BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP – KHÓ THAM GIA, DỄ LẠM DỤNG

Thứ tư, 24/04/2013, 15:54 (GMT+7)

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ra đời với mong muốn sẽ là chỗ dựa cho người lao động khi lâm vào tình trạng mất việc làm. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành hoặc sửa đổi bổ sung nhưng chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn bất cập.

  • Điều kiện khắt khe

Theo quy định hiện nay, chỉ có những lao động có hợp đồng từ 12 tháng trở lên và làm việc trong những doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động có ký hợp đồng 12 tháng trở lên mới được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Điều đó có nghĩa những lao động có hợp đồng ngắn hạn, hoặc lao động trong các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động không thuộc diện được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong khi đây lại là những đối tượng dễ bị mất việc làm nhất, cần được quan tâm hỗ trợ.

Lao động thất nghiệp làm thủ tục hưởng trợ cấp.

Thực tế là lượng người đăng ký thất nghiệp tăng vọt thời gian qua, trong đó có nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế, nhưng cũng không ít trường hợp người lao động và doanh nghiệp câu kết với nhau để trục lợi. Vì việc xác định người lao động không còn làm việc hoặc đã bị mất việc đối với chủ cơ sở sản xuất rất dễ dàng. Ngoài ra, quy định này cũng khiến người lao động không an tâm làm việc, muốn tìm chỗ khác với nhiều lý do và điều này sẽ gây mất chủ động cho người sử dụng lao động.Một điểm bất cập khác là quy định trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng có thể được nhận trợ cấp một lần khi tìm được việc làm, tức là khi họ đã không còn… thất nghiệp. Quy định này dễ khuyến khích người lao động tìm cách trục lợi để hưởng bảo hiểm.

Tại TPHCM, sau 4 năm thực hiện đã có trên 1,6 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 300.000 người với số tiền khoảng 1.600 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2012, BHXH đã chi trả cho hơn 115.743 người, tăng 31% so với năm 2011. Nếu tính TPHCM hiện có khoảng 5 triệu người trong độ tuổi lao động thì số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/3. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động có ký hợp đồng từ 12 tháng trở lên.

Thậm chí không ít doanh nghiệp sử dụng trên 10 lao động nhưng chủ sử dụng lao động chỉ ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng với người lao động. Và số lao động này có nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào nhưng họ lại không được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

  • Nên quy về một mối

Một bất cập khác là việc quy định cả 2 cơ quan (BHXH và ngành LĐTB-XH) cùng tham gia quy trình chi trả gây quá nhiều khó khăn cho cả đơn vị tham gia chi trả trợ cấp thất nghiệp lẫn người lao động. Trong lúc BHXH Việt Nam không có hướng dẫn quy trình chi trả trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản, BHXH TPHCM phải vừa triển khai vừa tự hoàn chỉnh nên dễ xảy ra sai sót; việc thu BHXH, cấp sổ BHXH… thuộc nghiệp vụ của cơ quan BHXH nên khi Trung tâm Giới thiệu việc làm tiếp nhận sổ BHXH thì không hiểu rõ những quy định của ngành BHXH nên việc tiếp nhận, phối hợp xử lý… mất nhiều thời gian.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, cho rằng việc giải quyết và chi trả trợ cấp cho người thất nghiệp nên giao cho 1 cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết và chi trả trợ cấp cho người thất nghiệp: hoặc giao cho cơ quan BHXH chịu trách tiếp nhận, giải quyết, chi trả trợ cấp, ngành LĐTB-XH chỉ thực hiện việc hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm hoặc BHXH chỉ có trách nhiệm thu bảo hiểm thất nghiệp rồi giao cho ngành LĐTB-XH làm hết tất cả từ khâu tiếp nhận đến khâu chỉ trả trợ cấp và cơ quan BHXH quyết toán tiền cho cơ quan lao động.

Ông Cao Văn Sang cũng chỉ ra thêm một số bất cập hiện nay trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Theo quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau: 3 tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng đến dưới 36 tháng; 6 tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 36 tháng đến dưới 72 tháng; 9 tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 72 tháng đến dưới 144 tháng; 12 tháng nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 144 tháng trở lên. Với quy định này, người lao động tại TPHCM đã tự xin nghỉ việc khi đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng để hưởng 3 tháng trợ cấp rồi xin việc làm mới để được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp 1 lần (thất nghiệp ảo vì thị trường lao động đang thiếu nên dễ xin việc làm). Điều này dẫn đến quỹ bảo hiểm thất nghiệp bị lạm dụng.

Ông Cao Văn Sang đề nghị, cần theo hướng tính mức trợ cấp theo từng năm có đóng bảo hiểm thất nghiệp để tránh bị lạm dụng và khuyến khích người thất nghiệp đi tìm việc. Cụ thể là người thất nghiệp được hưởng tối thiểu 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ mỗi năm đóng bảo hiểm thất nghiệp thì tăng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 9 tháng.

HỒ VIỆT

(Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

QUY ĐỊNH MỚI VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21-11-2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ- CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ 15-1-2013 với những nội dung chính như sau:

Kéo dài đăng ký đến 3 tháng

Trước hết, bổ sung điều khoản về người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ mười bốn ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH; người lao động tạm hoãn thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật thì thời gian này người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Về thời gian đăng ký thất nghiệp được gia hạn đến 3 tháng, (quy định trước đây là trong thời hạn 7 ngày làm việc) kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động. Người thất nghiệp là người đang đóng BHTN mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện: đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật (tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất một ngày trong tháng đó); đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định.

Hướng dẫn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM

Quy định về hồ sơ hưởng BHTN bao gồm: đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu do Bộ LĐTB-XH quy định; bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo hướng dẫn của Bộ LĐTB-XH; người lao động khi nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải xuất trình sổ BHXH hoặc bản xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Trong thời hạn 5 ngày (tính theo ngày làm việc), kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của cơ quan lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần cho người lao động. Trường hợp, cơ quan BHXH không thực hiện việc chi trả theo đúng thời hạn quy định hoặc từ chối yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan BHXH phải có văn bản thông báo cho cơ quan lao động và người lao động biết và nêu rõ lý do.

Thay đổi mức trợ cấp học nghề

Nghị định mới cũng quy định mức hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tùy theo mức chi phí học nghề của từng nghề, mức hỗ trợ học nghề được tính theo tháng trên cơ sở chi phí đào tạo của từng nghề. Mức hỗ trợ học nghề cụ thể theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (trước đây chỉ quy định hỗ trợ 300.000 đồng/người). Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo của từng nghề và từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.

Nghị định số 100/2012 cũng nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động về bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện thủ tục, trình tự tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; thông báo với cơ quan lao động khi có biến động lao động làm việc tại đơn vị theo hướng dẫn của Bộ LĐTB-XH. Đối với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, Bộ LĐTB-XH chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện.

Chủ sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng, đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật; bảo quản hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và của người sử dụng lao động trong thời gian người lao động làm việc tại đơn vị; xuất trình các tài liệu, hồ sơ và cung cấp thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có kiểm tra, thanh tra về bảo hiểm thất nghiệp; cung cấp thông tin cho người lao động về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động đó trong thời hạn 2 ngày (tính theo ngày làm việc), kể từ ngày người lao động yêu cầu; cung cấp các văn bản theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định này cho người lao động để hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Hiếu Nghĩa

(Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

KIỆN VÌ KHÔNG ĐƯỢC NÂNG LƯƠNG

Tòa đã đứng về phía người lao động, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc công ty phải điều chỉnh hệ số lương và thanh toán số tiền chênh lệch cho người lao động.

Tòa án quận 1 (TP.HCM) vừa xử sơ thẩm một vụ tranh chấp khá lạ: Người lao động kiện công ty vì không được nâng lương đúng quy định.

Không phạm kỷ luật nhưng không được nâng lương

Tháng 10-2013, bà Đỗ Thị Bích Liêng nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH một thành viên Trục vớt cứu hộ Việt Nam yêu cầu điều chỉnh hệ số lương từ 4,2 lên 4,51 từ ngày 1-1-2009 đến ngày 31-12-2011 và trả số tiền hơn 12,4 triệu đồng do nâng lương chậm.

Theo bà Liêng, bà làm việc tại công ty từ năm 1982. Đến 12-6-2012, từ biên chế chính thức bà bị chuyển sang hợp đồng lao động không xác định thời hạn, chức danh kỹ sư. Trong 30 năm làm việc, bà luôn hoàn thành công việc và không vi phạm bất cứ kỷ luật nào. Tuy nhiên, từ 1-3-2006 đến 31-12-2011 công ty không xét nâng cho bà bậc lương nào dù bà hoàn toàn đủ điều kiện được xét. Do đó bà khởi kiện ra tòa nhờ giải quyết.

Công ty xác định bà Liêng là kỹ sư công trình, làm việc tại xí nghiệp của công ty. Bà làm công tác bảo hộ lao động và đang hưởng lương kỹ sư bậc 7/8, hệ số 4,2 từ tháng 3-2006. Do không chấp hành chủ trương của công ty và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất theo quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở cho các cán bộ, công nhân viên nên công ty không xét nâng bậc lương cho bà Liêng theo niên hạn (tháng 3-2009). Sau đó, công ty đã cân nhắc và tăng cho bà lên bậc 8/8 với hệ số 4,51 kể từ ngày 1-1-2012. Từ đó, công ty khẳng định việc không xét nâng lương cho bà là đúng vì đây là lỗi của người lao động.

Lý do công ty đưa ra không có cơ sở

Tại phiên tòa, công ty còn trình bày thêm lý do không nâng lương do bà Liêng không hoàn thành nhiệm vụ phụ trách an toàn lao động. Cụ thể, trong quá trình bà phụ trách đã nhiều lần xảy ra tai nạn lao động, gây thiệt hại cho công ty. Hội đồng xem xét nâng bậc lương của công ty đã xét bà không đến mức kỷ luật nhưng quyết định không xem xét nâng bậc lương.

Đối đáp lại, bà Liêng cho rằng việc xảy ra tai nạn lao động không phải do lỗi của bà cũng như công ty không nhắc nhở bà về việc này.

Sau khi nghe các bên trình bày, HĐXX TAND quận 1 nhận định lý do công ty không nâng lương cho bà Liêng là không có căn cứ. Công ty nói bà Liêng không hoàn thành nhiệm vụ phụ trách an toàn lao động dẫn đến tai nạn lao động liên tục từ năm 2006 đến 2010 nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Tai nạn xảy ra công ty không lập biên bản, không xác định được nguyên nhân và hậu quả tai nạn lao động và cũng không xác định lỗi của bà Liêng. Trong khi việc xử lý kỷ luật lao động phải thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục luật định.

Mặt khác, công ty nói hội đồng xem xét nâng bậc lương của công ty đã xét bà Liêng không đến mức kỷ luật nhưng quyết định không xem xét nâng bậc lương. Nhưng thực tế sau đó công ty đã tăng bậc lương cho bà từ ngày 1-12-2012. Việc làm này là đúng luật nhưng chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi của bà.

Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc công ty điều chỉnh hệ số lương và thanh toán số tiền chênh lệch cho bà Liêng, hai bên phải nộp bổ sung các khoản bảo hiểm theo quy định.

ÁI MINH

Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM

laodong-1367047500-500x0-6063-1416451266

QUỐC HỘI THÔNG QUA CÁCH TÍNH LƯƠNG HƯU MỚI

Từ 1/1/2018, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương

tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và

16 năm của lao động nam.

Sáng 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với tỷ lệ tán thành hơn 71% dù trước đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đề nghị không thông qua dự án luật tại kỳ này. Luật gồm 9 chương, 125 điều; dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Theo đó, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng. Cụ thể, từ 1/1/2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam. Với lao động nam, từ năm 2019 mức này tương tứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc thực hiện theo lộ trình như thế để người lao động có thời gian thích nghi với chính sách mới, giảm thiểu tác động bất lợi với người nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.

laodong-1367047500-500x0-6063-1416451266
Ảnh: Anh Quân.

Ngoài ra, mức bình quân lương hàng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, tính bình quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành 1/7/2015 đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.

Khu vực kinh tế tư nhân đang thực hiện quy định tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu.

Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này cũng mở rộng thêm 2 đối tượng tham gia bảo hiểm xã bắt buộc gồm: người lao động có hợp đồng lao động 1-3 tháng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được giao thêm chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Về chế độ thai sản, lao động nữ được nghỉ việc khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi cứ mỗi con người mẹ được thêm 1 tháng. Người chồng cũng được nghỉ 5 ngày khi vợ sinh thường và 7 ngày nếu vợ sinh mổ và sinh non. Trường hợp vợ sinh đôi, thì chồng được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày…

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ ĐƯỢC NỔ SÚNG KHI TÍNH MẠNG BỊ ĐE DỌA

(SGGPO). – Sáng nay, 20-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Pháp lệnh gồm 6 chương, 38 điều, quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn xã hội.

(SGGPO). – Sáng nay, 20-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Pháp lệnh gồm 6 chương, 38 điều, quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn xã hội.

 

Tại buổi công bố, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết pháp lệnh là chế tài mạnh nhất nhằm ngăn chặn và xử lý các vi phạm về sử dụng vũ khí, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Pháp lệnh nghiêm cấm mọi cá nhân sở hữu vũ khí. Nghiêm cấm chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, xuất nhập khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nghiêm cấm lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức.

Cùng với đó, hành vi cho tặng, gửi mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng bị nghiêm cấm. Cấm mang vũ khí, vật liệu nổ vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nghiêm cấm đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Cùng với quy định trên, Pháp lệnh cũng quy định các trường hợp được phép và không được phép nổ súng. Bởi lẽ, nổ súng là quy định đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp  đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người được trang bị vũ khí khi đang thi hành công vụ, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể công dân. Theo đó, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền.

Còn khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc như: Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định nổ súng. Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh bảo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác, hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay.

Không được nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Ngoài ra, Pháp lệnh cũng quy định, được phép nổ súng bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp: đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có trở khách, hoặc có con tin.

Cũng được phép nổ súng khi biết rõ phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm.

Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 30-6-2011 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012.

Khánh Nguyễn

(Theo SGGP online)

LÚNG TÚNG VỚI TIN BÁO TỘI PHẠM

12/05/2013 – 07:20

Lúng túng với tin báo tội phạm Công an đang điều tra, xử lý tin báo của bà trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức bị người lạ nhắn tin, gọi điện thoại dọa giết.

Chưa biết động cơ kẻ dọa là gì và việc điều tra của công an thế nào nhưng cách phản ứng của cơ quan tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm ít ra đã làm yên lòng người tố giác, làm kẻ dọa dẫm chùn tay.

Thực tiễn, nhiều trường hợp từ dọa giết đến giết người chỉ trong gang tấc nhưng khi nhận được tin báo tội phạm, công an không tổ chức bảo vệ người tố giác để tính mạng, sức khỏe của họ bị xâm phạm. Có điều này vì luật quy định việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm chưa rõ, tùy thuộc vào sự mẫn cảm của người tiếp nhận.

việc tiếp nhận, thẩm tra, xác minh, phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm còn nhiều bất cập, một phần do nhận thức của cơ quan có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý chưa thấy hết trách nhiệm của mình, còn coi việc xử lý tin báo tội phạm là việc giải quyết khiếu nại, một phần do các quy định của pháp luật còn thiếu, những quy định không rõ ràng.

Bộ luật Tố tụng hình sự chủ yếu quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, còn đối với cơ quan không phải là cơ quan tiến hành tố tụng (trong đó có cả công an cấp xã) nếu nhận được tin báo tội phạm chỉ có nhiệm vụ chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Luật quy định là chuyển ngay nhưng lại không quy định là bao lâu. Thực tế, khi nhận được tin báo tội phạm, công an thường tiến hành một số hoạt động xác minh có tính chất điều tra tiền tố tụng. Các hoạt động này, nếu không cẩn thận rất dễ vi phạm pháp luật; nhiều trường hợp công an lúng túng vì không cẩn thận sẽ làm oan người vô tội. Nhưng nếu quá cẩn thận, tiến hành các hoạt động xác minh trước khi khởi tố thì nhiều trường hợp tội phạm đã thực hiện xong, người phạm tội đã “cao chạy xa bay”.

Cạnh đó, người dân phát hiện tội phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội thường chỉ báo với công an cấp xã trong khi công an cấp này không phải là cơ quan điều tra. Khi nhận được tin báo tội phạm, công an cấp này cũng chỉ có nhiệm vụ xác minh rồi báo tin về cho cơ quan điều tra chứ cũng không có quyền thực hiện các hành vi tố tụng.

Không chỉ công an cấp xã mà với công an cấp huyện, cấp tỉnh khi nhận được tin báo tội phạm cũng phải xử lý rồi mới chuyển cho cơ quan điều tra. Trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn nhưng không quá hai tháng. Nhưng trong thời hạn này, luật không quy định cho cơ quan điều tra được làm gì, không được làm gì, mà chỉ cho phép cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh (hành vi tiền tố tụng). Việc tiến hành kiểm tra, xác minh như thế nào, có được kiểm tra nơi ở, chỗ làm việc hoặc có được gọi hỏi những người bị tố cáo và những người có liên quan khác không cũng chưa rõ…

Dù luật quy định cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm nhưng trên thực tế, người tố giác tội phạm không được bảo vệ, nhiều trường hợp bị trả thù. Pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về việc bảo vệ người tố giác tội phạm.

Có quá nhiều điều còn hở nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần hướng dẫn, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận tin báo tội phạm, đồng thời có chế độ thưởng đối với người tố giác tội phạm có giá trị để hành vi phạm tội bị ngăn ngừa trước khi xảy ra mới xử lý.

ĐINH VĂN QUẾ

(Nguồn: Báo pháp Luật Tp.HCM)

VỤ “SỔ ĐỎ ĐỂ TRONG NGÂN HÀNG… VẪN MẤT”: NGÂN HÀNG PHẢI BỒI THƯỜNG 2,6 TỈ ĐỒNG

11/05/2013 – 09:59

TAND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa tuyên bản án dân sự sơ thẩm buộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (phòng giao dịch Tân Lập, thuộc chi nhánh thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) bồi thường cho gia đình bà Nguyễn Thị Huệ hơn 2,6 tỉ đồng. Như đã thông tin, ngày 28-12-2009 gia đình bà Huệ (trú phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) có thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phòng giao dịch Tân Lập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay 800 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng.

Ngày 5-12-2010, khi sắp đến thời hạn trả nợ, vì làm ăn khó khăn nên gia đình bà Huệ làm hợp đồng bán nhà với giá 12 tỉ đồng. Điều kiện hợp đồng là bà Huệ nhận trước 2 tỉ đồng của bên mua để thanh toán gốc và lãi cho ngân hàng và lấy sổ đỏ giao cho bên mua trước ngày 20-12-2010, sau đó nhận 10 tỉ đồng còn lại. Nếu vi phạm hợp đồng, bà Huệ sẽ phải trả lại tiền cọc, đồng thời chịu phạt hợp đồng 2 tỉ đồng…

Tuy nhiên ngày 16-12-2010, bà Huệ đem tiền đến phòng giao dịch Tân Lập để trả gốc và lãi thì được ngân hàng thông báo sổ đỏ của gia đình bà đã bị thất lạc! Sau nhiều lần khiếu nại không được, bà Huệ làm đơn khởi kiện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN đòi bồi thường hơn 3,3 tỉ đồng.

Phía Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phòng giao dịch Tân Lập cho rằng tài sản thế chấp của bà Nguyễn Thị Huệ không bị thất lạc mà vẫn nằm ở ngân hàng. Việc gia đình bà Huệ làm hợp đồng bán nhà, sau đó vi phạm hợp đồng phải bồi thường không phải trách nhiệm của ngân hàng… Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận định ngày 16-12-2010, bà Huệ đưa tiền đến phòng giao dịch Tân Lập, lúc này lãnh đạo phòng giao dịch là ông Trần Đình Thanh cho biết sổ đỏ của bà Huệ và 11 khách hàng khác không còn trong ngân hàng.

Tiếp đó, ngày 25-12-2010, chi nhánh ngân hàng thị xã Buôn Hồ đã có công văn trả lời bà Huệ và xác định sổ đỏ của gia đình bà Huệ đã bị Võ Thị Hồng Điệp, cán bộ ngân hàng, lén đưa ra ngoài cầm cố vay tiền, tiêu xài cá nhân và hiện đang thất lạc. Ngày 19-5-2011, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử bị cáo Võ Thị Hồng Điệp (Điệp bị tuyên phạt tù chung thân tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) cũng xác định Điệp đã lấy nhiều tài sản thế chấp của khách hàng đi cầm cố vay tiền, trong đó có sổ đỏ của gia đình bà Huệ…

Hội đồng xét xử cũng nhận định việc thiệt hại của gia đình bà Huệ là thực tế và lỗi thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phòng giao dịch Tân Lập vì đã không bảo quản tài sản thế chấp của khách hàng theo quy định.

Theo TR.T. (TTO)

THUÊ NGƯỜI QUA MẶT CÔNG CHỨNG ĐỂ LỪA 5 TỈ ĐỒNG

(PL)- Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết vừa có kết luận điều tra và chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Mai Hữu Thành (ngụ quận Bình Thạnh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Theo kết luận điều tra, Thành quen Nguyễn Việt Mỹ (ngụ quận 4). Thành nói đang nắm giữ một số giấy tờ nhà đất và cần tiền để đầu tư dự án nên nhờ Mỹ vay tiền. Qua trung gian, Mỹ được giới thiệu gặp Hồ Sỹ Ngọc Long (ngụ quận Gò Vấp). Mỹ giao ba bộ hồ sơ nhà đất của Thành cho ông Long để thế chấp cho ông L. và ông V. vay 5,1 tỉ đồng. Đến hạn, Thành không trả nợ, ông L. và ông V. tự tìm hiểu thì mới biết ba bộ hồ sơ nhà đất trên là giả nên trình báo công an.

Tại cơ quan điều tra, Thành khai ba bộ hồ sơ do một phụ nữ không rõ lai lịch cung cấp. Sau khi lừa chiếm đoạt 5,1 tỉ đồng, Thành trả tiền môi giới cho ông Long hơn 340 triệu đồng, đồng thời chia tiền cho đồng bọn và các đối tượng giúp sức. Để qua mặt công chứng, Thành gặp và bàn bạc với Hứa Mỹ Duyên (ngụ quận 11) nhờ Duyên đóng giả chủ sở hữu nhà đất rồi làm giả CMND, hộ khẩu dán ảnh của Duyên vào. Bằng thủ đoạn này, Thành và đồng bọn đã qua mặt công chứng viên để vay của ông L. 900 triệu đồng.

Với thủ đoạn trên, Thành nhờ hai người là ông Trịnh Như Văn và ông Trần Văn Sổ đóng giả chủ nhà đất để qua mặt công chứng viên. Đối với hồ sơ thứ ba mang tên Trần Văn Sổ ở huyện Hóc Môn, Thành thuê người đóng giả ông Sổ để làm thủ tục tại phòng công chứng.

Công an đã bắt giữ Hứa Mỹ Duyên. Đồng thời truy tìm Nguyễn Việt Mỹ cùng Trịnh Như Văn, Trần Văn Sổ, hai người đóng giả “chủ đất” để giúp sức cho việc lừa đảo của Thành.

TUYẾT KHUÊ

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

HIẾN ĐỊNH NGUYÊN TẮC TRANH TỤNG

24/05/2013 – 06:25

Việc Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa nguyên tắc tranh tụng vào dự thảo đã nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia pháp luật.

Đây sẽ là nền móng quan trọng kéo theo hàng loạt thay đổi trong BLTTHS và các văn bản dưới luật khác trong thời gian tới.

Tại một hội thảo đóng góp ý kiến về sửa đổi Hiến pháp vừa diễn ra tại TP Vũng Tàu, chánh án TAND các tỉnh, thành khu vực phía Nam đều đồng tình rằng nếu nguyên tắc tranh tụng được Hiến pháp quy định thì đây sẽ là một bước tiến lớn trong tố tụng hình sự.

Đúng tinh thần cải cách tư pháp

Theo Thẩm phán Trịnh Thị Thanh Bình (Chánh án TAND tỉnh Bến Tre), trước đây khi soạn thảo BLTTHS 2003, nhiều ý kiến cho rằng nên ghi nhận nguyên tắc này để hoạt động tranh tụng tại tòa sôi nổi hơn và thực sự có chất lượng hơn. Nhưng đáng tiếc là cuối cùng nguyên tắc này đã không được các nhà làm luật ghi nhận. Nay Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa vào thì có thể coi đây là một cuộc cải cách lớn. Một khi đã hiến định nguyên tắc tranh tụng thì BLTTHS và các văn bản luật liên quan sẽ phải sửa đổi theo cho phù hợp. Nguyên tắc này sẽ làm cho nền tố tụng hình sự nước ta tiến bộ hơn và phù hợp với tinh thần của cải cách tư pháp.

Rất đồng tình, Thẩm phán Nguyễn Văn Cơ (Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng việc đổi mới này nhằm xây dựng tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và ngày càng hoạt động có hiệu quả hơn. Có phiên tòa tranh tụng đúng nghĩa sẽ giúp hội đồng xét xử có cơ sở để đưa ra phán quyết cuối cùng đúng người, đúng tội, không oan, sai.

Luật sư đang tranh luận với kiểm sát viên tại một phiên tòa lưu động ở quận 10, TP.HCM. Ảnh: HTD

Thẩm phán Nguyễn Thái Hiền (Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang) thì cho rằng tăng chất tranh tụng sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng mà không làm mất đi đặc trưng của mô hình tố tụng hiện có. Tranh tụng nâng chất xét xử, mà tòa xét xử tốt thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ con người, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, bảo vệ sự ổn định của xã hội và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Đúng thời điểm

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận xét việc hiến định nguyên tắc tranh tụng trong đợt sửa đổi Hiến pháp lần này là rất đúng thời điểm và mang nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ về mặt chủ trương thì các Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã nói từ lâu nhưng chuyển biến thực tế diễn ra khá chậm. Nếu được quy định trong Hiến pháp, hàng loạt các bộ luật, luật, văn bản dưới luật liên quan phải sửa đổi theo cho phù hợp và có giá trị thi hành bắt buộc với các chủ thể tiến hành tố tụng cũng như tham gia tố tụng.

Theo TS Hưng, về mặt pháp lý, nguyên tắc này tạo ra môi trường tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, văn hóa tranh tụng ngày càng tốt và hiệu quả hơn. Từ tòa, VKS cho đến luật sư, bị can, bị cáo đều thấy trách nhiệm của mình trong việc tranh luận để tìm ra bản chất vụ án. Về mặt xã hội, nó tạo ra sự dân chủ trong hoạt động xét xử, tăng niềm tin của người dân về chất lượng xét xử của tòa án.

Luật sư Nguyễn Hải Vân (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng phân tích: Về bản chất, việc hiến định nguyên tắc tranh tụng đồng nghĩa với việc nâng cao quyền con người trong tố tụng hình sự. Đó là quyền được bào chữa, được đưa ra lý lẽ, chứng cứ gỡ tội, giảm nhẹ… một cách công khai, minh bạch của bị can, bị cáo. Nó sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật tố tụng, đảm bảo quyền lợi của công dân và làm giảm tiêu cực.

Tranh tụng không chỉ là đối đáp tại phiên tòa

Các bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước đây chỉ quy định “nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”. Tuy nhiên, bản dự thảo sửa đổi mới nhất đã có sự thay đổi lớn khi quy định “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, việc tranh tụng không chỉ diễn ra tại phiên tòa mà rộng hơn, bao gồm cả ở các giai đoạn tố tụng khác. Quy định trong Hiến pháp nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là cơ sở hiến định cho việc quy định cụ thể nguyên tắc này trong các luật tố tụng. Do đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉnh sửa như trên.

Một số điểm mới tiến bộ khác trong dự thảo

● Việc bắt, giam giữ người do luật định (khoản 2 Điều 22).

● Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 32).

● Người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của người chưa thành niên hay vụ việc liên quan đến tranh chấp hôn nhân hoặc quyền giám hộ đối với trẻ em (khoản 2 Điều 32).

● Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạ m (khoản 3 Điều 32).

● Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý (khoản 4 Điều 32).

● Tòa thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 107).

● Tòa có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… (khoản 3 Điều 107).

● Xét xử theo thủ tục rút gọn (khoản 1, khoản 4 Điều 108).Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm (khoản 2 Điều 108).● TAND có thể xét xử kín trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ (khoản 3 Điều 108).

● Quyền bào chữa của bị can, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm (khoản 7 Điều 108).

● TAND Tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử (khoản 3 Điều 109)…

THANH TÙNG

Nguồn: Báo pháp luật Tp.HCM

KHIẾU NẠI BỒI THƯỜNG: ĐƯỜNG CÒN XA LẮM!

29/05/2013 – 06:00

Suốt ba năm qua, có đến 37/63 tỉnh, thành trên cả nước chưa thụ lý được yêu cầu bồi thường nào, kể cả những “điểm nóng” như Hà Nội, Hải Phòng, Long An, Bình Dương… dù lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gay gắt hằng năm vẫn tăng cao.

Ngày 28-5, sơ kết ba năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ưu tư: “Chắc nhiều đồng chí “phấn khởi” lắm vì ba năm qua địa phương mình chưa bồi thường vụ nào. Nhưng như thế có phù hợp với tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo không? Tôi chắc còn xa lắm. Còn bồi thường cho dân, thương lượng rồi nhưng thủ tục quá rườm rà nên chậm chi trả. Lúc trước có gì mà anh em phải hăng hái kê biên hai tàu cá làm người ta gia đình tan nát? Giờ ngày nào bà ở Quảng Ngãi ấy cũng ra… trực cổng nhà tôi hỏi chừng nào có tiền bồi thường!”.

Những con số “phấn khởi”

Theo báo cáo, sau ba năm thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tính đến ngày 31-12-2012, cả nước mới thụ lý 182 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, đã giải quyết 137 vụ việc, chi trả bồi thường hơn 23 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực quản lý hành chính thụ lý 56 yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 41 vụ việc; lĩnh vực thi hành án dân sự thụ lý 27 vụ việc, đã giải quyết 11 vụ việc; lĩnh vực tố tụng thụ lý 99 vụ, đã giải quyết 85 vụ.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét: “Chưa tin được con số báo cáo bồi thường trong thi hành án dân sự trong ba năm chỉ có 5,4 tỉ đồng. Vừa rồi, TAND Đồng Nai tuyên một cơ quan thi hành án dân sự phải bồi thường gần 2,6 tỉ đồng, ngành thi hành án và Bộ Tư pháp đều giật mình. Tình hình yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự rất phức tạp, số tiền yêu cầu chi trả trong mỗi vụ việc cũng khá lớn”.

Con số đáng chú ý kế tiếp là trong suốt ba năm qua, có đến 37/63 tỉnh, thành trên cả nước chưa thụ lý được yêu cầu bồi thường nào, kể cả những “điểm nóng” (Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Long An, Bình Dương…) dù lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gay gắt về thu hồi đất hằng năm vẫn tăng cao. Có 18/21 bộ, cơ quan ngang bộ cũng không hề thụ lý được yêu cầu bồi thường nào. Riêng Bộ Công an thụ lý hai yêu cầu bồi thường và đã giải quyết chi trả 180 tỉ đồng.

Cha con ông Vũ Đức Liêm, người vừa được TAND tỉnh Đồng Nai tuyên buộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom bồi thường gần 2,6 tỉ đồng. Ảnh: NGÂN NGA

Trong 99 vụ việc thuộc trách nhiệm bồi thường của các cơ quan tố tụng chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực tố tụng hình sự (91 vụ), còn trong tố tụng dân sự chỉ có tám vụ. Riêng ngành công an chỉ phát sinh một yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự. Thậm chí, ngành công an và ngành kiểm sát ở TP.HCM và Hà Nội trong ba năm qua cũng không phát sinh yêu cầu bồi thường nào.

Tại hội nghị, những con số “phấn khởi” trên đã gây nhiều băn khoăn không chỉ cho riêng Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị đã đặt dấu hỏi: Phải chăng cán bộ, công chức thực thi công vụ tốt nên không có thiệt hại, không có yêu cầu bồi thường? Vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo gay gắt nhưng người dân ít yêu cầu bồi thường?

Dân không biết về quyền đòi bồi thường

Kết quả khảo sát của Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường cho thấy: Trong lĩnh vực đất đai có 16% người dân không biết về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, tỉ lệ này lên tới 20%.

Theo Cục trưởng Cục Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh, nhiều ý kiến phản ánh là hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến người dân còn hạn chế. Trên thực tế, có không ít trường hợp thuộc diện được bồi thường nhưng do không biết luật nên người dân không yêu cầu. Đến khi biết luật thì lại hết thời hiệu yêu cầu…

Mặt khác, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tuy có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 nhưng các văn bản hướng dẫn quan trọng thì gần hai năm sau mới ban hành nên chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, hiện trong 840 công chức làm công tác bồi thường, có đến 803 công chức kiêm nhiệm, chỉ có 37 công chức chuyên trách. Do đó, tính ổn định và chuyên sâu về nghiệp vụ chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động này.

Thủ tục quá rườm rà

Giải đáp lý do vì sao trong ba năm qua TP Hà Nội không thụ lý yêu cầu bồi thường nhà nước nào, đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội trần tình: Thực tế, một số trường hợp khi phát hiện có sai phạm, làm trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân thì chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước đã chủ động áp dụng nhiều hình thức tự thương lượng, thỏa thuận bồi thường, khắc phục hậu quả nên không phát sinh yêu cầu bồi thường. Chẳng hạn huyện Mỹ Đức khi phát hiện xác định bồi thường hỗ trợ cho đất sai, UBND huyện đã báo cáo đề nghị UBND TP cấp thêm 50 tỉ đồng để chi trả thêm nên không phát sinh yêu cầu bồi thường. Hoặc vụ bà Birgit Schauer (quốc tịch Đức) khởi kiện hành chính yêu cầu Cục Thuế TP Hà Nội hoàn thuế thu nhập cá nhân và bồi thường chi phí đi lại 50 triệu đồng, sau khi thương lượng, giải quyết thỏa đáng, bà Birgit đã rút đơn khởi kiện…

“Có làm sai, có làm trái pháp luật, có gây thiệt hại, nhất là trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại Hà Nội, luật sư cũng rất nhiều, vì sao người dân không mời luật sư đi đòi bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước? Đó còn là vì thủ tục rườm rà nên người dân không lựa chọn cách ấy” – đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội thừa nhận.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng thủ tục đòi bồi thường nhà nước quá rườm rà, chưa phù hợp. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, trước tiên người bị thiệt hại phải thực hiện thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Như vậy là đặt thêm thủ tục cho người bị thiệt hại so với quy định của BLDS.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thì đề nghị Bộ Tài chính xem lại thủ tục cấp phát kinh phí để bồi thường nhanh hơn. “Thủ tục hiện nay chậm quá. Thỏa thuận với dân được mức bồi thường rồi nhưng dân phải chờ nhận tiền lâu quá” – bộ trưởng nhấn mạnh.

Tháo gỡ “rào cản” cho người bị thiệt hại

Ngày 27-5, trả lời phỏng vấn của Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ nhận xét bất cập lớn nhất trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường. Đó là quy định phải có văn bản xác định hành vi trái phát luật của người thi hành công vụ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Vì điều kiện này mà người bị thiệt hại gặp khó khăn. Nhiều yêu cầu bồi thường chưa được thụ lý vì đang trong quá trình khiếu nại, chờ cơ quan có thẩm quyền ra văn bản xác định hành vi trái pháp luật. Do đó, cần sớm bỏ quy định này.

Lao đao đi tìm công lý

TAND tỉnh An Giang đã hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ ông Nguyễn Văm Thêm (Mười Thêm, ngụ khóm Long Hưng 2, phường Long Sơn, thị xã Tân Châu) kiện đòi Công an huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bồi thường oan gần 4 tỉ đồng. Vụ việc được giao cho TAND thị xã Tân Châu giải quyết lại.

Theo TAND tỉnh, khoản 1 Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 20 của luật này, cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định hoặc kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường.

Do vậy, trong trường hợp này, sau khi thương lượng đã hết 15 ngày, cơ quan Công an huyện Hồng Ngự không ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật thì ông Thêm có quyền khởi kiện. TAND thị xã Tân Châu cho rằng chưa có văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật nên ông Thêm chưa đủ điều kiện khởi kiện rồi đình chỉ vụ án là không đúng quy định.

Theo hồ sơ, tháng 8-1990, TAND huyện Hồng Ngự xử phạt ông 12 tháng tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai. Tháng 9-1990, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu. Sau đó, công an huyện đã bỏ lửng vụ án. Mãi đến đầu năm 2010, cơ quan này mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm.

Sau hơn 20 năm đi tìm công lý, ông Thêm mới có được căn cứ chứng minh mình bị tù oan. Đến khi ông khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại thì bị TAND thị xã Tân Châu ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì không đủ điều kiện khởi kiện. Ông Thêm kháng cáo và gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng. Vừa qua, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) khẳng định có đủ căn cứ bồi thường cho ông. Cùng lúc, TAND tỉnh An Giang cũng ra quyết định như trên…

BÌNH MINH

(Nguồn: Báo pháp luật)