thua

Theo lời bà Mai, tháng 2-2009, vợ chồng bà Mai đã cho một người quen là bà PTĐ, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Viễn thông MĐ mượn giấy hồng để thế chấp ngân hàng vay tiền. Hai tuần sau khi cho mượn, ngồi suy nghĩ lại, bà Mai thấy lo lắng nên hủy ngay hợp đồng ủy quyền và đòi bà Đ. trả lại giấy tờ nhà. Tuy nhiên, bà Đ. một mực giải thích là công ty của bà đang có nhiều dự án làm ăn lớn với số vốn hàng chục tỉ đồng và khuyên bà Mai cứ yên tâm.

Quãng thời gian sau đó, bà Mai liên tục gọi điện thoại cho bà Đ. để đòi lại giấy hồng không được nên quyết định khởi kiện bà Đ. và Công ty MĐ ra TAND quận Thủ Đức. Tháng 7-2011, TAND quận Thủ Đức đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, Công ty MĐ đồng ý hủy hợp đồng ủy quyền và giao trả bản chính giấy hồng cho bà Mai.

Sau khi quyết định trên có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức đã vào cuộc, ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối với Công ty MĐ. Phía công ty này vẫn cố tình không giao trả giấy hồng cho bà Mai. Đến đây thì Chi cục Thi hành án bế tắc vì không biết cưỡng chế kiểu gì, chế tài ra sao đối với công ty.

Bà Đỗ Thị Mai bức xúc vì không cơ quan nào giúp bà lấy lại được giấy tờ nhà. Ảnh: T.HIỂU

Quận từ chối cấp giấy hồng mới

Sau đó, Chi cục Thi hành án đã làm công văn đề nghị UBND quận Gò Vấp ra quyết định thu hồi, hủy bỏ bản chính giấy hồng đã cấp cho bà Mai và cấp lại giấy mới cho bà.

Thế nhưng UBND quận đã từ chối bởi theo ủy ban, Điều 4 Nghị định 181/2004 của Chính phủ (về thi hành Luật Đất đai) quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp chỉ thực hiện khi cấp đổi giấy chứng nhận, sạt lở tự nhiên đối với cả thửa, có thay đổi ranh giới thửa đất và trong trường hợp thu hồi đất. Trường hợp đã cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng ổn định thì việc thu hồi chỉ thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của tòa đã được thi hành. Ngoài ra, Điều 25 Nghị định 88/2009 của Chính phủ (về cấp giấy đỏ, giấy hồng…) cũng quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp chỉ thực hiện trong trường hợp giấy chứng nhận đó trái với quy định của pháp luật hoặc khi có bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Từ các căn cứ trên, UBND quận Thủ Đức cho rằng giấy tờ nhà của bà Mai không thuộc trường hợp được thu hồi, cấp lại. Theo ủy ban, phía cơ quan thi hành án phải trả lại đơn yêu cầu thi hành án và hướng dẫn bà Mai khởi kiện ra tòa bằng một vụ án khác để yêu cầu tòa tuyên rõ trong bản án là UBND hủy giấy tờ cũ để cấp mới. Lúc đó, ủy ban mới có cơ sở để thực hiện theo.

Kiện lại không được

Tuy nhiên, bà Mai cũng không thể khởi kiện lại theo hướng mà ủy ban gợi ý, bởi ngày 21-9-2011, TAND Tối cao đã ra Công văn 141, hướng dẫn rằng các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất… không phải là giấy tờ có giá theo Điều 163 Bộ luật Dân sự. Do đó, ngành tòa án không thụ lý, giải quyết các yêu cầu đòi lại giấy tờ bị người khác chiếm giữ.

Chưa kể, theo một số chuyên gia, vụ đòi lại giấy tờ nhà của bà Mai vốn đã được một tòa án giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật rồi nên về nguyên tắc thì tòa không được giải quyết lại, trừ trường hợp có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Bà Mai buồn bã: “Nhà của tôi vừa qua đã bị mối mọt hết, xuống cấp trầm trọng, rất may ủy ban phường châm chước cho sửa chữa tạm để ở. Gia đình chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp lấy lại giấy tờ nhà cho chúng tôi hoặc cấp giấy mới. Chẳng lẽ quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật rồi cũng chỉ để làm cảnh, chẳng lẽ pháp luật phải chào thua, không bảo vệ được những người như chúng tôi hay sao?”.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Nhiều vụ việc cưỡng chế trả giấy tờ đến nay chưa thực hiện được cho thấy quan điểm của các cơ quan nhà nước có liên quan thiếu sự phối hợp đồng bộ. Theo tôi, cần có quy định rõ rằng cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản… cần phải cấp giấy mới cho chủ sở hữu khi cơ quan thi hành án không thể thu hồi để trả cho chủ sở hữu. Ngoài ra, tòa án cũng cần phải thụ lý đơn kiện của người dân về tranh chấp dân sự liên quan đến giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản khi có yêu cầu của người dân, cơ quan, tổ chức…

 LÊ THỊ LỆ DUYÊNChi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 3 (TP.HCM)

Phải mạnh tay hơn

Tôi nghĩ là cơ quan thi hành án cần phải mạnh tay hơn với những trường hợp cố ý không giao trả giấy tờ để răn đe chung. Cụ thể là chuyển hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc truy cứu trách nhiệm hình sự những người liên quan về hành vi không chấp hành án. Thực tiễn cũng đã có không ít vụ chây ỳ không thi hành án bị xử lý hình sự rồi.

Luật sư ĐẶNG TRƯỜNG THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

TIẾN HIỂU

(Nguồn: Báo Pháp luật)

KHỐN KHỔ VÌ BỊ GIỮ GIẤY TỜ – BÀI CUỐI: MẠNH TAY XỬ LÝ HÌNH SỰ

Hành lang pháp lý để xử lý hình sự đã có, vấn đề là cơ quan chức năng có áp dụng hay không.

Để giải quyết chuyện không chịu trả giấy tờ nhà, đất chiếm giữ của người khác, ngoài việc sửa các quy định cho đồng bộ, có chuyên gia còn cho rằng các cơ quan chức năng cần mạnh tay truy cứu trách nhiệm hình sự của người không chấp hành án…

Liên tiếp trên hai số báo qua, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh về tình cảnh của nhiều người ở TP.HCM bị người khác chiếm giữ giấy đỏ, giấy hồng nên nhà, đất không thể mua bán hay thế chấp, sửa chữa… Điều đáng nói là dù tòa tuyên buộc bên giữ giấy tờ phải giao trả nhưng nếu họ không chấp hành án thì cơ quan thi hành án (THA) cũng bó tay.

Khó chứng minh ý thức vi phạm?

Ngày 11-6, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lực (Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM) cho biết trước thực trạng trên, Cục THA TP đã từng có công văn xin ý kiến hướng dẫn của Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp).

Sau đó, Tổng cục THA hướng dẫn như sau: Trước hết, chấp hành viên phải tiến hành xác minh làm rõ giấy tờ đó hiện nay đang do ai cất giữ. Trong trường hợp xác định được người phải THA hoặc người thứ ba giữ nhưng không tự nguyện giao thì chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc người đó phải giao giấy tờ để THA theo quy định tại Điều 116 Luật THA dân sự. Nếu người đó vẫn không thực hiện theo quyết định cưỡng chế thì chấp hành viên có quyền xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự theo quy định.

Bảy năm qua kể từ lúc tòa tuyên án, giấy hồng căn nhà này của bà Lương Mỹ Anh vẫn chưa lấy lại được. Ảnh: T.HIỂU

Hướng dẫn của Tổng cục THA đã khá rõ nhưng theo ông Lực, trên thực tế việc xác định được giấy tờ đang do ai cất giữ là điều rất khó. Chẳng hạn, khi chấp hành viên đến làm việc, người phải THA chỉ cần nói rằng đã làm mất giấy tờ thì chấp hành viên cũng đành nghe vậy chứ chấp hành viên không có quyền khám xét nhà như cơ quan điều tra. Do khó chứng minh được ý thức không chấp hành án của người phải THA nên cơ quan THA không đủ căn cứ để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Theo ông Lực, các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao cần phải ngồi lại với nhau để bàn giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn, nghiên cứu để sửa Luật Đất đai, Luật THA dân sự cùng các nghị định, nghị quyết hướng dẫn… cho đồng bộ. Ngoài ra, một giải pháp khác là trong mỗi bản án, quyết định của tòa cần thòng thêm một câu “nếu không thể thu hồi được thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ cũ để cấp lại giấy tờ mới”.

Quyết tâm xử lý, vẫn được!

Ở góc nhìn ngược lại, luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) cho rằng trong một số trường hợp, cơ quan chức năng vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự của người không chịu trả giấy tờ theo bản án, quyết định của tòa để răn đe, giáo dục chung.

Luật sư Lương phân tích: Điều 118 Luật THA đã nêu rõ là nếu người phải THA không thi hành nghĩa vụ thì chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định để người đó thực hiện nghĩa vụ. Hết thời hạn đã ấn định mà người phải THA vẫn không thực hiện nghĩa vụ thì chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Cạnh đó, Điều 304 BLHS quy định rất rõ rằng người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Như vậy, hành lang pháp lý đã có, vấn đề là cơ quan chức năng có áp dụng hay không. Thực tế vẫn có những vụ chây ì THA trong lĩnh vực khác như không thực thi nghĩa vụ trả nợ đã bị khởi tố, truy tố, kết án. Mà về pháp luật hình sự thì hành vi không chấp hành án trả nợ với hành vi không chấp hành án trả giấy tờ không có gì khác nhau.

Theo luật sư Lương, có những vụ bên phải THA cương quyết không chấp hành án, không chịu trả giấy tờ dù cơ quan THA đã nhắc nhở, cưỡng chế chứ không chỉ đối phó bằng cách nói rằng làm mất. Chẳng hạn, trường hợp của bà Lương Mỹ Anh mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trên số báo ngày 10-6. Bà Anh bị anh rể lấy giấy hồng, giả mạo chữ ký để thế chấp vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Hoa 1,7 tỉ đồng. Ngân hàng Việt Hoa lại mang giấy hồng của bà Anh “tái thế chấp” cho Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM để vay tiền. Tòa tuyên Ngân hàng Việt Hoa và Ngân hàng Nhà nước cùng có trách nhiệm trả giấy hồng cho bà Anh. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước không chịu giao trả với lý do chỉ giải chấp giấy hồng khi nào Ngân hàng Việt Hoa trả đủ nợ vay…

Với trường hợp người phải THA hoặc người thứ ba khai báo rằng đã làm mất giấy tờ, luật sư Lương cho rằng cơ quan THA cần lập văn bản buộc họ xác nhận. Căn cứ vào văn bản xác nhận này, cơ quan THA và người được THA đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy tờ mới. Nếu người phải THA hoặc người thứ ba không chịu xác nhận làm mất giấy tờ, cũng không bàn giao giấy tờ theo bản án, quyết định của tòa thì đây chính là căn cứ để cơ quan THA đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của họ.

Những quy định cần đồng bộ

Khoản 2 Điều 116 Luật THA dân sự quy định trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được THA. tuy nhiên, theo Nghị định số 181 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003) và Nghị định số 88 của Chính phủ (về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất), trường hợp này không thuộc các trường hợp được cấp giấy tờ mới.

Tương tự, khoản 2 Điều 116 Luật THA dân sự cũng quy định đối với giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu thA và hướng dẫn đương sự khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết. tuy nhiên, Công văn số 141 ngày 21-9-2011 của hội đồng thẩm phán TAND tối cao lại hướng dẫn rằng các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản như giấy đỏ, giấy hồng… không phải là giấy tờ có giá. Do đó, tòa không thụ lý, giải quyết yêu cầu buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này.

________________________________________

Để dân tin

Cơ quan THA cần phải mạnh tay hơn nữa để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như thể hiện sự răn đe nghiêm khắc với các trường hợp khác. Bản án của tòa không được thực thi, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân không được bảo vệ thì còn ai tin vào công lý nữa?

Luật sư NGUYỄN THANH LƯƠNG

TIẾN HIỂU

(Nguồn: Báo Pháp luật)

NGƯỜI MUA NHÀ KHÔNG CÓ LỖI PHẢI ĐƯỢC CẤP SỔ ĐỎ

Thứ Ba, 06/08/2013, 17:18

TTO – Bộ Tài nguyên – môi trường đang chủ trì cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (giấy chứng nhận – GCN).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Mạnh Hiển

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những chủ trương mới nhằm tháo gỡ vướng mắc trong cấp GCN, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định việc cấp GCN tới đây sẽ tập trung theo hướng tháo gỡ triệt để, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân.

Thứ trưởng Hiển cho biết thêm nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2013 xác định phải cơ bản hoàn thành việc cấp GCN lần đầu cho người dân, tức là phải đạt tỉ lệ trên 85% diện tích các loại đất cần cấp. Tuy nhiên, kết quả thực hiện việc cấp GCN ở nhiều địa phương vẫn còn đạt tỉ lệ thấp so với yêu cầu.

* Trong báo cáo mới đây, Bộ TN&MT đã xác định còn nhiều tỉnh, thành có tỉ lệ cấp GCN dưới 70%, nguyên nhân được chỉ ra là gì, thưa ông?

– Hiện nay còn 22 tỉnh, thành phố được xem là “trọng điểm” cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cấp GCN. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng kết quả cấp GCN dưới mức 70% diện tích cần cấp, một số địa phương khác cũng có tình trạng còn tới 4/5 loại đất có kết quả thấp. Như vậy, phải thấy rằng số lượng tồn đọng cần cấp GCN đối với một số loại đất vẫn còn nhiều, nhất là đất chuyên dùng còn 46 tỉnh, đất ở đô thị (22 tỉnh) và đất lâm nghiệp còn 30 tỉnh, đất nông nghiệp còn 15 tỉnh và đất ở nông thôn còn 15 tỉnh.

Chỉ tính riêng số lượng tồn đọng chưa cấp GCN ở 22 tỉnh, thành phố đã chiếm tới 70% khối lượng cần thực hiện của cả nước. Trong đó, nguyên nhân của việc chậm tiến độ cấp GCN được xác định gồm: Thứ nhất: vẫn còn tình trạng UBND các cấp ở một số địa phương thiếu quyết tâm, chưa thật sự vào cuộc để chỉ đạo, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, trong thực hiện chưa chủ động tổ chức đăng ký, cấp GCN đồng loạt theo từng xã, phường mà vẫn bị động chờ người dân có nhu cầu đến đăng ký như trước đây. Cá biệt ở một số nơi còn có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân gây bức xúc trong dư luận. Tôi xin nói việc cấp GCN bây giờ không phải là giúp người dân, phải thay đổi cách nghĩ theo hướng trách nhiệm quản lý phải cấp GCN cho người dân khi đất đó có đủ điều kiện, phải cấp GCN để đảm bảo quản lý tốt hơn, vì vậy phải làm đồng loạt chứ không thể giải quyết riêng lẻ từng trường hợp.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện vẫn còn hạn chế về đầu tư kinh phí cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính. Theo chỉ thị của Thủ tướng, các tỉnh, thành phải bố trí trên 10% tiền sử dụng đất làm kinh phí cho việc cấp GCN, tuy nhiên hiện việc bố trí kinh phí không được thực hiện theo đúng yêu cầu, đây là một trong những hạn chế cần khắc phục, nếu không rất khó hoàn thành chỉ tiêu.

* Bộ TN&MT đã xác định những giải pháp “đột phá” nào để hoàn thành mục tiêu Quốc hội và Chính phủ yêu cầu?

– Đúng là để hoàn thành được mục tiêu này, nhiệm vụ của những tháng cuối năm 2013 rất nặng nề. Tuy nhiên, nhiệm vụ càng nặng nề thì trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện càng phải quyết liệt. Quan điểm của Bộ TN&MT trong chỉ đạo tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cấp GCN tới đây rất rõ ràng, đó là phải nhìn nhận việc cấp GCN cho người dân không chỉ là việc đảm bảo quyền lợi mà còn giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước quản lý hiệu quả hơn nguồn lực đất đai.

Để tháo gỡ vướng mắc, bộ đã yêu cầu 22 tỉnh, thành phố có tỉ lệ cấp GCN còn thấp cần xác định việc hoàn thành cơ bản việc cấp GCN lần đầu trong năm 2013 là nhiệm vụ chính trị quan trọng và hết sức cấp bách. Trong triển khai thì từng địa phương cần phải quan tâm bố trí kinh phí cho thực hiện đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp GCN gắn với việc giao chỉ tiêu cấp GCN cho từng huyện, xã phải thực hiện trong năm 2013.

Về giải pháp chuyên môn, UBND các tỉnh phải rà soát, ban hành quy định để giải quyết những vướng mắc do tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng ở địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đối với các trường hợp lấn chiếm hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở đã ổn định từ trước ngày 1-7-2004, nay phù hợp với quy hoạch sử dụng, bộ đã xác định giải pháp tháo gỡ là xem xét cấp GCN cho người đang sử dụng. Hoặc những địa phương chưa thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ khi cấp GCN lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân thì phải thực hiện ngay theo quy định đã được cho phép. Quan trọng nhất là vì quyền lợi của người dân mà thực hiện.

* Thưa ông, hiện nay ở Hà Nội và TP.HCM vẫn còn vài trăm nghìn căn hộ ở các dự án phát triển nhà chưa được cấp GCN. Đáng lưu ý về lý do người mua nhà bị “treo” quyền lợi cấp GCN lại do lỗi của chủ đầu tư. Bộ TN&MT sẽ giải quyết việc này ra sao?

– Đúng là ở hai thành phố hiện đang còn số lượng lớn căn hộ vướng về điều kiện cấp GCN. Những vướng mắc này đã được Bộ TN&MT chỉ ra trong quá trình kiểm tra việc cấp GCN ở một số dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM từ cuối năm 2011. Khi đó đã xác định ở hai thành phố có những vi phạm chủ yếu của chủ đầu tư dẫn tới vướng mắc phiền lụy cho người mua nhà như: xây dựng không đúng số tầng, không đúng diện tích theo quy hoạch, thiết kế, giấy phép xây dựng được cấp; vi phạm quy định về nghĩa vụ tài chính, sang nhượng dự án và một số trường hợp công ty mẹ được giao đất, nhưng việc xây dựng và ký hợp đồng bán nhà lại do công ty con thực hiện.

Những vi phạm này dẫn đến vướng mắc về mặt pháp lý khi làm thủ tục cấp GCN, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà. Trong đó còn có cả nguyên nhân do các cơ quan chức năng của hai thành phố trong quản lý, kiểm tra giám sát chưa được coi trọng, không xử lý dứt diểm. Ngay trước đây và trong chỉ đạo hiện nay, vấn đề bộ chú ý nhất, đó là những vi phạm nào thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, những vi phạm nào thuộc lỗi của người dân. Quan điểm rất rõ ràng nếu vi phạm do lỗi của chủ đầu tư thì các cơ quan chức năng của hai thành phố vẫn phải xem xét làm các thủ tục cấp GCN đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, đồng thời phải có chế tài xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư đối với từng trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng.

* Cụ thể, Bộ TN&MT đã chỉ đạo ra sao để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, thưa Thứ trưởng?

– Bộ cũng đã tham vấn ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính về giải pháp xử lý. Sau đó đã có hướng dẫn với hai thành phố, như đối với dự án vi phạm về số tầng, làm sai thiết kế thì vẫn cấp GCN cho người dân mua nhà ở những tầng không vi phạm. Hoặc trường hợp xây dựng không đúng thiết kế được duyệt, nếu xử lý phần vi phạm không ảnh hưởng đến kết cấu nhà, không làm thay đổi diện tích căn hộ thì vẫn cấp GCN cho người mua nhà ở đó.

Tương tự, đối với những dự án đang có vi phạm cần chỉ đạo xử lý dứt điểm để cấp GCN đảm bảo theo đúng nguyên tắc diện tích không vi phạm vẫn được cấp GCN và người mua nhà không có lỗi thì phải được cấp GCN. Kể cả trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng người dân đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính thì vẫn cấp GCN.

Ngoài ra, bộ cũng đã có báo cáo với Thủ tướng về trường hợp vướng mắc trong cấp GCN ở các dự án phát triển nhà ở như trường hợp công ty mẹ được giao đất thực hiện dự án, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng ủy quyền cho công ty con thực hiện dự án, sau đó công ty con ký hợp đồng mua bán nhà dưới hình thức ủy quyền của công ty mẹ thì xử lý theo hướng cấp GCN cho người mua nhà mà không phải làm lại thủ tục chuyển quyền sử dụng đất giữa công ty mẹ và công ty con, tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo các tỉnh, thành phố để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Mua đất giấy tay có thể vẫn được cấp sổ đỏ

Tại hội nghị xử lý các vướng mắc trong việc cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do Bộ TN-MT tổ chức tại Hà Nội ngày 2-8, bộ này cho biết sẽ đề nghị Chính phủ cho phép cấp GCN cho các hộ dân nếu đất có nguồn gốc đủ điều kiện cấp giấy. Theo Bộ TN-MT, hiện nay nhiều địa phương đang tồn đọng hàng ngàn trường hợp sử dụng đất chưa có GCN nhưng đã mua bán đất bằng giấy tờ viết tay, không có công chứng, chứng thực từ ngày 1-7-2004 trở lại đây. Theo quy định hiện hành, các trường hợp này không được làm thủ tục cấp GCN.

Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng cho biết việc phạt chậm nộp tiền sử dụng đất với mức tiền phạt tương đương 18%/năm, cộng thêm số tiền sử dụng đất phải nộp là khá cao, không phù hợp với thu nhập của số đông người dân. Như vậy sẽ không khuyến khích người dân làm thủ tục cấp giấy đỏ và làm ách tắc trong việc cấp GCN. Vì vậy, Bộ TN-MT cho biết sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bỏ quy định phạt chậm nộp tiền sử dụng đất khi cấp GCN.

Đất vượt hạn mức nộp tiền theo bảng giá đất

Bộ TN-MT cho biết theo quy định hiện hành, khi cấp giấy đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất vượt hạn mức giao đất ở của địa phương, phần diện tích đất ở vượt hạn mức sẽ phải thu theo giá thực tế do UBND tỉnh, TP quyết định đối với từng trường hợp. Bộ TN-MT cho biết để thực hiện quy định này, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn tính thu tiền sử dụng đất theo hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp giá thực tế.

Tuy nhiên, theo nhiều địa phương và theo Bộ TN&MT, việc thu như vậy làm cho số tiền sử dụng đất phải nộp trong trường hợp này tăng thêm quá nhiều. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến ở nhiều địa phương, người dân phản ứng không nhận GCN. Để khắc phục tình trạng này, Bộ TN-MT cho biết sẽ đề nghị sửa đổi theo hướng thu tiền sử dụng đất khi cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân thống nhất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định đối với cả diện tích trong hạn mức và vượt hạn mức giao đất ở.

XUÂN LONG thực hiện

(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

MUA NHÀ TRÊN GIẤY: KHÁCH HÀNG CẦM DAO ĐẰNG LƯỠI

Thứ Ba, 06/08/2013, 08:09

TT – Lâu nay các dự án xây dựng căn hộ vẫn thường dùng từ “góp vốn”. Thực chất đó là kiểu bán nhà trên giấy bằng cách huy động vốn từ chính người mua, rủi ro rất cao và đẩy khách hàng vào tình thế cầm dao đằng lưỡi.

Người mua nhà khốn đốn khi tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Minh Việt – chủ đầu tư dự án Tricon Tower – biến mất – Ảnh: Nguyễn Quang

Thị trường bất động sản bất động suốt hai năm qua nhưng khoảng chục ngày gần đây lại nóng lên không phải vì giá mà hàng loạt dự án bị kiện cáo do chậm tiến độ, thậm chí chủ đầu tư ôm tiền biến mất. Người mua nhà khóc dở mếu dở.

Chậm tiến độ là phổ biến

Nên đặt cọc thay vì góp vốn cho dự án

Ông Phạm Sỹ Liêm cho hay đặt cọc tức hai bên ký cam kết mua nhà, sau đó chủ đầu tư mở tài khoản, khách hàng gửi tiền vào (có hưởng lãi suất dù không cao), bên trung gian đứng ra bảo lãnh là ngân hàng. Khi chủ đầu tư thi công cần tiền thanh toán cái gì thì ngân hàng sẽ thanh toán trực tiếp, với điều kiện phải xuất trình hóa đơn mua bán (nguyên vật liệu, nhân công…) hợp lý. Như vậy, điều này sẽ loại trừ hoàn toàn nguy cơ doanh nghiệp ôm tiền của khách hàng bỏ trốn hoặc sử dụng tiền khách hàng góp cho dự án để tiêu dùng vào việc khác, dự án khác.

Dự án Tricon Tower (khu đô thị Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) theo thiết kế có ba tòa nhà cao 45 tầng với năm loại căn hộ, giá bán 1.500-1.800 USD/m2. Chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà chậm nhất là ngày 30-6-2012. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ xong tầng hầm và nằm đắp chiếu từ năm 2011.

Văn phòng chủ đầu tư của dự án là Công ty đầu tư Minh Việt (tòa nhà C1, D6, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã đóng cửa nhiều tháng nay. Có tin chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty này là ông Edward Chi – người Mỹ gốc Hoa – đã ôm hơn 400 tỉ đồng tiền góp vốn mua căn hộ dự án này biến mất.

Là một trong 128 người mua nhà ở dự án Tricon Tower, anh Huỳnh Văn Kiểm than thở suốt hai tuần nay phải bỏ làm để đến canh ở Công ty đầu tư Minh Việt đòi tiền mua nhà. “Tôi thật sự hoang mang vì không biết có đòi được tiền không? Tôi đã nộp gần 3 tỉ đồng – tương đương 70% giá trị căn hộ – từ năm 2009 nhưng đến giờ nhà không thấy đâu mà tổng giám đốc dự án thì biến mất. Từ năm 2012, chúng tôi đã làm đơn gửi Sở Xây dựng Hà Nội, Bộ Xây dựng, Công an huyện Hoài Đức… để kêu cứu nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan chức năng” – anh Kiểm nói.

Ngoài dự án Tricon Tower, chủ đầu tư dự án Usilk City (Hà Đông, Hà Nội) – Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long – thừa nhận đã mất năng lực tài chính do đầu tư vốn dàn trải khiến dự án trễ hẹn thời gian bàn giao nhà đã hơn năm rưỡi. Sau rất nhiều cuộc họp, mới đây người mua căn hộ của dự án Usilk City sẽ đứng ra quản lý tài chính dự án này. Theo đó, thay vì nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư, khách hàng đã mở tài khoản tại Ngân hàng Đầu tư phát triển VN. Tiền sẽ được nộp hằng tuần dựa trên kết quả triển khai của dự án.

Để không còn “tay không bắt giặc”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng) đề nghị cần phải loại bỏ, cấm chủ đầu tư được bán nhà trên giấy. Vì bấy lâu nay các dự án xây dựng căn hộ vẫn thường dùng từ “góp vốn”. Thực chất đó là bán nhà trên giấy bằng cách huy động vốn từ chính người mua. Đây là điều khiến khách hàng buộc phải cầm dao đằng lưỡi, rủi ro rất cao.

Giải pháp đưa ra, theo ông Liêm, để phòng rủi ro cho người mua, nên quy định người mua đặt cọc tỉ lệ số tiền nhất định mua căn hộ đó. Ông Liêm phân tích: “Tôi đã đề xuất giải pháp này tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo nhưng đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng nếu như thế doanh nghiệp sẽ không có tiền để xây dựng. Vì vậy, họ cho phép các doanh nghiệp được huy động vốn của người mua. Từ đó thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp mà chúng tôi gọi vui là “tay không bắt giặc”- trong tay không hề có đồng vốn nào vẫn có thể xây dựng dự án hoành tráng từ tiền người mua nhà góp vào”.

Ngoài ra, theo ông Liêm, có một phương án khác là người dân có thể tự đứng ra tổ chức góp tiền cho dự án, rồi sau đó thuê một hợp tác xã xây dựng. Đây là cách không chỉ đảm bảo cho dòng tiền an toàn mà còn góp phần hạ giá thành sản phẩm căn hộ, giá thành phí quản lý…

Về góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trần Nam, thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết tình trạng dự án phải dừng thi công do thiếu vốn là khá phổ biến, gây lãng phí và bất ổn xã hội. Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ bàn bạc với Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng cấp vốn hỗ trợ dự án bất động sản với tinh thần ngân hàng cam kết không khấu trừ, thu hồi ngay dòng tiền đầu tư cho dự án nhà ở.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng khẳng định để nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác quản lý đầu tư dự án, Luật xây dựng sửa đổi tới đây sẽ quy định mô hình ban quản lý dự án theo khu vực để quản lý, đồng thời làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các chủ thể tham gia thực hiện dự án. Ngoài ra, luật sẽ sửa đổi theo hướng các dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau sẽ được quản lý theo các phương thức và mức độ khác nhau, trong đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung vào quản lý về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng, chi phí đầu tư, dự toán… Bên cạnh đó, dự án bất động sản sẽ phải mua bảo hiểm.

L.THANH – L.HOÀI

(Nguồn : Báo Tuổi Trẻ)

KHÔNG HÒA GIẢI, CHỦ TỊCH PHƯỜNG BỊ KIỆN

26/08/2013 – 06:00

Đây là vụ kiện hành chính hiếm hoi đối với hành vi không hành động trong hoạt động công vụ của người được giao chức trách, nhiệm vụ theo pháp luật.

Ngày 22-8, TAND thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã nhận đơn khởi kiện của bà Phạm Thị Quỳnh Hoa kiện hành vi không tiến hành việc hòa giải của chủ tịch UBND phường Đông Hòa (thị xã Dĩ An) trong một vụ tranh chấp đất đai. Trước đó, tòa này không nhận đơn khởi kiện khiến bà Hoa phải làm đơn khiếu nại gửi chánh án TAND thị xã và TAND tỉnh. Sau đó, TAND thị xã đã mời bà Hoa lên làm việc và thông báo nhận hồ sơ khởi kiện.

Phường từ chối hòa giải

Theo trình bày của bà Hoa, sau khi cha mẹ bà mất có để lại cho chị em bà hơn 5.000 mđất tại phường Đông Hòa (giáp ranh khu ĐH Quốc gia TP.HCM). Đất này được cấp giấy đỏ từ năm 1997, sau khi cha mẹ mất chị em bà vẫn đóng thuế đầy đủ.

Bà Phạm Thị Quỳnh Hoa, người khởi kiện hành chính chủ tịch phường ra tòa. Ảnh: T.TÙNG

Ngày 20-6-2013, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi đất thuộc địa bàn hai phường Bình An và Đông Hòa để giao cho ĐH Quốc gia bồi thường giải phóng mặt bằng và sử dụng theo quy hoạch. Tuy nhiên, trong số các hộ gia đình bị thu hồi lại không thấy có tên, thửa đất tại tờ bản đồ của gia đình bà theo giấy chứng nhận đã cấp. Trong khi thực tế phần đất trên đã được ĐH Quốc gia xây tường rào bao quanh.

Cho rằng việc sót lọt đất của gia đình ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình (không được nhận tiền đền bù), bà Hoa đã khởi kiện giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM về việc tranh chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, TAND thị xã đã trả lại đơn kiện (vụ án dân sự) này vì lý do trong hồ sơ chưa có biên bản hòa giải của UBND phường Đông Hòa theo luật định. (Theo luật, tòa chỉ thụ lý vụ kiện về đất đai khi xã, phường đã hòa giải không thành.)

Nhận lại hồ sơ, bà Hoa đến UBND phường Đông Hòa yêu cầu được hòa giải thì bị UBND phường từ chối. Bà Hoa kể: “Ngày 28-6-2013, tôi mang hồ sơ đến gặp cán bộ tư pháp phường yêu cầu hòa giải thì người này bảo tôi liên hệ với UBND thị xã để giải quyết vì phường không có chức năng giải quyết…”. Chiều cùng ngày, bà Hoa đã khiếu nại về hành vi của cán bộ tư pháp đến chủ tịch phường này nhưng bà không nhận được văn bản giải quyết khiếu nại. Một tháng sau, bà Hoa lên phường hỏi thì được trả lời bằng miệng rằng: “Phường sẽ không hòa giải”.

Yêu cầu khởi kiện có căn cứ

Ngày 19-8, bà Hoa đã làm đơn khởi kiện hành chính hành vi không hòa giải của chủ tịch UBND phường Đông Hòa. Bà Hoa yêu cầu tòa tuyên buộc chủ tịch phường phải mời bà và đại diện ĐH Quốc Gia TP.HCM đến hòa giải và lập biên bản hòa giải về vụ tranh chấp đất, theo quy định pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu khởi kiện của bà Hoa là hoàn toàn có căn cứ, tòa phải thụ lý giải quyết, còn việc có chấp nhận tuyên buộc phường phải hòa giải hay không là chuyện khác.

Theo luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), chỉ cần khi người dân có đơn khiếu nại và khởi kiện thì UBND xã, phường phải tổ chức hòa giải. Đằng này tòa đã hướng dẫn bà Hoa về phường hòa giải mà cơ quan này vẫn từ chối thì bà khởi kiện là đúng theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính. Bởi biên bản hòa giải tại phường là sự kiện pháp lý ghi nhận lại yêu cầu khiếu nại, kiến nghị hoặc tố cáo của các bên đương sự. Tính chất của hòa giải là giảm thiểu các vụ việc cho tòa án, nên khâu này rất quan trọng. Nếu các bên thương lượng được với nhau thì phường lập biên bản hòa giải thành, không phải nhờ tòa án, đỡ mất thời gian, công sức. Cho nên khi chủ tịch phường có hành vi từ chối nhiệm vụ mà luật quy định thì người dân có quyền khởi kiện.

Đồng tình, luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) phân tích khi việc hòa giải trở thành bắt buộc thì người đứng đầu phường, xã phải làm, không nên viện cớ này nọ để từ chối. Việc có cơ sở thụ lý vụ án hay không, thẩm quyền giải quyết thế nào thì do tòa án quyết định, ủy ban không thể tự ý cho rằng “việc này không thuộc thẩm quyền của mình”. Theo luật sư Triết, trường hợp này tòa nên chấp nhận yêu cầu của bà Hoa, buộc chủ tịch phường phải tổ chức hòa giải để bà Hoa đủ điều kiện khởi kiện (dân sự) ra tòa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có tình tiết mới.

Luật buộc làm mà anh không làm thì bị kiện

Theo Điều 135 và khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai, trước khi khởi kiện ra tòa về tranh chấp đất thì phải có hòa giải ở UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất. Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND xã, phường, thị trấn nhận được đơn.

khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính định nghĩa: Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Theo luật, nếu thấy hành vi hành chính của người có thẩm quyền ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì đương sự có quyền khởi kiện.

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp luật TpHCM)

MỘT MẢNH ĐẤT BÁN CHO NHIỀU NGƯỜI – BÀI 1: NGƯỜI MUA CHỊU THIỆT!

Bà Hoa, bà Hà còn bàng hoàng hơn khi biết mảnh đất trên đã được vợ chồng ông K. âm thầm giải chấp ngân hàng rồi chuyển nhượng cho người khác.

Hiện tượng này đã xuất hiện khá nhiều trong thời gian qua. Người mua mất tiền tỉ nhưng đất không có, công an không xử lý hình sự, kiện tụng thì nhiêu khê vất vả, có thắng kiện cũng không biết khi nào mới lấy lại được tiền…

Những ngày này, vợ chồng ông TTK (huyện Phú Giáo, Bình Dương) đang bị nhiều người tố cáo vì hành vi lừa bán một mảnh đất cho nhiều người. Những người đã lỡ bỏ tiền tỉ mua đất “ảo” yêu cầu khởi tố vợ chồng ông K. vì cho rằng hành vi lừa đảo đã rõ ràng nhưng công an huyện lúc thì bảo là dân sự, khi thì lại chần chừ chưa có kết luận.

Đất thế chấp vẫn bán cho nhiều người

Bà Phạm Lệ Hà, ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa (Phú Giáo) còn nhớ như in thời điểm tháng 6-2010, khi vợ chồng ông K. đến nhà bà “gả” bán cho bà một mảnh đất cao su rộng hơn 32.000 m2 ở xã Tam Lập với giá 3 tỉ đồng. Bà Hà kể: “Thấy mảnh đất trồng cao su hai năm tuổi có giá cả quá hợp lý, vợ chồng ông K. lại cam kết đất không có tranh chấp, sẽ sớm làm thủ tục chuyển nhượng nên tôi đồng ý mua và đặt cọc ngay 450 triệu đồng”.

Bà Phạm Lệ Hà trình bày việc mình bị lừa mua đất. Ảnh: THANH TÙNG

Sau nhiều lần bà Hà thanh toán với tổng số tiền lên tới 2,1 tỉ đồng, tháng 5-2012, hai bên đã ra UBND xã Tam Lập chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Lúc làm hợp đồng thì ông K. (người đứng tên trên giấy đỏ) không có mặt nhưng cán bộ xã vẫn cho bà Hà ký vào hợp đồng và nói sẽ bổ sung chữ ký của ông K. sau.

Sau đó, bà Hà phát hiện ra giấy đỏ mảnh đất trên đang được ông K. thế chấp ngân hàng từ đầu năm 2007 nên không thể hoàn tất hồ sơ đăng bộ tại UBND huyện. Sau đó, phía ông K. làm cam kết sẽ sớm lấy giấy đỏ ra để hoàn tất thủ tục nhưng không thực hiện.

Tìm hiểu, bà Hà phát hiện ra là một tháng trước khi bán đất cho mình, vợ chồng ông K. đã mang mảnh đất ấy thế chấp cho bà Tôn Thị Hoa (cùng ngụ xã Vĩnh Hòa) để vay 1,5 tỉ đồng.

Theo tố cáo của bà Hoa, khi đến hẹn nhưng không có tiền trả nợ, vợ chồng ông K. đã làm hợp đồng tay với nội dung bán đứt mảnh đất này cho bà với giá 2 tỉ đồng. Thấy rẻ nên tháng 4-2011, bà đã đưa thêm cho vợ chồng ông K. 500 triệu đồng nữa và chờ ngày giao đất.

Thậm chí trong thời gian chờ giao đất, bà Hoa còn tin tưởng cho vợ chồng ông K. mượn thêm 1 tỉ đồng. Tổng cộng, bà đã bỏ ra cho vợ chồng ông K. 3 tỉ đồng. Chờ mãi không thấy ông K. giao đất, bà Hoa tìm hiểu thì mới té ngửa khi biết không chỉ có một mình bà bị mất tiền tỉ cho vợ chồng ông K.

Bà Hoa với bà Hà còn bàng hoàng hơn khi biết mảnh đất trên đã được vợ chồng ông K. âm thầm giải chấp ngân hàng rồi chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Tháng 7-2013, bà Thảo mang giấy đỏ đến UBND xã Tam Lập yêu cầu xác nhận tình trạng đất thì ủy ban đã từ chối với lý do đất đang có tranh chấp.

Xử lý lúng túng

Không còn cách nào khác, cả bà Hà lẫn bà Hoa đã làm đơn tố cáo vợ chồng ông K. ra UBND xã Tam Lập và Công an huyện Phú Giáo. Trong các phiên hòa giải do UBND xã Tam Lập tổ chức, ông K. đều vắng mặt, chỉ có vợ ông đến dự. Bà này thừa nhận các nội dung tố cáo của bà hà và bà Hoa là đúng nhưng nói do không có tiền nên trước mắt không thể trả cho ai.

Sau khi nhận được tố cáo, ngày 31-5, Công an huyện Phú Giáo có văn bản trả lời cho bà Hà và bà Hoa cùng với nội dung sau: “Qua nghiên cứu công an nhận thấy đây là vụ việc dân sự, không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Đề nghị bà liên hệ với TAND huyện để được giải quyết theo pháp luật”.

Tuy nhiên, sau khi bà Hà và bà Hoa khiếu nại quyết liệt vì cho rằng dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông K. đối với họ đã rất rõ, mới đây công an huyện đã mời hai bà lên yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ để làm cơ sở xác minh.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Trú (Phó Trưởng Công an huyện Phú Giáo) cho biết công an vẫn đang tiến hành xác minh các bên liên quan nên chưa thể đưa ra kết luận chính xác. “Chúng tôi sẽ tìm hiểu và tách biệt các mối quan hệ ra để làm rõ sự việc” – ông Trú nói.

Dấu hiệu lừa đảo rất rõ

Vợ chồng ông K. đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Hà khi chuyển nhượng mảnh đất đã đem thế chấp tại ngân hàng mà không có sự đồng ý của ngân hàng. Tương tự, việc vợ chồng ông K. tự ý thế chấp mảnh đất cho bà Hoa và chuyển nhượng giấy tay để cấn trừ nợ mà không được sự đồng ý của ngân hàng cũng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Hoa. Bằng thủ đoạn gian dối, vợ chồng ông K. đã dùng một mảnh đất đang thế chấp ngân hàng bán hai lần mà không được sự đồng ý của ngân hàng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hai người.

TS PHAN ANH TUẤNTrưởng bộ môn Luật hình sự, khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Nhận nợ nhưng “không biết khi nào trả”

Một người khác cũng tố cáo vợ chồng ông K. là ông Phạm Trọng Tiên (cán bộ xã Tam Lập). Ông Tiên kể: “Tháng 8-2012, vợ chồng ông K. hỏi mượn giấy đỏ đất tôi để thế chấp ngân hàng vay tiền làm ăn. Chỗ quen biết, tôi đồng ý đứng tên vay giúp ông K. 1,5 tỉ đồng. Tôi tin tưởng vì hai bên đã ra xã làm hợp đồng vay tiền. Nào ngờ sau đó vợ chồng ông K. tuyên bố hết tiền khiến tôi phải ôm cục nợ”.

Tại phiên hòa giải ở xã Tam Lập, vợ ông K. thừa nhận có nhờ ông Tiên vay tiền nhưng cũng nói: “Không biết khi nào trả được”.

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

MỘT MẢNH ĐẤT BÁN CHO NHIỀU NGƯỜI – BÀI 2: MẤT TIỀN VÌ HAM ĐẤT RẺ

11/09/2013 – 06:20

Người mua ham đất rẻ, sẵn sàng giao dịch giấy tay không đúng quy định, không có gì đảm bảo chắc chắn, tạo điều kiện cho người bán dễ dàng lấy tiền…

Trước đây, ông Nguyễn Văn Hà được bạn giới thiệu đến gặp ông NMC (ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) để hỏi mua một lô đất. Ông C. thông tin rằng đây là đất mình mua trước đó, nay không có nhu cầu sử dụng nên sẽ bán lại cho ông Hà với “giá mềm”.

Mua trúng đất “ảo”

Đầu năm 2011, khi ông Hà đi xem đất, ông C. cho biết đó là lô số 14A và chỉ cho xem một nền đất nằm cuối một khu đất ruộng lớn, được xây viền gạch đỏ bao quanh. Sau đó, ông C. đưa ra một tờ photo bản đồ hiện trạng vị trí đánh dấu vào ô bán cho ông Hà và nói để sau này bổ túc hồ sơ xin chuyển quyền sử dụng đất, kèm theo bản photo giấy chủ quyền đất của người chủ cũ và mẫu giấy mua bán đất do ông C. đứng tên bán.

Sau khi trả tiền (110 triệu đồng) xong, ông Hà và ông C. cùng ký tên vào giấy mua bán đất, đồng thời ấn dấu vân tay vào nơi có chữ ký mà không ra công chứng. Hồ sơ giao cho ông Hà khi mua bán xong gồm những giấy tờ photo trên kèm theo sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân của ông C. (cũng là bản photo).

Lô đất “ảo” xây viền lấn qua đất người khác mà ông Hà đã tin tưởng mua của ông C. Ảnh: TH.HIẾU

Cuối năm 2012, ông Hà đến thăm đất thì té ngửa vì không còn thấy viền gạch làm ranh của lô đất. Ông dò hỏi những người xung quanh mới biết lô đất số 14A mà ông C. bán cho ông hoàn toàn không có. Hóa ra sau khi ông C. phân lô bán nền thì còn thừa lại một mẩu đất nhỏ. Ông C. bèn lấy gạch đỏ xây viền lấn chiếm đất của người khác thành một nền hoàn chỉnh rồi bán cho ông Hà. Vì vậy, khi phát hiện ra, người chủ thửa đất lớn bị lấn chiếm đã phá bỏ hàng gạch xây làm viền của lô đất “ảo” này.

Sau nhiều lần ông Hà tới lui chất vấn, ông C. mới chịu thừa nhận đã lập hồ sơ khống bán đất “ảo” cho ông để lấy tiền tiêu xài. Ông Hà đòi tiền, ông C. không chịu trả mà hứa sẽ mua một lô đất khác trả. Vài ngày sau, ông C. gọi ông Hà đến rồi giao cho ông bộ hồ sơ photo của lô đất số 13 và nói mua lại của một người khác để đền lại cho ông. Chỉ muốn lấy lại tiền, ông Hà không đồng ý nhận đất này thì ông C. tỏ thái độ hăm dọa, thách thức.

Do nghi ngờ ông C. lừa đảo bán đất “ảo” cho nhiều người khác như mình nên ông Hà vờ nhận bộ hồ sơ để tìm hiểu. ông mới biết lô đất số 13 này ông C. đã bán cho một phụ nữ với giá 76 triệu đồng từ đầu năm 2009, sau đó lại đem bán tiếp cho một người đàn ông vào cuối năm 2009.

Ông Hà tố cáo ông C. ra Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM). Hiện cơ quan công an đang tiến hành xác minh, làm rõ.

Không nơi nào giải quyết

Mấy tháng nay, các ông bà Trần Quang Thụ, Phan Văn Bình, Bùi Thị Lập, Lý Thị Thủy và một số người khác (cùng ngụ phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã khiếu nại khắp nơi về việc họ bị bà NTBT lừa bán đất nhưng không cơ quan nào giải quyết.

Theo đơn tố cáo của những người dân này, họ nghe thông tin bà T. ngụ cùng phường có khu đất khá lớn ở xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) đang phân lô bán nền nên tìm hỏi mua. Bà T. hứa hẹn bán cho mỗi người một lô đất diện tích từ 80 m2 đến 160 m2 tại đây với giá từ 120 triệu đồng đến 280 triệu đồng/lô. Tất cả thủ tục mua bán được hai bên thực hiện bằng giấy tay. Theo giao kết, bên phía bà T. sẽ tiến hành làm hồ sơ thủ tục cho bên mua đến cấp xã, có bản vẽ tách thửa kèm theo và mọi chi phí sẽ do bà T. chịu.

Ham đất rẻ, các hộ dân đã giao tiền trước cho bà T. để rồi sau đó phải bắt đầu chuỗi ngày “truy tìm, đuổi bắt” yêu cầu bà T. làm thủ tục sang tên. Hết lần này đến lần khác, bà T. viện đủ lý do để tránh né việc làm thủ tục sang tên các lô đất. Căng thẳng lên đến cao trào khi những người mua đi thăm đất mới biết lô đất mà bà T. bán cho mình đã được bà ta đem bán cho nhiều người khác. Những người mua sau đã cắm cọc bao quanh toàn bộ khu vực để giữ đất và đi tố cáo với công an địa phương. Lúc này, bà T. đã “cao chạy xa bay”, dọn đi không còn ở nơi cư trú cũ nữa.

Ông Thụ bức xúc: “Chúng tôi cầm đơn đến tố cáo với Công an quận Gò Vấp thì cán bộ nơi đây nói sự việc xảy ra ở huyện Hóc Môn và chỉ chúng tôi lên đó. Tới Công an huyện Hóc Môn, cán bộ nơi này bảo đây là quan hệ dân sự vì việc mua bán đất có giấy tay. Chúng tôi qua tòa thì tòa không nhận đơn vì cho rằng hành vi bán một lô đất cho nhiều người để nhận tiền của bà T. có dấu hiệu của tội lừa đảo, phải tố cáo đến công an mới đúng. Cứ thế, giờ đây chúng tôi không biết phải nhờ cơ quan nào giải quyết cho chúng tôi cả”.

Người mua đất phải cẩn trọng

Về nguyên tắc, người dân khi mua đất là phải tìm hiểu rõ về tính pháp lý của lô đất muốn mua tại UBND xã, ít nhất là phải có các thông tin như có đúng là đất của người bán hay không, đất đang có tranh chấp hay không, quy hoạch ra sao, có thể cất nhà không… Hiện nay, rất nhiều người dân vì ham đất giá rẻ nên chấp nhận giao dịch bằng các giấy tay và các hồ sơ photo, không được cơ quan chức năng công chứng, chứng nhận. Vì vậy, khả năng người mua gặp phải rủi ro, tranh chấp là rất lớn.

Theo chúng tôi, trường hợp mua bán giấy tay (hợp đồng tay) có tranh chấp thì là quan hệ dân sự, người dân phải khởi kiện tại tòa án để được giải quyết. Còn nếu người bán chỉ có một lô đất mà bán cho nhiều người thì rõ ràng là lừa đảo, thuộc trách nhiệm xử lý của cơ quan điều tra. Trường hợp không có đất mà vẫn cố tình chỉ đại để bán “đất ảo” cho người khác lấy tiền thì cũng bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá NGUYỄN VĂN QUÝPhó Trưởng Công an huyện
Bình Chánh (TP.HCM)

THÁI HIẾU

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

MỘT MẢNH ĐẤT BÁN CHO NHIỀU NGƯỜI – BÀI CUỐI: VÌ SAO ÍT XỬ LÝ HÌNH SỰ?

12/09/2013 – 06:20

Thực tế cho thấy cơ quan công an ít khi xử lý hình sự những vụ tố cáo lừa đảo mua bán đất và thường cho là giao dịch dân sự nên hướng dẫn người tố cáo về viết đơn khởi kiện. Vì sao?

Một điều tra viên Công an TP.HCM cho biết cơ sở pháp lý là các quy định liên quan trong BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành để xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đã ổn. Nhưng trên thực tế, cơ quan điều tra rất khó khăn trong việc xác định ý thức chiếm đoạt tài sản cũng như chứng cứ trong các vụ chuyển nhượng đất này để định tội.

Sự cẩn trọng cần thiết?

Cụ thể, hầu hết các vụ này ngay từ đầu đều có yếu tố giao dịch dân sự, các bên làm giấy tay hoặc hợp đồng chuyển nhượng nhưng không được công chứng, chứng thực. Do đó ý thức chiếm đoạt tài sản của người bán là không rõ ràng. Trong quá trình giao dịch sau đó, người bán mới khéo léo bằng cách này, cách khác dẫn dắt người mua giao dịch không đúng trình tự, thủ tục. Đến khi bị tố cáo thì họ lại tìm nhiều cớ đẩy lỗi cho người mua như giao tiền không đúng cam kết, trả không đủ tiền…

Vì vậy, trong quá trình xác minh làm rõ, cơ quan điều tra sẽ phải rất thận trọng. Sự cẩn trọng này là cần thiết vì nếu không cẩn thận sẽ làm oan, hình sự hóa quan hệ dân sự. Lúc đó hậu quả pháp lý sẽ rất nặng nề và ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

Nhiều người đang tố cáo vợ chồng ông TTK ở Phú Giáo (Bình Dương) đã đem mảnh đất trồng cao su này lừa bán cho nhiều người. Ảnh: THANH TÙNG

Theo Thẩm phán Nguyễn Khắc Linh Duy (Phó Chánh án TAND huyện Đức Hòa, Long An), việc khó xử lý hình sự các tranh chấp chuyển nhượng đất còn có yếu tố do chính bản thân người mua cũng có lỗi. Trước khi mua, họ không tìm hiểu rõ tình trạng pháp lý của đất đai, sau đó dễ dàng đưa tiền cho người bán mà không chịu thực hiện đúng các quy định về chuyển nhượng đất, dễ dàng bị người bán dẫn dắt trong khi không có gì bảo đảm. Thậm chí không ít trường hợp ngay từ đầu người mua đã biết mảnh đất đó không đảm bảo về mặt pháp lý như chưa có giấy tờ, giấy tờ đang thế chấp tại ngân hàng, giấy tờ đứng tên người khác… nhưng vẫn dại dột nghe lời người bán “bắt tay lách luật”, tạo sơ hở cho người bán lấy tiền.

“Thực tế hiện tượng này đã trở nên khá phổ biến và đang có dấu hiệu gia tăng trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn. Có thể do người mua nhận thức pháp luật yếu và có tâm lý hám rẻ, vì lợi ích trước mắt nên coi thường quy định. Việc công an có khởi tố hình sự phía người bán hay không chỉ là xử lý phần ngọn, khi hậu quả đã xảy ra rồi. Cái gốc để giải quyết tình trạng này phải bắt đầu từ ý thức của người đi mua đất. Nếu họ cẩn thận, làm đúng quy định thì khó có ai mà lừa được” – Thẩm phán Duy khẳng định.

Tùy trường hợp, tình huống

Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM), về nguyên tắc, nếu một mảnh đất đã bán cho người khác rồi lại tiếp tục bán cho người khác nữa thì đây là hành vi lừa đảo. Tương tự, không phải đất của mình mà nói dối để bán lấy tiền cũng là hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, cũng phải xét từng trường hợp cụ thể với các tình tiết, quan hệ cụ thể.

Theo TS Tuấn, cần phân biệt như sau: Là quan hệ dân sự nếu người bán là chủ sử dụng hợp pháp của lô đất làm hợp đồng bán cho người khác, sau đó các bên đổi ý không mua bán nữa hoặc đất vướng quy hoạch hay vì lý do khách quan nào đó khiến hợp đồng không thực hiện được. Nếu các bên giao kết bằng hợp đồng không có công chứng, chứng thực mà xảy ra các tình huống trên thì cũng chỉ là quan hệ dân sự.

Trong trường hợp trên thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người bán vì ngay từ đầu họ không có ý định chiếm đoạt tiền của người mua. Lý do hai bên không thực hiện được việc mua bán không xuất phát từ mục đích chiếm đoạt tiền. Để giải quyết hậu quả, người mua có thể khởi kiện người bán ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng để lấy lại tiền hoặc tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng.

Đồng tình, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng để xử lý hình sự về tội lừa đảo thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được ba yếu tố là có hành vi chiếm đoạt tài sản, có thủ đoạn gian dối và có ý thức chiếm đoạt tài sản. “Nếu ngay từ đầu người bán không dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin về tài sản đúng sự thật, sau đó do thay đổi ý chí hoặc do trục trặc về thủ tục mà gây thiệt hại cho người mua và những người liên quan thì cũng chỉ là quan hệ dân sự. Nếu khởi tố thì sẽ rất gượng ép vì không chứng minh được ý thức chiếm đoạt”.

Còn với những vụ mà người bán đã có ý thức chiếm đoạt ngay từ đầu qua việc cố tình đưa ra những thông tin sai về tài sản, bịa ra những chuyện không có thật, dù không có trục trặc gì vẫn âm thầm đem một mảnh đất bán cho nhiều người, lừa dối người mua để bán đất “ảo”… thì rõ ràng đã cấu thành tội lừa đảo theo TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) và luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM). “Yếu tố người bán có viết giấy giao dịch hay không, có nhận nợ hay không, có bỏ trốn hay không… không quan trọng trong việc định tội. Vấn đề còn lại là công an có quyết liệt làm hay không mà thôi” – TS Hưng nói.

Một số vụ ở tù vì lừa bán đất

Tháng 12-2012, TAND quận Bình Tân (TP.HCM) đã tuyên phạt Trần Thị Bé chín năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2001, Bé xây một căn nhà không số ở đường Mã Lò (phường Bình Trị Đông A), đến tháng 5-2009 thì viết giấy tay bán cho chị Nguyễn Thị Ngọc Mai. Hơn một năm sau, cũng căn nhà này, Bé lại bán tiếp cho chị Đỗ Nguyệt Nương lấy 200 triệu đồng. Sau nhiều lần yêu cầu giao nhà nhưng không được, chị Nương tố cáo Bé. Tại cơ quan điều tra, Bé còn khai trong thời gian trên, bị cáo còn lấy đất của người khác nói dối là của mình mua chưa sang tên để lừa ông Nguyễn Lập Thiệt và bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, lấy được hơn 140 triệu đồng tiền đặt cọc mua đất.

Tháng 4-2012, TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hùng 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Hùng thành lập DNTN Thành Sơn chuyên tư vấn về nhà đất tại huyện Cần Đước. Sau đó Hùng làm hợp đồng tay mua của ông Lưu Văn Triết 4.000 m2 đất với giá hơn 1,4 tỉ đồng nhưng không giao tiền nên ông Triết hủy bỏ việc mua bán. Sau đó, Hùng lại dùng thủ đoạn lấy danh nghĩa DNTN Thành Sơn bán lô đất trên cho ông Mai Văn Chính với giá 2 tỉ đồng. Do không biết nên ông Chính giao trước cho Hùng 1 tỉ đồng và chờ ngày lấy sổ. Hùng lập khống hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Chính với ông Triết. Tin tưởng, ông Chính lại giao tiếp cho Hùng 600 triệu đồng. Hùng lấy tiền rồi bỏ trốn…

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

NHÀ DỰ ÁN: SẼ CẤP THẲNG GIẤY HỒNG CHO DÂN

18/09/2013 – 05:55

Trong tháng 9, TP thu hồi 86 dự án treo nhưng chủ đầu tư không xin gia hạn.

“Đối với các chủ đầu tư chây ỳ, không làm thủ tục cấp giấy cho dân, kiến nghị UBND TP cho phép người dân nộp thẳng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận tại UBND quận, huyện mà không cần thông qua chủ đầu tư xác nhận” – ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP, ngày 17-9.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, thống nhất ngay với kiến nghị của Sở TN&MT. Ông Tín nhấn mạnh: Cần có biện pháp chế tài nặng với các chủ đầu tư cố tình cù nhầy không làm thủ tục cấp giấy cho dân, dù đã bàn giao nhà và người dân cũng đã đóng đủ tiền cho chủ đầu tư. Ông Tín yêu cầu các quận, huyện nắm lại số lượng căn hộ chưa được cấp giấy hồng. Sở TN&MT sẽ hướng dẫn quận, huyện thực hiện thủ tục cấp giấy cho các đối tượng này.

Nhiều hộ dân trong các dự án đã ở lâu năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Ảnh: HTD

Tại cuộc họp, nhiều quận, huyện báo cáo: Đến 30-9 sẽ hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận lần đầu cho người dân theo chỉ đạo của UBND TP. Riêng các quận 4, 11 và Bình Chánh (hiện còn tồn nhiều hồ sơ chưa cấp giấy) đều hứa với TP từ nay tới cuối năm sẽ hoàn thành công tác này.

Liên quan đến quy trình cấp giấy, hiện đa số các địa phương đều thực hiện đúng quy định giải quyết hồ sơ trong vòng 50 ngày. Một số quận, huyện như Củ Chi, Tân Bình còn giải quyết cho người dân chỉ trong vòng 33 đến 43 ngày. Tuy nhiên, Sở TN&MT cho biết: Dù TP đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho công tác cấp giấy nhưng vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện quyết liệt. Điển hình như tình trạng vi phạm xây dựng (xây vượt chiều cao, sai mẫu nhà, sai thiết kế được duyệt…) tại một số dự án phát triển nhà ở của quận 9 (dự án khu dân cư Gia Hòa), Gò Vấp (dự án khu dân cư của Công ty Phát triển Nhà Gò Vấp), quận 5 (dự án của Công ty Phúc Thịnh)…

Ngoài ra, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, báo cáo thêm: Hiện vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến công tác cấp giấy là chính sách về thu tiền sử dụng đất còn bất hợp lý. Do vấn đề này chưa được tháo gỡ nên nhiều người dân không muốn đăng ký xin cấp giấy.

Tại cuộc họp, Sở TN&MT kiến nghị ngay trong tháng 9 sẽ thu hồi 86 dự án đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đến nay không có chủ đầu tư nào xin gia hạn. Đối với 175 dự án phúc lợi công cộng (trường học, bệnh viện, hạ tầng kỹ thuật…), TP yêu cầu vẫn tiếp tục thực hiện và các quận, huyện phải chịu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ.

2.000 hộ dân tại Bình Thạnh sẽ hết “treo” giấy hồng

UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận thanh tra Công ty TNHH một thành viên Địa ốc Bình Thạnh (tên cũ là Công ty Phát triển Nhà Bình Thạnh). Theo đó, khoảng 2.000 hộ dân tại 14 dự án chung cư của Công ty Địa ốc Bình Thạnh đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ được giải quyết cấp giấy chứng nhận (xem thêm bài “Gần 2.000 hộ dân bị “treo” sổ hồng” trên Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 1-7).

Thông báo của UBND TP cũng nêu với các dự án chưa hoàn tất việc bồi thường và chủ đầu tư không thể thực hiện tiếp, quận Bình Thạnh phải xem xét đề xuất điều chỉnh ranh giao đất theo hiện trạng đã bồi thường. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp kinh phí tương ứng với giá trị phần cơ sở hạ tầng của dự án chưa thực hiện để quận Bình Thạnh thực hiện đầu tư cho đồng bộ với dự án.

TP cũng yêu cầu quận Bình Thạnh xác định khoản kinh phí bắt buộc chủ đầu tư phải ký quỹ để hoàn thành dự án theo tiến độ đã cam kết. Công ty Địa ốc Bình Thạnh phải nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo nội dung kết luận thanh tra, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

VIỆT HOA

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)