THI HÀNH ÁN: DÂN KHÔNG PHẢI TỰ XÁC MINH?

Đề xuất bỏ quy định buộc người được thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án của dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi được các chuyên gia đánh giá là bước tiến lớn vì quyền lợi của người dân…

Mới đây, tại hội thảo “Luật Thi hành án dân sự (THADS) – Từ góc nhìn doanh nghiệp”, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Lê Anh Tuấn (Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp) cho biết: Dự thảo sửa đổi Luật THADS lần này đã đề xuất bỏ quy định bắt buộc người được THA phải xác minh về điều kiện THA của người phải THA.

Ngán ngẩm xác minh điều kiện THA

Cụ thể, sau khi ra quyết định THA, cơ quan THADS sẽ có trách nhiệm chủ động tiến hành xác minh điều kiện THA của người phải THA. Người được THA không phải chịu chi phí xác minh. Người được THA có quyền cung cấp thông tin về điều kiện THA của người phải THA (nếu có) nhưng không bắt buộc phải có nghĩa vụ xác minh.

Phó Vụ trưởng Lê Anh Tuấn nhìn nhận: Luật THADS hiện hành quy định người được THA phải tự xác minh điều kiện THA của người phải THA, trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được thì mới có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Quy định này nhằm nâng cao sự chủ động và tăng trách nhiệm của người được THA, để họ tham gia vào quá trình THA, giảm gánh nặng về nhân lực và kinh phí cho cơ quan THADS.

Trên thực tế, người được THA rất khó khăn để thực hiện việc xác minh tài sản của người phải THA. Trong ảnh: Lập biên bản kê khai tài sản THA. Ảnh: HTD

 

 

Tuy nhiên, với truyền thống văn hóa pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật cũng như điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay, quy định trên đã không phát huy được hiệu quả. Trên thực tế, người được THA rất khó khăn để thực hiện việc xác minh tài sản của người phải THA, nhất là khi xác minh tại các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng… Trách nhiệm xác minh là trở ngại lớn cho người được THA trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình theo phán quyết của tòa.

Đồng tình, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế VCCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết: Qua khảo sát, khối doanh nghiệp rất vui mừng và đánh giá cao bước tiến mới của dự thảo, giúp tháo gỡ khó khăn lớn cho người được THA. Nhu cầu THA của doanh nghiệp hiện chủ yếu phát sinh từ hai nguồn: Khách hàng mua hàng không trả tiền và chủ đầu tư không thanh toán cho nhà thầu. Qua khảo sát thì gần 50% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác minh tài sản của người phải THA bởi các đối tác không thiện chí. Do mệt mỏi, có những doanh nghiệp được THA bày tỏ quan điểm là sau này “sẽ không khởi kiện nữa nếu gặp vụ việc tương tự”.

Bước tiến mới vì người thắng kiện

Theo luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM), Luật THADS hiện hành không quy định cụ thể thế nào là trường hợp người được THA “đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh”, để từ đó có căn cứ yêu cầu chấp hành viên vào cuộc. Việc yêu cầu chấp hành viên xác minh có được chấp nhận hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chấp hành viên.

Trong khi đó, nếu người được THA là người dân bình thường thì việc tự xác minh điều kiện THA của người phải THA xem như bế tắc bởi họ không có thẩm quyền yêu cầu cơ quan thuế, ngân hàng hay những tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin về người phải THA cho mình. Thực tế, các cơ quan, tổ chức đều từ chối không cung cấp thông tin.

“Nếu như đề xuất này của dự thảo luật được thông qua sẽ là một tin rất vui cho người dân. Đó cũng là một bước tiến trong hoạt động cải cách tư pháp hiện nay” – luật sư Thuần nói.

Luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận xét: “Giao cho cơ quan THA trách nhiệm xác minh điều kiện THA là một quy định đúng đắn, cần thiết. Để đi hết một vụ án như hiện nay quá mệt mỏi cho người dân mà trong đó, việc phải tự xác minh điều kiện THA cũng là một quy định đang gây nhiều bức xúc”.

B.MINH – H.TÚ

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

Xét xử phải công bằng

Cần tìm hiểu thêm mối quan hệ giữa phán quyết của tòa án và kết quả THA để có giải thích thêm như thế nào? Một nền tư pháp mà không đảm bảo xét xử công bằng, minh bạch thì rất là gay go, làm sao THA được?

TS LÊ ĐĂNG DOANH

Lợi cho dân thì nên làm

Đề xuất như dự thảo là rất tiến bộ. Tôi nghĩ sau này trách nhiệm, công việc của các cơ quan THADS, chấp hành viên sẽ tăng lên nhưng cái gì có lợi cho người dân thì nên làm.

Luật sư ĐINH VĂN THẢO, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tags: No tags

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *