KHÔNG LÀM ĐƯỢC CHỨNG MINH NHÂN DÂN VÌ TRANH CHẤP TÀI SẢN!

08/12/2013 02:12 (GMT + 7) TT – Một gia đình năm người bị người thân giấu mất sổ hộ khẩu chỉ vì đang tranh chấp tài sản. Hậu quả là người lớn không tìm được việc làm, còn anh Trần Quang Hiếu thì không thể làm chứng minh nhân dân (CMND) dù đã 17 tuổi – như câu chuyện anh kể dưới đây:

Từ lúc sinh ra, tôi sống cùng cha mẹ, hai chị, em gái tại căn nhà do ông nội tôi đứng tên trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Mọi chuyện diễn ra bình thường cho tới ngày ông nội tôi qua đời, giữa ba tôi và các bác, các cô trong gia đình xảy ra tranh chấp quyền sở hữu căn nhà, quyền sử dụng đất của ông tôi. Điều khó khăn nhất cho gia đình tôi là hộ khẩu của cả gia đình gồm năm thành viên đều nằm chung trong sổ hộ khẩu do cô tôi là Trần Thị Tuyết đứng tên chủ hộ, hiện cô tôi đã chuyển hộ khẩu theo nhà chồng, sổ hộ khẩu hiện nay do bác tôi là Trần Quang Tích quản lý.

Từ khi xảy ra mâu thuẫn, bác tôi không đưa sổ hộ khẩu cho gia đình tôi sử dụng, khiến cả gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Cha mẹ tôi đi mua một miếng đất nhỏ để cất nhà ở riêng, đặt cọc mấy chục triệu đồng nhưng sau không có hộ khẩu để làm hợp đồng mua bán có chứng thực đành chịu mất tiền cọc. Cha tôi làm tài xế, vừa nghỉ việc để chuyển qua công ty khác, khi được nhận lại không có hồ sơ có chứng thực của địa phương nên chưa thể đi làm. Mẹ tôi cũng không làm được hồ sơ xin việc vì không có hộ khẩu.

Bản thân tôi bây giờ đã 17 tuổi nhưng không thể làm được CMND, vì bác tôi nhất quyết không cho mượn sổ hộ khẩu. Suốt hơn ba năm qua, vì không có CMND, tôi không dám đi đêm, đi học buổi tối thì cha hoặc mẹ phải đưa đi đón về, vì sợ đi đường bị công an kiểm tra, không có CMND sẽ bị phạt, bị giữ.

Cha mẹ tôi đã nhiều lần làm đơn cầu cứu gửi Công an phường, Công an quận nhưng lần nào cũng chỉ nhận được lời hẹn, họ thông báo mời bác tôi tới làm việc nhưng bác tôi không tới. Tôi không biết việc cha mẹ tôi và các bác tranh chấp như thế nào, nhưng giờ tôi đã 17 tuổi, tôi cần chứng minh được mình là ai, tôi muốn được đi học như các bạn. Nếu bác tôi cứ giữ quan điểm không cho tôi dùng sổ hộ khẩu để làm các thủ tục cần thiết, cả đời tôi không được thừa nhận là công dân hay sao?

TRẦN QUANG HIẾU (Gia Minh ghi)

Thiếu tá TRẦN THẾ DÂN (phó trưởng Công an P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Sổ hộ khẩu không liên quan tới tài sản tranh chấp

Sổ hộ khẩu của gia đình anh Hiếu do bà Trần Thị Tuyết đứng tên chủ hộ, nhưng bà Tuyết đã chuyển hộ khẩu đi nơi khác từ lâu. Hiện sổ hộ khẩu do ông Tích giữ là sổ loại cũ, màu xanh, có 9 số, trong khi Q.Bình Thạnh đã đổi sang sổ mới, màu đỏ, có 11 số. Ông Tích không đồng ý cho gia đình anh Hiếu sử dụng sổ hộ khẩu này vì theo ông Tích, khi cha ông còn sống đã cho gia đình anh Hiếu một căn nhà khác, sau khi làm ăn thua lỗ, cha mẹ của anh Hiếu đã bán nhà rồi quay lại nhà cũ sống, đòi chia tài sản.

Trong trường hợp ông Tích đưa sổ hộ khẩu cho gia đình anh Hiếu sử dụng, công an cũng chưa thể cấp CMND cho anh Hiếu được, mà phải đổi sổ hộ khẩu mới xong mới có thể làm CMND. Cái khó là để đổi sổ hộ khẩu trong trường hợp này, các thành viên trên 18 tuổi có trong hộ khẩu phải ký giấy ủy quyền cho một người khác đứng tên chủ hộ, mà gia đình này đang tranh chấp, không chịu đưa sổ hộ khẩu ra thì làm sao thỏa thuận, chọn được chủ hộ để đứng tên sổ hộ khẩu mới. Vì những lý do phức tạp như vậy, chúng tôi đang mời ông Tích tới làm việc, sẽ mời cả bà Tuyết – người đứng tên chủ hộ cũ và ông Trần Quang Lộc – cha của anh Hiếu – tới để bàn hướng giải quyết. Theo đó, có thể chúng tôi sẽ đề xuất lãnh đạo Công an quận cấp hai sổ hộ khẩu mới cho hai hộ ông Tích và ông Lộc để tiện việc quản lý cũng như sinh hoạt của hai gia đình. Chúng tôi cũng sẽ giải thích cho các gia đình hiểu sổ hộ khẩu không liên quan tới tài sản tranh chấp để họ giảm bớt căng thẳng với nhau.

Thượng tá CAO VĂN ĐEN (phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội Công an TP.HCM):

Không giao nộp sổ hộ khẩu sẽ bị xử phạt

Trường hợp của gia đình anh Hiếu, cha mẹ anh cần làm đơn đề nghị được tách hộ khẩu riêng gửi Công an quận để giải quyết, căn cứ vào điều 27 Luật cư trú. Theo quy định, sau khi nhận đơn, Công an quận phải có trách nhiệm mời hai anh em ông Tích tới để giải thích việc phải nộp sổ hộ khẩu cũ, xác định lại chủ hộ khẩu mới là ai. Trong thời hạn nhất định, nếu ông Tích không chấp hành việc có mặt theo giấy mời và giao nộp sổ hộ khẩu cũ, Công an Q.Bình Thạnh sẽ ra quyết định xử phạt về hành vi “không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra”, theo quy định tại điều 11 nghị định 73 NĐCP/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Sau khi ra quyết định xử phạt, Công an Q.Bình Thạnh sẽ thực hiện các thủ tục để tách sổ hộ khẩu cho cha mẹ anh Hiếu và thông báo cho các bên liên quan biết theo quy định.

Việc tranh chấp tài sản là căn nhà do cha mẹ ông Tích để lại là tranh chấp dân sự, hoàn toàn không liên quan tới việc xử lý các vấn đề liên quan tới sổ hộ khẩu. Theo quy định, người có tên trong sổ hộ khẩu hay không không liên quan tới việc hưởng thừa kế tài sản theo luật định, vì vậy người dân nói chung và gia đình ông Tích nói riêng không nên gán ghép hai việc vào với nhau, dễ dẫn tới bất hòa, căng thẳng không cần thiết trong gia đình mà bị phạt thêm vì các lỗi liên quan tới hành vi vi phạm về an ninh trật tự.

G.MINH ghi

Nguồn: Báo tuổi trẻ

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *