TRÁNH ĐỔ VỠ TRONG HÔN NHÂN

Tránh đổ vỡ trong hôn nhân. Bạn và bạn đời có đang cân nhắc xem liệu tiếp tục chung sống hay chia tay? Cảm xúc của con bạn có bị tổn thương vì những cuộc cãi vã của bố mẹ chúng? Những lời khuyên sau có thể giúp thay đổi tình hình và cải thiện cuộc hôn nhân bên bờ vực của sự đổ vỡ.

Bước 1

Một trong những cách nhanh nhất để thay đổi diện mạo của hôn nhân là quay trở lại những kỷ niệm và ảnh ngày hai người thành vợ thành chồng, hoặc đọc lại những bài thơ hay thư tình mà hai người đã từng viết cho nhau. Để làm việc đó thành công, hai bạn cần có không gian riêng, không bị bọn trẻ quấy rầy trong suốt buổi tối yên tĩnh. Chỉ cần lấy những bức ảnh, lá thư ra và đọc chúng rồi nhìn bạn đời với ánh mắt đầy yêu thương.

Bước 2
Thẳng thắn với nhau và không dùng những từ ngữ như “không bao giờ”, “luôn luôn” vì chúng gây nhiều tổn thương cho các mối quan hệ. Bạn cần nhận ra rằng tình yêu không chỉ là cảm giác vì bạn không cảm thấy được yêu khi nó không được chứng tỏ. Tình yêu là những hành động các bạn làm cho nhau. Trong kinh thánh có định nghĩa Tình yêu được miêu tả như một hành vi, yêu là kiên nhẫn, yêu là phải ân cần…

Bước 3
Nếu tưởng tượng bản thân chúng ta đang có một “bể tình yêu”, chúng ta sẽ phát hiện thấy bể yêu đương đó trống rỗng. Để lấp đầy “bể luyến ái” ấy, chúng ta cần tìm được những phản ứng tình yêu đối với nhau. Tìm ra đâu là những vấn đề của bạn đời. Ví như anh ấy thích vợ lắng nghe một cách chân thành những tâm sự của anh ấy chứ không phải được một vài câu lại bị phân tán bởi tiếng chuông điện thoại hay những trò nghịch ngợm của lũ trẻ… Hoặc bạn có thể thích nhìn bạn đời chuẩn bị bữa ăn cho ngày cuối tuần bởi hành động đó khiến bạn cảm nhận được tình yêu hơn bất cứ thứ gì khác. Hãy thảo luận, trò chuyện với một nửa của mình để hiểu cô ấy/anh ấy muốn được yêu thông qua hành động chứ không phải cảm giác.

Bước 4
Để dành một khoảng thời gian đặc biệt vào buổi tối, 1 lần/tuần để hai vợ chồng có thể thảo luận về hôn nhân và cùng xem xét các vấn đề khúc mắc cũng như hi vọng, mong muốn của nhau. Hãy chia sẻ ước mơ với bạn đời của mình. Việc làm đó rất có lợi cho cuộc sống vợ chồng bạn đặc biệt nếu chúng bắt đầu giúp bạn lấp đầy “bể tình yêu”. TÌnh yêu thực sự là khi bạn làm việc gì tốt hơn người khác thay vì cố làm điều gì để có lợi cho mình. Hãy nhớ đừng bắt đầu dựa trên cảm giác làm không có mục đích cụ thể.

Bước 5
Bao nhiêu lần bạn đời của bạn nhờ bạn làm việc gì đó như là quần áo hay đi thanh toán hoá đơn tiền điện và bạn từ chối? Không nghi ngờ gì nếu người ấy nghĩ rằng bạn không yêu cô ấy/anh ấy vì bạn không thể hiện điều đó. Một số cặp vợ chồng đã kết hôn nhưng vẫn đi chơi với bạn bè như thể còn độc thân. Bạn sẽ làm gì cho bạn đời của mình khi bạn bè mỗi người một việc? Đó chỉ là con đường ngắn dễ dẫn tới chuyện yêu đương ngoài luồng.

Bước 6
Bạn cần nhớ làm những việc để có được một người nào đó. Bắt đầu yêu bằng hành động và ngưng dùng những từ ngữ như thể “không bao giờ” hay “luôn luôn”. Đừng dựa vào cảm giác bởi xúc cảm thay đổi theo tâm trạng, thời gian, hoàn cảnh. Hãy dành thời gian cho nhau ít nhất 1 lần mỗi tuần để trò chuyện, thảo luận về những mục tiêu cũng như ước mơ về cuộc sống gia đình. Chúc các cặp đôi luôn hạnh phúc trong hôn nhân.

 

KẾT HÔN VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI: DỄ, NHANH HƠN

04/05/2013 – 04:05
Thời gian đăng ký từ 30 ngày giờ còn 25 ngày. Người đăng ký được hẹn phỏng vấn lại sau khi bị “đánh rớt” lần đầu.
Từ ngày 15-5, Nghị định 24/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài sẽ có hiệu lực thi hành (thay thế Nghị định 68/2002, 69/2006).

Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Với nghị định này thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài được rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 25 ngày làm việc. Trường hợp Sở Tư pháp thấy cần thiết phải xác minh thêm từ phía cơ quan công an (về giấy tờ hoặc nhân thân của các bên) thì thời hạn này có thể kéo dài thêm không quá 10 ngày làm việc (trước đây thời hạn này là 20 ngày).
Bỏ niêm yết
. Theo quy định cũ, hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài phải được niêm yết tại Sở Tư pháp, UBND cấp phường (nơi thường trú của người trong nước) trong bảy ngày. Quy định mới có còn buộc phải niêm yết hay không, thưa ông?
+ Không. Mục đích của việc niêm yết là để những người có liên quan có thể khiếu nại, tranh chấp… đến việc kết hôn đó. Thế nhưng quá trình triển khai cho thấy việc niêm yết không có hiệu quả vì ít ai biết đến việc kết hôn của các đương sự.
. Trước đây, khi đăng ký kết hôn thì bắt buộc hai bên nam, nữ phải có mặt để nộp hồ sơ. Điều này gây khó khăn cho những người ở nước ngoài về thời gian đi lại. Nay nghị định mới có tháo gỡ điều này không?
+ Có. Chỉ cần một bên đi nộp hồ sơ với điều kiện bên vắng mặt phải làm giấy ủy quyền. Giấy ủy quyền này phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Thế nhưng đến lúc phỏng vấn thì cả hai phải có mặt.
Được phỏng vấn lại
. Việc kết hôn có yếu tố nước ngoài phải được Sở Tư pháp phỏng vấn để làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn… lâu nay khi “rớt” phỏng vấn, hai bên phải chờ một thời gian mới nộp lại hồ sơ nhưng họ cũng không rõ là lúc nào. Nghị định mới có quy định khác hơn không?
+ Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên kết hôn không hiểu biết về hoàn cảnh của nhau thì Sở sẽ hẹn ngày phỏng vấn lại sau 30 ngày (kể từ ngày đã phỏng vấn trước).
Quy định mới này bắt nguồn từ những vướng mắc trên thực tế nhưng do luật chưa quy định cụ thể nên khó làm. Như có trường hợp mới quen chưa đầy một tháng là đi đăng ký kết hôn ngay khi cả hai không biết ngôn ngữ của nhau (người nói tiếng Anh, người nói tiếng Việt), chưa rõ về gia đình, công việc, môi trường sống… Với những trường hợp này, Sở chỉ có thể linh động cho hai bên một thời gian để họ hiểu nhau hơn. Bây giờ thì dễ làm rồi, họ có thể nộp hồ sơ sau 30 ngày là được Sở hẹn phỏng vấn lại. Thực ra mục đích phỏng vấn cũng chỉ nhằm làm rõ về nhân thân, tình cảm của hai bên để xác định họ có tự nguyện kết hôn, có cùng xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc hay còn có ý định gì khác mà hồ sơ chưa thể hiện hết.
. Xin cảm ơn ông.

 

KIM PHỤNG

(Theo báo Pháp luật)

7d2898c3630feea92ec1553d16389ff6_L

ĐÀ NẴNG: ĐỔI MỚI VỊ TRÍ NGỒI TẠI PHIÊN XỬ

Đà Nẵng: Đổi mới vị trí ngồi tại phiên xử

11/05/2013 – 06:30

Theo chánh án TAND TP Đà Nẵng, việc đổi mới vị trí ngồi thể hiện tinh thần thay đổi mô hình xét xử theo hướng tranh tụng tiến bộ hơn.

Sự đổi mới mà TAND TP Đà Nẵng đang áp dụng rất cần được ngành tòa án cả nước nhân rộng ngay từ bây giờ.

Gần đây, TAND TP Đà Nẵng đã bố trí lại vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và luật sư tại phiên tòa hình sự. Theo đó, HĐXX (thẩm phán, các hội thẩm nhân dân) sẽ ngồi ở vị trí cao nhất và riêng biệt. Ngồi phía dưới và ngay trước HĐXX là bàn của thư ký ghi biên bản phiên tòa. Cũng ngồi phía dưới ngang hàng nhưng ở hai bên và đối diện nhau là bàn của đại diện VKS và bàn của luật sư.

Thể hiện sự bình đẳng trong tranh tụng

Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Quận (Chánh án TAND TP Đà Nẵng), việc đổi mới vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và luật sư chính là sự thể hiện của tinh thần thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng. HĐXX giữ vai trò tài phán nên phải ngồi ở vị trí biệt lập và cao nhất. Còn đại diện VKS và luật sư bào chữa lần lượt giữ các vai trò buộc tội và gỡ tội. Hai thành phần này có vai trò ngang nhau trong tố tụng nên cần phải ngồi ngang hàng nhau.

Trước đó, tại hội nghị triển khai công tác ngành tòa án TP Đà Nẵng năm 2013, Thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà (Chánh tòa Hình sự TAND TP Đà Nẵng) cũng từng nhận định: “Chỗ ngồi trong phiên tòa hình sự thể hiện trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng”. Theo Thẩm phán Hà, sự đổi mới về vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và luật sư mới đảm bảo được tính chất tài phán của tòa và sự bình đẳng trong tranh tụng giữa các bên buộc tội – gỡ tội.

Vị trí ngồi đổi mới tại một phiên tòa hình sự ở TAND TP Đà Nẵng. Ảnh: D.HẰNG

Cùng với sự thay đổi chỗ ngồi, TAND TP Đà Nẵng cũng đã có sự thay đổi rõ rệt trong cách thức xét hỏi tại phiên tòa hình sự. Trong phần xét hỏi, nếu trước đây chủ yếu do HĐXX trực tiếp xét hỏi bị cáo, người bị hại… thì nay HĐXX sẽ hạn chế hỏi, nhường quyền chủ động cho đại diện VKS. Khi nào có vấn đề còn khúc mắc, chưa được làm rõ thì chủ tọa phiên tòa hoặc các thành viên trong HĐXX mới yêu cầu đại diện VKS, luật sư tiếp tục xét hỏi để làm rõ vấn đề.

Theo Chánh án Quận, sự chuyển đổi từ mô hình xét xử xét hỏi sang xu hướng đề cao tính tranh tụng hơn này ban đầu ít nhiều cũng gặp khó khăn do đội ngũ thẩm phán, cán bộ tố tụng còn nặng thói quen cũ. Tuy nhiên, mọi thứ dần dần đã có sự thay đổi trong nội dung xét xử: Tính chất tranh tụng được nâng cao, tòa lấy kết quả tranh luận tại phiên tòa làm căn cứ tuyên án. “Cách thức này sẽ giảm triệt để vấn đề án tại hồ sơ, án bỏ túi” – Chánh án Quận khẳng định.

Cần nhân rộng

Hiện nay việc thay đổi cách thức xét hỏi, nâng cao tính tranh tụng, lấy kết quả tranh luận tại phiên tòa làm căn cứ tuyên án đã được áp dụng tại tất cả các tòa quận, huyện ở Đà Nẵng. Riêng việc đổi mới vị trí ngồi, trước mắt mới thực hiện tại TAND TP Đà Nẵng, sắp tới sẽ triển khai tại các tòa quận, huyện.

Chuyện vị trí ngồi của kiểm sát viên và luật sư đã gây ra khá nhiều tranh cãi từ trước tới nay. Gần chục năm trước, trong giai đoạn đầu của cải cách tư pháp, Pháp Luật TP.HCM cũng từng mở diễn đàn về vấn đề này. Thời điểm đó, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý, bạn đọc gửi về ủng hộ việc phải đổi mới vị trí ngồi như TAND TP Đà Nẵng đang áp dụng để đề cao sự bình đẳng trong tranh tụng.

Trong Đề án mô hình tố tụng hình sự Việt Nam do VKSND Tối cao đang chủ trì soạn thảo, các vấn đề về vị trí ngồi, cách thức xét hỏi, tranh luận… đều được ghi nhận theo xu hướng tiến bộ. Cho dù đây là chuyện của tương lai nhưng trước mắt, theo chúng tôi, sự đổi mới mà TAND TP Đà Nẵng đang áp dụng rất cần được ngành tòa án cả nước nhân rộng ngay từ bây giờ.

Khoảng gần ba năm trước, TAND tỉnh Bình Dương là tòa án đầu tiên trong cả nước đã tiến hành thí điểm việc thay đổi vị trí ngồi của HĐXX, kiểm sát viên, luật sư tại phiên tòa hình sự tương tự ở TAND TP Đà Nẵng. Rất tiếc là sau đó, dù được dư luận ủng hộ nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cuối cùng việc thí điểm này phải dừng lại.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia, đặc biệt là các luật sư cho biết rất hy vọng ngành tòa án Đà Nẵng sẽ thực hiện triệt để việc đổi mới này, đồng thời các địa phương khác cũng sẽ áp dụng vì một nền tố tụng tiến bộ và dân chủ hơn.

DƯƠNG HẰNG

(Theo Báo Pháp luật Tp.HCM)

LÚNG TÚNG VỚI TIN BÁO TỘI PHẠM

12/05/2013 – 07:20

Lúng túng với tin báo tội phạm Công an đang điều tra, xử lý tin báo của bà trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức bị người lạ nhắn tin, gọi điện thoại dọa giết.

Chưa biết động cơ kẻ dọa là gì và việc điều tra của công an thế nào nhưng cách phản ứng của cơ quan tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm ít ra đã làm yên lòng người tố giác, làm kẻ dọa dẫm chùn tay.

Thực tiễn, nhiều trường hợp từ dọa giết đến giết người chỉ trong gang tấc nhưng khi nhận được tin báo tội phạm, công an không tổ chức bảo vệ người tố giác để tính mạng, sức khỏe của họ bị xâm phạm. Có điều này vì luật quy định việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm chưa rõ, tùy thuộc vào sự mẫn cảm của người tiếp nhận.

việc tiếp nhận, thẩm tra, xác minh, phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm còn nhiều bất cập, một phần do nhận thức của cơ quan có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý chưa thấy hết trách nhiệm của mình, còn coi việc xử lý tin báo tội phạm là việc giải quyết khiếu nại, một phần do các quy định của pháp luật còn thiếu, những quy định không rõ ràng.

Bộ luật Tố tụng hình sự chủ yếu quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, còn đối với cơ quan không phải là cơ quan tiến hành tố tụng (trong đó có cả công an cấp xã) nếu nhận được tin báo tội phạm chỉ có nhiệm vụ chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Luật quy định là chuyển ngay nhưng lại không quy định là bao lâu. Thực tế, khi nhận được tin báo tội phạm, công an thường tiến hành một số hoạt động xác minh có tính chất điều tra tiền tố tụng. Các hoạt động này, nếu không cẩn thận rất dễ vi phạm pháp luật; nhiều trường hợp công an lúng túng vì không cẩn thận sẽ làm oan người vô tội. Nhưng nếu quá cẩn thận, tiến hành các hoạt động xác minh trước khi khởi tố thì nhiều trường hợp tội phạm đã thực hiện xong, người phạm tội đã “cao chạy xa bay”.

Cạnh đó, người dân phát hiện tội phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội thường chỉ báo với công an cấp xã trong khi công an cấp này không phải là cơ quan điều tra. Khi nhận được tin báo tội phạm, công an cấp này cũng chỉ có nhiệm vụ xác minh rồi báo tin về cho cơ quan điều tra chứ cũng không có quyền thực hiện các hành vi tố tụng.

Không chỉ công an cấp xã mà với công an cấp huyện, cấp tỉnh khi nhận được tin báo tội phạm cũng phải xử lý rồi mới chuyển cho cơ quan điều tra. Trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn nhưng không quá hai tháng. Nhưng trong thời hạn này, luật không quy định cho cơ quan điều tra được làm gì, không được làm gì, mà chỉ cho phép cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh (hành vi tiền tố tụng). Việc tiến hành kiểm tra, xác minh như thế nào, có được kiểm tra nơi ở, chỗ làm việc hoặc có được gọi hỏi những người bị tố cáo và những người có liên quan khác không cũng chưa rõ…

Dù luật quy định cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm nhưng trên thực tế, người tố giác tội phạm không được bảo vệ, nhiều trường hợp bị trả thù. Pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về việc bảo vệ người tố giác tội phạm.

Có quá nhiều điều còn hở nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần hướng dẫn, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận tin báo tội phạm, đồng thời có chế độ thưởng đối với người tố giác tội phạm có giá trị để hành vi phạm tội bị ngăn ngừa trước khi xảy ra mới xử lý.

ĐINH VĂN QUẾ

(Nguồn: Báo pháp Luật Tp.HCM)

VỤ “SỔ ĐỎ ĐỂ TRONG NGÂN HÀNG… VẪN MẤT”: NGÂN HÀNG PHẢI BỒI THƯỜNG 2,6 TỈ ĐỒNG

11/05/2013 – 09:59

TAND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa tuyên bản án dân sự sơ thẩm buộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (phòng giao dịch Tân Lập, thuộc chi nhánh thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) bồi thường cho gia đình bà Nguyễn Thị Huệ hơn 2,6 tỉ đồng. Như đã thông tin, ngày 28-12-2009 gia đình bà Huệ (trú phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) có thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phòng giao dịch Tân Lập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay 800 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng.

Ngày 5-12-2010, khi sắp đến thời hạn trả nợ, vì làm ăn khó khăn nên gia đình bà Huệ làm hợp đồng bán nhà với giá 12 tỉ đồng. Điều kiện hợp đồng là bà Huệ nhận trước 2 tỉ đồng của bên mua để thanh toán gốc và lãi cho ngân hàng và lấy sổ đỏ giao cho bên mua trước ngày 20-12-2010, sau đó nhận 10 tỉ đồng còn lại. Nếu vi phạm hợp đồng, bà Huệ sẽ phải trả lại tiền cọc, đồng thời chịu phạt hợp đồng 2 tỉ đồng…

Tuy nhiên ngày 16-12-2010, bà Huệ đem tiền đến phòng giao dịch Tân Lập để trả gốc và lãi thì được ngân hàng thông báo sổ đỏ của gia đình bà đã bị thất lạc! Sau nhiều lần khiếu nại không được, bà Huệ làm đơn khởi kiện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN đòi bồi thường hơn 3,3 tỉ đồng.

Phía Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phòng giao dịch Tân Lập cho rằng tài sản thế chấp của bà Nguyễn Thị Huệ không bị thất lạc mà vẫn nằm ở ngân hàng. Việc gia đình bà Huệ làm hợp đồng bán nhà, sau đó vi phạm hợp đồng phải bồi thường không phải trách nhiệm của ngân hàng… Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận định ngày 16-12-2010, bà Huệ đưa tiền đến phòng giao dịch Tân Lập, lúc này lãnh đạo phòng giao dịch là ông Trần Đình Thanh cho biết sổ đỏ của bà Huệ và 11 khách hàng khác không còn trong ngân hàng.

Tiếp đó, ngày 25-12-2010, chi nhánh ngân hàng thị xã Buôn Hồ đã có công văn trả lời bà Huệ và xác định sổ đỏ của gia đình bà Huệ đã bị Võ Thị Hồng Điệp, cán bộ ngân hàng, lén đưa ra ngoài cầm cố vay tiền, tiêu xài cá nhân và hiện đang thất lạc. Ngày 19-5-2011, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử bị cáo Võ Thị Hồng Điệp (Điệp bị tuyên phạt tù chung thân tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) cũng xác định Điệp đã lấy nhiều tài sản thế chấp của khách hàng đi cầm cố vay tiền, trong đó có sổ đỏ của gia đình bà Huệ…

Hội đồng xét xử cũng nhận định việc thiệt hại của gia đình bà Huệ là thực tế và lỗi thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phòng giao dịch Tân Lập vì đã không bảo quản tài sản thế chấp của khách hàng theo quy định.

Theo TR.T. (TTO)

SÁU NHÓM ĐƠN VỊ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG KHÔNG ĐƯỢC ĐÌNH CÔNG

11/05/2013 – 00:35

(PL)- Chính phủ vừa ban hành Danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công, có hiệu lực thi hành từ ngày 23-6.

Cụ thể, đó là đơn vị, doanh nghiệp sản xuất điện có công suất lớn, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia; thăm dò, khai thác dầu khí, sản xuất cung cấp khí gas; bảo đảm an toàn hàng không, hàng hải; cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan nhà nước; cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường ở các TP trực thuộc trung ương; đơn vị trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng. Việc giải quyết yêu cầu của các tập thể lao động này khi thương lượng tập thể không thành sẽ được Hội đồng Trọng tài lao động xem xét, giải quyết trong thời hạn ba ngày.

Ngày 10-5, đại diện tổ chức công đoàn cơ sở thuộc 10 công ty chuyên gia công áo quần, giày da cho nhãn hàng Puma đã tham gia dự án “Xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc”. Dự án này do Puma cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp TP.HCM tổ chức. Đại diện các tổ chức công đoàn nói trên nhận định đình công gia tăng do không tổ chức đối thoại. Thêm vào đó, 100% cán bộ công đoàn cơ sở hưởng lương từ doanh nghiệp nên khó đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho công nhân đến cùng.

Đ.LIÊN – PHONG ĐIỀN

(Nguồn ; Báo Pháp luật Tp.HCM)

TỪ 1-5, LAO ĐỘNG NỮ ĐƯỢC NGHỈ THAI SẢN SÁU THÁNG

01/05/2013 – 04:05

Tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ

Theo Bộ luật Lao động năm 2012, từ ngày 1-5, thời gian nghỉ trước và sau khi sinh con của lao động nữ được tăng lên sáu tháng thay vì bốn tháng như quy định hiện hành. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng. Lao động nữ cũng có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất bốn tháng nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và được người sử dụng lao động đồng ý. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.

Bộ luật này còn quy định: Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó, tăng 15% so với quy định cũ chỉ có 70%. Bộ luật cũng nêu rõ mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường; phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và do Chính phủ công bố căn cứ trên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, điều kiện kinh tế, xã hội hoặc thông qua thương lượng tập thể ngành.

 

Đặng Liên

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

COI CHỪNG “BẪY” TRONG THẾ CHẤP NHÀ

09/03/2013 – 04:05

Thế chấp nhà giúp bạn vay tiền ngân hàng. Do hợp đồng thế chấp không ghi thời hạn nên ngân hàng tiếp tục ký hợp đồng cho vay mới mà không cần hỏi ý kiến của chủ nhà.

Ngày 16-6-2010, ông Nguyễn Văn Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) làm hợp đồng thế chấp căn nhà của ông để bảo đảm cho công ty của người bạn vay 1,1 tỉ đồng tại một ngân hàng có phòng giao dịch ở đường Lý Thường Kiệt. Thời hạn người bạn vay tiền là một năm.

Đến cuối thời hạn vay, ông Hiền đã đến ngân hàng thông báo chấm dứt việc bảo lãnh để lấy lại giấy tờ nhà. Lúc đó ngân hàng hẹn “sẽ giao giấy sau khi hoàn thành các thủ tục công chứng đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản khác thay thế”. Gần tháng sau ông quay trở lại thì mới biết “tin dữ”: Tháng 7-2011, sau khi tất toán hợp đồng vay cũ, ngân hàng đã tiếp tục ký hợp đồng khác cho người bạn vay 1,1 tỉ đồng trong thời hạn một năm. Điều đáng nói là ngân hàng tiếp tục lấy tài sản của ông để bảo đảm cho khoản vay này. Không đồng ý, ông đã khiếu nại.

Người dân đang làm thủ tục vay tiền tại một ngân hàng. Ảnh: TH.HIẾU

Trong văn bản trả lời ông, ngân hàng cho biết: Điều 2 hợp đồng thế chấp cũ có chữ ký của ông Hiền đã nêu rõ: “Nghĩa vụ được bảo đảm của tài sản thế chấp là toàn bộ các nghĩa vụ trả nợ cho bên vay/bên được cấp tín dụng… và bao gồm cả nghĩa vụ phát sinh trước hoặc sau thời điểm ký hợp đồng này”. Điều 12 của hợp đồng cũng lưu ý: “Hợp đồng này được sử dụng cho nhiều lần vay, cấp thẻ tín dụng, mở L/C hoặc các hình thức cấp tín dụng khác… và bên thế chấp chấp nhận nội dung tất cả điều khoản trong các hợp đồng tín dụng, hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng sửa đổi bổ sung, phụ lục hợp đồng, các cam kết của bên vay… kể cả trong trường hợp bên thế chấp không ký tên trên các hợp đồng cam kết này”. Theo đó, ngân hàng đã tiếp tục căn cứ vào hợp đồng thế chấp cũ để cho khách hàng vay lần nữa mà không cần ông Hiền phải ký tên xác nhận.

“Tại sao tôi đã đến báo không muốn bảo lãnh nữa mà ngân hàng lại không chịu nghe? Tại sao trong hợp đồng vay có ghi “bên bảo đảm giữ một bản” và chừa chỗ để bên bảo đảm ký tên mà ngân hàng lại không gửi hợp đồng vay tiền lần hai cho tôi và cũng không để tôi ký tên?” – ông Hiền bất bình.

Trao đổi với PV, giám đốc phòng giao dịch trên giải thích: “Ngân hàng có ghi nhận việc ông Hiền đến báo lấy lại giấy tờ nhà và không tiếp tục bảo lãnh. Thế nhưng khi nào tiếp nhận tài sản khác thay thế thì ngân hàng mới có thể làm thủ tục trả giấy tờ nhà cho ông Hiền. Hợp đồng cho vay năm 2011 không cần chữ ký của người bảo lãnh vì đây là hợp đồng giữa bên cho vay với bên vay. Hiện ngân hàng đang khởi kiện công ty vay tiền để thu hồi nợ”.

Các ngân hàng khác làm sao?

Đối với việc thế chấp tài sản của người thứ ba để bảo đảm khoản vay (còn gọi là hợp đồng bảo lãnh), PV được biết nhiều ngân hàng khác làm rất chặt chẽ. Sau khi hết hạn hợp đồng cho vay mà người vay muốn vay tiếp, các ngân hàng đều yêu cầu người bảo lãnh ký lại hợp đồng bảo lãnh, đồng thời ký tên vào hợp đồng vay mới. Người bảo lãnh cũng được giao giữ một bản hợp đồng vay mới.

THÁI HIẾU

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

1c16c516e210dd8881751624cc1315d7_L

BỊ GIỮ BẰNG LÁI, CÓ ĐƯỢC CHẠY TIẾP?

Bị giữ bằng lái, có được chạy tiếp?

20/07/2012 – 00:39

(PL)- Sau khi bị lập biên bản vi phạm “chở quá số người” và bị tạm giữ giấy phép lái xe thì tài xế tiếp tục chạy và gây ra tai nạn.

Công ty bảo hiểm từ chối thanh toán nhưng chủ xe không đồng ý, viện lẽ tài xế vẫn có quyền lái xe.

Ngày 10-7, Trung tâm Trọng tài quốc tế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa ông H. (TP Phan Rang, Ninh Thuận) với Công ty Bảo hiểm B.

Lái xe khi giấy phép đang bị tạm giữ

Theo trình bày của ông H., tháng 3-2011, ông có mua bảo hiểm cho chiếc ô tô mới của mình tại Công ty Bảo hiểm B. với thời hạn một năm.

Ngày 12-10-2011, tài xế T. là bạn của ông H. lái chiếc xe trên cùng ông đi công tác miền Trung. Khi đến địa phận tỉnh Phú Yên, tài xế bị CSGT Phú Yên lập biên bản vi phạm vì lỗi chở quá số người quy định trên buồng lái xe. CSGT tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) của tài xế và hẹn 10 ngày sau giải quyết. Liền sau đó, xe ô tô tiếp tục lưu thông đến Quảng Ngãi. Sáng 14-10, khi xe đến địa bàn thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa thì xảy ra tai nạn giao thông. Vụ tai nạn không gây thiệt hại gì về người nhưng khiến ô tô hư hỏng nặng phần đầu xe.

Sau khi Công an huyện Tư Nghĩa giải quyết tai nạn xong, ông H. đã yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả tổn thất. Tuy nhiên, công ty đã từ chối thanh toán bảo hiểm.

Sau khi bị tạm giữ GPLX, nhiều người vẫn tiếp tục lái xe và nếu bị CSGT “tuýt còi” thì họ trưng ra biên bản tạm giữ GPLX để thay thế.Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: HTD

Mỗi bên mỗi lẽ

Công ty nhận định vào thời điểm xảy ra tổn thất, người điều khiển xe đã không xuất trình được GPLX hợp lệ. Điều này là vi phạm nhiều quy định liên quan. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 20 Quyết định số 54/2007 của bộ trưởng Bộ GTVT, GPLX phải được mang theo người khi lái xe. Theo quy định tại Thông tư 126/2008 của Bộ Tài chính, nếu lái xe không có GPLX hợp lệ thì bị loại trừ bảo hiểm. Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới của Tổng Công ty Bảo hiểm B. cũng loại trừ bảo hiểm trong trường hợp “tại thời điểm xảy ra tai nạn, lái xe không có GPLX hợp lệ”. Ngoài ra, Công văn 1644/2009 của Cục Đường bộ VN có nêu “không có bất cứ giấy tờ nào có thể thay thế GPLX khi lái xe”.

Ông H. đã không đồng ý với các ý kiến nêu trên của công ty bởi lẽ sự thật thì tài xế có GPLX hợp lệ. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế chỉ bị tạm giữ GPLX để CSGT giải quyết việc vi phạm giao thông chứ không phải không có GPLX hay bị tước GPLX.

Trên thực tế, những trường hợp như của tài xế T. vẫn thường xuyên xảy ra. Sau khi bị tạm giữ GPLX, nhiều người vẫn tiếp tục lái xe và nếu bị CSGT tuýt còi thì họ trưng ra biên bản tạm giữ GPLX để thay thế. Đa số CSGT chấp nhận sự thay thế này và đã không xử phạt người lái xe hành vi “không có GPLX”. Chính vì lẽ đó mà nhiều người, trong đó có cả các chuyên gia pháp luật, đã có hai luồng ý kiến khác nhau về trường hợp của ông H. Bên cho rằng phía ông H. đúng, công ty bảo hiểm sai; bên cho rằng phía ông H. sai, công ty bảo hiểm đúng. Vậy theo bạn đọc thì ai đúng, ai sai?

Vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Theo điểm b khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và khoản 2 Điều 40 Thông tư số 07/2009 của Bộ Giao thông vận tải, người điều khiển phương tiện giao thông phải mang theo người GPLX phù hợp với hạng xe. Điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định 34/2010 của Chính phủ có quy định phạt tiền từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mang theo GPLX… Vì vậy, khi người lái xe bị cơ quan thẩm quyền tạm giữ GPLX nhưng vẫn điều khiển phương tiện trong tình trạng không có GPLX là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

Ông NGUYỄN VĂN QUYẾN, Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

(Theo Công văn số 4629 ngày 28-11-2011
của Tổng cục Đường bộ VN)

Được tiếp tục chạy

Theo quy định tại điểm n khoản 2 Điều 8 Nghị định 34/2012 của Chính phủ thì hành vi vi phạm để người ngồi trên buồng lái quá số người quy định không bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung (như tước GPLX). Theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung), trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Do không thuộc trường hợp này nên trong thời gian bị tạm giữ GPLX, tài xế T. vẫn được điều khiển phương tiện.

Trung tá ĐẶNG VĂN NAM,
Phó Trưởng Công an huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi

(Theo nội dung xác nhận ngày 4-11-2011
vào tờ tường trình của tài xế T.)

ÁI NHÂN

(Nguồn : Báo Pháp luật Tp.HCM)

HÀNH TRÌNH LY HÔN – BÀI 1: MÒN MỎI TÌM… NGƯỜI

PN – Ly hôn là lựa chọn của không ít người khi hôn nhân bế tắc, không đạt mục đích. Thống kê cho thấy, các tòa án quận huyện mỗi năm thụ lý từ 500 đến hơn 1.000 vụ ly hôn. Một số thẩm phán còn cho biết, chỉ một năm, họ đã “xử” hơn 300 vụ. Nhưng, ly hôn nào phải dễ dàng khi người trong cuộc cố tình… biến mất.

Anh… ở đâu?

Suốt 5 năm qua, chị N.T.P. phải lặn lội khắp nơi tìm chồng để… ly hôn. Năm 2002, chị và anh N.S.Đ. ngụ ở Tân An Hội, Củ Chi kết hôn, sinh được một bé gái. Do mâu thuẫn với gia đình chồng, chị P. bồng con về nhà mẹ ruột. Thời gian đầu, anh Đ. có qua lại thăm con nhưng sau đó, anh… biến mất. Năm 2005, chị P. nghe tin anh Đ. bị kết án tù giam vì tội cướp giật tài sản, nghĩ tình chồng vợ, chị lặn lội thăm nuôi. Khoảng hơn hai năm sau, chị nghe anh được trả tự do sớm và đi đâu không biết. Chị tìm đến gia đình anh, được người nhà anh khuyên hãy quên anh đi, vì anh đã có vợ con khác rồi.

Cảm thấy mình bị phản bội, chị P. nộp đơn xin ly hôn, nhưng TAND Q.Gò Vấp không thụ lý đơn vì anh Đ. không cư trú hoặc tạm trú ở Gò Vấp. Quay về Củ Chi, tòa cũng không nhận đơn của chị. Loay hoay suốt mấy năm, chị không biết làm cách nào để được “tự do”. Cuối năm 2012, TAND huyện Củ Chi đồng ý thụ lý đơn của chị P., nhưng là để tuyên bố sự mất tích của anh Đ., sau đó mới tính đến chuyện ly hôn… Chị P. lại mất sáu tháng làm các thủ tục công bố anh Đ. mất tích như xác nhận ở nơi cư trú cũ, đăng thông báo trên các phương tiện truyền thông…, vẫn chưa ly hôn được. Chị mệt mỏi: “Biết là phải “đi” từng bước theo luật, nhưng giá cán bộ thụ lý ở hai tòa án Gò Vấp và Củ Chi hướng dẫn cho tôi kỹ hơn, chắc tôi đã được ly hôn từ lâu rồi!”.

Chồng của chị N.H.A. ở Q.12 thì “thoắt ẩn, thoắt hiện”. Từ năm 2009, anh theo người phụ nữ khác, bỏ mặc chị một mình nuôi hai con nhỏ. Chồng bỏ đi hơn một năm, rồi căn nhà đang ở bị giải tỏa, chị A. phải ôm hai con tìm nơi thuê nhà sinh sống. Sau đó, chị gặp một người đàn ông tốt bụng, đã cưu mang ba mẹ con chị. Thương chị, anh đặt vấn đề kết hôn. Chị bắt đầu đi tìm chồng cũ để ly hôn nhưng anh H.B. – chồng chị, đã chuyển hộ khẩu về Lâm Đồng từ lâu, chính quyền địa phương cũng không rõ nơi chuyển đến của anh. Chị A. đăng báo gọi anh về ly hôn, thì anh gọi điện bảo chị đợi khi nào anh ta… chết rồi ly hôn một thể! Chị A. khóc: “Anh ta làm khó kiểu đó đã khiến người mới hiểu lầm, vì thấy tôi cứ vướng mắc, dù chỉ là giấy tờ với người cũ”.

Mòn mỏi

Anh N.C.N. và chị T.T.T. từng có bốn năm chung sống hạnh phúc. Cuộc sống của anh chị có lẽ sẽ rất yên bình nếu như chị T. đừng tin lời thầy bói: “Anh N. số đào hoa, nếu không canh giữ, sẽ nhiều vợ”. Nghe thầy bói, chị yểm bùa khắp nhà và… theo sát canh chừng chồng. Anh N. nổi quạu: “Nghe lời thầy bói, cô ấy ghen tuông bậy bạ làm tôi bẽ mặt. Bốn năm dài, tôi chịu hết xiết, phải nộp đơn ly hôn. Biết tôi nộp đơn cho tòa, cô ấy biến mất khỏi nơi cư trú. Tôi tìm mãi mới biết được nơi ở mới của cô ấy tận Vũng Tàu nhưng cô lại không ra trình diện tòa khi được triệu tập. Hai năm ròng, dù trốn tránh tòa nhưng cô ấy vẫn đeo bám tôi như đỉa. Cuối cùng, nhờ một luật sư mách nước, tôi ghi âm, ghi hình và lập chứng cứ nơi cư trú của cô ấy nộp cho tòa. Tòa đã quyết định cho tôi ly hôn, dù ngày tòa tuyên phán quyết, cô ấy vẫn cố tình trốn tránh. Sau ba năm mòn mỏi tôi mới thoát được cuộc hôn nhân oái oăm đó”.

Không may mắn như anh N., 12 năm qua, anh K.V.H., ở Q.5, vẫn phải “đeo” tấm giấy ghi chú kết hôn với người vợ mang quốc tịch Mỹ, dù chẳng còn biết chị ta đang ở đâu. Tìm đến Báo Phụ Nữ cầu cứu, anh H. kể: “Năm 2001, vì muốn “đổi đời”, tôi vay mượn để làm thủ tục kết hôn giả với một kiều bào. Nào ngờ, làm thủ tục kết hôn xong, cô ấy về Mỹ rồi mất tăm luôn. Khi ra tòa hỏi thủ tục ly hôn, tòa bảo tôi phải tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp, dịch thuật đơn từ…”. Không có tiền, nên anh H. đành bấm bụng chờ đợi người vợ ấy “từ tâm” quay về suốt 12 năm qua! Anh nói: “Người tôi yêu chờ đợi tôi đã quá lâu mà tôi vẫn không ly hôn được. Giờ tôi không biết phải làm sao”.

Mỗi năm, TP.HCM tồn đọng trên 1.000 vụ án hôn nhân. Trong đó, án hôn nhân có yếu tố nước ngoài có tỷ lệ giải quyết luôn thấp hơn án trong nước (năm 2011, chỉ có 736 vụ được giải quyết trên tổng số 1.121 vụ; năm 2012 là 496/928 vụ).

Theo ông Bùi Văn Trí – Phó chánh Tòa dân sự TAND TP.HCM: “Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý đến ngày quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đối với vụ án phức tạp, thời hạn chuẩn bị xét xử được kéo dài thêm hai tháng. Đối với vụ án ly hôn có một bên đương sự ở nước ngoài thì tòa án phải ủy thác tư pháp cho Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài hoặc tòa án có thẩm quyền của nước ngoài để thông báo việc thụ lý vụ án và ngày giờ xét xử cho đương sự ở nước ngoài biết. Sau khi có kết quả ủy thác tư pháp, tòa án mới quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thời hạn ủy thác cho đương sự ở nước ngoài tối thiểu là sáu tháng, tối đa 18 tháng; đối với vụ án phức tạp thời hạn trên có thể kéo dài hơn”. Tuy nhiên, vì rất nhiều nguyên do, không ít án dân sự về ly hôn kéo dài năm, sáu năm trời. Có trường hợp, con chung của hai đương sự khi nộp đơn ra tòa vẫn còn là một đứa trẻ, cần được cấp dưỡng, nhưng khi tòa đưa ra xét xử, đứa bé đã trưởng thành!

Nghi Anh

Kỳ tới: “Ly mà không thoát”

(Nguồn: Báo phụ nữ Tp.HCM)

Các thủ tục để xin ly hôn có yếu tố nước ngoài

– Đơn xin ly hôn (theo mẫu). Nếu hai người thuận tình ly hôn thì đơn ly hôn phải do cả hai cùng ký và cùng nộp đơn. Trường hợp đơn ly hôn do vợ, chồng cùng ký (thuận tình ly hôn) nhưng một bên vắng mặt khi nộp đơn thì phải có xác nhận chữ ký của bên vắng mặt của chính quyền địa phương hoặc sứ quán Việt Nam tại nước ngoài.

– Bản sao giấy CMND (hộ chiếu); hộ khẩu (có sao y bản chính).

– Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có). Trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện.

– Bản sao giấy khai sinh con (nếu có con).

– Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).

– Nếu hai bên kết hôn tại Việt Nam, sau đó vợ hoặc chồng xuất cảnh sang nước ngoài (không tìm được địa chỉ) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc một bên đã xuất cảnh và đã xóa tên trong hộ khẩu.

– Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn tại tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp các bên không tiến hành ghi chú nhưng vẫn muốn ly hôn thì trong đơn xin ly hôn phải trình bày rõ lý do không ghi chú kết hôn.

Thời hạn xét xử: Từ ba đến sáu tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

(Theo quy định được niêm yết tại Tòa án nhân dân TP.HCM)