14 LUẬT QUAN TRỌNG NÀO CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 1-7-2016

14 Luật quan trọng nào có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 ?

(PLO)-Ngày 1-7, 14 Luật sẽ có hiệu lực thi hành gồm Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Tố tụng hành chính; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật An toàn thông tin mạng…

1. Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13

 

Người lao động được quyền từ chối làm việc trong trường hợp thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đã báo cáo và vẫn được hưởng nguyên lương.

 

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được doanh nghiệp đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mức đóng tối đa là 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.

 

2. Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13

 

Tổ chức, cá nhân không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử (bao gồm địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, địa chỉ Internet và hình thức tương tự khác) của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối.

 

3. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13

 

Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành thì văn bản hướng dẫn hoặc quy định chi tiết văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung phải được hợp nhất với văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung.

 

Cơ quan chính quyền cấp xã cũng được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Hội đồng nhân dân cấp xã được ban hành Nghị quyết và UBND cấp xã được ban hành Quyết định.

 

4. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13

 

Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có). Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời…

 

5. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13

 

Theo Luật này, từ ngày 1 đến ngày 8-6 hàng năm là Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.

 

Tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp phép nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan cấp phép hoạt động.Trước khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải báo cáo kết quả nghiên cứu sơ bộ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian không quá 30 ngày, sau 6 tháng phải báo cáo chính thức.

 

6. Luật Thống kê số 89/2015/QH13

 

Nghiêm cấm việc khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê; Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê; Báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác; Tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó…

 

Phải giữ bí mật thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân; Thông tin thống kê chưa được người có thẩm quyền công bố; Thông tin thống kê thuộc Danh mục bí mật Nhà nước….

 

7. Luật Khí tượng thủy văn số 90/2015/QH13

 

Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo do mình ban hành. Thông tin dự báo, cảnh báo phải được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng khí tượng thủy văn; dễ hiểu, dễ sử dụng và được chuyển tải bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

 

Bổ sung ngành, nghề dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

 

8. Luật Thú y số 79/2015/QH13

 

Người được cử đi hoạt động thú y theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước bị lây nhiễm bệnh, bị thương, chết sẽ được xem xét hưởng chế độ, chính sách như đối với thương binh, liệt sĩ theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng.

 

Người chăn nuôi, sử dụng động vật phải đối xử nhân đạo, giảm thiểu đau đớn, sợ hãi với động vật trong chăn nuôi, vận chuyển, chữa bệnh và giết mổ động vật. Việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.

 

9. Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế số 106/2016/QH13

 

Từ ngày 1-7, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sẽ được áp dụng theo khung thuế suất mới. Cụ thể, từ 1-7 đến hết 31-12, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, có dung tích xi lanh từ 1.500cm3 trở xuống là 40%.

 

Từ năm 2018 trở đi, mức thuế suất là 35%. Với xe ô tô chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ và ô tô chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt giảm từ 30% xuống còn 15% và từ 25% xuống còn 10%.

 

Ngoài ra, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định sẽ phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, thay vì mức 0,05%/ngày như quy định hiện hành.

 

10. Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13

 

Play Current Time 0:01 / Duration Time 0:01 Remaining Time -0:00 Loaded: 0% Progress: 0% 0:01 Fullscreen 00:00Mute Subtitles

  • subtitles off

Captions

  • captions off

Chapters

  • Chapters

 

Điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam phải được đăng tải trên Công báo và Cổng thông tin điện tử của cơ quan đề xuất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

Cơ quan Công báo phải đăng tải điều ước quốc tế trong 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản sao điều ước quốc tế do Bộ Ngoại giao gửi. Điều ước quốc tế hoặc một phần của điều ước quốc tế có thể được áp dụng tạm thời trong thời gian hoàn thành thủ tục. Hiến pháp được ưu tiên áp dụng trong cả trường hợp có quy định khác với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

11. Luật Trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13

 

Luật mới cho phép cử tri cả bỏ phiếu để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ những người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự…

 

Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân được ấn định là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 60 ngày trước ngày bỏ phiếu. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố; mọi cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.

 

12. Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13

 

Tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định; tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tương tự, khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự cũng có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng; nếu đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

 

Tòa án cũng không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

 

13. Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13

 

Theo Luật mới, ngoài một số vật chứng là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc; văn bản công chứng, chứng thực; lời khai của đương sự…, từ ngày 01/07/2016, thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác về giao dịch điện tử và văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ cũng được coi là chứng cứ trong tố tụng hành chính.

 

Luật cho phép đương sự trong tố tụng hành chính được tự mình thu thập thông điệp dữ liệu điện tử; vật chứng; xác định người làm chứng, lấy xác nhận của người làm chứng; yêu cầu UBND cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng… Đồng thời, đương sự còn được biết, ghi chép và sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập; được tự bảo vệ, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình; được đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý…

 

14. Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức Quốc phòng số 98/2015/QH13

 

Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm.

 

Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của cấp úy và thiếu tá, trung tá quân nhân chuyên nghiệp được quy định theo cấp bậc quân hàm, không phân biệt nam nữ, lần lượt là 52 tuổi và 54 tuổi; riêng với thượng tá quân nhân chuyên nghiệp, là 56 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ. Khi chuyển ngành, quân nhân chuyên nghiệp sẽ được bảo lưu mức lương, phụ cấp thâm niên trong 18 tháng.

 

Đặc biệt, có 4 Luật cũng được quy định sẽ hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. Tuy nhiên hiện 4 Luật này đã bị lùi thời hạn thực hiện đến ngày 1-1-2017. Bốn Luật gồm: Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (Xem lý do lùi và nội dung chính của 4 Luật tại đây).

 

L.THANH

 

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *