ÁN XỬ ĐI XỬ LẠI – BÀI 1: BỊ HỦY ÁN, XỬ LẠI Y NHƯ CŨ

19/08/2013 – 06:15

Có những vụ án kéo dài vì quan điểm của các cấp tòa khác nhau, thậm chí không ít vụ cấp giám đốc thẩm hủy án, sau đó cấp dưới xử lại y như cũ…

Những ngày này, bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ khu phố 2, thị trấn Dầu Tiếng, Dầu Tiếng, Bình Dương) đang đôn đáo gửi đơn kiến nghị giám đốc thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất mà chồng bà là bị đơn. Chồng bà mắc bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời khi vụ án kéo dài hơn bảy năm qua chưa giải quyết xong. Bà Hạnh phải “đóng hai vai”, vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vừa là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của chồng.

Kiện con đòi đất

Trong vụ kiện này, nguyên đơn là bà Phạm Thị Ngọc Như, mẹ ruột của chồng bà Hạnh. Theo đơn khởi kiện của bà Như, năm 1988, bà giao cho chồng bà Hạnh (con trưởng) quản lý, sử dụng khoảng 5.000 mđất. Năm 1995, bà Như và bốn người con khác làm thỏa thuận công nhận phần đất trên là tài sản chung chưa chia, chỉ để cho chồng bà Hạnh tạm thời canh tác. Năm 2001, bà Như ký tên cho đứt chồng bà Hạnh hơn 1.000 m(trong tổng diện tích 5.000 m2 đang giao cho chồng bà Hạnh quản lý, sử dụng). Sau đó, chồng bà Hạnh làm thủ tục kê khai hơn 1.000 m2này chung với phần đất mà ông khai hoang mở rộng, đến năm 2002 thì được cấp giấy đỏ đứng tên ông.

Chồng bà Hạnh và phần đất tranh chấp. Ảnh: CTV

Đầu năm 2006, bà Như khởi kiện đòi lại hơn 1.000 m2 đất đã cho chồng bà Hạnh. Chồng bà Hạnh không đồng ý, cho rằng sau khi bà Như cho đất, ông đã nhập vào phần đất khai hoang, mở rộng thêm rồi kê khai, được cấp giấy đỏ, nay bà Như đòi lại là không có cơ sở. Chưa kể, sau đó ông đã cắt đất để cho con gái và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cấp giấy đỏ riêng…

Mỗi tòa một quan điểm

Tháng 7-2006, TAND huyện Dầu Tiếng đã xử sơ thẩm lần đầu, chấp nhận yêu cầu của bà Như, buộc chồng bà Hạnh phải trả lại hơn 1.000 m2đất đang tranh chấp. Tòa cũng kiến nghị UBND huyện thu hồi các giấy đỏ để điều chỉnh lại cho phù hợp…

Chồng bà Hạnh kháng cáo. Đầu năm 2007, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm lần đầu, quyết định như án sơ thẩm nhưng có sửa chữa nội dung là buộc chồng bà Hạnh và con gái phải trả lại cho bà Như 1.080 m2 đất. Tòa cũng buộc bà Như phải hoàn lại cho người con gái của vợ chồng bà Hạnh hơn 75 triệu đồng tiền đã xây nhà, đầu tư trên đất…

Chồng bà Hạnh làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Tháng 1-2010, chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm vì có vi phạm nghiêm trọng cả về thủ tục lẫn việc xác định chứng cứ. Bởi lẽ ngoài lời khai thì bà Như không xuất trình được chứng cứ chứng minh đất của bà chính là phần đất mà chồng bà Hạnh đang sử dụng. Trường hợp nếu đúng thì việc hai cấp tòa tuyên chồng bà Hạnh phải trả đất cho bà Như cũng không chính xác…

Năm tháng sau, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã họp phiên giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao và tuyên hủy hai bản án trên, giao hồ sơ về cho TAND huyện Dầu Tiếng xử sơ thẩm lại. Tòa Dân sự nhận định: Bà Như đòi chồng bà Hạnh trả lại một phần đất mà ông đang sử dụng và đã được cấp giấy. Chồng bà Hạnh thì cho rằng ngoài đất mẹ cho, ông còn khai hoang mở rộng thêm và đều được cấp giấy đỏ. Lẽ ra tòa hai cấp phải làm rõ thửa đất mà chồng bà Hạnh đang sử dụng có đúng là thửa đất của bà Như hay không, có việc chồng bà Hạnh khai hoang mở rộng thêm hay không, nếu có thì diện tích bao nhiêu. Mặt khác, chồng bà Như (tức cha chồng bà Hạnh) chết từ năm 1984, đã hết thời hiệu khởi kiện chia phần đất di sản thừa kế của ông này để lại. Án sơ, phúc thẩm chưa làm rõ phần đất này do ai đang quản lý, sử dụng.

Bên cạnh đó, về mặt tố tụng, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm còn thiếu sót khi không đưa bốn người em của chồng bà Hạnh vào tham gia tố tụng để làm rõ việc chồng bà Hạnh có được mẹ cho đất hay không, nếu có thì cho bao nhiêu. Ngoài ra, hai cấp tòa cũng không đưa bà Hạnh vào tham gia tố tụng là không đúng…

Trên “chỉ”, dưới không “nghe”

Tháng 8-2011, TAND huyện Dầu Tiếng đã xử sơ thẩm lần hai, chỉ bổ sung thiếu sót về tố tụng bằng cách đưa bà Hạnh và bốn người em của chồng bà Hạnh tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Về mặt nội dung, tòa vẫn tuyên y như lần xử trước, buộc chồng bà Hạnh phải trả cho bà Như hơn 1.000 m2 đất.

Chồng bà Hạnh lại kháng cáo. Trong thời gian chờ TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm lần hai thì ông bị bệnh nặng và qua đời. Lúc này, bà Hạnh thừa kế nghĩa vụ của chồng và tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Tháng 1-2013, TAND tỉnh Bình Dương đã xử phúc thẩm lần hai, tiếp tục sửa một phần án sơ thẩm nhưng vẫn công nhận cho bà Như phần diện tích đất tranh chấp.

Sau phiên phúc thẩm, bà Hạnh lại gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm đề nghị hủy hai bản án trên. Bà cho rằng trong quá trình giải quyết lại vụ kiện, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm chưa làm rõ các thiếu sót mà quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao và quyết định giám đốc thẩm của Tòa Dân sự TAND Tối cao đã chỉ ra…

Một số vụ xử đi xử lại

– Năm 1990, bà T. mua một căn nhà ở quận 7 (TP.HCM) nhưng không có hộ khẩu TP nên nhờ ông S. đứng tên giùm. Sau đó ông S. vi phạm pháp luật, bị khởi tố, căn nhà cũng bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Bà T. khởi kiện yêu cầu được trả lại nhà. Xử sơ thẩm lần đầu, TAND TP tuyên trả nhà cho bà. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại cho rằng nhà thuộc sở hữu của ông S. Hai bản án sơ, phúc thẩm bị TAND Tối cao họp giám đốc thẩm hủy. Vụ kiện quay lại từ đầu, rồi hai bản án sơ, phúc thẩm lần hai lại bị TAND Tối cao hủy… Tổng cộng, thời gian giải quyết vụ án này kéo dài đến hơn 10 năm.

– Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh một vụ tranh chấp mua bán nhà tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Trong hợp đồng mua bán có điều khoản cho phép các bên đương sự có quyền đổi ý và bị chế tài tương ứng. Sau đó bên bán không bán nữa nên xảy ra tranh chấp, phải ra tòa. Quá trình xét xử, các cấp tòa có nhiều quan điểm khác nhau nên vụ án phải trải qua hai lần xử phúc thẩm, hai lần cấp giám đốc thẩm hủy án yêu cầu xử lại. Các cấp tòa cứ xử đi xử lại suốt gần 20 năm trời…

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *