KHÔNG HÒA GIẢI, CHỦ TỊCH PHƯỜNG BỊ KIỆN

26/08/2013 – 06:00

Đây là vụ kiện hành chính hiếm hoi đối với hành vi không hành động trong hoạt động công vụ của người được giao chức trách, nhiệm vụ theo pháp luật.

Ngày 22-8, TAND thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã nhận đơn khởi kiện của bà Phạm Thị Quỳnh Hoa kiện hành vi không tiến hành việc hòa giải của chủ tịch UBND phường Đông Hòa (thị xã Dĩ An) trong một vụ tranh chấp đất đai. Trước đó, tòa này không nhận đơn khởi kiện khiến bà Hoa phải làm đơn khiếu nại gửi chánh án TAND thị xã và TAND tỉnh. Sau đó, TAND thị xã đã mời bà Hoa lên làm việc và thông báo nhận hồ sơ khởi kiện.

Phường từ chối hòa giải

Theo trình bày của bà Hoa, sau khi cha mẹ bà mất có để lại cho chị em bà hơn 5.000 mđất tại phường Đông Hòa (giáp ranh khu ĐH Quốc gia TP.HCM). Đất này được cấp giấy đỏ từ năm 1997, sau khi cha mẹ mất chị em bà vẫn đóng thuế đầy đủ.

Bà Phạm Thị Quỳnh Hoa, người khởi kiện hành chính chủ tịch phường ra tòa. Ảnh: T.TÙNG

Ngày 20-6-2013, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi đất thuộc địa bàn hai phường Bình An và Đông Hòa để giao cho ĐH Quốc gia bồi thường giải phóng mặt bằng và sử dụng theo quy hoạch. Tuy nhiên, trong số các hộ gia đình bị thu hồi lại không thấy có tên, thửa đất tại tờ bản đồ của gia đình bà theo giấy chứng nhận đã cấp. Trong khi thực tế phần đất trên đã được ĐH Quốc gia xây tường rào bao quanh.

Cho rằng việc sót lọt đất của gia đình ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình (không được nhận tiền đền bù), bà Hoa đã khởi kiện giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM về việc tranh chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, TAND thị xã đã trả lại đơn kiện (vụ án dân sự) này vì lý do trong hồ sơ chưa có biên bản hòa giải của UBND phường Đông Hòa theo luật định. (Theo luật, tòa chỉ thụ lý vụ kiện về đất đai khi xã, phường đã hòa giải không thành.)

Nhận lại hồ sơ, bà Hoa đến UBND phường Đông Hòa yêu cầu được hòa giải thì bị UBND phường từ chối. Bà Hoa kể: “Ngày 28-6-2013, tôi mang hồ sơ đến gặp cán bộ tư pháp phường yêu cầu hòa giải thì người này bảo tôi liên hệ với UBND thị xã để giải quyết vì phường không có chức năng giải quyết…”. Chiều cùng ngày, bà Hoa đã khiếu nại về hành vi của cán bộ tư pháp đến chủ tịch phường này nhưng bà không nhận được văn bản giải quyết khiếu nại. Một tháng sau, bà Hoa lên phường hỏi thì được trả lời bằng miệng rằng: “Phường sẽ không hòa giải”.

Yêu cầu khởi kiện có căn cứ

Ngày 19-8, bà Hoa đã làm đơn khởi kiện hành chính hành vi không hòa giải của chủ tịch UBND phường Đông Hòa. Bà Hoa yêu cầu tòa tuyên buộc chủ tịch phường phải mời bà và đại diện ĐH Quốc Gia TP.HCM đến hòa giải và lập biên bản hòa giải về vụ tranh chấp đất, theo quy định pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu khởi kiện của bà Hoa là hoàn toàn có căn cứ, tòa phải thụ lý giải quyết, còn việc có chấp nhận tuyên buộc phường phải hòa giải hay không là chuyện khác.

Theo luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), chỉ cần khi người dân có đơn khiếu nại và khởi kiện thì UBND xã, phường phải tổ chức hòa giải. Đằng này tòa đã hướng dẫn bà Hoa về phường hòa giải mà cơ quan này vẫn từ chối thì bà khởi kiện là đúng theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính. Bởi biên bản hòa giải tại phường là sự kiện pháp lý ghi nhận lại yêu cầu khiếu nại, kiến nghị hoặc tố cáo của các bên đương sự. Tính chất của hòa giải là giảm thiểu các vụ việc cho tòa án, nên khâu này rất quan trọng. Nếu các bên thương lượng được với nhau thì phường lập biên bản hòa giải thành, không phải nhờ tòa án, đỡ mất thời gian, công sức. Cho nên khi chủ tịch phường có hành vi từ chối nhiệm vụ mà luật quy định thì người dân có quyền khởi kiện.

Đồng tình, luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) phân tích khi việc hòa giải trở thành bắt buộc thì người đứng đầu phường, xã phải làm, không nên viện cớ này nọ để từ chối. Việc có cơ sở thụ lý vụ án hay không, thẩm quyền giải quyết thế nào thì do tòa án quyết định, ủy ban không thể tự ý cho rằng “việc này không thuộc thẩm quyền của mình”. Theo luật sư Triết, trường hợp này tòa nên chấp nhận yêu cầu của bà Hoa, buộc chủ tịch phường phải tổ chức hòa giải để bà Hoa đủ điều kiện khởi kiện (dân sự) ra tòa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có tình tiết mới.

Luật buộc làm mà anh không làm thì bị kiện

Theo Điều 135 và khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai, trước khi khởi kiện ra tòa về tranh chấp đất thì phải có hòa giải ở UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất. Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND xã, phường, thị trấn nhận được đơn.

khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính định nghĩa: Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Theo luật, nếu thấy hành vi hành chính của người có thẩm quyền ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì đương sự có quyền khởi kiện.

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp luật TpHCM)

TRẢ VẬT CHỨNG SAI LUẬT!

Vật chứng gốc quan trọng bị thất lạc nhưng VKS vẫn nói rằng việc trả vật chứng cho người bị hại khi vụ án đang dang dở là đúng và hồ sơ còn bản phôtô nên… không sao.

Mới đây, VKS huyện Bắc Bình có văn bản gửi VKS tỉnh Bình Thuận báo cáo về vụ “Tòa bị tố tuồn hồ sơ ra ngoài” (Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh).

Trả chứng cứ cho người bị hại

Như chúng tôi đã thông tin, trước đây bà Trần Thị Kim Nguyệt và bà Lê Thị Kim Y tranh chấp quyền sở hữu một đàn dê. Đêm 28-5-2005, bà Nguyệt thuê người đem xe đến bắt đàn dê chở đi nơi khác. Sau khi bà Y làm đơn tố cáo, bà Nguyệt bị khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản.

Khi hồ sơ được chuyển sang TAND huyện Bắc Bình, nhận thấy chưa rõ ai có quyền sở hữu đối với đàn dê nên tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Theo yêu cầu của tòa, tháng 11-2006, VKS huyện Bắc Bình đã lập biên bản giao cho tòa bảy giấy tờ, tài liệu để làm chứng cứ chứng minh quyền sở hữu đàn dê của bà Y. (giấy sang nhượng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy hợp đồng nuôi dê và quản lý trang trại chăn nuôi, giấy sang nhượng trang trại…).

Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ 10 của TAND huyện Bắc Bình, người bị hại thừa nhận đã làm thất lạc các tài liệu gốc là vật chứng của vụ án. Ảnh: H.TÚ

Tháng 10-2008, dưới sự chỉ đạo của chánh án TAND huyện Bắc Bình thời điểm đó, thư ký tòa đã trả lại toàn bộ những giấy tờ, tài liệu trên cho bà Y.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 10 ngày 12-7-2013, trả lời câu hỏi của chủ tọa, bà Y thừa nhận sau khi nhận lại những giấy tờ ấy, bà đã đi làm thủ tục sang tên quyền sử dụng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đưa vào ngân hàng thế chấp, sáu tài liệu còn lại thì đã làm thất lạc. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 11 ngày 13-8 vừa qua, kiểm sát viên cho biết: “Do vụ án kéo dài, người bị hại có nhu cầu làm ăn nên có đơn xin lại và việc tòa giao hồ sơ cho người bị hại là hợp pháp”.

Theo văn bản báo cáo gửi VKS tỉnh Bình Thuận, VKS huyện Bắc Bình cho rằng bà Y đã cung cấp giấy tờ cho TAND huyện từ tháng 11-2006 nhưng tòa không xét xử để kéo dài. Đến tháng 10-2008, bà Y có đơn xin lại những tài liệu trên, được tòa trả lại và có bản phôtô lưu lại trong hồ sơ vụ án nên không có chuyện thất lạc giấy tờ.

Tùy tiện, sai luật!

Về mặt pháp lý, luật sư Lê Quang Y (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận xét: Các giấy tờ, tài liệu nói trên đã được cơ quan tố tụng thu thập hợp pháp, có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội nên đó là vật chứng của vụ án theo Điều 74 BLTTHS. Điều 75 BLTTHS quy định vật chứng cần được “mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án” và “phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát”. Ngoài ra, Điều 184 BLTTHS quy định: “Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa”. Điều 212 BLTTHS cũng quy định: “Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên tòa”.

Từ các quy định trên, luật sư Y cho rằng việc bảo quản, lưu giữ vật chứng trong án hình sự là rất quan trọng vì nó quyết định việc chứng minh tội phạm và người phạm tội. Các vật chứng, chứng cứ được thu thập trong quá trình tố tụng đều phải được xem xét, làm rõ tại phiên tòa thì mới đủ cơ sở kết luận bị cáo có phạm tội hay không. Vì vậy, cơ quan tố tụng không thể viện dẫn lý do “vụ án bị kéo dài” hay “nhu cầu làm ăn” để tùy tiện trả vật chứng cho người bị hại khi án chưa giải quyết dứt điểm được.

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) phân tích: Pháp luật cho phép cơ quan tố tụng có thể xử lý đối với các vật chứng cồng kềnh, dễ bị hư hỏng hoặc các vật chứng là tài sản như xe máy, xe ô tô… trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, khi hồ sơ đã được chuyển qua tòa để xét xử thì vật chứng phải được xử lý thông qua bản án, quyết định của tòa. Căn cứ trên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án hình sự sẽ chịu trách nhiệm thi hành việc xử lý vật chứng. “Nếu vụ án chưa được đưa ra xét xử, chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà tòa lại đi trả vật chứng cho người bị hại là trái pháp luật” – ông Thêm khẳng định.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) nhấn mạnh: Vì tầm quan trọng của việc bảo quản, lưu giữ vật chứng nên khoản 3 Điều 75 BLTTHS mới quy định người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường nếu gây thiệt hại.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Nếu đúng là có sự tranh chấp về quyền sở hữu đối với đàn dê giữa bị cáo và người bị hại, các vật chứng có giá trị chứng minh quyền sở hữu đàn dê của người bị hại mà tòa đem đi trả lại cho người bị hại là sai. Việc trả lại vật chứng khiến tài liệu gốc bị thất lạc có thể làm việc giải quyết vụ án đi theo một hướng khác. Như vậy, tòa đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

TS LÊ TIẾN CHÂUCục trưởng Cục Công tác phía Nam
– Bộ Tư pháp

Ảnh hưởng đến việc giải quyết án

Trong quá trình đưa vụ án ra xử, tòa không được trả lại vật chứng trong hồ sơ vụ án đã được thu thập trước đó cho đương sự vì sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết án. Việc tòa trả lại bảy tài liệu cho người bị hại khiến các tài liệu bị thất lạc là trái quy định của pháp luật, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Thẩm phán NGUYỄN HUY HOÀNGTAND quận Gò Vấp, TP.HCM

HỒNG TÚ

(Nguồn: báo Pháp luật Tp.HCM)

MỘT MẢNH ĐẤT BÁN CHO NHIỀU NGƯỜI – BÀI 1: NGƯỜI MUA CHỊU THIỆT!

Bà Hoa, bà Hà còn bàng hoàng hơn khi biết mảnh đất trên đã được vợ chồng ông K. âm thầm giải chấp ngân hàng rồi chuyển nhượng cho người khác.

Hiện tượng này đã xuất hiện khá nhiều trong thời gian qua. Người mua mất tiền tỉ nhưng đất không có, công an không xử lý hình sự, kiện tụng thì nhiêu khê vất vả, có thắng kiện cũng không biết khi nào mới lấy lại được tiền…

Những ngày này, vợ chồng ông TTK (huyện Phú Giáo, Bình Dương) đang bị nhiều người tố cáo vì hành vi lừa bán một mảnh đất cho nhiều người. Những người đã lỡ bỏ tiền tỉ mua đất “ảo” yêu cầu khởi tố vợ chồng ông K. vì cho rằng hành vi lừa đảo đã rõ ràng nhưng công an huyện lúc thì bảo là dân sự, khi thì lại chần chừ chưa có kết luận.

Đất thế chấp vẫn bán cho nhiều người

Bà Phạm Lệ Hà, ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa (Phú Giáo) còn nhớ như in thời điểm tháng 6-2010, khi vợ chồng ông K. đến nhà bà “gả” bán cho bà một mảnh đất cao su rộng hơn 32.000 m2 ở xã Tam Lập với giá 3 tỉ đồng. Bà Hà kể: “Thấy mảnh đất trồng cao su hai năm tuổi có giá cả quá hợp lý, vợ chồng ông K. lại cam kết đất không có tranh chấp, sẽ sớm làm thủ tục chuyển nhượng nên tôi đồng ý mua và đặt cọc ngay 450 triệu đồng”.

Bà Phạm Lệ Hà trình bày việc mình bị lừa mua đất. Ảnh: THANH TÙNG

Sau nhiều lần bà Hà thanh toán với tổng số tiền lên tới 2,1 tỉ đồng, tháng 5-2012, hai bên đã ra UBND xã Tam Lập chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Lúc làm hợp đồng thì ông K. (người đứng tên trên giấy đỏ) không có mặt nhưng cán bộ xã vẫn cho bà Hà ký vào hợp đồng và nói sẽ bổ sung chữ ký của ông K. sau.

Sau đó, bà Hà phát hiện ra giấy đỏ mảnh đất trên đang được ông K. thế chấp ngân hàng từ đầu năm 2007 nên không thể hoàn tất hồ sơ đăng bộ tại UBND huyện. Sau đó, phía ông K. làm cam kết sẽ sớm lấy giấy đỏ ra để hoàn tất thủ tục nhưng không thực hiện.

Tìm hiểu, bà Hà phát hiện ra là một tháng trước khi bán đất cho mình, vợ chồng ông K. đã mang mảnh đất ấy thế chấp cho bà Tôn Thị Hoa (cùng ngụ xã Vĩnh Hòa) để vay 1,5 tỉ đồng.

Theo tố cáo của bà Hoa, khi đến hẹn nhưng không có tiền trả nợ, vợ chồng ông K. đã làm hợp đồng tay với nội dung bán đứt mảnh đất này cho bà với giá 2 tỉ đồng. Thấy rẻ nên tháng 4-2011, bà đã đưa thêm cho vợ chồng ông K. 500 triệu đồng nữa và chờ ngày giao đất.

Thậm chí trong thời gian chờ giao đất, bà Hoa còn tin tưởng cho vợ chồng ông K. mượn thêm 1 tỉ đồng. Tổng cộng, bà đã bỏ ra cho vợ chồng ông K. 3 tỉ đồng. Chờ mãi không thấy ông K. giao đất, bà Hoa tìm hiểu thì mới té ngửa khi biết không chỉ có một mình bà bị mất tiền tỉ cho vợ chồng ông K.

Bà Hoa với bà Hà còn bàng hoàng hơn khi biết mảnh đất trên đã được vợ chồng ông K. âm thầm giải chấp ngân hàng rồi chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Tháng 7-2013, bà Thảo mang giấy đỏ đến UBND xã Tam Lập yêu cầu xác nhận tình trạng đất thì ủy ban đã từ chối với lý do đất đang có tranh chấp.

Xử lý lúng túng

Không còn cách nào khác, cả bà Hà lẫn bà Hoa đã làm đơn tố cáo vợ chồng ông K. ra UBND xã Tam Lập và Công an huyện Phú Giáo. Trong các phiên hòa giải do UBND xã Tam Lập tổ chức, ông K. đều vắng mặt, chỉ có vợ ông đến dự. Bà này thừa nhận các nội dung tố cáo của bà hà và bà Hoa là đúng nhưng nói do không có tiền nên trước mắt không thể trả cho ai.

Sau khi nhận được tố cáo, ngày 31-5, Công an huyện Phú Giáo có văn bản trả lời cho bà Hà và bà Hoa cùng với nội dung sau: “Qua nghiên cứu công an nhận thấy đây là vụ việc dân sự, không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Đề nghị bà liên hệ với TAND huyện để được giải quyết theo pháp luật”.

Tuy nhiên, sau khi bà Hà và bà Hoa khiếu nại quyết liệt vì cho rằng dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông K. đối với họ đã rất rõ, mới đây công an huyện đã mời hai bà lên yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ để làm cơ sở xác minh.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Trú (Phó Trưởng Công an huyện Phú Giáo) cho biết công an vẫn đang tiến hành xác minh các bên liên quan nên chưa thể đưa ra kết luận chính xác. “Chúng tôi sẽ tìm hiểu và tách biệt các mối quan hệ ra để làm rõ sự việc” – ông Trú nói.

Dấu hiệu lừa đảo rất rõ

Vợ chồng ông K. đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Hà khi chuyển nhượng mảnh đất đã đem thế chấp tại ngân hàng mà không có sự đồng ý của ngân hàng. Tương tự, việc vợ chồng ông K. tự ý thế chấp mảnh đất cho bà Hoa và chuyển nhượng giấy tay để cấn trừ nợ mà không được sự đồng ý của ngân hàng cũng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Hoa. Bằng thủ đoạn gian dối, vợ chồng ông K. đã dùng một mảnh đất đang thế chấp ngân hàng bán hai lần mà không được sự đồng ý của ngân hàng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hai người.

TS PHAN ANH TUẤNTrưởng bộ môn Luật hình sự, khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Nhận nợ nhưng “không biết khi nào trả”

Một người khác cũng tố cáo vợ chồng ông K. là ông Phạm Trọng Tiên (cán bộ xã Tam Lập). Ông Tiên kể: “Tháng 8-2012, vợ chồng ông K. hỏi mượn giấy đỏ đất tôi để thế chấp ngân hàng vay tiền làm ăn. Chỗ quen biết, tôi đồng ý đứng tên vay giúp ông K. 1,5 tỉ đồng. Tôi tin tưởng vì hai bên đã ra xã làm hợp đồng vay tiền. Nào ngờ sau đó vợ chồng ông K. tuyên bố hết tiền khiến tôi phải ôm cục nợ”.

Tại phiên hòa giải ở xã Tam Lập, vợ ông K. thừa nhận có nhờ ông Tiên vay tiền nhưng cũng nói: “Không biết khi nào trả được”.

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)

NÂNG MỨC TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG

07/09/2013 – 06:50

(PL)- Chính phủ vừa quyết định nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 1.110.000 đồng lên 1.220.000 đồng.

Đây là mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Quy định có hiệu lực từ ngày 20-10 và việc tăng phụ cấp, trợ cấp sẽ được tính từ ngày 1-7-2013.

Theo quy định mới, mức phụ cấp, trợ cấp được tính: Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của một liệt sĩ là 1.220.000 đồng/tháng, hai liệt sĩ là 2.440.000 đồng/tháng; ba liệt sĩ trở lên, mức trợ cấp là 3.660.000 đồng (quy định cũ chỉ quy định chung trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của hai liệt sĩ trở lên là 1.983.000 đồng/tháng). Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ như trên và hưởng phụ cấp 1.023.000 đồng/tháng. Bổ sung mức trợ cấp đối với người phục vụ bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình là 1.220.000 đồng/tháng (nghị định cũ không quy định đối tượng này).

Đ.LIÊN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ XĂNG DẦU BỊ PHẠT ĐẾN 1 TỈ ĐỒNG

30/08/2013 – 04:45

(PL)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; xử phạt các vi phạm về tìm kiếm, khai thác dầu khí; sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng, dầu, gas với mức cao nhất lên đến 1 tỉ đồng đối với hành vi vi phạm về khai thác dầu khí.

Gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị xử phạt 5-50 triệu đồng; vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu (lưu trữ, vận chuyển xăng dầu chất lượng kém, pha trộn chất phụ gia, các chất khác vào xăng dầu…) bị phạt tiền 1-2,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm.

Nghị định mới cũng quy định mức phạt 20-30 triệu đồng đối với hành vi chuyển tải, sang mạn xăng dầu không đúng vị trí quy định. Nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được giao; duy trì mức dự trữ lưu thông xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định sẽ bị xử phạt đến 70 triệu đồng. Buôn bán, trao đổi xăng dầu trên biển với tàu thuyền nước ngoài cũng bị xử phạt đến 40 triệu đồng… Quy định có hiệu lực từ 10-10-2013.

Đ.LIÊN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

MỘT MẢNH ĐẤT BÁN CHO NHIỀU NGƯỜI – BÀI 2: MẤT TIỀN VÌ HAM ĐẤT RẺ

11/09/2013 – 06:20

Người mua ham đất rẻ, sẵn sàng giao dịch giấy tay không đúng quy định, không có gì đảm bảo chắc chắn, tạo điều kiện cho người bán dễ dàng lấy tiền…

Trước đây, ông Nguyễn Văn Hà được bạn giới thiệu đến gặp ông NMC (ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) để hỏi mua một lô đất. Ông C. thông tin rằng đây là đất mình mua trước đó, nay không có nhu cầu sử dụng nên sẽ bán lại cho ông Hà với “giá mềm”.

Mua trúng đất “ảo”

Đầu năm 2011, khi ông Hà đi xem đất, ông C. cho biết đó là lô số 14A và chỉ cho xem một nền đất nằm cuối một khu đất ruộng lớn, được xây viền gạch đỏ bao quanh. Sau đó, ông C. đưa ra một tờ photo bản đồ hiện trạng vị trí đánh dấu vào ô bán cho ông Hà và nói để sau này bổ túc hồ sơ xin chuyển quyền sử dụng đất, kèm theo bản photo giấy chủ quyền đất của người chủ cũ và mẫu giấy mua bán đất do ông C. đứng tên bán.

Sau khi trả tiền (110 triệu đồng) xong, ông Hà và ông C. cùng ký tên vào giấy mua bán đất, đồng thời ấn dấu vân tay vào nơi có chữ ký mà không ra công chứng. Hồ sơ giao cho ông Hà khi mua bán xong gồm những giấy tờ photo trên kèm theo sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân của ông C. (cũng là bản photo).

Lô đất “ảo” xây viền lấn qua đất người khác mà ông Hà đã tin tưởng mua của ông C. Ảnh: TH.HIẾU

Cuối năm 2012, ông Hà đến thăm đất thì té ngửa vì không còn thấy viền gạch làm ranh của lô đất. Ông dò hỏi những người xung quanh mới biết lô đất số 14A mà ông C. bán cho ông hoàn toàn không có. Hóa ra sau khi ông C. phân lô bán nền thì còn thừa lại một mẩu đất nhỏ. Ông C. bèn lấy gạch đỏ xây viền lấn chiếm đất của người khác thành một nền hoàn chỉnh rồi bán cho ông Hà. Vì vậy, khi phát hiện ra, người chủ thửa đất lớn bị lấn chiếm đã phá bỏ hàng gạch xây làm viền của lô đất “ảo” này.

Sau nhiều lần ông Hà tới lui chất vấn, ông C. mới chịu thừa nhận đã lập hồ sơ khống bán đất “ảo” cho ông để lấy tiền tiêu xài. Ông Hà đòi tiền, ông C. không chịu trả mà hứa sẽ mua một lô đất khác trả. Vài ngày sau, ông C. gọi ông Hà đến rồi giao cho ông bộ hồ sơ photo của lô đất số 13 và nói mua lại của một người khác để đền lại cho ông. Chỉ muốn lấy lại tiền, ông Hà không đồng ý nhận đất này thì ông C. tỏ thái độ hăm dọa, thách thức.

Do nghi ngờ ông C. lừa đảo bán đất “ảo” cho nhiều người khác như mình nên ông Hà vờ nhận bộ hồ sơ để tìm hiểu. ông mới biết lô đất số 13 này ông C. đã bán cho một phụ nữ với giá 76 triệu đồng từ đầu năm 2009, sau đó lại đem bán tiếp cho một người đàn ông vào cuối năm 2009.

Ông Hà tố cáo ông C. ra Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM). Hiện cơ quan công an đang tiến hành xác minh, làm rõ.

Không nơi nào giải quyết

Mấy tháng nay, các ông bà Trần Quang Thụ, Phan Văn Bình, Bùi Thị Lập, Lý Thị Thủy và một số người khác (cùng ngụ phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã khiếu nại khắp nơi về việc họ bị bà NTBT lừa bán đất nhưng không cơ quan nào giải quyết.

Theo đơn tố cáo của những người dân này, họ nghe thông tin bà T. ngụ cùng phường có khu đất khá lớn ở xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) đang phân lô bán nền nên tìm hỏi mua. Bà T. hứa hẹn bán cho mỗi người một lô đất diện tích từ 80 m2 đến 160 m2 tại đây với giá từ 120 triệu đồng đến 280 triệu đồng/lô. Tất cả thủ tục mua bán được hai bên thực hiện bằng giấy tay. Theo giao kết, bên phía bà T. sẽ tiến hành làm hồ sơ thủ tục cho bên mua đến cấp xã, có bản vẽ tách thửa kèm theo và mọi chi phí sẽ do bà T. chịu.

Ham đất rẻ, các hộ dân đã giao tiền trước cho bà T. để rồi sau đó phải bắt đầu chuỗi ngày “truy tìm, đuổi bắt” yêu cầu bà T. làm thủ tục sang tên. Hết lần này đến lần khác, bà T. viện đủ lý do để tránh né việc làm thủ tục sang tên các lô đất. Căng thẳng lên đến cao trào khi những người mua đi thăm đất mới biết lô đất mà bà T. bán cho mình đã được bà ta đem bán cho nhiều người khác. Những người mua sau đã cắm cọc bao quanh toàn bộ khu vực để giữ đất và đi tố cáo với công an địa phương. Lúc này, bà T. đã “cao chạy xa bay”, dọn đi không còn ở nơi cư trú cũ nữa.

Ông Thụ bức xúc: “Chúng tôi cầm đơn đến tố cáo với Công an quận Gò Vấp thì cán bộ nơi đây nói sự việc xảy ra ở huyện Hóc Môn và chỉ chúng tôi lên đó. Tới Công an huyện Hóc Môn, cán bộ nơi này bảo đây là quan hệ dân sự vì việc mua bán đất có giấy tay. Chúng tôi qua tòa thì tòa không nhận đơn vì cho rằng hành vi bán một lô đất cho nhiều người để nhận tiền của bà T. có dấu hiệu của tội lừa đảo, phải tố cáo đến công an mới đúng. Cứ thế, giờ đây chúng tôi không biết phải nhờ cơ quan nào giải quyết cho chúng tôi cả”.

Người mua đất phải cẩn trọng

Về nguyên tắc, người dân khi mua đất là phải tìm hiểu rõ về tính pháp lý của lô đất muốn mua tại UBND xã, ít nhất là phải có các thông tin như có đúng là đất của người bán hay không, đất đang có tranh chấp hay không, quy hoạch ra sao, có thể cất nhà không… Hiện nay, rất nhiều người dân vì ham đất giá rẻ nên chấp nhận giao dịch bằng các giấy tay và các hồ sơ photo, không được cơ quan chức năng công chứng, chứng nhận. Vì vậy, khả năng người mua gặp phải rủi ro, tranh chấp là rất lớn.

Theo chúng tôi, trường hợp mua bán giấy tay (hợp đồng tay) có tranh chấp thì là quan hệ dân sự, người dân phải khởi kiện tại tòa án để được giải quyết. Còn nếu người bán chỉ có một lô đất mà bán cho nhiều người thì rõ ràng là lừa đảo, thuộc trách nhiệm xử lý của cơ quan điều tra. Trường hợp không có đất mà vẫn cố tình chỉ đại để bán “đất ảo” cho người khác lấy tiền thì cũng bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá NGUYỄN VĂN QUÝPhó Trưởng Công an huyện
Bình Chánh (TP.HCM)

THÁI HIẾU

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

MỘT MẢNH ĐẤT BÁN CHO NHIỀU NGƯỜI – BÀI CUỐI: VÌ SAO ÍT XỬ LÝ HÌNH SỰ?

12/09/2013 – 06:20

Thực tế cho thấy cơ quan công an ít khi xử lý hình sự những vụ tố cáo lừa đảo mua bán đất và thường cho là giao dịch dân sự nên hướng dẫn người tố cáo về viết đơn khởi kiện. Vì sao?

Một điều tra viên Công an TP.HCM cho biết cơ sở pháp lý là các quy định liên quan trong BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành để xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đã ổn. Nhưng trên thực tế, cơ quan điều tra rất khó khăn trong việc xác định ý thức chiếm đoạt tài sản cũng như chứng cứ trong các vụ chuyển nhượng đất này để định tội.

Sự cẩn trọng cần thiết?

Cụ thể, hầu hết các vụ này ngay từ đầu đều có yếu tố giao dịch dân sự, các bên làm giấy tay hoặc hợp đồng chuyển nhượng nhưng không được công chứng, chứng thực. Do đó ý thức chiếm đoạt tài sản của người bán là không rõ ràng. Trong quá trình giao dịch sau đó, người bán mới khéo léo bằng cách này, cách khác dẫn dắt người mua giao dịch không đúng trình tự, thủ tục. Đến khi bị tố cáo thì họ lại tìm nhiều cớ đẩy lỗi cho người mua như giao tiền không đúng cam kết, trả không đủ tiền…

Vì vậy, trong quá trình xác minh làm rõ, cơ quan điều tra sẽ phải rất thận trọng. Sự cẩn trọng này là cần thiết vì nếu không cẩn thận sẽ làm oan, hình sự hóa quan hệ dân sự. Lúc đó hậu quả pháp lý sẽ rất nặng nề và ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

Nhiều người đang tố cáo vợ chồng ông TTK ở Phú Giáo (Bình Dương) đã đem mảnh đất trồng cao su này lừa bán cho nhiều người. Ảnh: THANH TÙNG

Theo Thẩm phán Nguyễn Khắc Linh Duy (Phó Chánh án TAND huyện Đức Hòa, Long An), việc khó xử lý hình sự các tranh chấp chuyển nhượng đất còn có yếu tố do chính bản thân người mua cũng có lỗi. Trước khi mua, họ không tìm hiểu rõ tình trạng pháp lý của đất đai, sau đó dễ dàng đưa tiền cho người bán mà không chịu thực hiện đúng các quy định về chuyển nhượng đất, dễ dàng bị người bán dẫn dắt trong khi không có gì bảo đảm. Thậm chí không ít trường hợp ngay từ đầu người mua đã biết mảnh đất đó không đảm bảo về mặt pháp lý như chưa có giấy tờ, giấy tờ đang thế chấp tại ngân hàng, giấy tờ đứng tên người khác… nhưng vẫn dại dột nghe lời người bán “bắt tay lách luật”, tạo sơ hở cho người bán lấy tiền.

“Thực tế hiện tượng này đã trở nên khá phổ biến và đang có dấu hiệu gia tăng trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn. Có thể do người mua nhận thức pháp luật yếu và có tâm lý hám rẻ, vì lợi ích trước mắt nên coi thường quy định. Việc công an có khởi tố hình sự phía người bán hay không chỉ là xử lý phần ngọn, khi hậu quả đã xảy ra rồi. Cái gốc để giải quyết tình trạng này phải bắt đầu từ ý thức của người đi mua đất. Nếu họ cẩn thận, làm đúng quy định thì khó có ai mà lừa được” – Thẩm phán Duy khẳng định.

Tùy trường hợp, tình huống

Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM), về nguyên tắc, nếu một mảnh đất đã bán cho người khác rồi lại tiếp tục bán cho người khác nữa thì đây là hành vi lừa đảo. Tương tự, không phải đất của mình mà nói dối để bán lấy tiền cũng là hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, cũng phải xét từng trường hợp cụ thể với các tình tiết, quan hệ cụ thể.

Theo TS Tuấn, cần phân biệt như sau: Là quan hệ dân sự nếu người bán là chủ sử dụng hợp pháp của lô đất làm hợp đồng bán cho người khác, sau đó các bên đổi ý không mua bán nữa hoặc đất vướng quy hoạch hay vì lý do khách quan nào đó khiến hợp đồng không thực hiện được. Nếu các bên giao kết bằng hợp đồng không có công chứng, chứng thực mà xảy ra các tình huống trên thì cũng chỉ là quan hệ dân sự.

Trong trường hợp trên thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người bán vì ngay từ đầu họ không có ý định chiếm đoạt tiền của người mua. Lý do hai bên không thực hiện được việc mua bán không xuất phát từ mục đích chiếm đoạt tiền. Để giải quyết hậu quả, người mua có thể khởi kiện người bán ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng để lấy lại tiền hoặc tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng.

Đồng tình, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng để xử lý hình sự về tội lừa đảo thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được ba yếu tố là có hành vi chiếm đoạt tài sản, có thủ đoạn gian dối và có ý thức chiếm đoạt tài sản. “Nếu ngay từ đầu người bán không dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin về tài sản đúng sự thật, sau đó do thay đổi ý chí hoặc do trục trặc về thủ tục mà gây thiệt hại cho người mua và những người liên quan thì cũng chỉ là quan hệ dân sự. Nếu khởi tố thì sẽ rất gượng ép vì không chứng minh được ý thức chiếm đoạt”.

Còn với những vụ mà người bán đã có ý thức chiếm đoạt ngay từ đầu qua việc cố tình đưa ra những thông tin sai về tài sản, bịa ra những chuyện không có thật, dù không có trục trặc gì vẫn âm thầm đem một mảnh đất bán cho nhiều người, lừa dối người mua để bán đất “ảo”… thì rõ ràng đã cấu thành tội lừa đảo theo TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) và luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM). “Yếu tố người bán có viết giấy giao dịch hay không, có nhận nợ hay không, có bỏ trốn hay không… không quan trọng trong việc định tội. Vấn đề còn lại là công an có quyết liệt làm hay không mà thôi” – TS Hưng nói.

Một số vụ ở tù vì lừa bán đất

Tháng 12-2012, TAND quận Bình Tân (TP.HCM) đã tuyên phạt Trần Thị Bé chín năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2001, Bé xây một căn nhà không số ở đường Mã Lò (phường Bình Trị Đông A), đến tháng 5-2009 thì viết giấy tay bán cho chị Nguyễn Thị Ngọc Mai. Hơn một năm sau, cũng căn nhà này, Bé lại bán tiếp cho chị Đỗ Nguyệt Nương lấy 200 triệu đồng. Sau nhiều lần yêu cầu giao nhà nhưng không được, chị Nương tố cáo Bé. Tại cơ quan điều tra, Bé còn khai trong thời gian trên, bị cáo còn lấy đất của người khác nói dối là của mình mua chưa sang tên để lừa ông Nguyễn Lập Thiệt và bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, lấy được hơn 140 triệu đồng tiền đặt cọc mua đất.

Tháng 4-2012, TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hùng 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Hùng thành lập DNTN Thành Sơn chuyên tư vấn về nhà đất tại huyện Cần Đước. Sau đó Hùng làm hợp đồng tay mua của ông Lưu Văn Triết 4.000 m2 đất với giá hơn 1,4 tỉ đồng nhưng không giao tiền nên ông Triết hủy bỏ việc mua bán. Sau đó, Hùng lại dùng thủ đoạn lấy danh nghĩa DNTN Thành Sơn bán lô đất trên cho ông Mai Văn Chính với giá 2 tỉ đồng. Do không biết nên ông Chính giao trước cho Hùng 1 tỉ đồng và chờ ngày lấy sổ. Hùng lập khống hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Chính với ông Triết. Tin tưởng, ông Chính lại giao tiếp cho Hùng 600 triệu đồng. Hùng lấy tiền rồi bỏ trốn…

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

NHÀ DỰ ÁN: SẼ CẤP THẲNG GIẤY HỒNG CHO DÂN

18/09/2013 – 05:55

Trong tháng 9, TP thu hồi 86 dự án treo nhưng chủ đầu tư không xin gia hạn.

“Đối với các chủ đầu tư chây ỳ, không làm thủ tục cấp giấy cho dân, kiến nghị UBND TP cho phép người dân nộp thẳng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận tại UBND quận, huyện mà không cần thông qua chủ đầu tư xác nhận” – ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP, ngày 17-9.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, thống nhất ngay với kiến nghị của Sở TN&MT. Ông Tín nhấn mạnh: Cần có biện pháp chế tài nặng với các chủ đầu tư cố tình cù nhầy không làm thủ tục cấp giấy cho dân, dù đã bàn giao nhà và người dân cũng đã đóng đủ tiền cho chủ đầu tư. Ông Tín yêu cầu các quận, huyện nắm lại số lượng căn hộ chưa được cấp giấy hồng. Sở TN&MT sẽ hướng dẫn quận, huyện thực hiện thủ tục cấp giấy cho các đối tượng này.

Nhiều hộ dân trong các dự án đã ở lâu năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Ảnh: HTD

Tại cuộc họp, nhiều quận, huyện báo cáo: Đến 30-9 sẽ hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận lần đầu cho người dân theo chỉ đạo của UBND TP. Riêng các quận 4, 11 và Bình Chánh (hiện còn tồn nhiều hồ sơ chưa cấp giấy) đều hứa với TP từ nay tới cuối năm sẽ hoàn thành công tác này.

Liên quan đến quy trình cấp giấy, hiện đa số các địa phương đều thực hiện đúng quy định giải quyết hồ sơ trong vòng 50 ngày. Một số quận, huyện như Củ Chi, Tân Bình còn giải quyết cho người dân chỉ trong vòng 33 đến 43 ngày. Tuy nhiên, Sở TN&MT cho biết: Dù TP đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho công tác cấp giấy nhưng vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện quyết liệt. Điển hình như tình trạng vi phạm xây dựng (xây vượt chiều cao, sai mẫu nhà, sai thiết kế được duyệt…) tại một số dự án phát triển nhà ở của quận 9 (dự án khu dân cư Gia Hòa), Gò Vấp (dự án khu dân cư của Công ty Phát triển Nhà Gò Vấp), quận 5 (dự án của Công ty Phúc Thịnh)…

Ngoài ra, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, báo cáo thêm: Hiện vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến công tác cấp giấy là chính sách về thu tiền sử dụng đất còn bất hợp lý. Do vấn đề này chưa được tháo gỡ nên nhiều người dân không muốn đăng ký xin cấp giấy.

Tại cuộc họp, Sở TN&MT kiến nghị ngay trong tháng 9 sẽ thu hồi 86 dự án đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đến nay không có chủ đầu tư nào xin gia hạn. Đối với 175 dự án phúc lợi công cộng (trường học, bệnh viện, hạ tầng kỹ thuật…), TP yêu cầu vẫn tiếp tục thực hiện và các quận, huyện phải chịu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ.

2.000 hộ dân tại Bình Thạnh sẽ hết “treo” giấy hồng

UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận thanh tra Công ty TNHH một thành viên Địa ốc Bình Thạnh (tên cũ là Công ty Phát triển Nhà Bình Thạnh). Theo đó, khoảng 2.000 hộ dân tại 14 dự án chung cư của Công ty Địa ốc Bình Thạnh đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ được giải quyết cấp giấy chứng nhận (xem thêm bài “Gần 2.000 hộ dân bị “treo” sổ hồng” trên Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 1-7).

Thông báo của UBND TP cũng nêu với các dự án chưa hoàn tất việc bồi thường và chủ đầu tư không thể thực hiện tiếp, quận Bình Thạnh phải xem xét đề xuất điều chỉnh ranh giao đất theo hiện trạng đã bồi thường. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp kinh phí tương ứng với giá trị phần cơ sở hạ tầng của dự án chưa thực hiện để quận Bình Thạnh thực hiện đầu tư cho đồng bộ với dự án.

TP cũng yêu cầu quận Bình Thạnh xác định khoản kinh phí bắt buộc chủ đầu tư phải ký quỹ để hoàn thành dự án theo tiến độ đã cam kết. Công ty Địa ốc Bình Thạnh phải nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo nội dung kết luận thanh tra, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

VIỆT HOA

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

BỎ GHI HỌ TÊN CHA VÀ MẸ TRÊN CHỨNG MINH NHÂN DÂN

18/09/2013 – 18:36

Ngày 17/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007. Theo Nghị định mới, sẽ bỏ phần ghi tên cha, mẹ trên chứng minh nhân dân. Bỏ cụm từ “họ và tên cha,” “họ và tên mẹ” tại mặt sau của chứng minh nhân dân.

Ngoài ra, bổ sung cụm từ “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” vào bên dưới cụm từ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tại mặt trước chứng minh nhân dân.

Về thời gian cấp mới, đổi, cấp lại chứng minh nhân dân, theo Nghị định 05/1999/NĐ-CP, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định, cơ quan công an phải làm xong chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất, tối đa không quá 15 ngày (ở thành phố, thị xã) và 30 ngày (ở địa bàn khác).

Tại Nghị định 106/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung như sau: kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định, cơ quan Công an phải làm xong chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất.

Thời gian giải quyết việc cấp chứng minh nhân dân tại thành phố, thị xã là không quá 7 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi; 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại. Còn tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp chứng minh nhân dân là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11/2013.

Đối với chứng minh nhân dân đã được cấp theo Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định./. (Theo TTXVN)

ÁN TREO VỚI TỘI PHẠM THAM NHŨNG – BÀI 1: CÓ NƯƠNG TAY KHI XỬ THAM NHŨNG?

16/09/2013 – 06:20

Việc người phạm tội liên quan đến tham nhũng được hưởng án treo với tỉ lệ cao hơn các loại án hình sự khác đã làm dư luận bức xúc…

Theo con số mà Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra khi trả lời chất vấn của Quốc hội hồi tháng 6-2013, tính đến năm 2013, tỉ lệ án treo đối với án liên quan đến tham nhũng là 30,8%, cao hơn các loại án khác (bình quân chỉ 21%). Còn theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, con số cụ thể qua các năm là 36,5% (năm 2010), 37,1% (năm 2011), 30,2% (năm 2012).

“Vận dụng pháp luật đúng”

Việc tỉ lệ các bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng được hưởng án treo cao hơn các loại tội phạm khác đã làm dư luận bức xúc. Nhiều lần các đại biểu Quốc hội đã đưa vấn đề này ra chất vấn chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao.

Trong những lần trả lời chất vấn trước đây, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng không nên đánh giá trên con số mà phải đánh giá là bản án cho hưởng án treo có đúng quy định của pháp luật hay không. Ông Bình lý giải: “Án treo là một chế định của pháp luật cho bị cáo miễn chấp hành hình phạt tù có thời hạn. Theo quy định của pháp luật, người nào hội tụ đủ những điều kiện đó thì tòa phải cho hưởng án treo. Hằng năm, chúng tôi vẫn có nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành án treo và yêu cầu các tòa khi xét xử, nếu tuyên án treo thì phải gửi về TAND Tối cao để giám đốc kiểm tra. Kết quả nhận được thì các vụ án tòa cho treo đều đúng pháp luật, số vụ không đúng chỉ chiếm tỉ lệ 0,065%”.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (trái), Viện trưởng VKSND Tối cao trong một buổi trả lời chất vấn tại Quốc hội về án tham nhũng. Ảnh: Việt Dũng

Gần đây nhất, ngày 11-9 vừa qua, làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, TAND Tối cao tiếp tục tái khẳng định quan điểm về cơ bản, việc cho các bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng hưởng án treo là có căn cứ pháp luật, chỉ có một số trường hợp “thiếu tính thuyết phục”.

Tương tự, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định với các đại biểu Quốc hội là dù tỉ lệ cho hưởng án treo với tội phạm tham nhũng cao nhưng “việc vận dụng pháp luật là đúng”…

Những điểm chưa ổn

Nhiều chuyên gia về pháp luật hình sự cho biết bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng phần lớn nguyên là cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác… Cạnh đó, họ có những tình tiết khác như nhân thân tốt, luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng. Đây là các điều kiện thuận lợi để tòa cho họ hưởng án treo theo Điều 60 BLHS và hướng dẫn trong Nghị quyết 01 ngày 2-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bị cáo phạm tội về tham nhũng vốn thường “có sẵn” những tình tiết giảm nhẹ kể trên thì ngành tòa án có bắt buộc phải cho họ hưởng án treo trong trường hợp phạt họ không quá ba năm tù? Các ưu thế về nhân thân có đủ để cho họ đương nhiên được hưởng án treo?

Theo Điều 60 BLHS, chế định án treo là một chế định tùy nghi, do tòa cân nhắc, quyết định “nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù” chứ không phải bắt buộc là cứ người nào hội tụ đủ những điều kiện để hưởng án treo.

Mặt khác, tại Nghị quyết 01, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn một điều kiện bắt buộc để cho bị cáo hưởng án treo là “nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm” (điểm d Tiểu mục 6.1 Mục 6). Trong khi đó, tham nhũng ở nước ta đã và đang được xem là quốc nạn. Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Như vậy, việc cho các bị cáo phạm tội về tham nhũng hưởng án treo rõ ràng chưa đáp ứng được điều kiện “không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm”!

Hiểu sai, vận dụng chưa phù hợp?

Từ góc nhìn trên, tại buổi làm việc với đại diện các cơ quan pháp luật trung ương cuối tháng 8 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã phản ứng gay gắt về việc tại sao án treo đối với án tham nhũng quá nhiều. Có những tỉnh như Ninh Bình, hai năm xử được chín bị cáo về tội tham nhũng thì tám người được hưởng án treo.

Đ?ng t?nh, ?ồng tình, ông Nguyễn Mạnh Cường (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) nói: “Trong số án treo này, có trường hợp hành vi phạm tội rất nghiêm trọng nhưng tòa vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, kéo mức án tuyên thấp dưới khung hình phạt, làm cơ sở để cho treo. Như vậy phải giải thích như thế nào?”.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định tòa các cấp đang hiểu sai, áp dụng có lợi cho tội phạm tham nhũng. “Báo cáo của TAND Tối cao khẳng định các bản án treo đều đúng luật. Xin thưa, luật có bắt buộc tòa phải xử treo đâu? Luật yêu cầu phải cân nhắc nhiệm vụ chính trị địa phương, yêu cầu về phòng, chống tội phạm cơ mà. Nhiệm vụ ấy là gì? Cả nước phải coi tham nhũng như giặc nội xâm cơ mà!” – ông Quyền bức xúc.

Một số vụ cho treo thiếu thuyết phục

– Tháng 1-2010, xử Tống Khắc Năng về hai tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã cho bị cáo hưởng án treo về cả hai tội dù không có tình tiết giảm nhẹ mới. Trước đó, Năng bị TAND tỉnh Bắc Giang phạt hai năm tù về tội tham ô, một năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn…

Theo Ban Thanh tra của TAND Tối cao, tòa phúc thẩm cho bị cáo hưởng án treo về cả hai tội là không đúng. Bởi bị cáo bị xử phạt hành chính lẫn hình sự nhiều lần về tội đánh bạc. Mặt khác, bị cáo cùng một số người đang bị VKSND tỉnh Bắc Giang yêu cầu điều tra về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ…

– Tháng 1-2010, xét xử Đỗ Ngọc Chất và Phùng Văn San (đội trưởng, chấp hành viên của Đội Thi hành án huyện Thống Nhất, nay là huyện Trảng Bom, Đồng Nai) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã cho hai bị cáo hưởng án treo.

Ban Thanh tra của TAND Tối cao nhận xét vụ án đã hai lần bị tòa phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại. TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm, phạt Chất hai năm sáu tháng tù, San một năm tù. Việc tòa phúc thẩm giữ nguyên mức án sơ thẩm rồi cho hai bị cáo hưởng án treo là không phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi các bị cáo gây ra.

PHAN THƯƠNG

(Nguồn: Báo Pháp Luật Tp.HCM)