Mới đây, UBND TP.HCM đã có công văn yêu cầu thủ trưởng các sở ngành và chủ tịch UBND 24 quận, huyện thực hiện nghiêm việc xin lỗi dân khi giải quyết hồ sơ bị chậm trễ tại đơn vị. Nếu người đứng đầu các sở, ngành và chủ tịch UBND 24 quận, huyện thực hiện không đúng sẽ có biện pháp xử lý.
Trước chỉ đạo này của TP.HCM, các quận, huyện, sở, ngành trên địa bàn TP.HCM đang siết lại quy trình xử lý hồ sơ, đồng thời mạnh tay chấn chỉnh cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ cho dân.
Kiểm điểm trách nhiệm, điều chuyển công tác
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Huỳnh Thị Thúy Lạc, Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Bình Tân, cho hay: “Quận luôn thực hiện nghiêm túc việc gửi thư xin lỗi đến dân nếu hồ sơ trễ hẹn”. Trong sáu tháng đầu năm 2016, quận Bình Tân đã gửi 4.427 thư xin lỗi cho người dân vì giải quyết hồ sơ trễ hẹn, trong đó phần lớn là liên quan đến thủ tục đất đai với 4.417 hồ sơ gửi lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất.
Bà Lạc cũng cho biết quận đã tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và mỗi công chức, viên chức trong thực hiện thư xin lỗi. Đối với hồ sơ liên thông, nếu để xảy ra tình trạng hồ sơ trễ hẹn phải nghiêm túc thực hiện thư xin lỗi một lần duy nhất và thời gian gia hạn giải quyết không quá 1/4 thời gian quy định giải quyết thủ tục hành chính đó. Đối với hồ sơ một cửa liên thông cấp nào cao nhất chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả quy trình thì cấp đó đại diện thực hiện thư xin lỗi.
“Sau khi thực hiện thư xin lỗi phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ thụ lý, giải quyết hồ sơ chậm trễ. Nếu trong năm có ba lần bị kiểm điểm do có sai phạm, sai sót trong thụ lý, giải quyết hồ sơ phải thực hiện thư xin lỗi thì sẽ bị bố trí công tác khác. Nếu gây hậu quả xấu sẽ xem xét mức độ sai phạm để xử lý kỷ luật theo quy định” – bà Lạc nhấn mạnh.
Các quận, huyện đang siết lại việc giải quyết hồ sơ cho dân để hạn chế tối đa việc trễ hẹn dẫn đến phải xin lỗi dân. Ảnh: LÊ THOA
Chánh Văn phòng UBND quận Gò Vấp Nguyễn Ngọc Anh cho hay những cán bộ để hồ sơ của người dân bị chậm giải quyết sẽ bị xử lý, nhẹ thì phê bình, nhắc nhở. Nặng hơn thì phải luân chuyển cán bộ.
Ông Anh thông tin, trước đó tại Gò Vấp cũng có hai lần luân chuyển cán bộ tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai do thực hiện chậm trễ hồ sơ của dân. Theo ông Anh, tuy cơ quan này không thuộc quản lý của quận (thuộc quản lý của Sở TN&MT) nhưng từ phản ánh của người dân, quận Gò Vấp đã phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để xử lý.
“Quan trọng là không để phải xin lỗi dân”
Để tăng tốc việc giải quyết hồ sơ cho dân và giảm việc xin lỗi, quận Gò Vấp từ ngày 1-4-2016, bộ phận một cửa đã được giám sát trực tiếp bởi Văn phòng UBND quận. Theo đó, thay vì các phòng, ban cử cán bộ xuống bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ của dân thì nay văn phòng UBND quận trực tiếp tiếp nhận hồ sơ của người dân và chuyển về cho các phòng ban, đồng thời theo dõi và giám sát được tiến độ giải quyết hồ sơ cho dân. Theo Văn phòng UBND quận Gò Vấp, từ cách làm này, tình trạng giải quyết hồ sơ chậm trễ của dân đã được cải thiện đáng kể.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chánh Văn phòng UBND quận Gò Vấp, cho biết vừa rồi quận Gò Vấp có tổ chức sơ kết ba tháng thực hiện việc giải quyết hồ sơ cho dân thì vẫn còn tình trạng trễ hồ sơ. Đa phần tập trung trong lĩnh vực đất đai và liên quan trực tiếp đến bộ phận một cửa của văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh quận Gò Vấp. “Chúng tôi đã chủ động phối hợp với phía Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để cải thiện tình hình và đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho dân. Đồng thời xử lý trách nhiệm cán bộ có liên quan” – ông Ngọc Anh nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, khẳng định quận sẽ giám sát chặt chẽ việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức quận. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu hoặc giải quyết chậm hồ sơ của dân. “Vấn đề không phải là quận ít hay nhiều thư xin lỗi dân mà quan điểm của chúng tôi là phải tập trung giải quyết nhanh, hiệu quả những vấn đề của người dân để không phải gửi thư xin lỗi. Cũng không phải sau khi xin lỗi là xong mà phải tìm cách khắc phục để người dân không phải đi lại nhiều lần, không còn phiền hà khi đến quận để giải quyết hồ sơ, thủ tục. Đó mới chính là vấn đề căn cơ” – ông Hà nói.
Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Bình Tân Huỳnh Thị Thúy Lạc cũng cho hay chủ trương của quận làm sao giải quyết hồ sơ cho người dân thật nhanh chóng, đúng hạn, hạn chế gửi thư xin lỗi cho dân.
“Có lỗi mà sợ xin lỗi… nghỉ việc đi là vừa”
Theo quan điểm của cá nhân tôi thì việc xin lỗi người dân là chuyện đương nhiên phải làm nếu mình chưa làm tròn trách nhiệm hoặc làm sai. Mình là cán bộ, đại diện cho cơ quan nhà nước mà tắc trách với dân thì phải đứng ra xin lỗi. Tôi nghĩ không nên nặng nề quá, trách nhiệm đó là của anh mà anh không làm được thì phải nhận lỗi thôi. Hơn nữa, xin lỗi không phải cho người dân bớt bực dọc rồi thôi, mà phải ý thức rằng đó là sự nhắc nhở, là giáo dục với chính bản thân mỗi cán bộ nhà nước. Mục tiêu của chúng ta là phải làm sao để người dân hài lòng với chính quyền, với thái độ làm việc cởi mở, có trách nhiệm. Là một đảng viên, là cán bộ của Nhà nước mà không làm đúng trách nhiệm, lại sợ phải đi xin lỗi người dân thì tôi nghĩ người đó nên nghỉ việc đi là vừa. Có lỗi với dân mà sợ phải xin lỗi thì nên rời vị trí đi, để người khác làm. Ông VÕ NGỌC THANH, Chánh Văn phòng UBND quận 10 THANH TUYỀN ghi |
VIỆT HOA – LÊ THOA
(Nguồn: Báo Pháp luật TP.HCM) – 11/7/2016