1a1c7a0ba8794f499343f3710b15a9ab_M

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI MUA NHÀ: CỬA ĐÃ CÓ, NHƯNG MỞ THẾ NÀO?

Người nước ngoài mua nhà: Cửa đã có, nhưng mở thế nào?

(Ngày đăng: 17-04-2013 11:35:57) “Người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam một mặt sẽ giúp chúng ta tiêu thụ những sản phẩm bất động sản, mặt khác sử dụng thêm được nhiều lao động”.

Phát biểu như vậy vào tối 14/4 vừa qua, trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đồng thời nhấn mạnh, chủ trương cho người nước ngoài mua nhà được xem là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các loại căn hộ thuộc phân khúc cao cấp.

Ông cho biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng và sau đó trình Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội, cố gắng trong năm 2013 sẽ trình Quốc hội.
Lâu nay, nhiều chuyên gia về bất động sản đã nhận xét, có một nguồn lực tài chính “cứu nguy” cho thị trường, không cần dùng đến gói cứu trợ của nhà nước, mà vẫn không bóp méo thị trường, đó là dòng tiền từ những người nước ngoài có nhu cầu thực về nhà ở lâu dài tại Việt Nam.
Chứng kiến tình hình nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng trong nước nói riêng và nghiên cứu thực tiễn các nước, ông Thân Thành Vũ – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản du lịch – hơn một lần nêu quan điểm, giá mà Việt Nam học tập được các nước láng giềng về việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở, kích thích phát triển du lịch và bất động sản nội địa.
Vị này so sánh, nhìn sự thành công của Malaysia trong triển khai chương trình Second Home (căn nhà thứ hai) mà “thèm muốn”. Theo đó, tòa căn hộ 30 tầng phục vụ chương trình này của Malaysia, chưa xây xong móng đã bán hết cho người Nhật. Lý do, người nước ngoài mua căn hộ này sẽ nhận được nhiều ưu đãi như được thẻ cư trú có thời hạn 10 năm, các thủ tục thường trú và đi lại dễ dàng.
Nếu như Malaysia cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản theo dạng thuê  50 năm, thì Thái Lan áp dụng 30 năm. Thủ tục sở hữu thuận lợi và chính sách quảng bá du lịch ưu việt, mỗi năm Thái Lan hay Malaysia đều thu hút trên dưới 20 triệu lượt khách du lịch, trong khi du lịch của Việt Nam tiềm năng ngang bằng thậm chí hơn, thì mỗi năm chỉ thu hút khoảng 5 triệu lượt khách – bằng 1/4 láng giềng.
Theo ông Vũ, đã thấy rõ thuận lợi, song một chương trình dạng như Second Home ở Việt Nam chưa triển khai được, vì cơ chế chưa mở cho cá nhân người nước ngoài sở hữu bất động sản.
“Nếu Nhà nước cải thiện cơ chế cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì chắc chắn ở lĩnh vực bất động sản cao cấp nói riêng, cả mấy chục ngàn căn hộ, biệt thự ứ hàng của mấy trăm doanh nghiệp không tiêu thụ nổi bởi thị trường trong nước, sẽ được giải phóng”, ông này nói.
Đại diện mảng đầu tư của Công ty Tư vấn tiếp thị bất động sản Colliers Việt Nam cũng nhận xét, trước và trong bối cảnh bế tắc, không có đầu ra của thị trường bất động sản, đơn vị này lại nhận được không ít nhu cầu của khách nước ngoài muốn sở hữu căn hộ tại Việt Nam.
Từ 4 năm trước, với việc ban hành Nghị quyết 19/2008/QH12, Quốc hội lần đầu tiên đã chính thức cho phép việc này, và sau đó không lâu, Chính phủ đã có Nghị định số 51/2009/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện, chủ trương cho phép tổ chức cá nhân Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam đã được chính thức thí điểm.
Tuy vậy, do những quy định rất chặt chẽ, những con số nhỏ bé (bình quân 85 trường hợp được mua nhà mỗi năm trên cả nước) qua 5 năm thực hiện thí điểm chủ trương này cho thấy, gần như không có tác động tới thị trường.
Theo một thống kê của Cục Đăng ký và thống kê (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến tháng 2/2013, cả nước chỉ có 427 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam theo con đường “chính thức”, tập trung chủ yếu ở Tp.HCM với 342 trường hợp.
Tuy nhiên, tín hiệu mới nhất từ các cơ quan Chính phủ hồi cuối tháng 3/2013 đã cho thấy các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bằng biện pháp phù hợp, trong đó có khả năng mở rộng hơn các quy định

Nguồn: VnEconomy

4a606feeb074f807e1a3d37a1e32f62f_M

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI MUA NHÀ TẠI VIỆT NAM: DỠ BỎ RÀO CẢN THỦ TỤC

Người nước ngoài mua nhà tại Việt nam: Dỡ bỏ rào cản thủ tục

23/04/2013 08:43 (GMT + 7) TT – Khẳng định nguồn cung cho thị trường người nước ngoài mua nhà là không thiếu, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà hiện nay là cần

 thiết và có lợi cho nền kinh tế.  Mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà sẽ có tác động tới thị trường bất động sản, đặc biệt ở phân khúc trung và cao cấp – Ảnh: T.T.D.

Ông Vũ Quang Hội, chủ tịch Bitexco, cho biết nhu cầu người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại VN hiện nay là rất lớn, đặc biệt là số lượng người Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ngại thủ tục

Hiện nay các dự án căn hộ cao cấp của Bitexco đều hướng đến phân khúc của những người có ý định ở VN lâu dài, phần đông họ là các tổng giám đốc và chuyên gia cao cấp đến từ nhiều nước. Tuy nhiên theo ông Hội, phần lớn những người có nhu cầu thực này dù có đủ điều kiện mua nhà cũng ngại khi thủ tục quá nhiêu khê, mất thời gian, và giải pháp họ đưa ra là nhờ người Việt đứng tên. “Chúng tôi có căn hộ tiêu chuẩn tại một số khách sạn lớn ở các khu trung tâm của TP.HCM và một số sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu khách quốc tế. Khi họ đến xem nhà rất hài lòng nhưng tới khâu pháp lý, thủ tục họ lại chần chừ… Bản thân doanh nghiệp chúng tôi khi thực hiện thí điểm gặp rất nhiều rào cản và thủ tục quá nhiều làm những người nước ngoài có đủ điều kiện cũng không muốn mua” – ông Hội cho hay.

Đồng quan điểm đó, ông Phan Thành Huy, tổng giám đốc Novaland, cho rằng đây là thời điểm thích hợp để mạnh dạn mở rộng các đối tượng cũng như các loại sản phẩm cho người nước ngoài được mua. Trước đây chúng ta chỉ giới hạn trong căn hộ, giờ nên mở rộng ra cả nhà đất. “Hiện nay khách hàng của chúng tôi ngay cả những người đáp ứng đủ điều kiện rồi nhưng khi làm thủ tục còn gặp rườm rà, phức tạp. Ví dụ như đi hợp thức hóa lãnh sự, công chứng… mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, sau khi đứng tên họ lại không được thế chấp, không được sở hữu như người Việt nên cũng e ngại” – ông Huy nói. Theo Novaland, hiện đơn vị này đang có các căn hộ từ trung tới cao cấp và sắp tới là các sản phẩm nhà phố và biệt thự.

Trong khi đó, theo ông Phùng Chu Cường – tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Phú Long, đối với các dự án Phú Long đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như khu biệt thự cao cấp Kim Long, biệt thự thương mại Ngân Long… thì đối tượng khách hàng tìm thuê là các chuyên gia, người nước ngoài, Việt kiều sống, làm việc tại TP.HCM và các vùng lân cận khá nhiều. Trong đó, một số dự án căn hộ cao cấp của công ty này đã tiếp nhận nhiều cư dân, chuyên gia nước ngoài, Việt kiều thuê mua.

“Cởi trói” chính sách

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, một thực tế hiện nay là số người mua nhà lên đến hàng chục ngàn người nhưng việc sở hữu nhà của họ lại qua trung gian người Việt. Nếu chúng ta mở rộng được thì cầu thị trường cũng được tháo gỡ, tạo lối thoát cho rất nhiều sản phẩm căn hộ trung cấp và cao cấp. Và để làm được điều này cần đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Ông Cao Sỹ Kiêm (đại biểu Quốc hội, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước) nói việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà là hợp lý vì vừa giải quyết được nhu cầu của khách hàng, vừa là cơ sở để giải quyết thị trường lành mạnh và đúng hướng. Đây cũng là cơ hội mở rộng vốn và thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều này các nước đã làm rồi và đòi hỏi thực tế của đất nước mình hiện nay là rất hợp lý. “Mặc dù thời gian qua mình thận trọng thí điểm, nhưng qua năm năm thí điểm thì những người đã mua được họ rất yên tâm và sử dụng tốt. Vấn đề hiện nay là dù đã có chủ trương nhưng hướng dẫn của ta không đầy đủ và thiếu rõ ràng, không thuận tiện cho người mua nhà” – ông Kiêm nói.

Ông Kiêm cho rằng đã đến lúc nên sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan để luật hóa việc người nước ngoài được mua nhà để ở tại VN, điều này nâng tầm tính pháp lý của vấn đề nhằm tạo ra sự ổn định và yên tâm cho đối tượng mua nhà. Theo một chuyên gia bất động sản, việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà chắc chắn sẽ tác động lên thị trường bất động sản, khiến thị trường sôi động hơn, khả năng giải quyết, huy động vốn vào lĩnh vực này tốt hơn.

Trong một diễn biến mới nhất, Chính phủ thông qua nghị quyết 48 yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở đối với người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại VN. Trước đó, phía Bộ Tài nguyên – môi trường, Bộ Kế hoạch – đầu tư có kiến nghị Chính phủ mở rộng các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại VN.

Các nước đã làm từ lâu

Hiện nay chính sách của nhiều nước trên thế giới tương đối giống nhau trong việc cho người nước ngoài mua nhà, đó là người nước ngoài có thể mua nhà nhưng không được phép mua nhà ở xã hội – nhà ở có trợ giá của Chính phủ.

Ví dụ tại Singapore, quá trình cho người nước ngoài mua nhà được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 chỉ cho người nước ngoài mua căn hộ, giai đoạn 2 được mua căn hộ, biệt thự và nhà gắn liền với đất tại những khu quy hoạch. Hay tại các nước lân cận như Campuchia, Myanmar, Thái Lan… việc người nước ngoài có thể sở hữu nhà cũng đã được thực hiện nhiều năm nay.

ĐÌNH DÂN

(Nguồn: Báo tuổi trẻ)

 

ccb4e23c8aa216f1e96d31ab209c036b_M

QUI TRÌNH TIẾP CÔNG DÂN CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Qui trình tiếp công dân của cơ quan hành chính Nhà nước

Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình tiếp công dân có hiệu lực thi hành từ 1/10/2011. Trong đó, quy định rõ người tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng nhân dân; lắng nghe công dân trình bày đầy đủ nội dung sự việc và giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình tiếp công dân có hiệu lực thi hành từ 1/10/2011. Trong đó, quy định rõ người tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng nhân dân; lắng nghe công dân trình bày đầy đủ nội dung sự việc và giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Người tiếp công dân phải có trang phục chỉnh tề, phải đeo thẻ, dán ảnh, ghi rõ cơ quan, họ tên, chức danh, số hiệu quy định.

Trường hợp công dân đến nơi tiếp công dân đang trong tình trạng say rượu, tâm thần hoặc có hành vi vi phạm nội quy tiếp công dân thì người tiếp công dân có quyền từ chối không tiếp, yêu cầu họ chấm dứt hành vi vi phạm. Nếu cần thiết, có thể lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với quy trình tiếp người khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện qua các bước là: Xác định nhân thân của người khiếu nại, tố cáo; nghe, ghi chép nội dung khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận thông tin, tài liệu; phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo.

Trong quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo; không được tiết lộ những thông tin có hại cho người tố cáo. Đồng thời, phải áp dụng những biện pháp cần thiết để đảm bảo cho người tố cáo không bị đe dọa, trù dập, trả thù.

Trường hợp có từ 5 người trở lên cùng đến nơi tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp công dân yêu cầu những người khiếu nại, tố cáo cử đại diện trình bày về nội dung vụ việc với người tiếp công dân.

Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước tiếp công dân theo định kỳ

Thông tư cũng quy định trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong việc trực tiếp tiếp công dân.

Cụ thể là, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo định kỳ quy định tại Điều 74, 76 của Luật Khiếu nại, tố cáo. Trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì giao cho cấp phó tiếp và thông báo công khai cho công dân biết người được thay mặt tiếp công dân.

Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước tiếp công dân khi có yêu cầu khẩn thiết trong những trường hợp khiếu nại, tố cáo gay gắt, phức tạp; khiếu nại, tố cáo nếu không chỉ đạo xem xét kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng của công dân, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tiếp công dân theo yêu cầu của cơ quan cấp trên.

Khi tiếp công dân, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo cho công dân. Nếu chưa trả lời công dân ngay được thì phải thông báo rõ thời gian giải quyết và thời gian trả lời cho công dân.

Theo Chinhphu.vn

c1572c59821062c96d0fc33ad32a2983_M

PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI LÀ CHUNG THẨM

Phán quyết của trọng tài thương mại là chung thẩm

Luật Trọng tài thương mại gồm 13 chương, 82 điều, quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài gồm: giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

Luật Trọng tài thương mại gồm 13 chương, 82 điều, quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài gồm: giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

Xác định mối quan hệ pháp lý giữa trọng tài thương mại với Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án

Đây là một trong những tâm điểm quan trọng nhất của Luật Trọng tài thương mại. Điều này sẽ tạo điều kiện để các cơ quan tư pháp và Hội đồng trọng tài cũng như các bên tranh chấp tránh được lúng túng trong các trường hợp cụ thể.
Theo luật, thẩm quyền của Tòa án được ghi nhận tại Điều 7 và một số điều khác đã ghi nhận những trường hợp hỗ trợ cụ thể của Tòa án đối với Trọng tài.

Thẩm quyền của Viện Kiểm sát được quy định tại điều 46 về thu thập chứng cứ, điều 47 về triệu tập người làm chứng, điều 53 về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, điều 71 về hủy phán quyết Trọng tài.

Thẩm quyền của cơ quan Thi hành án cũng đã được quy định tại Điều 8 của Luật.

Trọng tài thương mại không phải là doanh nghiệp mà là tổ chức xã hội – nghề nghiệp nên việc thành lập phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi được thành lập phải đăng ký hoạt động.

Phán quyết của Trọng tài thương mại là chung thẩm

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh, trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến nhất, với nhiều ưu điểm nổi bật như thời gian xử lý nhanh, nội dung tranh chấp được giữ bí mật, phán quyết của trọng tài là chung thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị.

Trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên có nhiều quyền định đoạt về việc được tự do lựa chọn trọng tài, quy tắc tố tụng, luật áp dụng, địa điểm, ngôn ngữ, thời gian tiến hành tố tụng trọng tài, quốc tịch của trọng tài viên.

Thẩm quyền của trọng tài thương mại bao gồm tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại và tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài thương mại… với hai hình thức hoạt động là trọng tài quy chế và trọng tài vụ việc.

Cũng theo quy định của luật này, tòa án xem xét hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên. Một trong các căn cứ khiến phán quyết trọng tài bị hủy là chứng cứ giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài…

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011

d3b3799d6611d677944f5f86a500beb3_M

KHÔNG BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO KHÁCH QUAN

Không bồi thường thiệt hại do khách quan

(SGGP).- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (có hiệu lực thi hành từ ngày 20-4-2010).

(SGGP).- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (có hiệu lực thi hành từ ngày 20-4-2010).
Theo nghị định, về nguyên tắc, Nhà nước chỉ bồi thường đối với các trường hợp thiệt hại được quy định trong phạm vi của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Không bồi thường thiệt hại xảy ra trong điều kiện vì người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền lợi ích của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

7d2898c3630feea92ec1553d16389ff6_M

ĐÀ NẴNG: ĐỔI MỚI VỊ TRÍ NGỒI TẠI PHIÊN XỬ

Đà Nẵng: Đổi mới vị trí ngồi tại phiên xử

11/05/2013 – 06:30

Theo chánh án TAND TP Đà Nẵng, việc đổi mới vị trí ngồi thể hiện tinh thần thay đổi mô hình xét xử theo hướng tranh tụng tiến bộ hơn.

Sự đổi mới mà TAND TP Đà Nẵng đang áp dụng rất cần được ngành tòa án cả nước nhân rộng ngay từ bây giờ.

Gần đây, TAND TP Đà Nẵng đã bố trí lại vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và luật sư tại phiên tòa hình sự. Theo đó, HĐXX (thẩm phán, các hội thẩm nhân dân) sẽ ngồi ở vị trí cao nhất và riêng biệt. Ngồi phía dưới và ngay trước HĐXX là bàn của thư ký ghi biên bản phiên tòa. Cũng ngồi phía dưới ngang hàng nhưng ở hai bên và đối diện nhau là bàn của đại diện VKS và bàn của luật sư.

Thể hiện sự bình đẳng trong tranh tụng

Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Quận (Chánh án TAND TP Đà Nẵng), việc đổi mới vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và luật sư chính là sự thể hiện của tinh thần thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng. HĐXX giữ vai trò tài phán nên phải ngồi ở vị trí biệt lập và cao nhất. Còn đại diện VKS và luật sư bào chữa lần lượt giữ các vai trò buộc tội và gỡ tội. Hai thành phần này có vai trò ngang nhau trong tố tụng nên cần phải ngồi ngang hàng nhau.

Trước đó, tại hội nghị triển khai công tác ngành tòa án TP Đà Nẵng năm 2013, Thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà (Chánh tòa Hình sự TAND TP Đà Nẵng) cũng từng nhận định: “Chỗ ngồi trong phiên tòa hình sự thể hiện trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng”. Theo Thẩm phán Hà, sự đổi mới về vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và luật sư mới đảm bảo được tính chất tài phán của tòa và sự bình đẳng trong tranh tụng giữa các bên buộc tội – gỡ tội.

Vị trí ngồi đổi mới tại một phiên tòa hình sự ở TAND TP Đà Nẵng. Ảnh: D.HẰNG

Cùng với sự thay đổi chỗ ngồi, TAND TP Đà Nẵng cũng đã có sự thay đổi rõ rệt trong cách thức xét hỏi tại phiên tòa hình sự. Trong phần xét hỏi, nếu trước đây chủ yếu do HĐXX trực tiếp xét hỏi bị cáo, người bị hại… thì nay HĐXX sẽ hạn chế hỏi, nhường quyền chủ động cho đại diện VKS. Khi nào có vấn đề còn khúc mắc, chưa được làm rõ thì chủ tọa phiên tòa hoặc các thành viên trong HĐXX mới yêu cầu đại diện VKS, luật sư tiếp tục xét hỏi để làm rõ vấn đề.

Theo Chánh án Quận, sự chuyển đổi từ mô hình xét xử xét hỏi sang xu hướng đề cao tính tranh tụng hơn này ban đầu ít nhiều cũng gặp khó khăn do đội ngũ thẩm phán, cán bộ tố tụng còn nặng thói quen cũ. Tuy nhiên, mọi thứ dần dần đã có sự thay đổi trong nội dung xét xử: Tính chất tranh tụng được nâng cao, tòa lấy kết quả tranh luận tại phiên tòa làm căn cứ tuyên án. “Cách thức này sẽ giảm triệt để vấn đề án tại hồ sơ, án bỏ túi” – Chánh án Quận khẳng định.

Cần nhân rộng

Hiện nay việc thay đổi cách thức xét hỏi, nâng cao tính tranh tụng, lấy kết quả tranh luận tại phiên tòa làm căn cứ tuyên án đã được áp dụng tại tất cả các tòa quận, huyện ở Đà Nẵng. Riêng việc đổi mới vị trí ngồi, trước mắt mới thực hiện tại TAND TP Đà Nẵng, sắp tới sẽ triển khai tại các tòa quận, huyện.

Chuyện vị trí ngồi của kiểm sát viên và luật sư đã gây ra khá nhiều tranh cãi từ trước tới nay. Gần chục năm trước, trong giai đoạn đầu của cải cách tư pháp, Pháp Luật TP.HCM cũng từng mở diễn đàn về vấn đề này. Thời điểm đó, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý, bạn đọc gửi về ủng hộ việc phải đổi mới vị trí ngồi như TAND TP Đà Nẵng đang áp dụng để đề cao sự bình đẳng trong tranh tụng.

Trong Đề án mô hình tố tụng hình sự Việt Nam do VKSND Tối cao đang chủ trì soạn thảo, các vấn đề về vị trí ngồi, cách thức xét hỏi, tranh luận… đều được ghi nhận theo xu hướng tiến bộ. Cho dù đây là chuyện của tương lai nhưng trước mắt, theo chúng tôi, sự đổi mới mà TAND TP Đà Nẵng đang áp dụng rất cần được ngành tòa án cả nước nhân rộng ngay từ bây giờ.

Khoảng gần ba năm trước, TAND tỉnh Bình Dương là tòa án đầu tiên trong cả nước đã tiến hành thí điểm việc thay đổi vị trí ngồi của HĐXX, kiểm sát viên, luật sư tại phiên tòa hình sự tương tự ở TAND TP Đà Nẵng. Rất tiếc là sau đó, dù được dư luận ủng hộ nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cuối cùng việc thí điểm này phải dừng lại.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia, đặc biệt là các luật sư cho biết rất hy vọng ngành tòa án Đà Nẵng sẽ thực hiện triệt để việc đổi mới này, đồng thời các địa phương khác cũng sẽ áp dụng vì một nền tố tụng tiến bộ và dân chủ hơn.

DƯƠNG HẰNG

(Theo Báo Pháp luật Tp.HCM)

1c16c516e210dd8881751624cc1315d7_M

BỊ GIỮ BẰNG LÁI, CÓ ĐƯỢC CHẠY TIẾP?

Bị giữ bằng lái, có được chạy tiếp?

20/07/2012 – 00:39

(PL)- Sau khi bị lập biên bản vi phạm “chở quá số người” và bị tạm giữ giấy phép lái xe thì tài xế tiếp tục chạy và gây ra tai nạn.

Công ty bảo hiểm từ chối thanh toán nhưng chủ xe không đồng ý, viện lẽ tài xế vẫn có quyền lái xe.

Ngày 10-7, Trung tâm Trọng tài quốc tế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa ông H. (TP Phan Rang, Ninh Thuận) với Công ty Bảo hiểm B.

Lái xe khi giấy phép đang bị tạm giữ

Theo trình bày của ông H., tháng 3-2011, ông có mua bảo hiểm cho chiếc ô tô mới của mình tại Công ty Bảo hiểm B. với thời hạn một năm.

Ngày 12-10-2011, tài xế T. là bạn của ông H. lái chiếc xe trên cùng ông đi công tác miền Trung. Khi đến địa phận tỉnh Phú Yên, tài xế bị CSGT Phú Yên lập biên bản vi phạm vì lỗi chở quá số người quy định trên buồng lái xe. CSGT tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) của tài xế và hẹn 10 ngày sau giải quyết. Liền sau đó, xe ô tô tiếp tục lưu thông đến Quảng Ngãi. Sáng 14-10, khi xe đến địa bàn thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa thì xảy ra tai nạn giao thông. Vụ tai nạn không gây thiệt hại gì về người nhưng khiến ô tô hư hỏng nặng phần đầu xe.

Sau khi Công an huyện Tư Nghĩa giải quyết tai nạn xong, ông H. đã yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả tổn thất. Tuy nhiên, công ty đã từ chối thanh toán bảo hiểm.

Sau khi bị tạm giữ GPLX, nhiều người vẫn tiếp tục lái xe và nếu bị CSGT “tuýt còi” thì họ trưng ra biên bản tạm giữ GPLX để thay thế.Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: HTD

Mỗi bên mỗi lẽ

Công ty nhận định vào thời điểm xảy ra tổn thất, người điều khiển xe đã không xuất trình được GPLX hợp lệ. Điều này là vi phạm nhiều quy định liên quan. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 20 Quyết định số 54/2007 của bộ trưởng Bộ GTVT, GPLX phải được mang theo người khi lái xe. Theo quy định tại Thông tư 126/2008 của Bộ Tài chính, nếu lái xe không có GPLX hợp lệ thì bị loại trừ bảo hiểm. Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới của Tổng Công ty Bảo hiểm B. cũng loại trừ bảo hiểm trong trường hợp “tại thời điểm xảy ra tai nạn, lái xe không có GPLX hợp lệ”. Ngoài ra, Công văn 1644/2009 của Cục Đường bộ VN có nêu “không có bất cứ giấy tờ nào có thể thay thế GPLX khi lái xe”.

Ông H. đã không đồng ý với các ý kiến nêu trên của công ty bởi lẽ sự thật thì tài xế có GPLX hợp lệ. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế chỉ bị tạm giữ GPLX để CSGT giải quyết việc vi phạm giao thông chứ không phải không có GPLX hay bị tước GPLX.

Trên thực tế, những trường hợp như của tài xế T. vẫn thường xuyên xảy ra. Sau khi bị tạm giữ GPLX, nhiều người vẫn tiếp tục lái xe và nếu bị CSGT tuýt còi thì họ trưng ra biên bản tạm giữ GPLX để thay thế. Đa số CSGT chấp nhận sự thay thế này và đã không xử phạt người lái xe hành vi “không có GPLX”. Chính vì lẽ đó mà nhiều người, trong đó có cả các chuyên gia pháp luật, đã có hai luồng ý kiến khác nhau về trường hợp của ông H. Bên cho rằng phía ông H. đúng, công ty bảo hiểm sai; bên cho rằng phía ông H. sai, công ty bảo hiểm đúng. Vậy theo bạn đọc thì ai đúng, ai sai?

Vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Theo điểm b khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và khoản 2 Điều 40 Thông tư số 07/2009 của Bộ Giao thông vận tải, người điều khiển phương tiện giao thông phải mang theo người GPLX phù hợp với hạng xe. Điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định 34/2010 của Chính phủ có quy định phạt tiền từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mang theo GPLX… Vì vậy, khi người lái xe bị cơ quan thẩm quyền tạm giữ GPLX nhưng vẫn điều khiển phương tiện trong tình trạng không có GPLX là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

Ông NGUYỄN VĂN QUYẾN, Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

(Theo Công văn số 4629 ngày 28-11-2011
của Tổng cục Đường bộ VN)

Được tiếp tục chạy

Theo quy định tại điểm n khoản 2 Điều 8 Nghị định 34/2012 của Chính phủ thì hành vi vi phạm để người ngồi trên buồng lái quá số người quy định không bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung (như tước GPLX). Theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung), trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Do không thuộc trường hợp này nên trong thời gian bị tạm giữ GPLX, tài xế T. vẫn được điều khiển phương tiện.

Trung tá ĐẶNG VĂN NAM,
Phó Trưởng Công an huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi

(Theo nội dung xác nhận ngày 4-11-2011
vào tờ tường trình của tài xế T.)

ÁI NHÂN

(Nguồn : Báo Pháp luật Tp.HCM)

b84c5756f6a889fa332015e4458021f9_M

2014, CHƯA XÂY DỰNG LUẬT BIỂU TÌNH

2014, chưa xây dựng Luật Biểu tình

24/05/2013 – 07:30

Ưu tiên phục vụ việc sửa đổi Hiến pháp, hoàn thiện luật tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng kinh tế.

Ngày 23-5, QH đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) trình bày tờ trình về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và năm 2014. Theo đó, Ủy ban TVQH không tán thành với đề xuất của Chính phủ đưa Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Căn cước của công dân, Luật Tiền lương tối thiểu… vào chương trình năm 2014.

Lý do được Ủy ban TVQH đưa ra là tại một kỳ họp QH chỉ có thể thông qua 10-13 luật. Trong khi đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được thông qua vào cuối năm 2013 nên năm 2014 sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các luật phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với các luật không được đưa vào chương trình làm luật 2014 kể trên, Ủy ban TVQH đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan vẫn tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và chuẩn bị để khi có điều kiện sẽ bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của từng năm cụ thể.

Được biết ngoài đề nghị của Chính phủ thì đại biểu QH TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) cũng đề nghị đưa Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8-2014. Ngoài ra, Chính phủ và Đoàn đại biểu QH tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị đưa Luật Trưng cầu ý dân vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp QH thứ 8-2014.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014. Ảnh: TTXVN

Tạm trú hai năm mới được nhập cư vào nội thành

Cùng ngày, QH cũng đã nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, dự thảo lần này đã sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương theo hướng: Công dân phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ một năm trở lên đối với khu vực ngoại thành và hai năm đối với khu vực nội thành. Đồng thời, phải có chỗ ở bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Dự thảo cũng bổ sung quy định “thoáng” hơn khi cho phép thông báo lưu trú thông qua mạng Internet, mạng máy tính. Tuy nhiên, việc quản lý sổ hộ khẩu thì bị “siết” lại bằng quy định: Sổ tạm trú chỉ có thời hạn tối đa 24 tháng (quy định hiện hành là không xác định thời hạn).

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như trên chỉ khiến phát sinh thêm thủ tục hành chính chứ không có hiệu quả gì trong việc quản lý tạm trú. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị không sửa đổi nội dung này mà giữ như quy định hiện hành để tránh tăng thêm thủ tục hành chính cho người dân.

Đề nghị ông Đinh Tiến Dũng làm Bộ trưởng Tài chính

Chiều 23-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình đề nghị QH xem xét phê chuẩn ông Đinh Tiến Dũng (hiện là tổng Kiểm toán Nhà nước) làm bộ trưởng Bộ Tài chính mới thay cho ông Vương Đình Huệ. “Trong quá trình công tác, ông Đinh Tiến Dũng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính đủ điều kiện để đảm nhận chức vụ bộ trưởng Bộ Tài chính” – Thủ tướng nói.

Ông Đinh Tiến Dũng sinh ngày 10-5-1961, trình độ cử nhân tài chính – kế toán, thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh, trình độ lý luận chính trị cao cấp. Ông từng đảm nhận chức vụ thứ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Trước đó, với 453/457 số đại biểu đồng ý, QH đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, ông Dũng hiện đang là tổng Kiểm toán Nhà nước. Do đó, nếu QH chấp thuận thì Ủy ban TVQH sẽ trình QH việc miễn nhiệm chức vụ hiện tại, sau đó trình QH bỏ phiếu để phê chuẩn ông Dũng vào chức vụ mới. Ngày mai (24-5), QH sẽ tiến hành việc bỏ phiếu miễn nhiệm đối với ông Đinh Tiến Dũng.

THÀNH VĂN

Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM

64337ffeaae67237594d79a8ceda7ce6_M

TRANH TỤNG MỚI CÓ CÔNG LÝ

Tranh tụng mới có công lý

28/05/2013 – 06:25

Nếu coi tranh tụng là nguyên tắc căn bản, xuyên suốt của hoạt động tố tụng thì kiểm sát viên không thể tiếp tục chịu sự chỉ đạo của viện trưởng.

Thảo luận ngày 27-5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của viện trưởng VKSND dễ triệt tiêu nguyên tắc tranh tụng.

Theo đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), quy định như trên là không hợp lý. “Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát viên theo luật mà làm nhưng viện trưởng chỉ đạo theo hướng khác thì sao? Cái này thực tế đã xảy ra rất nhiều rồi và nhiều cá nhân đã đứng trên cả pháp luật để chỉ đạo những điều sai trái”. Ông Diệu cho rằng pháp luật là tối thượng và không một ai có quyền đứng trên pháp luật nên cần phải bỏ quy định kiểm sát viên chịu sự chỉ đạo về mặt tố tụng của viện trưởng.

Tố tụng không phải là hành chính

Chung nỗi băn khoăn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Trong một vụ việc nào đó, kiểm sát viên bảo như thế này mới đúng pháp luật, khi báo cáo thì viện trưởng lại bảo thế kia mới đúng. Thế thì sẽ xử lý sao? Cái này đã xảy ra nhiều rồi và đã có những viện trưởng thực hiện không đúng quy định của pháp luật”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng kiểm sát viên không thể chịu sự chỉ đạo về mặt tố tụng của viện trưởng. Ảnh: HTD

Là thành viên Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho rằng kiểm sát viên không thể chịu sự chỉ đạo về mặt tố tụng của viện trưởng. “Cái này không thể quy về hành chính. Hành chính là anh thống nhất từ trên xuống. Còn đây là tố tụng, là chuyên môn. Nếu mệnh lệnh hành chính cả trong tố tụng, như vậy thì kiểm sát viên phải nghe ông viện trưởng, ông viện trưởng ở dưới lại phải nghe ông viện trưởng bên trên. Thế thì cần gì kiểm sát viên ra tòa nữa. VKS cứ đưa cáo trạng, bản luận tội cho chủ tọa phiên tòa đọc là xong. Rồi luật sư nói giời, nói bể thì ông công tố cũng chẳng cần đối đáp vì “cấp trên tôi đã chỉ đạo như thế rồi, tôi không tranh luận lại với anh”.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lại không tán thành các lập luận trên. Bà cho biết khác với tòa án được tổ chức theo cấp xét xử độc lập, VKS hiện được thiết kế theo mô hình, nguyên tắc tập trung thống nhất toàn ngành. Giờ muốn lật lại, để kiểm sát viên giống như thẩm phán – độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thì phải bàn cho kỹ lưỡng.

Có tranh tụng, công lý mới được thực thi

Trở lại với nguyên tắc tranh tụng, vốn được các Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị đề cao, Bộ trưởng Cường nhận xét: “Tranh tụng có nghĩa tòa án nghe là chính. Anh nghe xem đại diện VKS truy tố, luận tội và nghe luật sư phản biện, biện hộ, bảo vệ thân chủ thế nào. Nếu anh thấy rằng đại diện VKS nói đúng pháp luật thì anh xử người ta có tội; còn nếu VKS chưa vững chắc và ý kiến của luật sư là đúng thì căn cứ vào các quy định của pháp luật anh tuyên người đó vô tội”.

Theo Bộ trưởng Cường, nếu coi tranh tụng là nguyên tắc căn bản, xuyên suốt của hoạt động tố tụng thì kiểm sát viên không thể tiếp tục chịu sự chỉ đạo của viện trưởng. “Trong báo cáo kiến nghị Hiến pháp của Chính phủ cũng đề xuất bỏ quy định này. Tòa xử phải trên cơ sở tranh tụng thì công lý mới được thực thi” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến quyền tư pháp, theo Bộ trưởng, Hiến pháp không nên đặt chung VKS trong chương TAND. “Nếu chúng ta đã thừa nhận tòa án nắm quyền tư pháp thì nên xem xét lại vị trí đặt VKS. Đất nước chỉ có một quyền lực tư pháp. Theo tôi, nên đặt VKS ở chương các thiết chế hiến định, cùng với kiểm toán, Hội đồng Hiến pháp”.

Cùng với xu hướng khẳng định tòa là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cần tính toán, chuyển đổi dần để VKS tập trung vào chức năng thực hành quyền công tố – điều mà Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã đặt ra từ lâu, lẽ ra lộ trình 2010 đã phải thực hiện. “Đó là quá trình cải cách mang tính cơ bản. VKS khi tập trung vào chức năng công tố sẽ dần trở thành cơ quan chỉ huy về điều tra. Lúc ấy, VKS sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình tội phạm của đất nước. Còn như hiện nay rất cắt khúc, VKS hoàn toàn bị động trong công tác phòng, chống tội phạm” – Bộ trưởng Cường nói.

Bỏ quyền kháng nghị của VKS

Ở trước tòa, VKS cũng chỉ là một bên tranh tụng, còn tòa án là quyền lực tư pháp, đại diện cho công lý. Nhưng nhiều khi VKS “đè” cả ý kiến của tòa án bằng cái kháng nghị. Vậy nên tòa xử khác công tố là bị kháng nghị ngay. Như thế chúng ta đã đặt tòa án xuống một vị trí quá thấp, mất hết đi tính uy nghiêm của nhà nước pháp quyền. Ngoài ra, giao cho VKS kiểm sát lại hoạt động tòa án là không nên. Mô hình tư pháp của ta vốn học của Nga, Đông Âu nhưng nay các nước này trong quá trình chuyển đổi đã không cho VKS quyền kháng nghị bản án của tòa án nữa.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp HÀ HÙNG CƯỜNG

Không nên quy định tòa thực hiện quyền tư pháp

Tôi rất băn khoăn với quy định mới trong dự thảo là trao cho TAND thực hiện quyền tư pháp. Vậy thì các quyền năng mà VKS, cơ quan điều tra đang thực hiện có phải tư pháp không hay chỉ là hoạt động tư pháp? Hoạt động tư pháp khác gì với quyền tư pháp? Tên Bộ Tư pháp có còn phù hợp nữa không?

Trong đặc thù thể chế của ta, lâu nay vẫn coi tất cả cơ quan tiến hành tố tụng là thực hiện quyền tư pháp. Nay thêm một chữ như thế cho tòa, sẽ rất rối. Vậy nên đề nghị giữ như Hiến pháp 1992.

Về quy định kiểm sát viên chịu sự lãnh đạo của viện trưởng thì đó bắt nguồn từ nguyên tắc tổ chức tập trung toàn ngành. Viện trưởng cấp trên có quyền rút truy tố của viện trưởng cấp dưới. Kèm theo đó, để hạn chế nguy cơ tập quyền quá mức vào viện trưởng, Hiến pháp 1992 hiến định thêm cơ chế Ủy ban kiểm sát – tức kết hợp cả lãnh đạo tập thể và vai trò cá nhân. Thế nhưng Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lại bỏ cơ chế này. Như thế là phá vỡ tính tổng thể của mô hình vận hành, kiểm soát quyền lực trong ngành kiểm sát.

Ý kiến thảo luận tổ ĐBQH chiều 27-5 của
Viện trưởng VKSND Tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH

THÀNH VĂN

(Nguồn : Báo pháp luật)

CỐ TÌNH “KHÁNG LỆNH” ÁN TÒA

Sau khi quyết định của cấp dưới bị tòa tuyên hủy, cấp trên lại ra quyết định khác có nội dung… y chang quyết định của cấp dưới nên bị tòa tuyên hủy một lần nữa.

Ngày 27-6, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy quyết định của Cục Hải quan tỉnh Long An trong việc truy thu thuế Công ty An Hóa. Lý do: Quyết định này có nội dung chồng lấn lên bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Cạnh đó, thái độ của người bị kiện trong việc chấp hành pháp luật cũng bị tòa lên án.

Quyết định của Chi cục Hải quan huyện Bến Lức và quyết định của Cục Hải quan tỉnh Long An có nội dung y chang nhau. Ảnh: HY

Luật cho miễn nhưng chi cục đòi thu

Tháng 8-2008, Chi nhánh Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Xuất khẩu An Hóa (gọi tắt là Công ty An Hóa) được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án hệ thống kho lạnh 16.000 tấn. Theo dự án, doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định 149/2005 (quy định chi tiết thi hành luật này).

Để thực hiện dự án đầu tư, Công ty An Hóa đã tiến hành nhập khẩu máy móc, thiết bị, trong đó có Panel cách nhiệt vách và trần, được nhập khẩu với mức thuế suất 0%. Dự án kho lạnh sau đó đã được công ty đưa vào hoạt động từ tháng 8-2009.

Tháng 12-2009, Chi cục Hải quan huyện Bến Lức (Long An) đã ban hành Quyết định số 96 ấn định thuế với lô hàng nhập khẩu Panel trên, buộc Công ty An Hóa phải nộp đủ hơn 2,8 tỉ đồng tiền thuế (gồm hai loại thuế nhập khẩu và thuế GTGT) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký.

Công ty An Hóa khiếu nại và bị bác đơn với lý do dự án của công ty không thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư theo Nghị định 108/2006 và mặt hàng Panel cách nhiệt được áp mã đúng theo Thông tư 85/2003 của Bộ Tài chính.

Quyết định mới đè lên án tòa

Không đồng ý, Công ty An Hóa đã nộp đơn khởi kiện, yêu cầu TAND tỉnh Long An hủy quyết định ấn thuế của Chi cục Hải quan huyện Bến Lức. Xử sơ thẩm hồi tháng 2-2011, TAND tỉnh Long An nhận định dự án kho lạnh của Công ty An Hóa thuộc trường hợp được hưởng ưu đãi đầu tư. Việc chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bến Lức không chấp nhận khiếu nại của Công ty An Hóa vì cho rằng dự án không thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư là không có căn cứ và không phù hợp pháp luật. Đồng thời, mặt hàng Panel cách nhiệt vách và trần mà Công ty An Hóa nhập được miễn thuế nhập khẩu và không thu thuế GTGT là có căn cứ và đúng quy định. Từ đó, TAND tỉnh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty An Hóa, tuyên hủy quyết định của Chi cục Hải quan huyện Bến Lức.

Chi cục Hải quan huyện Bến Lức kháng cáo. Tháng 7-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng đồng tình với nhận định của cấp sơ thẩm nên đã bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tưởng chuyện đã xong, không ngờ gần một năm sau, tháng 6-2012, Cục Hải quan tỉnh Long An ra Quyết định số 133 để ấn thuế với Công ty An Hóa với nội dung… y như quyết định đã bị hủy của Chi cục Hải quan huyện Bến Lức.

Công ty An Hóa lại phải khiếu nại rồi lại bị bác đơn. Không biết làm sao, công ty này đành phải nộp đơn khởi kiện lần nữa để yêu cầu TAND tỉnh Long An hủy Quyết định số 133 của Cục Hải quan tỉnh.

Thắng kiện lần hai nhưng vẫn lo

Tuy nhiên, xử sở thẩm, TAND tỉnh Long An lại cho rằng Quyết định 133 của Cục Hải quan tỉnh là có căn cứ nên bác yêu cầu khởi kiện của Công ty An Hóa. Vì thế, người bị kiện và VKS tỉnh Long An lần lượt có kháng cáo và kháng nghị bản án, yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm qua, đại diện Cục Hải quan tỉnh vẫn khăng khăng cho rằng quyết định của cơ quan mình là đúng. Vị này lập luận: Chi cục Hải quan huyện ra quyết định sai và đã bị hủy, chi cục này đã chấp hành bản án của tòa. Còn quyết định của Cục Hải quan tỉnh là khác, hải quan tỉnh hoàn toàn có quyền khác trong kiểm tra, tiến hành truy thu thuế…

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định Quyết định 133 của Cục Hải quan tỉnh Long An giải quyết lại một vụ việc đã được tòa xét xử và bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật là không đúng luật. Việc ra quyết định mới của Cục Hải quan tỉnh là vi phạm Điều 247 Luật Tố tụng hành chính. Từ đó, tòa tuyên sửa án sơ thẩm, hủy quyết định của Cục Hải quan tỉnh.

“Không biết sau phiên tòa này liệu doanh nghiệp chúng tôi đã được yên chưa hay lại tiếp tục bị hành và phải theo hầu kiện nữa…” – đại diện Công ty An Hóa nói.

HOÀNG YẾN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)